Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, các biểu hiện như nôn ói, tiêu chảy, sốt hoặc mệt mỏi toàn thân có thể xuất hiện khiến phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xử trí đúng cách và an toàn tại nhà. Bài viết sẽ cung cấp thông tin cần biết về cách nhận biết ngộ độc thực phẩm ở trẻ em, đồng thời hướng dẫn phụ huynh những bước xử lý ban đầu hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.
Dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm ở trẻ em thường xuất hiện sau vài giờ hoặc trong vòng vài ngày sau khi ăn phải thực phẩm hoặc nước uống không đảm bảo an toàn. Tùy theo mức độ nhiễm độc và tác nhân gây bệnh, các triệu chứng có thể khác nhau nhưng thường bao gồm:
- Trẻ thường bị đau bụng quặn, buồn nôn, nôn mửa liên tục, tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
- Ho khan hoặc có đờm, thở nhanh, khó thở, tím tái ở môi và đầu chi.
- Trẻ có thể xuất hiện run cơ, run tay chân, co giật, yếu cơ, mất phản xạ, thậm chí liệt nếu không được xử trí kịp thời. Trường hợp nặng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, hôn mê.
- Tăng tiết dịch biểu hiện qua nước dãi chảy nhiều, đổ mồ hôi bất thường, tăng tiết đờm nhớt, dịch tiêu hóa.

Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm như mất nước, suy tuần hoàn hay nhiễm trùng huyết.
Cách sơ cứu cho trẻ khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi trẻ có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm, sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ giúp hạn chế biến chứng nguy hiểm và tăng khả năng hồi phục. Cách xử lí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm được thực hiện như sau:
- Ngừng ngay việc cho trẻ sử dụng thực phẩm.
- Gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
- Đặt trẻ nằm nghiêng nếu đang nôn, tuyệt đối không để trẻ nằm ngửa khi đang nôn vì dễ gây sặc chất nôn vào đường thở. Nếu dịch nôn trào lên mũi, cần dùng dụng cụ hút mũi chuyên dụng để làm sạch.
- Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ dung dịch Oresol hoặc nước lọc để bù nước.
- Xử lý khi trẻ sốt.
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm có sao không? Nguyên nhân trẻ em bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em là một tình trạng cấp cứu tiêu hóa tiềm ẩn nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Do hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, các tác nhân gây bệnh có thể nhanh chóng làm suy giảm thể trạng, dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm trùng toàn thân, thậm chí gây suy đa cơ quan hoặc tử vong nếu không được điều trị đúng cách.

Phần lớn các ca ngộ độc thực phẩm ở trẻ có liên quan đến việc ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm chưa nấu chín kỹ hoặc bị nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, các ký sinh trùng như Giardia lamblia, Cryptosporidium, Entamoeba histolytica, hoặc độc tố do Bacillus cereus cũng là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ em.
Chăm sóc cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, phụ huynh cần chú ý đến các yếu tố sau:
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, hệ tiêu hóa của trẻ bị tổn thương và rất nhạy cảm. Vì vậy, trẻ nên được ăn các món ăn dễ tiêu hóa, ít chất béo và không gây kích ứng ruột.
- Ưu tiên cháo loãng, súp, khoai nghiền, cơm nát.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không ép trẻ ăn nhiều cùng lúc.
- Bổ sung rau xanh, sữa chua không đường và trái cây mềm.
- Tránh thức ăn chiên rán, cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế sữa và chế phẩm từ sữa trong giai đoạn trẻ còn tiêu chảy.
Bổ sung nước và điện giải
Nôn mửa và tiêu chảy khiến trẻ mất nước nghiêm trọng. Vì vậy, cha mẹ nên:
- Cho trẻ uống Oresol theo hướng dẫn hoặc nước ấm pha muối loãng.
- Ưu tiên nước lọc, nước dừa, nước cháo loãng hoặc nước ép trái cây pha loãng.
- Tránh cho trẻ uống nước ngọt có gas, nước đá hoặc đồ uống có caffeine.
Nghỉ ngơi hợp lý và theo dõi sát sao
Hệ miễn dịch và thể lực của trẻ cần thời gian để phục hồi. Nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và cải thiện nhanh chóng các triệu chứng. Vì thế, cha mẹ nên:
- Cho trẻ nằm nghỉ trong phòng thoáng khí, yên tĩnh.
- Tránh cho trẻ vận động mạnh trong thời gian hồi phục.
- Theo dõi sát các dấu hiệu bất thường như sốt cao kéo dài, mệt lả, co giật.
- Nếu có dấu hiệu nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Lưu ý và cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ở trẻ em
Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em là tình trạng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được phòng ngừa và xử trí kịp thời. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng dẫn con thực hành các thói quen ăn uống lành mạnh từ sớm. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng trong phòng ngừa:
- Rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với vật nuôi.
- Vệ sinh kỹ chén bát, dao thớt và dụng cụ chế biến bằng nước nóng và xà phòng.
- Không sử dụng sữa tươi chưa tiệt trùng hoặc thực phẩm có thành phần từ sữa chưa qua xử lý nhiệt.
- Tránh để thực phẩm sống và chín tiếp xúc trực tiếp với nhau.
- Luôn bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp, đặc biệt là các loại thịt, cá, hải sản.
- Ưu tiên lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc, có hạn sử dụng rõ ràng.
- Nấu chín kỹ thực phẩm, đặc biệt là thịt, trứng và hải sản.
- Tuyệt đối không dùng thức ăn có dấu hiệu ôi thiu, biến chất.
- Rã đông thực phẩm đúng cách: trong tủ lạnh, lò vi sóng hoặc nước lạnh (có bao bọc), không rã đông ở nhiệt độ phòng.
- Chỉ sử dụng nước uống đã được đun sôi hoặc xử lý đạt chuẩn an toàn.

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra những lo lắng lớn các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nếu được phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách, trẻ có thể phục hồi nhanh chóng mà không để lại biến chứng. Qua bài viết này, hy vọng quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân, dấu hiệu, cách xử trí cũng như phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ở trẻ, từ đó giúp con có một môi trường ăn uống an toàn, lành mạnh hơn mỗi ngày.