Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm phổ biến, dễ lây lan qua đường hô hấp và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Trong bối cảnh dịch cúm có xu hướng ngày càng gia tăng, việc phát hiện bệnh nhanh chóng sẽ góp phần giúp kiểm soát tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Chính vì vậy, xét nghiệm chẩn đoán cúm đã trở thành giải pháp hữu hiệu, giúp bác sĩ và người bệnh chủ động hơn trong quá trình thăm khám và điều trị. Vậy cụ thể, xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh gồm những phương pháp nào? Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Khi nào cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán cúm?
Việc xét nghiệm để xác định chính xác bệnh cúm là không bắt buộc trong tất cả các trường hợp. Nhưng trong một số tình huống nhất định, việc làm xét nghiệm sẽ rất cần thiết nhằm giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp hơn. Cụ thể, các trường hợp nên thực hiện xét nghiệm cúm trong các trường hợp sau:
- Xuất hiện triệu chứng kéo dài hoặc trở nặng: Nếu các biểu hiện như sốt, ho kéo dài, đau đầu hoặc mệt mỏi không thuyên giảm sau 4 – 7 ngày hoặc có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng hơn, thì nên xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác và loại trừ các bệnh lý nguy hiểm khác.
- Người thuộc nhóm nguy cơ cao: Trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền mạn tính hoặc đang suy giảm miễn dịch là những đối tượng dễ gặp biến chứng nặng do cúm. Việc xét nghiệm giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
- Có dấu hiệu bất thường trong mùa dịch: Khi đang trong thời điểm bùng phát dịch cúm hoặc các bệnh đường hô hấp khác như Covid-19, việc làm xét nghiệm sẽ giúp phân biệt chính xác nguyên nhân gây bệnh.
- Cần xác định chủng virus để điều trị: Trong một số trường hợp đặc biệt như điều trị bằng thuốc kháng virus hoặc phục vụ công tác nghiên cứu dịch tễ, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm để xác định chính xác chủng cúm (ví dụ cúm A hay B).

Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh
Hiện nay, có nhiều kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh được sử dụng để xác định liệu một người có bị nhiễm cúm hay không. Tuy nhiên, để đạt được kết quả chính xác, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, các xét nghiệm này cần được thực hiện tại những cơ sở y tế uy tín, được trang bị đầy đủ và đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn. Theo các chuyên gia, những phương pháp xét nghiệm cúm phổ biến hiện nay gồm:
Xét nghiệm nhanh (RIDTs)
Đây là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh giúp nhận diện nhanh kháng nguyên virus cúm trong mẫu bệnh phẩm, thường cho kết quả chỉ sau khoảng 10 – 15 phút. Tuy nhiên, độ chính xác của xét nghiệm nhanh không cao bằng các phương pháp khác, bởi nó còn phụ thuộc vào độ tuổi người bệnh, thời gian mắc bệnh, loại virus và chất lượng mẫu lấy được. Vì vậy, khi kết quả test nhanh cho âm tính, bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm chuyên sâu để khẳng định chắc chắn.

- Kết quả âm tính: Chỉ xuất hiện một vạch đỏ tại vị trí “C”, cho thấy mẫu không có kháng nguyên virus cúm.
- Kết quả dương tính: Xuất hiện hai vạch đỏ tại cả vị trí “C” và “T” (bất kể vạch nào hiện trước), nghĩa là đã phát hiện kháng nguyên cúm.
- Kết quả không hợp lệ: Nếu chỉ có vạch đỏ ở “T” hoặc không có vạch nào, có thể do lỗi kỹ thuật hoặc test bị hỏng, cần thực hiện lại.
Xét nghiệm Real time RT-PCR
Đây là phương pháp xét nghiệm tiêu chuẩn vàng hiện nay, có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Xét nghiệm này không chỉ giúp phát hiện sự hiện diện của virus cúm mà còn phân biệt được giữa các chủng virus một cách nhanh chóng. Mẫu bệnh phẩm thường là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu hoặc dịch phế quản và nên được lấy càng sớm càng tốt. Kết quả thường có sau 4 – 6 giờ. Phương pháp xét nghiệm này cho kết quả có độ chính xác cao, đặc biệt trong các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm nghiêm trọng, bệnh nền phức tạp hoặc người có hệ miễn dịch yếu.
Test phân biệt cúm A và cúm B
Phương pháp này thường được áp dụng rộng rãi trong mùa dịch, nhằm sàng lọc nhanh các ca nhiễm cúm type A hoặc B. Mẫu bệnh phẩm được lấy trực tiếp từ dịch mũi họng bằng tăm bông vô trùng. Ưu điểm của kỹ thuật này là cho kết quả nhanh, chỉ mất khoảng 10 – 15 phút.

Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang
Dựa trên phản ứng giữa kháng thể huỳnh quang và kháng nguyên cúm, phương pháp này được sử dụng như một công cụ sàng lọc ban đầu. Có thể sử dụng nhuộm kháng thể huỳnh quang trực tiếp hoặc gián tiếp để phân tích mẫu. Thời gian có kết quả thường trong vòng vài giờ. Tuy nhiên, độ chính xác của kỹ thuật này thấp hơn so với PCR và phụ thuộc khá nhiều vào kỹ năng của kỹ thuật viên cũng như chất lượng mẫu thu thập được.
Cách phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả
Để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng trước nguy cơ lây nhiễm cúm, Bộ Y Tế khuyến cáo người dân cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa sau:
- Duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ, luôn che miệng khi ho hoặc hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch; đồng thời nên súc miệng, rửa mũi mỗi ngày bằng nước muối sinh lý để làm sạch đường hô hấp trên.
- Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là trong thời tiết lạnh hoặc giao mùa; ăn uống đủ chất, bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng.
- Hạn chế đến những nơi đông người hoặc tiếp xúc gần với người đang có triệu chứng cúm và hãy sử dụng khẩu trang đúng cách để ngăn ngừa lây nhiễm trong trường hợp cần thiết.
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng virus nếu chưa có chỉ định của bác sĩ, vì việc sử dụng sai cách có thể gây tác dụng phụ không mong muốn hoặc kháng thuốc.
- Khi xuất hiện các dấu hiệu như sốt, ho, đau đầu, nghẹt mũi, mệt mỏi, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, một trong những phương pháp hiệu quả và đơn giản nhất để phòng bệnh cúm chính là tiêm vắc xin xin cúm mùa định kỳ. Vắc xin giúp cơ thể tạo kháng thể, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Hiện tại, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đang cung cấp 3 loại vắc xin cúm chính bao gồm Ivacflu-S, Vaxigrip Tetra và Influvac Tetra. Với quy trình tiêm chủng khép kín an toàn, chuyên nghiệp và đội ngũ y tế kinh nghiệm, trung tâm cam kết mang đến cho bạn dịch vụ tiêm chủng tốt nhất. Hãy liên hệ đến hotline 18006928 để đặt lịch tiêm chủng ngay hôm nay nhé!
Có thể thấy, xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo độ chính xác và an toàn, người dân nên thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn cao.
Xem thêm:
Người đang bị cúm có tiêm phòng cúm được không? Giải đáp chi tiết