Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất ngờ sau khi ăn phải thức ăn ôi thiu, nhiễm khuẩn hoặc không đảm bảo vệ sinh. Tình trạng này thường gây ra các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt… khiến người bệnh mệt mỏi và suy kiệt nhanh chóng. Vậy bị ngộ độc thực phẩm nên làm gì để giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế biến chứng? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách xử trí tại nhà an toàn khi gặp tình huống này.
Dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng rối loạn tiêu hóa do ăn phải thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất độc hại. Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi ăn và có thể kéo dài trong 1-2 ngày. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các biểu hiện có thể tiến triển nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm thường gặp:
- Buồn nôn và nôn mửa: Là phản ứng thường thấy khi cơ thể cố gắng loại bỏ độc tố ra ngoài.
- Tiêu chảy cấp: Phân lỏng, đi ngoài nhiều lần trong ngày, có thể kéo dài vài ngày.
- Đau bụng quặn: Đặc biệt ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn, thường đi kèm tiêu chảy hoặc đầy hơi.
- Chóng mặt, mệt mỏi, hoa mắt.
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao.
- Khó thở, thở nhanh hoặc thở nông.
- Khô môi, da mất đàn hồi, mắt trũng, tiểu ít hoặc không tiểu.
- Nhịp tim nhanh hoặc tụt huyết áp.
- Phân có máu hoặc chất nhầy.
- Rối loạn tri giác.
- Co giật hoặc dấu hiệu thần kinh bất thường.
Bị ngộ độc thực phẩm nên làm gì? Cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm tại nhà
Khi gặp tình huống ngộ độc thực phẩm nhẹ, việc sơ cứu đúng cách tại nhà sẽ giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Vậy bị ngộ độc thực phẩm nên làm gì? Dưới đây là một số cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà được khuyến cáo bởi các chuyên gia y tế:
Đưa người bệnh nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh
Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bị ngộ độc, cần cho người bệnh ngưng ăn và nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí, sạch sẽ. Nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể có thời gian hồi phục và tránh tiêu hao thêm năng lượng.
Bù nước và điện giải
Tình trạng buồn nôn và tiêu chảy có thể làm mất nước và chất điện giải nhanh chóng. Vì vậy, cách trị ngộ độc thực phẩm nhanh nhất cần cho người bệnh là:
- Uống từng ngụm nhỏ nước ấm, nước lọc sạch.
- Bổ sung oresol hoặc các dung dịch điện giải theo đúng hướng dẫn.
- Có thể thay thế bằng nước cháo loãng, nước súp hoặc nước ép hoa quả không đường, tùy theo khả năng hấp thu của người bệnh.

Sử dụng men vi sinh
Men vi sinh (Probiotic) giúp khôi phục hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giảm triệu chứng tiêu chảy và đầy bụng. Đây là một trong những cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà an toàn và hiệu quả, đặc biệt với ngộ độc do rối loạn vi sinh đường ruột.
Dùng thực phẩm dễ tiêu và nhạt vị
Khi người bệnh đã qua giai đoạn nôn cấp tính và có thể ăn uống trở lại, chế độ dinh dưỡng cần đặc biệt chú trọng để hỗ trợ quá trình hồi phục. Người nhà nên ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ như cháo trắng, cơm nhão hoặc súp loãng để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, các thực phẩm giàu kali và tinh bột như chuối chín, khoai tây luộc hoặc bột yến mạch là lựa chọn phù hợp để cung cấp năng lượng và bù lại khoáng chất đã mất. Trong giai đoạn này, cần tuyệt đối tránh các món ăn cay nóng, chua, quá ngọt hoặc chứa nhiều chất xơ vì có thể kích thích đường ruột, làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa.
Một số biện pháp hỗ trợ từ y học cổ truyền
Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm nhẹ? Một số cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm bằng phương pháp dân gian có thể áp dụng nếu triệu chứng nhẹ:
- Trà gừng ấm hoặc nước mật ong pha loãng giúp làm dịu niêm mạc tiêu hóa, giảm buồn nôn.
- Trà bạc hà giúp giảm đầy hơi, đau bụng nhẹ.
- Tỏi tươi nghiền nhỏ có tác dụng kháng khuẩn nhẹ nhờ chứa allicin, tuy nhiên chỉ nên dùng với người lớn và không có bệnh lý dạ dày.

Lưu ý và cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Ngoài các lưu ý khi bị ngộ độc thực phẩm nên làm gì kể trên, để phòng tránh hiệu quả, mọi người cần lưu ý các nguyên tắc sau:
- Lựa chọn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc rõ ràng: Ưu tiên mua thực phẩm còn tươi, không dập nát, không có dấu hiệu biến đổi màu sắc, mùi vị. Các loại thịt, hải sản nên được bảo quản lạnh đúng cách trước khi chế biến.
- Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn hoặc có dấu hiệu ôi thiu: Các sản phẩm có bao bì rách, phồng, rỉ dịch hay có mùi lạ cần được loại bỏ ngay để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Không tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu: Vi khuẩn có thể tiếp tục phát triển ngay cả ở nhiệt độ thấp. Thực phẩm bảo quản lâu ngày nên được phân loại, ghi chú ngày bảo quản và sử dụng đúng thời gian khuyến cáo.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn trong chế biến thực phẩm: Tách biệt rõ ràng giữa thực phẩm sống và chín. Sử dụng thớt riêng, dao riêng cho từng loại thực phẩm. Luôn rửa tay kỹ bằng xà phòng trước và sau khi nấu ăn.
- Tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”: Mọi thực phẩm cần được nấu chín kỹ, đặc biệt là thịt, trứng, hải sản. Nước uống nên đun sôi hoặc sử dụng nguồn nước đã qua xử lý đạt chuẩn.
- Chú ý đặc biệt đối với nhóm có nguy cơ cao: Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy giảm cần thận trọng hơn trong lựa chọn và chế biến thực phẩm.
- Không ăn hàng quán không đảm bảo vệ sinh: Hạn chế sử dụng thực phẩm đường phố không rõ nguồn gốc hoặc được chế biến trong điều kiện kém vệ sinh.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để trả lời cho câu hỏi “Bị ngộ độc thực phẩm nên làm gì?” cũng như hướng dẫn các cách xử trí tại nhà an toàn. Chủ động chăm sóc và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng và phòng tránh được những biến chứng không mong muốn.