Nhịp tim là số lần tim đập trong một phút và là một chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, nhịp tim có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, mức độ hoạt động thể chất, trạng thái cảm xúc và sức khỏe. Vậy, mạch bao nhiêu là bình thường và những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến nhịp tim? Cùng tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây.
Mạch bao nhiêu là bình thường?
Mạch bao nhiêu là bình thường? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi theo dõi sức khỏe tim mạch của bản thân. Theo các chuyên gia y tế, mạch bình thường của người trưởng thành khi nghỉ ngơi thường dao động trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp/phút. Một trái tim khỏe mạnh thường có nhịp mạch lý tưởng khoảng 60-80 nhịp/phút. Tuy nhiên, vẫn có những người có nhịp tim chậm hơn hoặc nhanh hơn một cách tự nhiên mà không kèm theo bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào. Mạch đập cũng thay đổi theo độ tuổi và thể trạng từng người.

Cụ thể, số đo mạch bình thường theo từng độ tuổi như sau:
- Trẻ sơ sinh: 120-140 lần/phút;
- Trẻ 1 tuổi: 100-130 lần/phút;
- Trẻ 5-6 tuổi: 90-100 lần/phút;
- Trẻ 10-15 tuổi: 80-90 lần/phút;
- Người lớn: 60-80 lần/phút;
- Người già: 60-70 lần/phút.
Nhịp mạch có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, mức độ vận động, tình trạng sức khỏe và cảm xúc. Đặc biệt, khi tuổi tác tăng lên, nhịp tim cũng có xu hướng biến động nhiều hơn, phản ánh những thay đổi sinh lý trong cơ thể.
Nếu nhịp mạch khi nghỉ ngơi giảm xuống dưới 40 nhịp/phút hoặc vượt quá 120 nhịp/phút, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bất thường. Khi đó, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe tim mạch.
Những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim
Khi tìm hiểu mạch bao nhiêu là bình thường, chúng ta cần lưu ý rằng nhịp tim có thể thay đổi dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Mỗi người có thể có nhịp tim dao động trong một khoảng nhất định tùy vào tình trạng sức khỏe và lối sống.
Một số yếu tố phổ biến ảnh hưởng đến nhịp tim bao gồm:
- Giới tính: Phụ nữ thường có nhịp tim nhanh hơn nam giới khoảng 7-8 nhịp mỗi phút.
- Tuổi tác: Khi tuổi càng cao, nhịp tim lúc nghỉ ngơi có xu hướng chậm lại.
- Thời gian trong ngày: Vào buổi chiều, nhịp tim thường nhanh hơn so với buổi sáng.
- Ăn uống: Sau ăn, nhịp tim có thể tăng do cơ thể đẩy mạnh quá trình chuyển hóa, đặc biệt khi sử dụng chất kích thích như caffeine hoặc rượu.
- Vận động: Khi tập luyện, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn, khiến tim đập nhanh để tăng cường lưu thông máu.
- Tâm lý, cảm xúc: Căng thẳng, lo âu hay phấn khích đều có thể làm tăng nhịp tim.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc kích thích có thể làm tăng nhịp tim, trong khi thuốc an thần hoặc chẹn bê-ta có thể làm chậm lại.
- Mất nước: Mất nước là nguyên nhân phổ biến khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Khi thiếu nước, thể tích máu giảm, dẫn đến nhịp tim tăng để duy trì lưu lượng tuần hoàn.
- Sốt, nhiễm trùng: Khi bị sốt hoặc nhiễm trùng, cơ thể cần nhiều oxy hơn để chống lại tác nhân gây bệnh. Điều này buộc tim đập nhanh hơn để vận chuyển oxy và các tế bào miễn dịch đến các mô, cơ quan. Các loại virus như cúm, Covid-19 cũng thường khiến nhịp tim tăng cao bất thường.

Mạch bao nhiêu là bất thường?
Khi tìm hiểu "Mạch bao nhiêu là bình thường?", bạn sẽ thấy nhịp tim ổn định ở người trưởng thành thường dao động từ 60-100 lần/phút. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhịp mạch vượt ra ngoài ngưỡng này có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Mạch đập nhanh
Khi mạch đập vượt quá 100 lần/phút trong trạng thái nghỉ ngơi, đó được xem là nhịp tim nhanh bất thường. Các dấu hiệu kèm theo có thể bao gồm đánh trống ngực, chóng mặt, ngất xỉu hoặc khó thở. Nguyên nhân có thể do căng thẳng, sốt, thiếu máu, mất nước, rối loạn tuyến giáp, sử dụng chất kích thích (caffeine, rượu, nicotine) hoặc là biểu hiện của các bệnh lý tim mạch. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc xảy ra đột ngột, cần thăm khám y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mạch đập chậm
Ngược lại, nhịp tim dưới 60 lần/phút được gọi là nhịp tim chậm. Ở những người vận động viên hoặc người trẻ khỏe mạnh, nhịp tim chậm có thể là bình thường. Nhưng nếu kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng hay ngất xỉu, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bất thường như rối loạn hệ thống dẫn truyền điện tim, ngưng thở khi ngủ, tác dụng phụ của thuốc hay các bệnh lý nội khoa.
Vì vậy, ở những đối tượng nguy cơ cao, cần đo nhịp tim định kỳ và chú ý đến những thay đổi bất thường là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm các vấn đề về tim mạch và bảo vệ sức khỏe hiệu quả.

Mạch bao nhiêu là bình thường sẽ thay đổi tùy theo tuổi tác, tình trạng sức khỏe và đặc điểm cơ địa của mỗi người. Ở người bình thường trung bình mỗi phút tim đập bao nhiêu lần? Ở người lớn khỏe mạnh, nhịp mạch thường dao động từ 60-100 lần mỗi phút. Bất kỳ sự bất thường nào về nhịp mạch cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Bên cạnh việc thăm khám sức khỏe định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn uống cân đối và kiểm soát căng thẳng cũng là những biện pháp giúp ổn định nhịp tim và tăng cường sức khỏe tim mạch.