Hệ hô hấp đảm nhận vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động sống hàng ngày của con người, không chỉ là con đường đưa không khí vào cơ thể mà còn giúp ngăn chặn những tác nhân gây hại xâm nhập vào phổi. Việc hiểu rõ về cấu trúc và chức năng của đường hô hấp trên sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe hô hấp.
Tìm hiểu tổng quan về đường hô hấp trên
Đường hô hấp trên là phần đầu tiên của hệ hô hấp, đảm nhận chức năng quan trọng trong việc dẫn khí vào và ra khỏi phổi. Đồng thời, làm ấm, làm ẩm và lọc sạch không khí trước khi đi sâu vào phổi.

Đường hô hấp trên gồm các bộ phận chính sau:
- Mũi và khoang mũi: Là cửa ngõ đầu tiên tiếp nhận không khí từ bên ngoài. Mũi có lông mũi và lớp niêm mạc giúp lọc bụi, làm ấm và làm ẩm không khí. Bên trong khoang mũi còn có các xoăn mũi giúp tăng diện tích tiếp xúc của không khí với niêm mạc.
- Các xoang cạnh mũi (xoang trán, xoang sàng, xoang hàm, xoang bướm): Là các khoang rỗng nằm xung quanh khoang mũi, có chức năng hỗ trợ điều hòa nhiệt độ và độ ẩm của không khí hít vào, đồng thời làm nhẹ khối xương sọ.
- Hầu (họng): Là ống dẫn khí và thức ăn nằm phía sau khoang mũi và miệng. Hầu được chia thành ba phần gồm hầu mũi (vùng sau mũi), hầu miệng (vùng sau khoang miệng) và hầu thanh quản (nối với thanh quản).
- Thanh quản: Nằm ngay dưới hầu, thanh quản không chỉ dẫn khí mà còn là cơ quan phát âm. Bên trong thanh quản có dây thanh âm và nắp thanh môn (epiglottis) giúp ngăn thức ăn không rơi vào đường thở khi nuốt.
Các bệnh lý thường gặp liên quan đến đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào lớp niêm mạc của các cơ quan thuộc đường hô hấp trên. Các triệu chứng đặc trưng sẽ tùy thuộc vào từng vị trí viêm, cụ thể như sau:
Viêm xoang
Theo các chuyên gia, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus đường hô hấp trên có thể làm tắc nghẽn lỗ thông giữa các xoang với khoang mũi. Lúc này, vi khuẩn và virus dễ dàng sinh sôi gây ra bệnh viêm xoang.

Triệu chứng của bệnh viêm xoang có thể khác nhau tùy vào cơ địa từng người, nhưng những biểu hiện điển hình thường bao gồm: nghẹt mũi, chảy nước mũi đặc, đau nhức vùng mặt, đau đầu và cảm giác áp lực quanh trán hoặc hai bên má. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị chảy dịch mũi ra sau cổ họng, ho và hắt hơi liên tục.
Viêm mũi
Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh phổ biến liên quan đến đường hô hấp trên. Cơ chế bệnh lý thường bắt đầu từ phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể với các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, bụi hoặc thay đổi thời tiết, dẫn đến sung huyết niêm mạc mũi, làm mũi tắc nghẽn và tiết dịch nhiều.
Nếu không được điều trị hiệu quả, bệnh có thể kéo dài dai dẳng, gây tổn thương đến lớp niêm mạc và chuyển thành dạng mạn tính. Viêm mũi mạn tính kéo dài còn có nguy cơ gây biến chứng ở cả đường hô hấp trên và dưới như viêm xoang, viêm tai giữa hoặc hen phế quản.
Viêm họng
Viêm họng là tình trạng lớp niêm mạc họng bị viêm đỏ do sự xâm nhập của virus hoặc vi khuẩn. Lúc này, người bệnh thường cảm thấy đau rát, nhất là khi nuốt, kèm theo các biểu hiện như ho hoặc khàn tiếng.

Ho cấp là một dấu hiệu thường gặp của viêm họng, chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp người bệnh đến khám. Trẻ nhỏ có nguy cơ bị ho do viêm đường hô hấp trên cao gấp 4 lần so với người lớn. Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, ở người khỏe mạnh, ho cấp do viêm họng kéo dài trung bình khoảng 14 ngày. Đối với trẻ em, khoảng 50% hồi phục sau 10 ngày và 90% khỏi hẳn sau 25 ngày.
Viêm thanh quản
Đây là tình trạng viêm sưng xảy ra tại thanh quản – cơ quan phát âm nằm trên khí quản, nơi chứa các dây thanh âm. Các triệu chứng đặc trưng của viêm thanh quản thường gồm: sốt nhẹ, khàn giọng, sưng đau vùng cổ và nổi hạch tại khu vực cổ họng.
Viêm thanh quản thường phát sinh do biến chứng của các bệnh viêm đường hô hấp trên, đặc biệt là do virus. Ở trẻ nhỏ, một số thể bệnh như viêm thanh khí phế quản hoặc viêm nắp thanh quản có thể gây tắc nghẽn nghiêm trọng đường thở và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không can thiệp kịp thời.
Làm thế nào để bảo vệ đường hô hấp trên khỏe mạnh?
Để duy trì sức khỏe cho đường hô hấp trên, việc chủ động bảo vệ có vai trò rất quan trọng. Có nhiều cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp chúng ta chăm sóc và phòng ngừa các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp, cụ thể như sau:
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là ở nơi ô nhiễm hoặc gần người mắc bệnh hô hấp.
- Dùng thiết bị bảo hộ chuyên dụng khi làm việc trong môi trường độc hại.
- Chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, bổ sung vitamin C để tăng miễn dịch và sức đề kháng.
- Tránh và bỏ thuốc lá để bảo vệ phổi và đường hô hấp.
Ngoài các biện pháp trên, các chuyên gia y tế khuyến nghị việc tiêm phòng các loại vắc xin giúp chủ động phòng ngừa sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Dưới đây là một số loại vắc xin cần được tiêm phòng sớm để phòng ngừa các bệnh hô hấp phổ biến như:
- Vắc xin cúm mùa: Vaxigrip, Influvac, Ivacflu-S giúp phòng các chủng cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B (Yamagata, Victoria).
- Vắc xin phế cầu: Synflorix, Prevenar 13, Pneumovax 23 giúp phòng viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu khuẩn gây ra.
- Vắc xin chứa bạch hầu – ho gà – uốn ván: Infanrix Hexa, Hexaxim, Pentaxim, Tetraxim, Adacel, Boostrix, Td giúp phòng ngừa bạch hầu, ho gà và các bệnh liên quan.
- Vắc xin viêm màng não: Bexsero, Mengoc-BC, Menactra giúp phòng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu.
- Vắc xin sởi – quai bị – rubella: Mvvac, MMR-II, Priorix giúp phòng đồng thời 3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là sởi, quai bị và rubella.

Trung tâm Tiêm chủng Long Châu hiện có đầy đủ các loại vắc xin dành cho cả người lớn và trẻ em với hệ thống cơ sở trải dài khắp cả nước. Tất cả các loại vắc xin tại trung tâm đều được nhập khẩu chính hãng, chất lượng cao, được bảo quản theo chuẩn quốc tế và tiêm chủng trong môi trường an toàn, chuyên nghiệp. Trung tâm còn mang đến nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn với mức giá hợp lý. Nếu bạn hoặc người thân đang có nhu cầu tiêm vắc xin phòng bệnh hô hấp, vui lòng liên hệ ngay hotline 1800 6928 để được tư vấn và đặt lịch tiêm nhanh chóng nhé!
Có thể thấy, đường hô hấp trên giữ vai trò quan trọng không chỉ trong việc trao đổi khí mà còn trong cơ chế bảo vệ cơ thể trước các yếu tố gây bệnh. Do đó, mỗi người nên chủ động chăm sóc và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến khu vực này thông qua việc giữ vệ sinh mũi họng, tiêm phòng đầy đủ vắc xin, đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt trong mùa dịch bệnh hay thời điểm giao mùa.