Bệnh nhiễm trùng máu có thể xảy ra ở bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi hay tình trạng sức khỏe, và nếu không được can thiệp kịp thời, có thể nhanh chóng dẫn đến suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Vậy nhiễm trùng máu là gì, vì sao lại nguy hiểm đến vậy? Những dấu hiệu nhiễm trùng máu là gì? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Nhiễm trùng máu là gì?
Nhiễm trùng máu, hay còn gọi là nhiễm trùng huyết, là một phản ứng viêm toàn thân nghiêm trọng của cơ thể trước một tác nhân nhiễm trùng. Khi vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào máu và không được kiểm soát kịp thời, chúng có thể kích hoạt hệ miễn dịch phản ứng quá mức, giải phóng hàng loạt các chất trung gian gây viêm. Hệ quả là các tổn thương lan rộng khắp cơ thể, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan quan trọng như phổi, thận, gan và tim.

Ban đầu, nhiễm trùng thường khởi phát tại một vị trí cụ thể như phổi (viêm phổi), đường tiết niệu, ổ bụng hoặc vết thương hở. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, tác nhân gây bệnh có thể lan vào máu, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân. Trong giai đoạn nặng, người bệnh có thể tiến triển thành sốc nhiễm trùng gây tụt huyết áp, suy đa cơ quan và nguy cơ tử vong cao.
Nhiễm trùng máu là một cấp cứu y khoa cần được chẩn đoán sớm và xử trí nhanh chóng. Vì vậy, cần phát hiện kịp thời các dấu hiệu nhiễm trùng máu, sử dụng kháng sinh phù hợp và điều trị hỗ trợ tích cực sẽ giúp cải thiện tiên lượng và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lý nguy hiểm này gây ra.
Dấu hiệu nhiễm trùng máu
Các biểu hiện lâm sàng của nhiễm trùng máu có thể khởi phát âm thầm, thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý nhiễm trùng khác.

Dưới đây là những dấu hiệu nhiễm trùng máu phổ biến, cần đặc biệt lưu ý để nhận diện sớm nguy cơ mắc bệnh:
- Sốt cao hoặc hạ thân nhiệt bất thường: Bệnh nhân có thể sốt cao > 38,3°C hoặc hạ thân nhiệt < 36°C; tình trạng sốt kéo dài, kèm ớn lạnh, vã mồ hôi là dấu hiệu cảnh báo phản ứng viêm toàn thân.
- Tri giác thay đổi: Xuất hiện tình trạng lú lẫn, nói năng không rõ ràng, thay đổi hành vi, mất định hướng về thời gian và không gian; trong giai đoạn nặng có thể tiến tới hôn mê.
- Khó thở, thở nhanh: Người bệnh có biểu hiện tăng nhịp thở (> 22 lần/phút), cảm giác hụt hơi, thở nông hoặc co kéo cơ hô hấp phụ.
- Huyết áp tụt: Tụt huyết áp (HA < 90/60 mmHg) là dấu hiệu quan trọng cho thấy bệnh đang tiến triển sang sốc nhiễm trùng, cần cấp cứu khẩn cấp.
- Tim đập nhanh: Nhịp tim tăng > 90 lần/phút do phản ứng bù trừ của hệ tim mạch trước tình trạng nhiễm trùng nặng.
- Thiểu niệu hoặc vô niệu: Lượng nước tiểu giảm (< 0,5 ml/kg/giờ) hoặc không đi tiểu, là dấu hiệu cảnh báo chức năng thận đang bị tổn thương nghiêm trọng.
- Da lạnh hoặc tím tái: Phản ánh tình trạng giảm tưới máu ngoại vi; da lạnh, xanh xao, có thể xuất hiện nổi vân bông ở các chi.
- Toát mồ hôi nhiều: Đổ mồ hôi liên tục dù không vận động, thường kèm cảm giác mệt mỏi, yếu sức.
- Đau nhức toàn thân: Đau đầu, đau cơ, đau bụng hoặc đau ngực lan tỏa.
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy: Triệu chứng thường gặp do ảnh hưởng của phản ứng viêm lên hệ tiêu hóa; có thể gây mất nước.
- Chóng mặt, lừ đừ, kiệt sức: Cảm giác choáng váng, không thể đứng vững, kiệt quệ về thể chất do tình trạng thiếu oxy và giảm tưới máu mô.

Thời gian ủ bệnh nhiễm trùng đường máu là bao lâu?
Thời gian ủ bệnh của nhiễm trùng đường máu không có khoảng cố định mà phụ thuộc vào loại tác nhân gây bệnh và đặc điểm miễn dịch của từng người. Thông thường, các biến chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện nhanh chóng, chỉ sau vài giờ đến vài ngày kể từ khi vi khuẩn xâm nhập vào máu. Đặc biệt, ở người cao tuổi hoặc những trường hợp suy giảm miễn dịch, dấu hiệu nhiễm trùng thường không điển hình và khó phát hiện sớm. Vì vậy, ngay khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần được đánh giá y khoa kịp thời tại cơ sở y tế uy tín để phòng ngừa các hậu quả nghiêm trọng.
Yếu tố làm tăng sự nguy hiểm của nhiễm trùng máu
Nguy cơ tử vong và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến đặc điểm cá nhân và quá trình điều trị. Trong đó, tuổi tác là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Người cao tuổi thường có hệ miễn dịch suy giảm và mắc nhiều bệnh mãn tính, làm giảm khả năng chống đỡ với vi khuẩn xâm nhập, từ đó tăng tỷ lệ tử vong lên đến 80% ngay cả khi điều trị kháng sinh mạnh, sớm và đầy đủ.
Tiền sử bệnh lý nền như tiểu đường, suy gan, suy thận, hoặc các bệnh lý mãn tính khác cũng làm tăng nguy cơ biến chứng nặng và giảm khả năng hồi phục. Bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tổng thể yếu hoặc suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nhiễm trùng máu.

Một yếu tố then chốt khác là thời gian từ khi khởi phát bệnh đến khi được điều trị đặc hiệu. Việc chẩn đoán muộn hoặc trì hoãn trong điều trị sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi, lan rộng trong máu, gây ra các biến chứng như sốc nhiễm trùng, rối loạn đông máu lan tỏa và suy đa cơ quan, làm tăng nguy cơ tử vong. Nhiễm trùng máu nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến tụt huyết áp, trụy mạch, gây tử vong nhanh chóng.
Ngoài ra, ngay cả khi được điều trị khỏi, bệnh nhân nhiễm trùng máu vẫn có nguy cơ cao bị tái nhiễm trong tương lai, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Cách phòng ngừa nhiễm trùng máu
Để hạn chế nguy cơ mắc nhiễm trùng máu, chủ động phòng ngừa từ các yếu tố gây bệnh sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tiến triển nghiêm trọng, đồng thời nâng cao khả năng đáp ứng điều trị khi cần thiết. Dưới đây là các biện pháp thiết yếu giúp ngăn ngừa tình trạng này:
- Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn nguyên phát: Xử lý kịp thời và dứt điểm các ổ nhiễm trùng ban đầu như áp xe, vết thương nhiễm trùng, hoặc chấn thương là bước quan trọng nhằm ngăn chặn vi khuẩn lan rộng vào hệ tuần hoàn và gây nhiễm trùng máu.
- Khám sức khỏe định kỳ: Thực hiện thăm khám sức khỏe toàn diện ít nhất 6 tháng một lần giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ cũng như tình trạng bệnh nền. Từ đó, bác sĩ có thể tư vấn và áp dụng biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị thích hợp, hạn chế tiến triển sang nhiễm trùng máu.
- Tiêm chủng vắc xin phòng vi khuẩn: Tiêm vắc xin phòng ngừa các tác nhân gây nhiễm trùng phổ biến như vắc xin phế cầu khuẩn, vắc xin não mô cầu, vắc xin Hib… là biện pháp hiệu quả giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống: Thực hành vệ sinh cá nhân sạch sẽ, duy trì môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng giúp giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập và phát triển, hạn chế nhiễm trùng cơ hội.

Nhiễm trùng máu là tình trạng nguy hiểm, có thể tiến triển nhanh chóng và đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu nhiễm trùng máu ban đầu giúp người bệnh và người thân chủ động đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Đừng chủ quan trước những biểu hiện bất thường của cơ thể, hãy luôn cảnh giác và chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng máu từ sớm.