Tìm hiểu chung về giời leo ở miệng
Giời leo ở miệng hay còn gọi zona miệng, herpes zoster miệng hoặc zona thần kinh ở miệng. Đây là một dạng ít gặp hơn của bệnh zona, gây ra tình trạng bùng phát các mụn nước trong khoang miệng.
Các triệu chứng của giời leo ở miệng bao gồm ngứa ran, nóng rát, đau, gặp khó khăn khi ăn uống, và sự xuất hiện của các mụn nước sau đó vỡ thành các vết loét. Các tổn thương loét này thường lành trong vòng 10 – 14 ngày.
Giời leo ở miệng thường được điều trị bằng thuốc kháng virus để rút ngắn thời gian và giảm mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát.
Triệu chứng giời leo ở miệng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giời leo ở miệng
Các dấu hiệu và triệu chứng sớm của bệnh giời leo ở miệng có thể bao gồm:
- Cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát trong và xung quanh miệng;
- Da quanh miệng và mặt nhạy cảm hơn bình thường;
- Cơn đau giống như đau răng;
- Kích ứng niêm mạc miệng.
Sau vài ngày, bạn có thể xuất hiện thêm phát ban đau với các mụn nước nhỏ chứa dịch ở mặt hoặc trong miệng (bao gồm cả lưỡi).
Các triệu chứng toàn thân của bệnh giời leo ở miệng như:
Các triệu chứng của bệnh giời leo ở miệng có thể thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm bệnh, bao gồm:
- Giai đoạn tiền phát: Xảy ra khoảng 48 giờ trước khi phát ban xuất hiện. Giai đoạn này có thể gây đau răng, kèm theo mệt mỏi và đau đầu.
- Giai đoạn phát ban cấp tính: Giai đoạn này hình thành phát ban gây đau, có thể xuất hiện trong miệng hoặc trên da xung quanh miệng. Giai đoạn phát ban cấp tính có thể kéo dài đến 4 tuần.
- Giai đoạn đau thần kinh sau zona: Không phải ai cũng gặp phải, nhưng giai đoạn này liên quan đến cơn đau từ nhẹ đến nặng kéo dài hơn 5 tuần. Người bệnh cũng có thể cảm thấy các hiện tượng bất thường trên da như ngứa ran, nóng rát hoặc châm chích.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng sau:
- Vết loét trong miệng;
- Đau miệng;
- Cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát trong miệng;
- Mệt mỏi;
- Sốt.
Nếu bạn nghi ngờ mình bị giời leo ở miệng, điều quan trọng là phải được điều trị ngay lập tức. Việc điều trị sớm có thể giúp rút ngắn thời gian bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng.

Nguyên nhân gây giời leo ở miệng
Nguyên nhân gây bệnh giời leo ở miệng cũng giống như nguyên nhân gây zona thần kinh. Sau khi bạn mắc thủy đậu, virus có thể tồn tại trong trạng thái ngủ yên trong cơ thể suốt nhiều năm. Nhiều yếu tố có thể làm kích hoạt sự tái hoạt động của virus này, khiến nó di chuyển theo đường thần kinh và ảnh hưởng đến các vùng do thần kinh đó chi phối.
Hệ miễn dịch suy yếu thường là yếu tố chính dẫn đến việc tái hoạt động của virus zona. Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Tiếp xúc với virus varicella-zoster (từ người mắc thủy đậu hoặc zona);
- Căng thẳng tinh thần hoặc thể chất;
- Bệnh đái tháo đường;
- Các bệnh cấp tính hoặc mạn tính (như HIV hoặc ung thư);
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, như corticosteroid;
- Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh cao;
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức.
Giời leo ở miệng là một dạng ít gặp hơn của bệnh zona. Tuy nhiên, nó có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc kèm theo các tổn thương da ở những khu vực lân cận.

Nguy cơ mắc phải giời leo ở miệng
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh giời leo ở miệng?
Bất kỳ ai đã từng mắc thủy đậu đều có nguy cơ bị giời leo về sau, bao gồm cả giời leo ở miệng. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ phát bệnh. Nguy cơ cao hơn thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, người lớn tuổi, hoặc những người đang bị căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi nếu có những yếu tố nguy cơ kèm theo.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh giời leo ở miệng
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải giời leo ở miệng, bao gồm:
- Hệ miễn dịch suy giảm do bệnh (như HIV/AIDS, ung thư) hoặc do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
- Tuổi tác cao, đặc biệt ở những người trên 50 tuổi.
- Căng thẳng kéo dài hoặc chấn thương tâm lý.
- Mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường.
- Tiếp xúc với người đang bị thủy đậu hoặc zona.
- Tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh hoặc ánh nắng mặt trời quá mức.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh giời leo ở miệng
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh giời leo ở miệng
Để chẩn đoán bệnh giời leo ở miệng, bác sĩ sẽ khai thác thông tin tiền căn, bệnh sử của bạn, bao gồm việc bạn đã tiêm ngừa zona thần kinh hay chưa, đồng thời hỏi về cơn đau và các triệu chứng khác.
Bác sĩ sẽ kiểm tra miệng của bạn để tìm dấu hiệu viêm và các bóng nước. Việc phát hiện bóng nước xuất hiện ở một bên miệng có thể gợi ý đến bệnh giời leo. Bạn cũng có thể được khám sức khỏe tổng quát để tìm dấu hiệu zona ở các vị trí khác trên cơ thể.
Bác sĩ có thể nghi ngờ bạn mắc bệnh giời leo nếu bạn lớn tuổi và không có tiền căn bị lở loét trong miệng.
Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch từ các bóng nước trong miệng để làm xét nghiệm. Xét nghiệm này nhằm tìm kiếm DNA của virus varicella-zoster. Ngoài ra, cũng có những xét nghiệm máu giúp phát hiện kháng thể chống lại virus varicella-zoster.
Điều trị bệnh giời leo ở miệng
Các phương pháp điều trị có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và rút ngắn thời gian mắc bệnh.
Thuốc kháng virus
Thuốc kháng virus giúp cơ thể bạn chống lại virus. Tốt nhất nên bắt đầu dùng các loại thuốc này ngay khi xuất hiện triệu chứng (trong vòng 72 giờ). Những loại thuốc này cũng có thể giúp giảm đau do giời leo và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài.
Bên cạnh thuốc kháng virus, bác sĩ cũng có thể kê thêm corticosteroid đường uống để giảm viêm.
Thuốc giảm đau
Giời leo có thể gây đau đớn dữ dội. Bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc giảm đau.
Với trường hợp giời leo ở miệng, bác sĩ cũng có thể gợi ý các thuốc giảm đau dạng bôi tại chỗ. Những thuốc này có thể ở dạng gel, kem hoặc dung dịch lỏng, bạn có thể thoa trực tiếp lên các tổn thương trong miệng để làm tê và giảm cảm giác đau.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh giời leo ở miệng
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh giời leo ở miệng
Khi mắc bệnh giời leo ở miệng, việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt hằng ngày và dinh dưỡng hợp lý có thể giúp giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và hỗ trợ quá trình hồi phục.
Chế độ sinh hoạt:
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Súc miệng nhẹ nhàng bằng nước muối ấm hoặc dung dịch súc miệng không cồn để làm dịu niêm mạc và ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát.
- Tránh các tác nhân kích thích: Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, và tránh các thức ăn cay nóng, có tính acid cao như nước chanh, cam, cà chua.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Căng thẳng và thiếu ngủ có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến virus hoạt động mạnh hơn. Hãy cố gắng ngủ đủ giấc và thư giãn tinh thần.
- Giảm đau đúng cách: Dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc bôi tại chỗ theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý sử dụng thuốc hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc.
- Tránh tiếp xúc gần: Trong giai đoạn tổn thương còn hoạt động, hãy tránh tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người suy giảm miễn dịch, để hạn chế lây lan virus.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn thực phẩm mềm, dễ nuốt: Các món như cháo, súp, sữa chua, sinh tố giúp tránh tổn thương thêm các vết loét trong miệng và giảm đau khi ăn.
- Tăng cường thực phẩm giàu lysine: Lysine là một loại axit amin có thể ức chế sự nhân lên của virus herpes. Các thực phẩm giàu lysine gồm cá, thịt gà, trứng, sữa và phô mai.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và kẽm: Các dưỡng chất này giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ lành vết thương, có nhiều trong cam, quýt, bưởi, kiwi, rau xanh đậm, hạt bí, hạt hướng dương.
- Uống đủ nước: Đảm bảo cơ thể không bị mất nước, đồng thời giúp niêm mạc miệng bớt khô và đau rát.
- Tránh thực phẩm giàu arginine: Arginine có thể kích thích virus herpes hoạt động mạnh hơn. Hạn chế các thực phẩm như socola, đậu phộng, các loại hạt và bột yến mạch.
- Hạn chế đường và thực phẩm chế biến sẵn: Những thực phẩm này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và kéo dài quá trình hồi phục.

Phòng ngừa bệnh giời leo ở miệng
Đặc hiệu
Tiêm vắc xin zona thần kinh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh giời leo ở miệng. Ngoài ra, tiêm vắc xin thủy đậu giúp phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus varicella-zoster.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín để tiêm vắc xin zona thần kinh giúp phòng giời leo ở miệng. Trung tâm cung cấp vắc xin chất lượng cao, quy trình tiêm chủng an toàn và đội ngũ chuyên gia tư vấn tận tình, giúp khách hàng an tâm khi tiêm phòng.

Không đặc hiệu
Vì một hệ miễn dịch suy yếu có thể tạo điều kiện cho virus varicella-zoster tái hoạt động, việc tăng cường miễn dịch có thể giúp giảm nguy cơ mắc phải giời leo ở miệng.
Điều này bao gồm việc xây dựng các thói quen như:
- Thực hiện các chiến lược quản lý căng thẳng như thiền, thở sâu và chăm sóc bản thân.
- Tập thể dục đều đặn, vận động và tập thể dục nhiều hơn.
- Ngừng sử dụng thuốc lá nếu có.
- Đảm bảo ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày.
- Ưu tiên chế độ ăn giàu dinh dưỡng và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu càng nhiều càng tốt.
- Tránh tiếp xúc quá mức và không bảo vệ dưới ánh nắng mặt trời.
- Tuân thủ thói quen vệ sinh như rửa tay thường xuyên và không dùng chung các vật dụng cá nhân.
- Tiêm chủng theo khuyến nghị.