Bệnh zona thần kinh không chỉ gây ra những tổn thương trên da mà còn có thể để lại những di chứng kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một trong những nỗi lo lớn của người bệnh là liệu bệnh zona thần kinh có tái phát không?
Bệnh zona thần kinh có tái phát không?
Zona thần kinh có tái phát không? Bệnh zona thần kinh là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Sau khi một người từng mắc thủy đậu, virus VZV không hoàn toàn bị loại bỏ mà vẫn âm thầm tồn tại trong các hạch thần kinh cảm giác dưới dạng tiềm ẩn. Nhiều năm sau, khi cơ thể rơi vào trạng thái suy yếu như tuổi già, căng thẳng kéo dài, suy nhược hay mắc các bệnh lý nền, virus có thể được "đánh thức", tái hoạt động và tấn công trở lại. Lúc này, VZV sẽ theo dây thần kinh di chuyển ra ngoài da, gây nên các biểu hiện đặc trưng của bệnh zona thần kinh. Vì vậy, bệnh zona thần kinh không chỉ xuất hiện một lần mà có khả năng tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi.

Cơ chế hoạt động của virus Varicella Zoster chính là nguyên nhân khiến zona thần kinh dễ dàng tái phát. Khi bạn bị zona lần đầu, hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ và tạo ra kháng thể giúp kiểm soát sự hoạt động của virus này. Tuy nhiên, virus không bị tiêu diệt hoàn toàn mà vẫn “ẩn mình” sâu trong các tế bào thần kinh tủy sống. Trong điều kiện bình thường, hệ miễn dịch có thể kìm hãm sự hoạt động của virus, nhờ đó người bệnh không có triệu chứng gì.
Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch suy yếu, virus sẽ “thức tỉnh” và tái hoạt động, gây ra các tổn thương da và triệu chứng của bệnh zona thần kinh. Những yếu tố làm suy giảm miễn dịch thường gặp như stress kéo dài, căng thẳng tinh thần, mắc các bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể, hoặc tuổi tác cao. Đặc biệt ở người già, hệ miễn dịch tự nhiên giảm dần theo thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho virus hoạt động trở lại. Do đó, nguy cơ tái phát zona thần kinh ở nhóm này khá cao.
Phương pháp điều trị khi bệnh zona tái phát
Khi bệnh zona thần kinh tái phát, việc điều trị đúng cách và kịp thời là rất quan trọng để giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Đối với những người mắc bệnh zona lần đầu, thuốc kháng virus đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát virus và hạn chế khả năng tái phát. Thuốc kháng virus hoạt động hiệu quả nhất khi được sử dụng ngay trong vòng 72 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và rút ngắn thời gian lành bệnh. Vì vậy bệnh nhân khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh zona tái phát cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chỉ định điều trị kịp thời.

Những người có nguy cơ tái phát zona thần kinh thường nằm trong các nhóm sau:
- Bệnh nhân bị đau kéo dài trên 30 ngày sau khi khỏi zona, hay còn gọi là đau thần kinh sau Herpetic (PHN).
- Phụ nữ có xu hướng tái phát cao hơn so với nam giới; người lớn tuổi, đặc biệt từ 50 tuổi trở lên.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh lý nghiêm trọng như bạch cầu, ung thư hạch, HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và điều trị kịp thời, phối hợp với việc chăm sóc sức khỏe toàn diện sẽ giúp kiểm soát hiệu quả bệnh zona tái phát, giảm thiểu đau đớn và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Biện pháp phòng ngừa bệnh zona thần kinh
Zona thần kinh là căn bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và để lại di chứng kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống cũng như tinh thần của người bệnh. Chính vì vậy, việc phòng ngừa tái phát zona thần kinh là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt với những ai đã từng trải qua một lần mắc bệnh. Để bảo vệ sức khỏe và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát, người bệnh cần chủ động xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, kết hợp với chăm sóc sức khỏe đúng cách và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp quan trọng nhất giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc lại zona thần kinh. Vắc xin Shingrix được nghiên cứu và phát triển chuyên biệt cho phòng bệnh zona, được khuyến cáo tiêm cho người trên 50 tuổi và người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao (như những người suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch). Phác đồ tiêm vắc xin gồm hai liều với khoảng cách thời gian khác nhau tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Cụ thể, với người trên 50 tuổi, mũi thứ hai được tiêm sau mũi đầu tiên khoảng 2 tháng, còn với nhóm nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên, mũi thứ hai được tiêm sau 1 tháng. Việc tuân thủ đúng lịch tiêm sẽ giúp cơ thể tạo ra kháng thể hiệu quả, giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc tái phát zona thần kinh.

Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng đóng vai trò rất lớn trong việc ngăn ngừa tái phát zona. Zona thần kinh tái phát thường xảy ra khi hệ miễn dịch bị suy yếu, do vậy, duy trì sức đề kháng khỏe mạnh là điều cần thiết. Người bệnh cần áp dụng chế độ sinh hoạt lành mạnh, bao gồm việc duy trì vận động thể chất đều đặn, ăn uống cân đối đầy đủ dinh dưỡng, kiểm soát cân nặng hợp lý và hạn chế tối đa các yếu tố gây hại như căng thẳng, stress kéo dài, thức khuya, cũng như tránh dùng các thực phẩm cay nóng, đồ đóng hộp.
Đặc biệt, việc từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích khác sẽ giúp bảo vệ hệ miễn dịch, từ đó giảm thiểu nguy cơ tái phát zona và nhiều bệnh lý khác. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh là “lá chắn” vững chắc chống lại sự tấn công của virus Varicella Zoster, nguyên nhân chính gây ra bệnh zona thần kinh.
Ngoài ra bạn cũng cần duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời, đặc biệt trong khoảng “thời gian vàng” 72 giờ đầu khi xuất hiện triệu chứng zona. Điều này không chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng, tránh biến chứng mà còn ngăn ngừa khả năng tái phát hiệu quả. Các chuyên gia y tế luôn khuyến khích mọi người nên duy trì thói quen này để bảo vệ sức khỏe toàn diện, đặc biệt với những người đã từng mắc zona thần kinh hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao.
Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin về bệnh zona thần kinh có tái phát không? Zona thần kinh hoàn toàn có khả năng tái phát vì vậy việc chủ động phòng ngừa bệnh bằng tiêm vắc xin là vô cùng cần thiết. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu hiện đã triển khai tiêm vắc xin Shingrix giúp phòng ngừa bệnh Herpes Zoster (zona, giời leo) và các biến chứng liên quan đến zona (giời leo) như đau dây thần kinh sau khi mắc Herpes (PHN). Vắc xin này được chỉ định cho người lớn từ 50 tuổi trở lên, cũng như người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc bệnh, nhằm tạo miễn dịch chủ động và bảo vệ lâu dài.