Dù đều gây ra các tổn thương trên da dưới dạng mụn nước, nhưng zona và herpes có những điểm khác biệt rõ rệt nếu quan sát kỹ và hiểu đúng về nguyên nhân gây bệnh. Trong bài viết sau, chúng ta sẽ cùng phân biệt zona và herpes dựa trên các yếu tố khác nhau. Thông tin này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc nhận biết và chăm sóc sức khỏe đúng cách khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ.
Bệnh zona thần kinh có phải là bệnh herpes không?
Bệnh zona thần kinh không phải là bệnh herpes, mặc dù cả hai bệnh đều do virus thuộc họ Herpesviridae gây ra và có biểu hiện ngoài da tương đối giống nhau, cụ thể là sự xuất hiện của các mụn nước nhỏ li ti, gây đau rát, ngứa hoặc nóng ran nhưng zona thần kinh và herpes thực chất là hai bệnh lý hoàn toàn khác biệt.
Zona thần kinh do virus Varicella Zoster gây ra, thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể và theo đường dây thần kinh. Trong khi đó, herpes, cụ thể là herpes simplex do virus HSV-1 hoặc HSV-2 gây ra, có xu hướng tái phát nhiều lần và thường ảnh hưởng đến vùng môi (herpes môi) hoặc vùng sinh dục (herpes sinh dục).
Không chỉ khác nhau về nguyên nhân gây bệnh, zona và herpes còn có những điểm phân biệt rõ ràng về vị trí tổn thương, triệu chứng đi kèm, thời gian kéo dài, nguy cơ tái phát và nhóm đối tượng dễ mắc bệnh. Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa hai bệnh sẽ giúp người bệnh nhận biết đúng và có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
/phan_biet_zona_va_herpes_1_aac89f684e.jpg)
Đặc điểm để phân biệt zona và herpes là gì?
Mặc dù zona và herpes đều có biểu hiện ngoài da tương tự nhau, dễ khiến người bệnh nhầm lẫn, nhưng hai bệnh này vẫn có những đặc điểm riêng biệt, giúp phân biệt rõ ràng nếu quan sát kỹ. Dưới đây là một số đặc điểm để phân biệt zona và herpes:
Tác nhân gây bệnh
Zona thần kinh do virus Varicella Zoster (còn gọi là virus Herpes Zoster) tái kích hoạt sau khi đã gây bệnh thủy đậu trước đó. Trong khi đó, herpes được gây ra bởi virus Herpes Simplex, gồm hai loại chính: Herpes Simplex tuýp 1 (HSV-1) và Herpes Simplex tuýp 2 (HSV-2).
Nguyên nhân gây bệnh
Zona xảy ra ở những người từng mắc thủy đậu trước đó. Khi hệ miễn dịch suy yếu do tuổi tác hoặc bệnh lý, khả năng kiểm soát virus giảm sút, khiến virus Varicella Zoster tái hoạt động và gây bệnh. Ngược lại, herpes phát sinh khi cơ thể bị lây nhiễm virus Herpes Simplex từ người bệnh hoặc từ môi trường bên ngoài.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Đối với zona thần kinh là những người từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ cao bị bùng phát zona thần kinh, và nguy cơ này tăng theo độ tuổi hay người từ 18 tuổi trở lên có các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch cũng dễ mắc zona.
Với herpes, bệnh thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi, nguy cơ tái phát có xu hướng giảm dần theo thời gian khi tuổi tác tăng lên.
/phan_biet_zona_va_herpes_2_8622135df9.jpg)
Khu vực ảnh hưởng
Vị trí ảnh hưởng tùy vào từng bệnh như:
- Zona thần kinh: Có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường bộc phát thành dải mụn nước đặc trưng và chỉ khu trú ở một bên cơ thể. Hiếm khi xuất hiện ở vùng sinh dục.
- Herpes: Thường xuất hiện tại các khu vực nhất định như bộ phận sinh dục, mông, vùng trực tràng, đùi hoặc quanh miệng.
Sự lây nhiễm
Với zona thần kinh thì không phải là bệnh truyền nhiễm thông thường, nhưng vẫn có khả năng lây cho người khỏe mạnh chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng vắc xin, thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch từ mụn nước.
Còn đối với herpes là bệnh rất dễ lây nhiễm, truyền qua tiếp xúc trực tiếp với vết loét, nước bọt, dịch sinh dục hoặc tiếp xúc da với người mắc herpes miệng hoặc herpes sinh dục - kể cả khi không thấy tổn thương rõ ràng trên da.
Về triệu chứng
Cả zona thần kinh và herpes đều có thể gây ra tình trạng ngứa, nổi mẩn đỏ và phồng rộp trên da, dễ khiến người bệnh nhầm lẫn. Tuy nhiên, điểm đặc trưng giúp phân biệt zona là các tổn thương da thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, phân bố theo đường đi của dây thần kinh. Dù hiếm gặp, phát ban do zona vẫn có thể lan rộng hoặc xuất hiện ở nhiều vị trí cùng lúc. Các triệu chứng thường gặp của bệnh zona bao gồm:
- Cảm giác đau, ngứa hoặc tê râm ran xuất hiện trước khi phát ban;
- Cảm giác nóng rát, đau nhói hoặc tê buốt ở vùng da bị ảnh hưởng;
- Đau tăng khi chạm vào;
- Xuất hiện phát ban mụn nước trên nền da đỏ sau vài ngày đau rát;
- Mụn nước sưng lên, sau đó vỡ ra và đóng vảy;
- Ngứa kéo dài;
- Kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau đầu.
Bệnh herpes do virus Herpes Simplex (HSV) gây ra, với các triệu chứng đặc trưng bao gồm:
- Cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát tại vùng da sắp xuất hiện mụn nước;
- Xuất hiện các vết sưng đỏ kèm theo mụn nước nhỏ màu trắng, thường xuất hiện ở môi, đùi, mông, niệu đạo, bộ phận sinh dục, âm hộ hoặc trực tràng, tùy thuộc vào tuýp virus gây bệnh;
- Loét vùng sinh dục có thể gây đau rát khi đi tiểu;
- Mụn nước sau khi vỡ sẽ khô lại và đóng mày.
/phan_biet_zona_va_herpes_3_455d53f30f.jpg)
Lưu ý, một số người nhiễm HSV không có biểu hiện rõ ràng. Nếu có, triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng 2 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Để phân biệt zona và herpes thì cần dựa vào những yếu tố trên, vậy phòng ngừa zona và herpes như thế nào?
Phòng ngừa zona thần kinh và herpes như thế nào?
Phòng ngừa bệnh zona thần kinh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa bệnh. Với những người chưa từng mắc thủy đậu và cũng chưa tiêm phòng, cần sớm tiêm đầy đủ và đúng lịch vắc xin thủy đậu để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus Varicella Zoster. Hiện tại, Việt Nam có 3 loại vắc xin thủy đậu phổ biến: Varilrix (Bỉ), Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc). Trong đó, Varilrix có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, còn Varivax và Varicella áp dụng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Phác đồ tiêm thường gồm 2 liều, cách nhau từ 1 - 3 tháng.
/phan_biet_zona_va_herpes_4_c647048fd6.jpg)
Ngoài tiêm phòng, duy trì lối sống lành mạnh cũng góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa zona, bao gồm:
- Chăm sóc vệ sinh cá nhân và làm sạch không gian sống xung quanh bạn;
- Giảm bớt lo âu, duy trì một tâm lý thoải mái và dễ chịu;
- Ăn uống hợp lý và ngủ đủ giấc để duy trì sức khỏe;
- Tránh hút thuốc, sử dụng rượu bia và chất kích thích;
- Không tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh zona;
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng.
Đối với bệnh herpes, cách phòng ngừa tối ưu là tránh các hành vi có thể dẫn đến phơi nhiễm virus HSV, cụ thể:
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su, hạn chế bạn tình, không quan hệ khi đối phương có dấu hiệu mụn rộp ở miệng hoặc vùng sinh dục;
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mạnh, đặc biệt là tia cực tím;
- Không dùng chung đồ cá nhân như khăn mặt, dao cạo râu, cốc uống nước với người khác.
Tóm lại, việc. phân biệt zona và herpes là rất quan trọng để xác định phương pháp điều trị thích hợp và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Mặc dù cả hai bệnh đều có nguyên nhân do virus và có một số triệu chứng tương tự như mụn nước, nhưng chúng cũng có những đặc điểm riêng biệt cần được nhận diện. Hiểu rõ sự khác biệt này sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và tìm kiếm sự tư vấn y tế kịp thời khi cần thiết.
Tiêm vắc xin là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa zona thần kinh, giúp bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là một địa chỉ uy tín trong việc cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin, với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và cơ sở vật chất hiện đại. Tại đây, bạn sẽ nhận được sự tư vấn tận tình và tiêm vắc xin trong môi trường an toàn, đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, quy trình tiêm chủng nhanh chóng và tiện lợi, giúp bạn tiết kiệm thời gian. Hãy liên hệ với Tiêm chủng Long Châu qua số hotline miễn phí 18006928 để đặt lịch hẹn ngay hôm nay!