icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa hiệu quả

Ánh Vũ21/07/2025

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là một trong những tình trạng y tế nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu rõ về căn bệnh này, nhận biết sớm các dấu hiệu và cách xử lý đúng là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non nớt, khiến bé dễ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công và gây nhiễm trùng. Trong số đó, nhiễm trùng máu là tình trạng cấp tính đặc biệt nguy hiểm có thể xảy ra trong vài ngày đầu sau sinh hoặc những tuần đầu đời. Vậy trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu có sao không? Dấu hiệu nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là gì? Hãy cùng Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu về bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là tình trạng y tế nghiêm trọng xảy ra trong tháng đầu sau sinh, khi phản ứng miễn dịch của cơ thể bé không còn kiểm soát được, dẫn đến sự rối loạn trong máu và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan quan trọng. Đây là dạng nhiễm khuẩn nặng kèm du khuẩn huyết khi vi khuẩn xâm nhập và lan truyền trong máu, gây nguy cơ tổn thương đa cơ quan.

Bệnh được chia thành hai nhóm dựa trên thời điểm khởi phát:

  • Nhiễm trùng máu sơ sinh khởi phát sớm: Xảy ra trong vòng 72 giờ đầu sau sinh, thường liên quan đến vi khuẩn lây từ mẹ sang con.
  • Nhiễm trùng máu sơ sinh khởi phát muộn: Xuất hiện sau ba ngày tuổi, có thể liên quan đến yếu tố môi trường hoặc chăm sóc hậu sản.

Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là vi khuẩn, trong đó quan trọng nhất là E. coli và liên cầu nhóm B (Group B Streptococcus - GBS). Listeria monocytogenes và Staphylococcus aureus (bao gồm cả tụ cầu kháng methicillin - MRSA) cũng là nguyên nhân đáng chú ý, đặc biệt trong các trường hợp nhiễm trùng khởi phát muộn hoặc mắc phải trong bệnh viện. Các vi khuẩn như Neisseria meningitidis, Salmonella, Haemophilus influenzae type B rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và không phải là tác nhân chính trong nhóm tuổi này. 

Ngoài ra, một số trường hợp hiếm gặp có thể do virus Herpes Simplex hoặc nấm gây ra. Việc hiểu rõ đặc điểm và nguyên nhân gây bệnh đóng vai trò quan trọng trong phát hiện và điều trị sớm, giúp tăng khả năng phục hồi cho trẻ.

Do mức độ tiến triển nhanh và khả năng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh cần được phát hiện và xử lý kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa hiệu quả 1
Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Dấu hiệu nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh có thể tiến triển nhanh chóng và gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phát hiện sớm. Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu thường có các biểu hiện sau đây:

  • Trẻ bú kém hoặc bỏ bú hoàn toàn;
  • Nôn sau khi bú;
  • Sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 36,5°C;
  • Trạng thái lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê hoặc kích thích quá mức;
  • Xuất hiện các cơn co giật;
  • Trương lực cơ thay đổi, có thể giảm hoặc tăng bất thường;
  • Phản xạ nguyên phát (bú, mút, nắm tay...) bị giảm rõ rệt;
  • Nhịp tim bất thường, nhanh hoặc chậm tùy theo giai đoạn bệnh;
  • Cơn ngừng thở ≥ 20 giây hoặc ngừng thở ngắn kèm theo nhịp tim chậm;
  • Thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực;
  • Da nhợt nhạt, lạnh, tím tái hoặc nổi vân tím;
  • Vàng da hoặc chảy máu dưới da, niêm mạc;
  • Tiêu chảy, bụng chướng, nôn ra máu, đi tiêu phân có máu;
  • Giảm lượng nước tiểu hoặc không đi tiểu trên 12 giờ;
  • Rốn sưng đỏ, chảy mủ hoặc xuất hiện mủ da;
  • Thóp phồng lên bất thường;
  • Hạ huyết áp;
  • Giảm số lượng tiểu cầu trong máu.

Nếu trẻ xuất hiện từ hai triệu chứng trở lên trong số các biểu hiện trên, cha mẹ nên đưa bé đi khám ngay để được chẩn đoán và xử lý sớm. Sự trì hoãn trong điều trị có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và sự phát triển lâu dài của trẻ.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa hiệu quả 2
Sốt là triệu chứng điển hình của bệnh nhiễm trùng máu 

Chẩn đoán nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh được thực hiện như thế nào?

Để xác định chính xác tình trạng nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên sự kết hợp giữa đánh giá lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.

Các phương pháp chẩn đoán thường bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra công thức máu toàn bộ, đo nồng độ protein phản ứng C (CRP) và thực hiện cấy máu để xác định vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh CRP, Procalcitonin (PCT) cũng là một chỉ dấu viêm hữu ích trong chẩn đoán sớm nhiễm trùng máu sơ sinh, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi cấy máu chưa có kết quả.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Bao gồm phân tích tổng quát nước tiểu và cấy nước tiểu nhằm phát hiện dấu hiệu nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Chọc dò tủy sống: Lấy dịch não tủy để phân tích, thường áp dụng khi nghi ngờ có liên quan đến viêm màng não do nhiễm khuẩn huyết.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm hoặc chụp X-quang ngực để kiểm tra các biến chứng tại phổi hoặc các cơ quan liên quan.
  • Một số xét nghiệm hỗ trợ khác: Khí máu động mạch, đo điện giải, kiểm tra đường huyết giúp theo dõi chức năng chuyển hóa và hô hấp của trẻ.

Việc chẩn đoán sớm và chính xác đóng vai trò then chốt trong việc điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm và cải thiện tiên lượng cho trẻ sơ sinh.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa hiệu quả 3
Xét nghiệm máu thường được thực hiện trong chẩn đoán nhiễm trùng máu

Phác đồ điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh chủ yếu dựa vào sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch kết hợp với các biện pháp chăm sóc hỗ trợ toàn diện. Phác đồ điều trị được lựa chọn dựa trên thời điểm khởi phát bệnh, mức độ nghiêm trọng và kết quả xét nghiệm vi sinh. Các nguyên tắc điều trị bao gồm:

Kháng sinh đặc hiệu

Để kiểm soát nhiễm trùng máu hiệu quả và ngăn ngừa vi khuẩn lan rộng, việc sử dụng kháng sinh đặc hiệu là yếu tố then chốt trong phác đồ điều trị. Tùy theo thời điểm khởi phát bệnh và mức độ nghi ngờ vi khuẩn gây nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định các loại kháng sinh phù hợp như sau:

  • Nhiễm trùng khởi phát sớm: Điều trị ban đầu bằng ampicillin kết hợp với gentamycin. Nếu nghi ngờ viêm màng não hoặc không thể chọc dò dịch não tuỷ, có thể thêm cefotaxime. Trong điều trị viêm màng não hoặc nhiễm trùng nặng, ceftriaxone không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ sơ sinh, do nguy cơ gây tăng bilirubin huyết và kết tủa muối canxi. Cefotaxime là lựa chọn an toàn hơn trong nhóm tuổi này.
  • Nhiễm trùng khởi phát muộn: Sử dụng ampicillin kết hợp với gentamycin hoặc ampicillin + cefotaxime. Nếu nghi ngờ nhiễm gram âm gây viêm màng não, có thể dùng kết hợp ampicillin, cefotaxime và một aminoglycoside.
  • Nhiễm trùng máu mắc phải trong bệnh viện: Vancomycin phối hợp với aminoglycoside là lựa chọn ưu tiên. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm P. aeruginosa, có thể dùng thêm ceftazidime, cefepime hoặc piperacillin-tazobactam.
Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa hiệu quả 4
Thuốc kháng sinh đặc hiệu được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Thay đổi kháng sinh

Khi có kết quả cấy bệnh phẩm hoặc kháng sinh đồ, thuốc nên được điều chỉnh sang loại có phổ tác dụng nhạy cảm cao nhất.

Liều lượng và đường dùng

Kháng sinh được tiêm truyền tĩnh mạch, liều dựa trên cân nặng của trẻ. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 7 đến 14 ngày và có thể lâu hơn nếu có nhiễm nấm phối hợp.

Nếu kết quả cấy máu âm tính sau 36 đến 48 giờ, và trẻ ổn định lâm sàng, có thể ngừng điều trị kháng sinh để tránh lạm dụng thuốc và nguy cơ kháng kháng sinh - theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP).

Hỗ trợ điều trị

Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh nhằm tiêu diệt tác nhân gây bệnh, trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu cần được điều trị hỗ trợ toàn diện để ổn định các chức năng sống, giảm nguy cơ biến chứng và tăng khả năng hồi phục. Các biện pháp hỗ trợ điều trị bao gồm:

  • Hỗ trợ hô hấp khi trẻ gặp khó thở hoặc có suy hô hấp.
  • Ổn định huyết động, duy trì thân nhiệt ổn định.
  • Bổ sung dinh dưỡng để nâng đỡ sức đề kháng và phục hồi thể trạng.

Việc điều trị cần được theo dõi sát sao tại cơ sở y tế có chuyên khoa sơ sinh, nhằm đảm bảo hiệu quả và hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Phòng ngừa nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Do nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề, việc chủ động phòng ngừa là yếu tố quan trọng hàng đầu để giảm nguy cơ mắc bệnh. Phòng ngừa cần được thực hiện toàn diện, từ trước sinh, trong khi sinh đến giai đoạn chăm sóc sau sinh tại cơ sở y tế. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

Trước sinh

Đây là giai đoạn nền tảng để giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ. Mẹ bầu cần được thăm khám định kỳ và áp dụng các biện pháp y tế cần thiết để bảo vệ thai nhi. Cụ thể:

  • Mẹ cần được sàng lọc và điều trị hiệu quả nếu mắc nhiễm khuẩn âm đạo do liên cầu nhóm B.
  • Dùng kháng sinh phù hợp trong các trường hợp vỡ ối non để giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.
  • Tránh chỉ định sinh mổ không cần thiết nếu không có lý do sản khoa rõ ràng.
  • Chuẩn bị đầy đủ kiến thức, tiêm ngừa trước khi mang thai, nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ.
Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa hiệu quả 5
Chị em cần tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai để có thai kỳ khỏe mạnh

Trong và ngay sau sinh

Quá trình sinh nở và những giờ đầu sau khi bé chào đời là thời điểm “vàng” để thực hiện các can thiệp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Các bước cần thiết bao gồm:

  • Thực hiện chăm sóc thiết yếu sớm: Lau khô trẻ ngay sau sinh, cho da kề da với mẹ, cắt rốn muộn và nuôi con bằng sữa mẹ - đặc biệt là sữa non.
  • Hạn chế tách mẹ và con nếu không có chỉ định y tế bắt buộc.

Tại đơn vị chăm sóc sơ sinh

Với những trẻ cần điều trị hoặc theo dõi tại bệnh viện, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc nhẹ cân, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn là ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều đó, cần:

  • Rửa tay đúng cách là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng lây nhiễm chéo.
  • Tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô trùng khi thực hiện thủ thuật.
  • Theo dõi các đường truyền tĩnh mạch thường xuyên, phát hiện sớm dấu hiệu rò rỉ hoặc chảy máu.
  • Ưu tiên cho trẻ ăn sớm bằng đường miệng sau khi ổn định và sử dụng sữa mẹ làm nguồn dinh dưỡng chính.
  • Áp dụng phương pháp Kangaroo chăm sóc trẻ sinh non, giúp tăng đề kháng tự nhiên và ổn định thân nhiệt.

Việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp trên không chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng máu ở trẻ nhỏ mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển khỏe mạnh và bền vững trong những năm đầu đời.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là một tình trạng nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nắm rõ các dấu hiệu, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị sẽ giúp cha mẹ chủ động bảo vệ sức khỏe cho con. Quan trọng hơn, phòng ngừa vẫn là giải pháp tối ưu để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng máu ở trẻ nhỏ. Hãy luôn theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ và tuân thủ hướng dẫn y tế từ chuyên gia.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NỘI DUNG LIÊN QUAN