Tìm hiểu chung về nhồi máu phổi
Nhồi máu phổi là tình trạng cục máu đông xuất hiện trong mạch máu của phổi. Điều này xảy ra khi một cục máu đông từ nơi khác trong cơ thể (thường là ở chân hoặc tay) di chuyển theo mạch máu đến phổi. Nhồi máu phổi làm cản trở lưu lượng máu đến phổi, giảm mức oxy trong phổi và làm tăng áp lực trong động mạch phổi.
Tình trạng này là một cấp cứu y tế. Nếu không được điều trị kịp thời, nhồi máu phổi có thể gây tổn thương tim, phổi, thậm chí đe dọa tính mạng. Khoảng 33% người bị nhồi máu phổi tử vong trước khi được chẩn đoán và điều trị.
Nhồi máu phổi có thể:
- Gây tổn thương phổi.
- Gây áp lực lên tim, dẫn đến suy tim.
- Đe dọa tính mạng tùy theo kích thước cục máu đông.
Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhồi máu phổi hiếm khi gây tử vong.
Triệu chứng nhồi máu phổi
Những dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu phổi
Những dấu hiệu đầu tiên của nhồi máu phổi thường là khó thở và đau ngực, đặc biệt khi bạn gắng sức hoặc hít thở sâu.
Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đi khám ngay lập tức. Nhồi máu phổi là một tình trạng nguy hiểm nhưng có thể điều trị được. Việc điều trị sớm sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong.
Triệu chứng của nhồi máu phổi có thể khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của cục máu đông. Hầu hết mọi người đều có triệu chứng, nhưng một số trường hợp có thể không nhận thấy dấu hiệu gì.
Những triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Khó thở đột ngột, dù đang hoạt động hay nghỉ ngơi.
- Thở nhanh.
- Khò khè.
- Đau nhói không rõ nguyên nhân ở ngực, cánh tay, lưng, vai, cổ hoặc hàm. Cơn đau có thể giống với triệu chứng đau tim và nặng hơn khi hít thở.
- Ho, có thể kèm theo đờm lẫn máu.
- Da nhợt nhạt, lạnh ẩm hoặc tím tái.
- Tim đập nhanh.
- Đổ mồ hôi nhiều.
- Trong một số trường hợp, có thể cảm thấy lo lắng, chóng mặt, xây xẩm hoặc ngất xỉu.
/nhoi_mau_phoi4_52e764cc66.png)
Biến chứng có thể gặp khi bị nhồi máu phổi
Các biến chứng chính liên quan đến nhồi máu phổi bao gồm:
- Huyết khối thuyên tắc tái phát;
- Tăng áp động mạch phổi do huyết khối mạn tính;
- Suy tim phải;
- Sốc tim.
Nếu không được điều trị, nhồi máu phổi có thể gây tử vong với tỷ lệ lên đến 30%. Một số nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ đột quỵ tăng lên, có thể do thuyên tắc nghịch lý qua lỗ bầu dục còn tồn tại ở những bệnh nhân bị nhồi máu phổi cấp tính.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng của nhồi máu phổi. Nếu bạn đang điều trị nhồi máu phổi, hãy đến gặp bác sĩ để tái khám theo lịch hẹn. Trong thời gian dùng thuốc làm loãng máu, hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn có phân đen, đau đầu dữ dội hoặc vết bầm ngày càng to lên. Những dấu hiệu này có thể cho thấy bạn đang bị chảy máu.
Nguyên nhân gây nhồi máu phổi
Hầu hết các trường hợp nhồi máu phổi bắt nguồn từ huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân. Do đó, các yếu tố nguy cơ của nhồi máu phổi cũng giống với huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân. Bộ ba Virchow gồm tăng đông máu, ứ trệ tĩnh mạch và tổn thương thành mạch giúp giải thích các yếu tố nguy cơ này. Chúng được chia thành yếu tố di truyền và yếu tố mắc phải:
- Yếu tố di truyền: Một số rối loạn liên quan đến đông máu như đột biến yếu tố V Leiden, đột biến gen prothrombin, thiếu protein C, thiếu protein S và tăng homocysteine máu.
- Yếu tố mắc phải: Bao gồm bất động trong thời gian dài (ví dụ nằm liệt giường trên 3 ngày, đi lại hơn 4 giờ), phẫu thuật chỉnh hình gần đây, ung thư, đặt ống thông tĩnh mạch, béo phì, mang thai, hút thuốc lá và sử dụng thuốc tránh thai.
/nhoi_mau_phoi5_fe6a135594.png)
Nguy cơ mắc phải nhồi máu phổi
Những ai có nguy cơ mắc phải nhồi máu phổi?
Nhồi máu phổi là một bệnh lý tim mạch phổ biến, đứng sau bệnh động mạch vành và đột quỵ. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn so với nữ giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhồi máu phổi
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ huyết khối từ đó tăng nguy cơ nhồi máu phổi bao gồm:
- Gãy xương chi dưới;
- Nhập viện do suy tim hoặc rung nhĩ trong vòng 3 tháng trước;
- Thay khớp háng hoặc đầu gối;
- Chấn thương lớn;
- Tiền sử huyết khối tắc mạch tĩnh mạch trước đó;
- Đặt CVP (ống thông tĩnh mạch trung tâm);
- Hóa trị;
- Suy tim sung huyết hoặc suy hô hấp;
- Liệu pháp thay thế hormone;
- Liệu pháp tránh thai bằng đường uống;
- Thời kỳ sau sinh;
- Nhiễm trùng (cụ thể là viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu và HIV);
- Ung thư (nguy cơ cao nhất trong bệnh di căn);
- Hội chứng tăng đông máu;
- Nghỉ ngơi trên giường hơn 3 ngày;
- Béo phì;
- Mang thai.
/nhoi_mau_phoi6_2ee2157eb4.png)
Phương pháp chẩn đoán và điều trị nhồi máu phổi
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm nhồi máu phổi
Sau khi xem xét triệu chứng và yếu tố nguy cơ của bạn, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau để chẩn đoán nhồi máu phổi (PE):
- Xét nghiệm máu (bao gồm xét nghiệm D-dimer).
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) có cản quang để kiểm tra mạch máu phổi.
- Siêu âm chân để phát hiện cục máu đông trong tĩnh mạch sâu (DVT), vì những cục máu đông này có thể di chuyển lên phổi và gây nhồi máu phổi.
- Xạ hình thông khí tưới máu (dành cho những người không thể tiêm thuốc cản quang khi chụp CT).
- Máy đo oxy đầu ngón tay (pulse oximeter) để kiểm tra mức oxy trong máu.
- Siêu âm tim để đánh giá ảnh hưởng của nhồi máu phổi đến tim.
Các xét nghiệm bổ sung khác có thể được thực hiện bao gồm:
- Chụp động mạch phổi (pulmonary angiogram).
- Chụp X-quang ngực để loại trừ các bệnh lý khác.
Điều trị nhồi máu phổi
Nội khoa
Bác sĩ thường điều trị nhồi máu phổi tại bệnh viện để theo dõi tình trạng của bạn chặt chẽ. Thời gian điều trị và nằm viện sẽ khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của cục máu đông. Một số người có thể không cần phải ở lại qua đêm.
Liệu pháp ban đầu tập trung vào hỗ trợ, ví dụ như liệu pháp oxy trong trường hợp có suy hô hấp. Các phương pháp điều trị nội khoa khác bao gồm:
- Thuốc chống đông máu (thuốc loãng máu): Trong hầu hết các trường hợp, điều trị chủ yếu bằng thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu). Thuốc này giúp giảm khả năng đông máu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới.
- Liệu pháp tiêu sợi huyết (dùng thuốc để làm tan cục máu đông): Loại thuốc này chỉ được sử dụng trong khoa cấp cứu hoặc phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), nơi bác sĩ có thể theo dõi bạn chặt chẽ. Bạn có thể được chỉ định thuốc tiêu sợi huyết nếu gặp tình trạng đặc biệt, chẳng hạn như huyết áp thấp hoặc diễn biến sức khỏe không ổn định do nhồi máu phổi.
- Vớ y khoa: Vớ áp lực giúp cải thiện lưu thông máu ở chân. Những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) thường sử dụng loại vớ này theo chỉ định.
Ngoại khoa
Nếu nhồi máu phổi đe dọa tính mạng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật hoặc sử dụng ống thông để loại bỏ cục máu đông trong động mạch phổi.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một thủ thuật can thiệp đặt một bộ lọc tĩnh mạch chủ vào tĩnh mạch lớn nhất của cơ thể. Bộ lọc này giúp giữ lại các cục máu đông trước khi chúng di chuyển đến phổi.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa nhồi máu phổi
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của nhồi máu phổi
Chế độ sinh hoạt
Để hạn chế diễn tiến bệnh, việc thực hiện các điều sau có thể giúp ích:
- Luôn tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu xuất hiện triệu chứng mới hoặc triệu chứng cũ trở nên nghiêm trọng hơn, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
- Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, tránh ngồi hoặc nằm bất động quá lâu.
- Bổ sung đủ nước, tối thiểu 2 lít mỗi ngày.
- Tránh hút thuốc lá.
- Hạn chế hoặc tránh sử dụng rượu bia.
- Khi phải bất động trong thời gian dài hoặc mắc bệnh suy van tĩnh mạch, nên mang vớ áp lực để hỗ trợ lưu thông máu.
Chế độ dinh dưỡng
Hiện chưa có chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào có thể phòng ngừa hoàn toàn nhồi máu phổi. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống cân bằng, cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp duy trì sức khỏe tổng thể. Để có chế độ ăn phù hợp với tình trạng của mình, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng.
Phòng ngừa nhồi máu phổi
Phòng ngừa nhồi máu phổi chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát và giảm thiểu các nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Một số biện pháp giúp ngăn ngừa tình trạng này bao gồm:
- Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên. Nếu không thể đi lại, hãy cử động tay, chân và bàn chân vài phút mỗi giờ. Nếu phải ngồi hoặc đứng lâu, nên mang vớ nén để hỗ trợ lưu thông máu.
- Uống đủ nước, nhưng hạn chế rượu và cà phê.
- Tránh sử dụng thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá.
- Không bắt chéo chân khi ngồi.
- Tránh mặc quần áo quá chật.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Nâng cao chân khoảng 30 phút, hai lần mỗi ngày.
- Thảo luận với bác sĩ về cách giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt nếu bạn hoặc người thân từng gặp tình trạng này.
- Hỏi ý kiến bác sĩ về việc đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ (vena cava filter) nếu cần thiết.
/nhoi_mau_phoi7_1a0f1bcbf4.png)
Nhồi máu phổi là một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, việc tuân thủ phác đồ điều trị, duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất, bạn nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần thiết.