icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

Viêm niệu đạo ở nữ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Ánh Vũ22/07/2025

Viêm niệu đạo ở nữ giới là bệnh lý đường tiết niệu phổ biến, dễ mắc phải do cấu tạo niệu đạo ngắn. Bệnh gây tiểu buốt, đau rát, khó chịu vùng kín và có nguy cơ biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết sớm và cách điều trị hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.

Viêm niệu đạo ở nữ là một vấn đề sức khỏe khá phổ biến nhưng lại thường bị xem nhẹ trong giai đoạn đầu. Với cấu tạo giải phẫu đặc biệt, phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới, đặc biệt khi vệ sinh vùng kín không đúng cách hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh không chỉ gây ra cảm giác khó chịu như tiểu buốt, đau rát mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan viêm nhiễm sang các cơ quan sinh sản ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau. Nhận biết sớm triệu chứng và điều trị đúng cách là yếu tố then chốt giúp chị em bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Viêm niệu đạo ở nữ là gì?

Viêm niệu đạo ở nữ là tình trạng viêm nhiễm tại niệu đạo - ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Đây là một bệnh lý niệu – sinh dục thường gặp, chủ yếu do vi khuẩn đường ruột hoặc các tác nhân lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae gây ra. Do cấu trúc niệu đạo ngắn và nằm gần hậu môn, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Viêm niệu đạo còn có thể do nguyên nhân không nhiễm khuẩn, như viêm do dị ứng với bao cao su, hóa chất. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm niệu đạo có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Viêm niệu đạo ở nữ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 1
Một số trường hợp viêm niệu đạo ở nữ có thể do virus gây viêm loét và đau rát niệu đạo

Nguyên nhân gây viêm niệu đạo ở nữ

Viêm niệu đạo ở nữ giới có thể khởi phát do nhiều tác nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là:

  • Vi khuẩn đường ruột (E. coli): Là nguyên nhân hàng đầu, thường xâm nhập từ hậu môn sang niệu đạo do vệ sinh không đúng cách, đặc biệt khi lau từ sau ra trước sau khi đi vệ sinh.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Dễ dẫn đến lây nhiễm các tác nhân gây bệnh qua đường tình dục như Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae, nấm Candida hoặc virus herpes.
  • Kích ứng hóa học: Việc sử dụng các sản phẩm chứa chất tẩy rửa mạnh như xà phòng, sữa tắm, dung dịch vệ sinh có độ pH không phù hợp hoặc chất bôi trơn có thể gây tổn thương niêm mạc niệu đạo tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Viêm phụ khoa lan rộng: Tình trạng viêm âm đạo, viêm cổ tử cung không được điều trị triệt để có thể lan ngược lên niệu đạo qua đường sinh dục.
  • Thói quen vệ sinh cá nhân kém: Không thay băng vệ sinh thường xuyên trong chu kỳ kinh nguyệt, mặc quần lót ẩm ướt, bó sát hoặc vệ sinh vùng kín không đúng cách đều làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Viêm niệu đạo ở nữ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 2
Quan hệ tình dục không an toàn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm niệu đạo ở nữ

Dấu hiệu nhận biết viêm niệu đạo ở nữ

Triệu chứng viêm niệu đạo ở nữ thường không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác của hệ tiết niệu – sinh dục như viêm bàng quang, viêm âm đạo hay nhiễm trùng tiểu. Tuy nhiên, một số biểu hiện lâm sàng thường gặp bao gồm:

  • Tiểu buốt, tiểu rát: Cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu là triệu chứng thường gặp nhất.
  • Tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần: Người bệnh có cảm giác buồn tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu thường ít.
  • Đau nhẹ vùng hạ vị hoặc vùng mu: Có thể kèm cảm giác tức nặng, khó chịu âm ỉ.
  • Dịch tiết bất thường từ niệu đạo: Có thể thấy dịch nhầy màu trắng hoặc vàng chảy ra từ lỗ niệu đạo đặc biệt vào buổi sáng.
  • Nước tiểu đục, đôi khi có máu: Do niêm mạc niệu đạo bị tổn thương, xuất huyết nhẹ.
  • Ngứa vùng kín, cảm giác nóng rát: Thường xuất hiện đồng thời với các triệu chứng tiết niệu.
  • Toàn thân mệt mỏi, sốt nhẹ: Một số trường hợp có biểu hiện nhiễm trùng lan rộng.
Viêm niệu đạo ở nữ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 3
Viêm niệu đạo ở nữ có thể gây đau nhẹ vùng hạ vị kèm cảm giác tức hoặc khó chịu đặc biệt khi đi tiểu

Cách phòng ngừa viêm niệu đạo ở nữ

Phòng ngừa viêm niệu đạo là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tái phát và hạn chế biến chứng về lâu dài. Để bảo vệ sức khỏe hệ tiết niệu – sinh dục, nữ giới nên tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách: Rửa sạch vùng kín mỗi ngày bằng nước sạch hoặc dung dịch chuyên dụng có độ pH phù hợp, sau đó lau khô nhẹ nhàng theo chiều từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào niệu đạo.
  • Không thụt rửa âm đạo sâu: Việc này dễ gây tổn thương niêm mạc và mất cân bằng hệ vi sinh tự nhiên từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
  • Lựa chọn trang phục phù hợp: Nên mặc đồ lót làm từ chất liệu cotton thấm hút tốt không quá bó sát để giữ cho vùng kín luôn khô thoáng.
  • Uống đủ nước mỗi ngày: Duy trì lượng nước cần thiết giúp cơ thể tăng cường đào thải vi khuẩn qua đường tiểu hỗ trợ làm sạch hệ tiết niệu một cách tự nhiên.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng biện pháp bảo vệ, vệ sinh sạch sẽ cả trước và sau khi quan hệ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn.
  • Khám phụ khoa định kỳ: Việc thăm khám thường xuyên giúp phát hiện sớm các vấn đề viêm nhiễm tiềm ẩn, đặc biệt đối với những người có tiền sử viêm niệu đạo, viêm âm đạo hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Viêm niệu đạo ở nữ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 4
Duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày là cách đơn giản nhưng hiệu quả để bảo vệ đường tiết niệu, phòng ngừa viêm niệu đạo

Cách điều trị viêm niệu đạo ở nữ

Nguyên tắc điều trị viêm niệu đạo ở nữ là dựa vào căn nguyên gây bệnh, mức độ viêm nhiễm và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Việc chẩn đoán chính xác là yếu tố then chốt giúp lựa chọn phác đồ điều trị hiệu quả. Một số hướng điều trị thường được áp dụng bao gồm:

  • Sử dụng kháng sinh: Trong đa số trường hợp, viêm niệu đạo do vi khuẩn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống hoặc tiêm, tùy theo mức độ bệnh. Việc lựa chọn loại kháng sinh cần dựa trên kết quả cấy nước tiểu và kháng sinh đồ nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế kháng thuốc.
  • Thuốc kháng nấm hoặc kháng virus: Nếu xác định nguyên nhân là do nấm Candida albicans hoặc virus herpes simplex, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống nấm (như fluconazole) hoặc thuốc kháng virus tương ứng.
  • Điều trị đồng thời cho bạn tình: Trong các trường hợp viêm niệu đạo do tác nhân lây truyền qua đường tình dục (Chlamydia, lậu cầu…) việc điều trị đồng thời cho bạn tình là bắt buộc nhằm tránh tình trạng tái nhiễm.
  • Chăm sóc hỗ trợ tại nhà: Uống nhiều nước giúp đào thải vi khuẩn qua đường tiểu, vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách, mặc đồ lót thoáng mát, chất liệu cotton tránh sử dụng dung dịch vệ sinh có chất tẩy mạnh.
Viêm niệu đạo ở nữ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 5
Trong điều trị viêm niệu đạo ở nữ, sử dụng kháng sinh đúng theo chỉ định của bác sĩ là yếu tố then chốt

Viêm niệu đạo ở nữ không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chủ động nhận biết dấu hiệu bất thường, tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và duy trì thói quen chăm sóc vùng kín đúng cách là chìa khóa giúp chị em phòng ngừa hiệu quả bệnh lý này. Đừng chủ quan với những triệu chứng nhỏ hãy lắng nghe cơ thể và thăm khám chuyên khoa khi cần thiết để bảo vệ sức khỏe tiết niệu sinh dục một cách toàn diện.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NỘI DUNG LIÊN QUAN