Hệ hô hấp là một phần thiết yếu trong cơ thể con người, đóng vai trò đưa oxy vào và thải carbon dioxide ra ngoài. Trong đó, đường hô hấp dưới là nơi diễn ra quá trình lọc, dẫn khí và trao đổi khí ở phổi. Việc hiểu rõ về cấu tạo và chức năng của đường hô hấp dưới không chỉ giúp chúng ta biết cách chăm sóc sức khỏe hô hấp đúng cách mà còn phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để kịp thời phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn nhé!
Đường hô hấp dưới là gì? Gồm những bộ phận nào?
Đường hô hấp dưới là phần dưới của hệ thống hô hấp, có vai trò chính trong việc dẫn truyền không khí và thực hiện trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường. Khác với đường hô hấp trên (gồm mũi, họng, thanh quản), đường hô hấp dưới bắt đầu từ khí quản, tiếp tục đến các nhánh phế quản và kết thúc ở phế nang – nơi diễn ra quá trình trao đổi khí oxy và carbonic với máu. Đây là khu vực cực kỳ quan trọng để duy trì chức năng hô hấp, đảm bảo cơ thể nhận đủ oxy và thải bỏ khí CO₂.

Đường hô hấp dưới bao gồm ba bộ phận chính:
- Khí quản: Là một ống dẫn khí dài khoảng 15cm ở người trưởng thành, có khả năng co giãn linh hoạt. Cấu trúc khí quản gồm các vòng sụn hình chữ C giúp giữ ống luôn mở để không khí dễ dàng lưu thông. Khí quản nằm dưới thanh quản, kéo dài đến khi chia đôi thành hai phế quản chính ở vùng ngực.
- Phế quản: Từ khí quản, hai phế quản chính tách ra, dẫn khí vào từng lá phổi (trái và phải). Phế quản sau đó phân chia thành nhiều nhánh nhỏ hơn như phế quản thùy, phế quản phân thùy và tiểu phế quản. Cấu trúc phân nhánh của phế quản giống như một cây lớn tỏa ra các nhánh nhỏ, giúp dẫn khí đến mọi vùng trong phổi.
- Phế nang: Đây là các túi khí nhỏ nằm ở cuối các tiểu phế quản tận cùng. Phế nang có cấu tạo rất mỏng, được bao quanh bởi các mao mạch máu, là nơi diễn ra quá trình trao đổi khí giữa không khí và máu. Oxy từ không khí sẽ khuếch tán vào máu, đồng thời CO₂ từ máu sẽ được thải ra ngoài theo chiều ngược lại.
Các bệnh lý viêm đường hô hấp dưới thường gặp
Viêm đường hô hấp dưới là nhóm bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan như khí quản, phế quản, phổi và phế nang. Dưới đây là một số bệnh lý viêm đường hô hấp dưới thường gặp:
Viêm khí quản
Viêm khí quản là tình trạng lớp niêm mạc của khí quản bị viêm do tác nhân như virus, vi khuẩn hoặc tiếp xúc với các chất gây kích ứng như khói bụi, khí độc. Người mắc viêm khí quản thường có các triệu chứng giống cảm cúm lúc đầu như ho, sổ mũi, sốt nhẹ. Sau vài ngày, các biểu hiện khác xuất hiện rõ hơn như khàn tiếng, khó thở, thở rít, nhất là khi thời tiết trở lạnh hoặc về đêm. Bệnh có thể tự khỏi nếu nhẹ, nhưng cũng có thể trở nặng nếu không được điều trị đúng cách.

Viêm phế quản
Viêm phế quản xảy ra khi lớp niêm mạc bên trong các ống phế quản bị viêm. Bệnh có thể xuất hiện ở dạng cấp tính hoặc mãn tính. Nguyên nhân thường do virus, nhưng cũng có thể do vi khuẩn hoặc ảnh hưởng từ hút thuốc lá lâu ngày. Triệu chứng thường gặp là ho kéo dài, ho có đờm, đau tức ngực, khó thở. Ở người bị viêm phế quản mạn tính, các đợt bùng phát có thể xảy ra nhiều lần trong năm và dễ chuyển thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Hen phế quản (hen suyễn)
Hen suyễn là một bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi tình trạng co thắt bất ngờ của các đường dẫn khí, làm cho không khí khó lưu thông. Nguyên nhân gây hen thường liên quan đến yếu tố dị ứng (phấn hoa, bụi mịn, lông động vật), thay đổi thời tiết, hoạt động gắng sức hoặc do hít phải khói bụi, không khí ô nhiễm. Triệu chứng thường thấy là thở rít, khó thở, ngực căng tức và ho, đặc biệt là về đêm hoặc sáng sớm.

Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các phế nang – nơi trao đổi khí chính của phổi. Phế nang khi bị viêm sẽ chứa đầy dịch hoặc mủ, khiến việc trao đổi khí gặp khó khăn. Nguyên nhân có thể do virus, vi khuẩn, nấm hoặc do hít phải dị vật. Triệu chứng viêm phổi thường bao gồm sốt cao, ho nhiều (thường kèm đờm), khó thở, đau tức ngực và mệt mỏi. Viêm phổi là bệnh lý nghiêm trọng, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em và người già.
Lao phổi
Lao phổi là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra, ảnh hưởng chủ yếu đến phổi. Bệnh tiến triển chậm nhưng để lại hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Dấu hiệu nhận biết gồm ho kéo dài hơn 2 tuần, ho ra máu, sụt cân, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm. Lao phổi có khả năng lây lan qua đường không khí, do đó cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa lây nhiễm.

Cách phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp dưới
Viêm đường hô hấp dưới là nhóm bệnh lý thường gặp, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phòng ngừa đúng cách. Để giảm nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ hệ hô hấp luôn khỏe mạnh, cần lưu ý một số biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến nơi đông người.
- Tránh khói thuốc, bụi và hóa chất độc hại.
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ, tập thể dục, ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái.
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh hoặc giao mùa.
- Khám sức khỏe định kỳ, điều trị sớm khi có dấu hiệu bất thường.

Ngoài các biện pháp trên, tiêm vắc xin cũng là một giải pháp chủ động giúp phòng ngừa hiệu quả nhiều bệnh lý viêm đường hô hấp dưới, nhất là các bệnh do virus và vi khuẩn gây ra. Hiện tại, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu hiện cung cấp đầy đủ các vắc xin thiết yếu giúp phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý hô hấp như:
- Vắc xin phế cầu (PCV13, PPSV23);
- Vắc xin cúm;
- Vắc xin BCG phòng lao;
- Vắc xin Hib phòng viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib gây nên.
Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng giàu kinh nghiệm, trung tâm không chỉ mang đến dịch vụ tiêm chủng chất lượng mà còn đảm bảo quy trình chăm sóc chu đáo, thân thiện và nhanh chóng. Tại đây, khách hàng được tư vấn kỹ lưỡng trước khi tiêm, theo dõi cẩn thận sau tiêm và lưu trữ lịch sử tiêm chủng đầy đủ, giúp bạn an tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe.
Đường hô hấp dưới có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống thông qua hoạt động trao đổi khí. Hãy chủ động nâng cao sức khỏe bằng lối sống lành mạnh, môi trường sống trong lành và đừng quên tiêm phòng đầy đủ để phòng tránh hiệu quả các bệnh lý về đường hô hấp nhé!