Đổ mồ hôi trộm về đêm là hiện tượng cơ thể ra nhiều mồ hôi khi ngủ, dù thời tiết mát mẻ và không vận động. Tình trạng ra mồ hôi trộm ban đêm không chỉ gây mất ngủ, mệt mỏi mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng, rối loạn nội tiết hoặc bệnh lý nghiêm trọng. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp điều trị hiện tượng đổ mồ hôi trộm về đêm ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Đổ mồ hôi trộm là gì?
Đổ mồ hôi trộm xảy ra khi cơ thể tiết ra lượng mồ hôi lớn vào ban đêm mà không có lý do rõ ràng như vận động mạnh hay nhiệt độ môi trường cao. Mồ hôi thường xuất hiện nhiều ở các vị trí như trán, nách, lòng bàn tay và bàn chân, thậm chí có thể thấm ướt cả quần áo và ga giường.
Tình trạng này không chỉ gây ra sự khó chịu khiến người bệnh bị tỉnh giấc giữa đêm mà còn ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ. Từ đó tác động tiêu cực đến sinh hoạt ban ngày.
Hiện tượng đổ mồ hôi về đêm có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính. Trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ gặp tình trạng này hơn người lớn. Tuy nhiên, nếu hiện tượng đổ mồ hôi trộm về đêm xảy ra ở người trưởng thành thì có nguy cơ liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn cao hơn và không nên chủ quan trong trường hợp này.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng đổ mồ hôi trộm về đêm
Hiện tượng đổ mồ hôi trộm về đêm có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả sinh lý và bệnh lý. Cụ thể như sau:
Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh
Ở phụ nữ, giai đoạn mãn kinh thường đi kèm với những biến động mạnh về hormone estrogen và progesterone. Sự thay đổi này dẫn đến các triệu chứng như bốc hỏa, nóng ran, khô âm đạo, rối loạn giấc ngủ và đặc biệt là đổ mồ hôi trộm cả ban ngày lẫn ban đêm. Theo thống kê, có đến 75% phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh gặp tình trạng đổ mồ hôi trộm về đêm, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng ra mồ hôi trộm ban đêm như một tác dụng phụ không mong muốn. Điển hình là các loại thuốc như:
- Thuốc chống trầm cảm;
- Thuốc steroid;
- Thuốc hạ sốt (Aspirin, Acetaminophen);
- Thuốc giảm đau;
- Thuốc điều trị hạ đường huyết.

Nhiễm trùng và bệnh lý mãn tính
Một số bệnh nhiễm trùng có thể làm tăng tiết mồ hôi vào ban đêm như bệnh lao, HIV/AIDS, nhiễm nấm hoặc vi khuẩn. Những bệnh lý này kích thích phản ứng viêm trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng đổ mồ hôi trộm về đêm.
Đặc biệt, đổ mồ hôi về đêm là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh lao - một bệnh lý nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị sớm. Do đó, bạn nên chủ động tiêm phòng vắc xin phòng lao để bảo vệ sức khỏe của bản thân trước căn bệnh truyền nhiễm này và phòng tránh được triệu chứng ra mồ hôi trộm về đêm.
Rối loạn nội tiết và các bệnh chuyển hóa
Sự mất cân bằng hormone trong cơ thể cũng là nguyên nhân thường gặp dẫn đến đổ mồ hôi ban đêm. Một số bệnh lý liên quan bao gồm:
- Cường giáp;
- Tiểu đường;
- U tuyến thượng thận;
- Các rối loạn hormone sinh dục…
- Những tình trạng này không chỉ gây rối loạn chuyển hóa mà còn khiến hệ thần kinh thực vật hoạt động quá mức, làm mồ hôi tiết ra không kiểm soát trong lúc ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn hô hấp thường gặp ở người lớn tuổi, người thừa cân hoặc béo phì. Khi không được điều trị, tình trạng này sẽ gây gián đoạn giấc ngủ liên tục, kèm theo đổ mồ hôi nhiều về đêm do cơ thể phản ứng với sự thiếu oxy tạm thời.
Lối sống và thói quen không lành mạnh
Việc lạm dụng bia rượu, cà phê, thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích… có thể làm tăng hoạt động của tuyến mồ hôi vào ban đêm.
Ngoài ra, các yếu tố như nhiệt độ phòng quá cao, chăn ga không thoáng khí cũng có thể góp phần làm tình trạng đổ mồ hôi trộm về đêm trở nên trầm trọng hơn.

Không rõ nguyên nhân
Ở một số người, dù đã loại trừ hết các yếu tố bệnh lý và môi trường, tình trạng đổ mồ hôi đêm vẫn xảy ra mà không rõ nguyên nhân. Đây được gọi là chứng tăng tiết mồ hôi vô căn - một rối loạn lành tính nhưng ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ và chất lượng sống.
Điều trị đổ mồ hôi trộm về đêm như thế nào?
Việc điều trị đổ mồ hôi trộm về đêm cần được thực hiện dựa trên nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này. Thay vì chỉ tập trung vào làm giảm triệu chứng, bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị bệnh lý nền, điều chỉnh thuốc hoặc thay đổi lối sống nếu cần thiết. Dưới đây là các hướng xử lý cụ thể như sau:
Điều trị cho phụ nữ mãn kinh
Ở phụ nữ đang trong giai đoạn mãn kinh, liệu pháp hormone thay thế là một trong những phương pháp thường được chỉ định để làm giảm các cơn bốc hỏa và hiện tượng ra mồ hôi ban đêm.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm một số thuốc hỗ trợ khác như gabapentin, clonidine hoặc venlafaxine nhằm kiểm soát tốt hơn tình trạng này và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Nguyên nhân do nhiễm trùng
Người bệnh cần được điều trị bằng thuốc đặc hiệu nếu đổ mồ hôi về đêm xuất phát từ tình trạng nhiễm trùng như vi khuẩn, virus hoặc nấm. Một số thuốc kháng sinh như ceftazidime, oxacillin, ampicillin hoặc thuốc kháng virus sẽ được sử dụng tùy thuộc vào loại tác nhân gây bệnh. Việc điều trị kịp thời không chỉ giúp kiểm soát nhiễm trùng mà còn chấm dứt hiện tượng tiết mồ hôi quá mức.

Liên quan đến tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc điều trị bệnh lý khác có thể gây tác dụng phụ là ra mồ hôi trộm ban đêm. Trong tình huống này, bác sĩ có thể đề xuất giảm liều, thay đổi loại thuốc hoặc điều chỉnh thời gian dùng thuốc để giảm tác động tiêu cực lên cơ thể.
Ngoài ra, thuốc kháng cholinergic đôi khi được sử dụng để hạn chế tiết mồ hôi nhưng cần có chỉ định rõ ràng từ bác sĩ chuyên khoa.
Do bệnh lý nội tiết
Một số bệnh lý nội tiết như cường giáp, tiểu đường hoặc rối loạn hormone có thể gây mất cân bằng trong cơ thể và dẫn đến hiện tượng đổ mồ hôi về đêm. Trong trường hợp này, điều quan trọng là phải điều trị đúng bệnh nền. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, đồng thời theo dõi và điều chỉnh phác đồ nếu cần thiết.
Liên quan đến lối sống
Nếu tình trạng đổ mồ hôi ban đêm xuất phát từ thói quen sinh hoạt như uống nhiều rượu, tiêu thụ caffeine hoặc hút thuốc lá, bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn thay đổi lối sống. Các biện pháp bao gồm:
- Hạn chế chất kích thích;
- Cai thuốc lá;
- Điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số cách hỗ trợ tại nhà để giảm tình trạng mồ hôi như:
- Mặc đồ ngủ thoáng mát, thấm hút tốt.
- Tránh dùng chăn dày hoặc để chăn đè trên giường khi không cần thiết.
- Giữ cho không gian ngủ thoáng đãng bằng cách mở cửa sổ, bật quạt hoặc điều hòa.
- Ưu tiên ngủ ở phòng có nhiệt độ mát và ổn định.

Tóm lại, tình trạng đổ mồ hôi trộm về đêm không chỉ gây phiền toái trong sinh hoạt mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Việc thăm khám sớm, điều trị đúng nguyên nhân và thay đổi lối sống khoa học sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như bảo vệ sức khỏe lâu dài.