icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
Viem_mang_nao_man_tinh_la_gi_Nhung_van_de_can_biet_ve_viem_mang_nao_man_tinh_79b5bfd73cViem_mang_nao_man_tinh_la_gi_Nhung_van_de_can_biet_ve_viem_mang_nao_man_tinh_79b5bfd73c

Viêm màng não mãn tính là gì? Những vấn đề cần biết về viêm màng não mãn tính

Thu Thảo08/05/2025

Viêm màng não mạn tính là tình trạng kéo dài trên 4 tuần và thường liên quan đến nhiều nguyên nhân như nấm, virus, bệnh lý di truyền hoặc rối loạn tự miễn. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là yếu tố then chốt để kiểm soát bệnh hiệu quả và ngăn ngừa biến chứng.

Tìm hiểu chung về bệnh viêm màng não mạn tính

Viêm màng não mãn tính là gì? 

Viêm màng não mãn tính là tình trạng viêm các lớp mô bao phủ não và tủy sống (màng não) kéo dài ít nhất 4 tuần và thường đi kèm với sự tăng số lượng tế bào trong dịch não tủy. Đây là một hội chứng phức tạp với nhiều nguyên nhân tiềm ẩn, cả nhiễm trùng và không nhiễm trùng gây ra nhiều thách thức trong chẩn đoán và điều trị. Khác với viêm màng não cấp tính thường diễn ra nhanh chóng với các triệu chứng nặng, viêm màng não mãn tính có xu hướng phát triển âm thầm và kéo dài. 

Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm màng não mạn tính

Những triệu chứng của viêm màng não mãn tính

So với viêm màng não cấp tính với khởi phát đột ngột và triệu chứng nặng, viêm màng não mãn tính thường có diễn biến âm thầm hơn, kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng hoặc hàng năm. Các triệu chứng có thể dao động về mức độ, có thể cải thiện tạm thời rồi tái phát gây khó khăn trong việc chẩn đoán sớm.

Một số triệu chứng cụ thể có thể định hướng các nguyên nhân khác nhau gây viêm màng não mãn tính. Ví dụ, tiền sử tiếp xúc với động vật hoặc nguồn nước nhiễm khuẩn liên quan đến các bệnh nhiễm trùng do Leptospira hoặc Brucella. Trong khi đó, các triệu chứng toàn thân như phát ban, đau khớp hay rối loạn thị giác có thể gợi ý đến các bệnh tự miễn như sarcoidosis hoặc lupus ban đỏ hệ thống (SLE).

Các triệu chứng của viêm màng não mãn tính thường không đặc hiệu và có thể tiến triển chậm rãi bao gồm:

  • Đau đầu: Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất, thường âm ỉ và kéo dài.

  • Sốt: Sốt có thể nhẹ hoặc không liên tục.

  • Cứng cổ: Mặc dù là một triệu chứng điển hình của viêm màng não cấp tính, cứng cổ có thể ít rõ ràng hơn hoặc phát triển dần ở bệnh nhân viêm màng não mãn tính.

  • Mệt mỏi và suy nhược: Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân.

  • Buồn nôn và nôn: Các triệu chứng tiêu hóa này có thể xuất hiện.

  • Thay đổi trạng thái tinh thần: Lơ mơ, lú lẫn, giảm khả năng tập trung và nhận thức có thể xảy ra.

  • Các triệu chứng thần kinh khác: Mất điều hòa vận động, liệt dây thần kinh sọ gây ra các vấn đề về thị lực, thính giác hoặc cử động khuôn mặt và dấu hiệu tăng áp lực nội sọ như nhìn đôi cũng có thể xuất hiện.

Viêm màng não mãn tính là gì Những vấn đề cần biết về viêm màng não mãn tính 1.png
Sốt, đau đầu và cứng cổ là tổ hợp triệu chứng đặc trưng cửa bệnh viêm màng não

Tác động của viêm màng não mãn tính với sức khỏe 

Viêm màng não mãn tính có thể gây ra những tác động đáng kể đến sức khỏe. Tình trạng viêm kéo dài có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn, suy giảm nhận thức, động kinh, mất thị lực hoặc thính giác và rối loạn vận động. Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh là tăng áp lực nội sọ do nấm Cryptococcus neoformans - tác nhân có thể gây tổn thương não nặng nếu không được can thiệp kịp thời.

Tăng áp lực nội sọ là một biến chứng tiềm ẩn của viêm màng não mãn tính, đặc biệt là do các tác nhân như Cryptococcus neoformans có thể gây tổn thương não nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Viêm màng não mạn tính có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và mỗi nguyên nhân lại gây ra các ảnh hưởng sức khỏe đặc trưng. Nếu do nhiễm trùng kéo dài, người bệnh có thể gặp các vấn đề liên quan trực tiếp đến loại vi sinh vật gây bệnh. Trong khi đó, viêm màng não do nguyên nhân tự miễn thường là biểu hiện của các rối loạn hệ thống, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan. Còn nếu do khối u, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư đang tiến triển. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng viêm.

Biến chứng có thể gặp viêm màng não mãn tính

Viêm màng não mãn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Tăng áp lực nội sọ (ICP): Đặc biệt thường gặp trong viêm màng não do Cryptococcus hoặc lao, ICP tăng cao có thể gây phù não, tổn thương thần kinh và thậm chí tử vong.

  • Não úng thủy: Sự tắc nghẽn dòng chảy của dịch não tủy do viêm có thể dẫn đến tích tụ dịch trong não.

  • Liệt dây thần kinh sọ: Viêm màng não có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh sọ, gây ra các triệu chứng như nhìn đôi (liệt dây thần kinh số VI), yếu cơ mặt (liệt dây thần kinh số VII), và giảm thính lực hoặc ù tai (liệt dây thần kinh số VIII).

  • Động kinh: Tổn thương não do viêm có thể làm tăng nguy cơ động kinh.

  • Suy giảm nhận thức: Viêm màng não kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng não gây ra các vấn đề về trí nhớ, sự tập trung và khả năng tư duy.

  • Đột quỵ: Trong một số trường hợp, chẳng hạn như viêm màng não do lao, viêm mạch máu có thể dẫn đến thiếu máu não và đột quỵ.

  • Tử vong: Mặc dù ít phổ biến hơn so với viêm màng não cấp tính, viêm màng não mãn tính vẫn có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt là những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc khi nguyên nhân gây bệnh khó kiểm soát.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng nào sau đây kéo dài hoặc tiến triển dần:

  • Đau đầu dai dẳng hoặc ngày càng trầm trọng.
  • Sốt không rõ nguyên nhân kéo dài hơn vài ngày.
  • Cứng cổ hoặc đau khi cử động cổ.
  • Lú lẫn, lơ mơ hoặc thay đổi hành vi.
  • Khó chịu với ánh sáng.
  • Nhìn đôi hoặc các vấn đề về thị lực khác.
  • Yếu cơ, tê bì hoặc các triệu chứng thần kinh mới xuất hiện.
  • Tiền sử từng du lịch đến vùng có dịch, tiếp xúc với động vật mang mầm bệnh hoặc có suy giảm miễn dịch.

Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mạn tính

Nguyên nhân gây viêm màng não mãn tính

Viêm màng não mạn tính có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, được chia thành hai nhóm chính gồm nhiễm trùng và không do nhiễm trùng. Trong đó, các tác nhân nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này.

Vi khuẩn

  • Mycobacterium tuberculosis gây viêm màng não do lao nguyên nhân phổ biến nhất của viêm màng não mãn tính.
  • Treponema pallidum gây giang mai thần kinh.
  • Borrelia burgdorferi gây bệnh Lyme.
  • Các vi khuẩn khác như Leptospira, Brucella, và Nocardia asteroides.

Nấm

  • Cryptococcus neoformans và Cryptococcus gattii thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là HIV/AIDS.
  • Các loại nấm khác như Coccidioides immitis, Histoplasma capsulatum, Blastomyces dermatitidis, Aspergillus fumigatus, Candida albicans, và Sporothrix schenckii,... thường gặp ở người suy giảm miễn dịch.

Virus

  • HIV.
  • Cytomegalovirus (CMV).
  • Herpes simplex virus (HSV) và varicella-zoster virus (VZV).
  • Enterovirus và Epstein-Barr virus (EBV).

Ký sinh trùng

  • Taenia solium là ấu trùng gây bệnh sán dây lợn, có thể gây viêm màng não mạn tính do nang sán.
  • Angiostrongylus cantonensis.
  • Toxoplasma gondii thường gặp ở người HIV/AIDS.
  • Các loài Acanthamoeba.

Bệnh tự miễn và viêm

  • Bệnh u hạt.
  • Lupus ban đỏ hệ thống (SLE).
  • Bệnh Behçet.
  • U hạt Wegener.
  • Viêm mạch máu não nguyên phát (PACNS).

Khối u

  • Khối u di căn màng não từ các khối u ác tính như ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư vú, melanoma, lymphoma, leukemia.

Do thuốc

  • Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).
  • Kháng sinh (đặc biệt là trimethoprim/sulfamethoxazole).
  • Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG).
  • Kháng thể đơn dòng OKT3.
Viêm màng não mãn tính là gì Những vấn đề cần biết về viêm màng não mãn tính 2.png
Viêm màng não mãn tính có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời

Các nguyên nhân khác

  • Viêm màng não hóa học.
  • Hội chứng đau đầu thoáng qua và các triệu chứng thần kinh với tăng lympho trong dịch não tủy.
  • Tiền sử tiêm corticosteroid ngoài màng cứng không đảm bảo vô trùng gây viêm màng não do nấm.
  • Trong một số trường hợp, sau khi đã tiến hành nhiều xét nghiệm, nguyên nhân gây viêm màng não mãn tính vẫn không được xác định.

Nguy cơ mắc phải viêm màng não mạn tính

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm màng não mãn tính?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc viêm màng não mãn tính cao hơn, bao gồm:

Người có hệ miễn dịch suy yếu

  • Người nhiễm HIV/AIDS đặc biệt là khi số lượng tế bào CD4 thấp.
  • Người nhận ghép tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Người mắc các bệnh lý ác tính về máu.
  • Người đang điều trị bằng corticosteroid liều cao hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

Người mắc các bệnh tự miễn

  • Sarcoidosis.
  • Lupus ban đỏ hệ thống (SLE).
  • Bệnh Behçet.
  • U hạt Wegener.
  • Viêm mạch máu não nguyên phát (PACNS).

Người mắc các bệnh nhiễm trùng mạn tính

  • Lao tiềm ẩn có thể tái hoạt động gây viêm màng não do lao.
  • Giang mai không được điều trị có thể tiến triển thành giang mai thần kinh.
  • Bệnh Lyme không được điều trị có thể gây viêm màng não mạn tính.

Người có tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ

  • Du lịch hoặc sống ở các vùng lưu hành các bệnh nhiễm trùng đặc hiệu (nấm Coccidioides ở Tây Nam Hoa Kỳ, Histoplasma ở thung lũng sông Ohio và Mississippi, sán dây lợn ở các nước đang phát triển).
  • Tiếp xúc với động vật hoặc môi trường có chứa các tác nhân gây bệnh (phân chim và đất ô nhiễm Cryptococcus, động vật mang Leptospira, gia súc mang Brucella, ve mang Borrelia).
  • Tiền sử tiêm corticosteroid ngoài màng cứng không đảm bảo vô trùng.
  • Bệnh nhân ung thư có di căn màng não.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm màng não mãn tính

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm màng não mãn tính:

  • Suy giảm chức năng hệ miễn dịch do bất kỳ nguyên nhân nào.
  • Mắc các bệnh lý tự miễn dịch hoặc viêm hệ thống.
  • Đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.
  • Có tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng mạn tính không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ.
  • Sinh sống hoặc du lịch đến các khu vực có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng đặc hiệu.
  • Tiếp xúc nghề nghiệp hoặc môi trường với các tác nhân gây bệnh tiềm ẩn.
  • Mắc các bệnh lý ung thư có khả năng di căn màng não.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm màng não mạn tính

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng não mãn tính

Việc chẩn đoán viêm màng não mãn tính đòi hỏi một tiếp cận đa diện bao gồm:

Chẩn đoán hình ảnh thần kinh

Chụp cộng hưởng từ (MRI) não, với và không có tiêm thuốc đối quang Gadolinium, thường được ưu tiên hơn chụp cắt lớp vi tính (CT) nhờ khả năng nhạy bén hơn trong việc phát hiện tổn thương nhu mô não. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp loại trừ các tình trạng khác như áp xe não, khối u hoặc các ổ nhiễm trùng ngoài màng não. Đồng thời, hình ảnh từ MRI có thể hỗ trợ xác định nguyên nhân gây bệnh, chẳng hạn như viêm màng não do lao hoặc các nốt u hạt trong bệnh sarcoidosis.

Viêm màng não mãn tính là gì Những vấn đề cần biết về viêm màng não mãn tính 4.png
MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện các tổn thương tại nhu mô não

Khai thác tiền sử bệnh sử chi tiết

Bác sĩ sẽ khai thác chi tiết về triệu chứng, thời điểm khởi phát, diễn tiến bệnh, các biểu hiện toàn thân, tiền sử du lịch, tiếp xúc với yếu tố nguy cơ (suy giảm miễn dịch, bệnh tự miễn, ung thư) và các loại thuốc đang sử dụng. Việc thăm khám lâm sàng sẽ bao gồm khám thần kinh để kiểm tra chức năng thần kinh, tìm dấu hiệu màng não và các biểu hiện có thể gợi ý nguyên nhân gây bệnh.

Chọc dò tủy sống và phân tích dịch não tủy

Các thông số CSF được đánh giá bao gồm:

  • Áp lực mở: Có thể tăng trong một số trường hợp như viêm màng não do lao hoặc nấm.

  • Số lượng tế bào và loại tế bào: Thường có sự gia tăng số lượng tế bào lympho. Tuy nhiên, trong giai đoạn sớm của một số bệnh nhiễm trùng do nấm hoặc vi khuẩn có thể thấy ưu thế tế bào đa nhân trung tính.

  • Nồng độ glucose: Có thể bình thường hoặc giảm, đặc biệt trong viêm màng não do vi khuẩn, nấm hoặc lao.

  • Nồng độ protein: Thường tăng.

  • Nhuộm Gram và nuôi cấy vi khuẩn: Giúp xác định các tác nhân vi khuẩn thông thường. Tuy nhiên, nuôi cấy các tác nhân gây viêm màng não mãn tính như M. tuberculosis có thể mất nhiều tuần.

  • Nhuộm soi tìm nấm và nuôi cấy nấm: Giúp xác định các tác nhân nấm gây viêm màng não.

  • Nhuộm Ziehl - Neelsen hoặc nhuộm kháng acid (AFB) và nuôi cấy tìm Mycobacterium tuberculosis: Độ nhạy của nhuộm soi trực tiếp thấp để phát hiện vi khuẩn lao nhưng nuôi cấy là tiêu chuẩn vàng.

Các xét nghiệm

  • Xét nghiệm kháng nguyên: Tìm kháng nguyên polysaccharide vỏ Cryptococcus trong CSF có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

  • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Có thể giúp phát hiện DNA của các tác nhân gây bệnh như M. tuberculosis, T. pallidum, virus,... và vài loại nấm trong CSF một cách nhanh chóng.

  • Các xét nghiệm huyết thanh học: Xét nghiệm máu có thể giúp tìm kiếm các kháng thể hoặc dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng hệ thống (xét nghiệm RPR/VDRL và FTA - ABS cho giang mai, xét nghiệm kháng thể Lyme) hoặc các bệnh tự miễn (kháng thể kháng nhân ANA cho SLE, yếu tố dạng thấp RF).

  • Tìm tế bào ác tính: Trong trường hợp nghi ngờ viêm màng não do ung thư, xét nghiệm tế bào học CSF có thể giúp phát hiện các tế bào ác tính. Tuy nhiên, cần lấy nhiều mẫu CSF để tăng độ nhạy.

  • Định lượng men chuyển angiotensin (ACE) trong CSF: Có thể tăng trong Neurosarcoidosis nhưng không đặc hiệu.

  • Sinh thiết màng não hoặc các mô bất thường khác (hạch bạch huyết, phổi): Trong một số trường hợp khó chẩn đoán, sinh thiết có thể cần thiết để xác định nguyên nhân đặc biệt là khi nghi ngờ các bệnh không nhiễm trùng như sarcoidosis, viêm mạch máu, hoặc di căn ung thư màng não.

Việc xác định nguyên nhân gây viêm màng não mạn tính thường gặp nhiều khó khăn và đôi khi cần thực hiện nhiều lần xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Phương pháp điều trị viêm màng não mãn tính

Nội khoa

Điều trị nhiễm trùng

  • Viêm màng não do lao: Phác đồ điều trị thường kéo dài hơn so với lao phổi bao gồm các thuốc như Rifampicin, Isoniazid (kèm Pyridoxine), Pyrazinamide, Ethambutol,... và đôi khi Streptomycin trong giai đoạn đầu. Ngoài ra, Corticosteroid có thể được sử dụng bổ trợ để giảm tỷ lệ tử vong. Tùy thuộc tình trạng bệnh mà thời gian điều trị có thể kéo dài 10 - 12 tháng hoặc lâu hơn.

  • Giang mai thần kinh: Điều trị bằng Penicillin G liều cao đường tĩnh mạch trong 10 - 14 ngày. Bệnh nhân dị ứng Penicillin cần được cân nhắc giải mẫn cảm.

  • Viêm màng não do Lyme: Điều trị bằng Ceftriaxone hoặc penicillin G đường tĩnh mạch trong 10 - 14 ngày. Doxycycline có thể được sử dụng ở bệnh nhân dị ứng với các thuốc kể trên.

  • Viêm màng não do nấm: Điều trị ban đầu thường bao gồm Amphotericin B kết hợp với Flucytosine trong 2 tuần, sau đó duy trì bằng fluconazole trong ít nhất 10 tuần. Có thể cần điều trị duy trì fluconazole lâu dài ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Cần kiểm soát áp lực nội sọ tăng cao bằng cách chọc dò tủy sống hàng ngày hoặc đặt dẫn lưu. Bên cạnh đó Voriconazole được sử dụng trong điều trị viêm màng não do Aspergillus.

  • Viêm màng não do virus: Điều trị bằng Acyclovir (cho Herpesviruses) hoặc liệu pháp kháng Retrovirus (HAART cho HIV).

  • Viêm màng não do ký sinh trùng: Điều trị bằng Albendazole hoặc Praziquantel, đôi khi kết hợp với Corticosteroid để giảm phản ứng viêm.

Điều trị các nguyên nhân không nhiễm trùng

Hãy đến chuyên khoa để được điều trị kịp thời các bệnh như: 

  • Bệnh tự miễn (Sarcoidosis, SLE, Behçet);
  • Viêm mạch máu não nguyên phát;
  • Viêm màng não do ung thư di căn màng não.

Điều trị triệu chứng và hỗ trợ

Phương pháp này bao gồm giảm đau đầu, hạ sốt, chống co giật và điều trị các biến chứng như não úng thủy.

Viêm màng não mãn tính là gì Những vấn đề cần biết về viêm màng não mãn tính 3.png
Viêm màng não là một bệnh lý nặng cần được điều trị tích cực với sự tham gia của nhiều chuyên khoa

Ngoại khoa

Đặt dẫn lưu não thất hoặc dẫn lưu thắt lưng để điều trị não úng thủy và giảm áp lực nội sọ. Trong một số trường hợp viêm màng não do nấm khó điều trị, bác sĩ có thể đặt ống Ommaya để tiêm thuốc kháng nấm trực tiếp vào dịch não tủy.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm màng não mạn tính

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến nặng của viêm màng não mãn tính

Chế độ sinh hoạt

  • Tránh các yếu tố có thể làm suy giảm hệ miễn dịch: Hạn chế căng thẳng, tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh. Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ngủ đủ giấc, tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức đề kháng.

  • Tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị: Uống thuốc đúng liều, đúng giờ và không tự ý ngưng thuốc ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn. Việc không tuân thủ điều trị có thể dẫn đến kháng thuốc, tái phát bệnh hoặc điều trị thất bại.

Chế độ dinh dưỡng

  • Xây dựng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ các nhóm chất cần thiết sẽ giúp cơ thể duy trì sức khỏe và tăng cường sức đề kháng.

Phương pháp phòng ngừa viêm màng não mãn tính hiệu quả

Phương pháp phòng ngừa đặc hiệu

  • Phòng ngừa lao: Tiêm phòng vắc xin BCG đặc biệt cho trẻ em ở các vùng lưu hành lao, phát hiện và điều trị sớm lao tiềm ẩn và lao hoạt động.

  • Tiêm vắc xin: Biện pháp phòng ngừa hiệu quả các bệnh do virus gây ra như vắc xin zona hoặc bại liệt.

Phương pháp phòng ngừa không đặc hiệu

  • Vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

  • Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế tiếp xúc gần với những người có triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.

  • Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn nước: Ăn chín uống sôi, tránh sử dụng các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng ở các vùng có nguy cơ mắc bệnh do Brucella.

  • Kiểm soát các bệnh lý nền: Quản lý tốt các bệnh lý như HIV, bệnh tự miễn để giảm nguy cơ suy giảm miễn dịch và các biến chứng nhiễm trùng.

  • Sử dụng thuốc an toàn: Tránh tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là Corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch khác.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Điều trị viêm màng não mãn tính phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng miễn dịch của người bệnh. Các trường hợp do giang mai hoặc bệnh Lyme thường có khả năng hồi phục cao. Ngược lại, nhiễm trùng do nấm hoặc ký sinh trùng thường khó điều trị hơn và dễ tái phát, đặc biệt ở người nhiễm HIV. Trường hợp viêm màng não do ung thư thường có tiên lượng kém. Ngoài ra, một số bệnh nhân viêm màng não mãn tính không xác định được nguyên nhân vẫn có thể đáp ứng điều trị và hồi phục.

Điều trị viêm màng não mạn tính chủ yếu dựa vào việc xác định và xử lý nguyên nhân gốc rễ. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh, thuốc kháng nấm, kháng virus, corticosteroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch. Ngoài ra, cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ như bù dịch, cân bằng điện giải và đảm bảo dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện thể trạng người bệnh.

Chẩn đoán viêm màng não mãn tính dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm khai thác tiền sử, xét nghiệm dịch não tủy và các phương pháp cận lâm sàng như CT, MRI. Trong đó, chọc dò dịch não tủy là bước then chốt giúp xác định nguyên nhân. Trong một số trường hợp khó chẩn đoán, sinh thiết màng não có thể được thực hiện để chẩn đoán bệnh lý.

Các triệu chứng của viêm màng não mạn tính thường không đặc hiệu, nhưng có thể bao gồm nhức đầu dai dẳng, sốt nhẹ, cứng gáy và rối loạn tri giác. So với viêm màng não cấp tính, bệnh lý này tiến triển chậm hơn và các triệu chứng thường kéo dài từ 4 tuần trở lên.

Viêm màng não mạn tính kéo dài ít nhất 4 tuần và thường liên quan đến sự tăng tế bào trong dịch não tủy. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể kéo dài hơn một tháng mà không tự khỏi. Nguyên nhân gây viêm màng não mạn tính có thể là nhiễm trùng (do vi khuẩn, virus, nấm, hoặc ký sinh trùng), hoặc không liên quan đến nhiễm trùng (bệnh tự miễn như sarcoidosis, tác dụng phụ của thuốc, ung thư). Trong một số trường hợp, không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.