Tìm hiểu chung về xơ phổi
Xơ phổi là gì?
Xơ phổi là một nhóm bệnh lý nghiêm trọng của hệ hô hấp, đặc trưng bởi tình trạng tổn thương và xơ hóa mô phổi. Quá trình này khiến mô phổi trở nên dày và cứng, ảnh hưởng đến mô liên kết và các phế nang, làm giảm độ đàn hồi tự nhiên của phổi và cản trở quá trình trao đổi khí. Khi bệnh tiến triển, người bệnh thường cảm thấy khó thở, thậm chí hụt hơi.
Tỷ lệ mắc xơ phổi hiện vẫn chưa được thống nhất hoàn toàn, một phần do bệnh có nhiều thể lâm sàng khác nhau. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, riêng xơ phổi vô căn đã ảnh hưởng đến ít nhất 200.000 người tại Hoa Kỳ. Tình trạng này thường gặp ở người trung niên và người lớn tuổi, trong khi các trường hợp ở trẻ em và trẻ sơ sinh là rất hiếm.
Triệu chứng thường gặp của xơ phổi
Những dấu hiệu và triệu chứng của xơ phổi
Triệu chứng của xơ phổi rất đa dạng và không phải ai cũng biểu hiện giống nhau. Bệnh thường khởi phát âm thầm với các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Thở ngắn nông;
- Ho khan kéo dài không dứt;
- Mệt mỏi kéo dài dù nghỉ ngơi đầy đủ;
- Khó thở khi gắng sức;
- Sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Tím môi, tím đầu chi do thiếu oxy máu;
- Khi bệnh tiến triển, có thể xuất hiện hiện tượng "ngón tay dùi trống", đầu ngón tay, ngón chân trở nên to và tròn.

Biến chứng của xơ phổi
Biến chứng của xơ phổi chủ yếu liên quan đến tổn thương lan tỏa của mô phổi, làm giảm nghiêm trọng khả năng trao đổi oxy.
- Tăng áp động mạch phổi;
- Suy tim phải;
- Suy hô hấp;
- Ung thư phổi;
- Các vấn đề khác về phổi như xẹp phổi, viêm phổi, thuyên tắc phổi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu các triệu chứng đã nêu trên trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi tiến triển nhanh và nghiêm trọng, bạn cần tái khám ngay tại khoa Hô hấp của bệnh viện để được can thiệp và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh xơ phổi
Tổn thương phổi dẫn đến xơ phổi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây xơ phổi không thể xác định được. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý này:
Bệnh lý nền
Tổn thương phổi cũng có thể do nhiều bệnh lý gây ra, bao gồm:
- Viêm da cơ;
- Lupus ban đỏ hệ thống;
- Viêm phổi;
- Viêm đa cơ;
- Viêm khớp dạng thấp;
- Sarcoidosis;
- Xơ cứng bì.
Thuốc
Nhiều loại thuốc có thể gây tổn thương phổi như:
- Thuốc hóa trị: Các thuốc tiêu diệt tế bào ung thư như Methotrexate, Bleomycin và Cyclophosphamide có thể làm tổn thương mô phổi.
- Thuốc tim mạch: Một số thuốc điều trị rối loạn nhịp tim như Amiodarone có thể gây tổn thương phổi.
- Kháng sinh: Một số kháng sinh như Nitrofurantoin hoặc Ethambutol có thể gây tổn thương phổi.
- Thuốc kháng viêm: Một số thuốc kháng viêm như Rituximab hoặc Sulfasalazine cũng có thể gây xơ hóa phổi.
Điều trị bằng tia xạ
Một số người sau khi điều trị xạ trị vùng ngực, chẳng hạn như điều trị ung thư phổi hoặc ung thư vú, có thể xuất hiện dấu hiệu tổn thương phổi sau vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Mức độ tổn thương có thể phụ thuộc vào:
- Phần phổi bị chiếu xạ nhiều hay ít;
- Tổng liều lượng tia xạ đã sử dụng;
- Có kết hợp hóa trị hay không;
- Tình trạng bệnh lý phổi nền có sẵn.

Nghề nghiệp và môi trường sống
Việc tiếp xúc liên tục hoặc lặp đi lặp lại với các chất độc hại hoặc chất ô nhiễm, những chất làm giảm chất lượng nước, không khí hoặc đất, có thể gây tổn thương phổi, đặc biệt nếu không sử dụng thiết bị bảo hộ. Các ví dụ bao gồm:
- Bụi silic;
- Sợi amiăng;
- Bụi kim loại cứng;
- Bụi gỗ, bụi than và bụi ngũ cốc;
- Nấm mốc;
- Phân chim và động vật.
Xơ phổi vô căn
Mặc dù nhiều yếu tố và bệnh lý có thể dẫn đến xơ phổi, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân vẫn không được xác định. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá và phơi nhiễm ô nhiễm không khí có thể liên quan. Xơ phổi không rõ nguyên nhân được gọi là xơ phổi vô căn.
Nhiều người mắc xơ phổi vô căn cũng bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), một tình trạng mà axit dạ dày trào ngược lên thực quản. GERD có thể là yếu tố nguy cơ hoặc làm cho xơ phổi vô căn tiến triển nhanh hơn, mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ mối liên quan này.
Nguy cơ gây bệnh xơ phổi
Những ai có nguy cơ mắc phải xơ phổi
Một số đối tượng có thể làm tăng khả năng mắc xơ phổi:
- Đa số bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi trong độ tuổi từ 50 đến 70.
- Nam giới có nguy cơ mắc cao hơn nữ giới, mặc dù số ca bệnh ở nữ đang gia tăng trong những năm gần đây.
- Người mắc một số bệnh lý nền như bệnh tự miễn, nhiễm virus, ung thư vùng ngực.
- Người làm việc thường xuyên trong môi trường bụi bẩn hoặc có hóa chất độc hại, như nông dân, thợ xây dựng, thợ đá hoặc thợ làm tóc.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xơ phổi
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc xơ phổi:
- Hút thuốc lá: Người đang hoặc đã từng hút thuốc có nguy cơ cao hơn nhiều so với người chưa bao giờ hút thuốc. Người mắc bệnh khí phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng có nguy cơ cao.
- Nghề nghiệp đặc thù: Công việc liên quan đến khai thác mỏ, nông nghiệp, xây dựng hoặc tiếp xúc lâu dài với bụi, hóa chất độc hại làm tăng nguy cơ tổn thương phổi.
- Điều trị ung thư: Xạ trị vùng ngực hoặc sử dụng một số thuốc hóa trị có thể gây xơ hóa mô phổi.
- Yếu tố di truyền: Một số trường hợp xơ phổi có tính chất gia đình, cho thấy yếu tố gen có thể đóng vai trò nhất định trong bệnh sinh.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm xơ phổi
Chẩn đoán xơ phổi dựa trên lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng. Khi thăm khám, bác sĩ có thể nghe thấy tiếng ran nổ nhỏ ở đáy phổi khi bệnh nhân hít thở.
Các xét nghiệm thường dùng bao gồm:
- Chẩn đoán hình ảnh: X-quang phổi có thể cho thấy hình ảnh xơ hóa, tuy nhiên CT scan ngực độ phân giải cao (HRCT) cung cấp thông tin chi tiết hơn về mức độ tổn thương và mô hình xơ hóa.
- Siêu âm tim (Echocardiogram): Đánh giá áp lực động mạch phổi và chức năng tim phải.
- Chức năng hô hấp: Các test như đo phế dung, đo thể tích phổi, đo khuếch tán khí để đánh giá khả năng trao đổi khí của phổi.
- Đo độ bão hòa oxy máu (SpO₂) và khí máu động mạch: Xác định mức oxy và CO₂ trong máu.
- Sinh thiết mô phổi: Khi các xét nghiệm khác không đủ xác định chẩn đoán, có thể cần sinh thiết phổi qua nội soi phế quản hoặc phẫu thuật (VATS hoặc mở ngực).
- Xét nghiệm máu: Loại trừ các nguyên nhân khác và đánh giá chức năng gan, thận.

Điều trị
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm xơ phổi. Việc điều trị chủ yếu nhằm làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống, bao gồm:
- Thuốc: Pirfenidone và Nintedanib giúp làm chậm quá trình xơ hóa phổi. Tuy nhiên, Nintedanib có thể gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy và buồn nôn còn Pirfenidone thường gây buồn nôn, chán ăn và phát ban da do ánh nắng mặt trời.
- Liệu pháp oxy: Giúp cải thiện tình trạng khó thở và tăng cường thể lực.
- Phục hồi chức năng hô hấp: Các chương trình tập luyện giúp bệnh nhân duy trì khả năng vận động.
- Ghép phổi: Là lựa chọn cho một số trường hợp nặng đủ điều kiện. Nhưng ghép phổi có thể gây ra các biến chứng như thải ghép tạng và nhiễm trùng. Sau khi ghép phổi, bạn phải dùng thuốc chống thải ghép trong suốt quãng đời còn lại.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể tham gia các nghiên cứu lâm sàng để tiếp cận những phương pháp điều trị mới.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa xơ phổi
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xơ phổi
Chế độ sinh hoạt
Bệnh nhân xơ phổi cần đảm bảo một số biện pháp sinh hoạt để hạn chế diễn tiến bệnh:
- Không hút thuốc lá và tránh xa môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại.
- Tập luyện thể dục nhẹ nhàng (như đi bộ, yoga hoặc các bài tập phục hồi chức năng phổi) để cải thiện sức bền, duy trì chức năng hô hấp.
- Tuân thủ điều trị, dùng thuốc đúng chỉ định và tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh.
- Tiêm phòng vắc xin cúm, vắc xin phế cầu và COVID-19 để giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp làm nặng thêm bệnh.
- Giữ tinh thần lạc quan, giảm stress vì căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch.
Chế độ dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể hỗ trợ duy trì sức khỏe tổng thể và làm chậm tiến triển của xơ phổi:
- Bệnh nhân nên ăn đủ protein để duy trì cơ bắp, đặc biệt là cơ hô hấp.
- Ưu tiên thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, như trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
- Chất béo lành mạnh (từ dầu olive, cá béo) giúp cung cấp năng lượng hiệu quả.
- Hạn chế muối để tránh giữ nước và giảm gánh nặng cho tim, nhất là khi đã có biến chứng tăng áp phổi.
- Bạn nên tránh thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có gas. Đồng thời, uống đủ nước mỗi ngày để giữ ẩm cho đường hô hấp.
- Nếu bệnh nhân khó ăn hoặc sụt cân, cần được tư vấn bổ sung dinh dưỡng y khoa chuyên biệt.
Phương pháp phòng ngừa xơ phổi
Mặc dù không phải tất cả các trường hợp xơ phổi đều có thể phòng ngừa (nhất là dạng vô căn), nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động.
- Sử dụng đồ bảo hộ (khẩu trang chuyên dụng) nếu làm việc trong môi trường bụi bẩn hoặc có hóa chất.
- Tránh tiếp xúc với nấm mốc, bụi hữu cơ, chất độc từ chim, động vật, hoặc nông trại.
- Điều trị tốt các bệnh nền như viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh phổi.
- Tiêm vắc xin phòng ngừa phế cầu và cúm.
