Tìm hiểu chung về viêm họng cấp
Viêm họng cấp tính là tình trạng viêm ở niêm mạc họng xảy ra trong khoảng thời gian từ 3 đến 10 ngày. Trong hầu hết các trường hợp thì viêm họng cấp là do nguyên nhân nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
Viêm họng cấp do virus chiếm từ 50% đến 80% các trường hợp viêm họng, các tác nhân virus gây bệnh chủ yếu bao gồm rhinovirus, virus cúm (influenza), adenovirus, coronavirus và virus parainfluenza.
Trong khi đó, vi khuẩn liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes) là tác nhân vi khuẩn phổ biến nhất gây ra viêm họng cấp.
Hầu hết các trường hợp đau họng sẽ tự khỏi sau vài ngày khi được chăm sóc đúng cách tại nhà. Tuy nhiên, nếu đau họng kéo dài hơn, trở nên nghiêm trọng hơn hoặc kèm theo các triệu chứng như sốt hay sưng hạch bạch huyết, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Triệu chứng viêm họng cấp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm họng cấp
Viêm họng cấp có thể bắt đầu với cảm giác khô rát trong cổ họng, giống như cổ họng bị khô. Nếu tình trạng đau họng trở nên nặng hơn, bạn có thể cảm thấy đau nhói khi nuốt hoặc nói chuyện. Cơn đau có thể lan đến tai hoặc dọc theo hai bên cổ. Nếu viêm họng cấp do nhiễm trùng, bạn có thể gặp thêm các triệu chứng sau:
- Sốt;
- Đau đầu;
- Khó chịu ở dạ dày;
- Sưng hạch bạch huyết;
- Nghẹt mũi;
- Chảy nước mũi;
- Ho;
- Cơ thể mệt mỏi;
- Khàn giọng;
- Đỏ hoặc sưng viêm ở cổ họng và amidan;
- Xuất hiện các mảng trắng, đốm hoặc vệt trắng ở cổ họng và amidan.
/viem_hong_cap3_f656ab32ee.jpg)
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm họng cấp
Nhìn chung, viêm họng cấp do virus thường nhẹ, hầu hết tự khỏi trong vòng 5 đến 7 ngày.
Biến chứng có thể gặp ở viêm họng cấp do vi khuẩn bao gồm:
- Viêm nắp thanh quản (Epiglottitis);
- Viêm tai giữa (Otitis media);
- Viêm xương chũm (Mastoiditis);
- Viêm xoang (Sinusitis);
- Sốt thấp khớp cấp (Acute rheumatic fever);
- Viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng (Post-streptococcal glomerulonephritis);
- Hội chứng sốc nhiễm độc (Toxic shock syndrome).
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu triệu chứng đau họng kéo dài hoặc đi kèm các dấu hiệu nguy hiểm như sốt cao, khó thở, hoặc sưng đau dữ dội, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm họng cấp
Nguyên nhân do virus
Khoảng 50% đến 80% các trường hợp viêm họng cấp, hay còn gọi là đau họng, có nguyên nhân do virus. Các loại virus thường gặp bao gồm:
- Phổ biến: Rhinovirus, virus cúm (Influenza), adenovirus, coronavirus và virus parainfluenza.
- Ít gặp hơn: Virus herpes, Epstein-Barr, HIV và coxsackievirus.
/viem_hong_cap4_c22e21d8a4.jpg)
Nguyên nhân do vi khuẩn
Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm họng cấp là liên cầu khuẩn nhóm A beta tan huyết (Group A Streptococcus) gây viêm họng do liên cầu khuẩn, chiếm khoảng 5% đến 36% các trường hợp.
Một số vi khuẩn khác cũng có thể gây viêm họng cấp, bao gồm:
- Liên cầu khuẩn nhóm B & C;
- Chlamydia pneumoniae;
- Mycoplasma pneumoniae;
- Haemophilus influenzae;
- Candida;
- Neisseria meningitidis và Neisseria gonorrhoeae;
- Arcanobacterium haemolyticum;
- Fusobacterium necrophorum;
- Corynebacterium diphtheriae (gây bệnh bạch hầu).
Nguyên nhân khác
Ngoài ra, viêm họng cấp cũng có thể do dị ứng môi trường hoặc tiếp xúc với hóa chất.
Trong một số trường hợp, viêm họng cấp có thể là triệu chứng của các bệnh nghiêm trọng hơn như:
- Áp xe quanh amidan (Peritonsillar abscess);
- Áp xe sau họng (Retropharyngeal abscess);
- Viêm nắp thanh quản (Epiglottitis);
- Bệnh Kawasaki.
Nguy cơ mắc phải viêm họng cấp
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm họng cấp?
Mặc dù ai cũng có thể mắc viêm họng cấp, nhưng bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm họng cấp
Các yếu tố nguy cơ của viêm họng cấp cũng như viêm đường hô hấp trên bao gồm:
- Thời điểm giao mùa, đặc biệt vào mùa thu và mùa đông;
- Cơ địa dị ứng;
- Các môi trường đông đúc như nhà trẻ, trường học, văn phòng;
- Tiếp xúc khói thuốc lá;
- Thường xuyên bị viêm xoang;
- Người suy giảm miễn dịch;
- Tiếp xúc hóa chất.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm họng cấp
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm họng cấp
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và thực hiện khám lâm sàng, bao gồm kiểm tra cổ họng, lưỡi và có thể cả tai. Họ cũng có thể làm xét nghiệm liên cầu khuẩn (strep test) để xác định vi khuẩn gây viêm họng do liên cầu khuẩn.
/viem_hong_cap6_2014306d42.jpg)
Việc xét nghiệm rất quan trọng trong trường hợp bác sĩ không thể xác định chỉ dựa trên triệu chứng liệu đau họng của bạn do virus hay vi khuẩn gây ra. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp xác định phương pháp điều trị phù hợp.
Một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện như xét nghiệm máu để đánh giá nhiễm trùng, chụp CT để xác định áp xe quanh amidan.
Điều trị viêm họng cấp
Việc điều trị viêm họng cấp phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do virus, bệnh thường tự khỏi trong khoảng một tuần. Trong thời gian đó, bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng thuốc không kê đơn để giảm đau họng.
Một số phương pháp điều trị thuốc bao gồm:
- Kháng sinh: Nếu viêm họng do vi khuẩn, bạn có thể cần dùng kháng sinh trong khoảng 10 ngày theo chỉ định của bác sĩ.
- Kháng viêm: Thuốc kháng viêm có thể được sử dụng để giúp giảm viêm ở họng.
- Thuốc kháng histamin: Giúp giảm chảy dịch mũi sau do dị ứng.
- Nước súc miệng: Bác sĩ có thể kê một loại nước súc miệng giúp hỗ trợ cho bạn giúp giảm triệu chứng đau họng.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm họng cấp
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm họng cấp
Chế độ sinh hoạt
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, tuân thủ điều trị của bác sĩ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để giúp giảm đau họng và cảm thấy dễ chịu hơn:
- Súc miệng bằng nước muối: Hòa 1/4 thìa cà phê muối vào nửa cốc nước ấm, súc miệng rồi nhổ ra. Có thể thực hiện nhiều lần trong ngày (khuyến nghị cho người từ 6 tuổi trở lên).
- Giữ cơ thể đủ nước: Uống nhiều nước và giữ ẩm không khí trong nhà để tránh làm khô cổ họng.
- Tránh rượu và cà phê: Cả hai đều có thể khiến cơ thể mất nước, làm tình trạng đau họng nặng hơn.
- Ngậm kẹo: Có tác dụng làm dịu cổ họng, nhưng cần cẩn thận với trẻ nhỏ do nguy cơ mắc nghẹn.
- Nghỉ ngơi và ở nhà: Giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn và tránh lây bệnh cho người khác.
- Không ăn quá no trước khi đi ngủ: Điều này có thể làm trào ngược axit, khiến đau họng tồi tệ hơn.
- Uống đồ uống ấm hoặc lạnh: Nước súp, trà ấm có thể giúp làm dịu cổ họng, trong khi nước đá hoặc kem lạnh cũng có thể giảm đau.
- Dùng mật ong: Có thể uống trực tiếp hoặc pha vào trà để làm dịu cổ họng. Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có nguy cơ gây ngộ độc botulinum.
/viem_hong_cap7_d1f51af707.jpg)
Chế độ dinh dưỡng
Người bị viêm họng cấp nên ưu tiên thực phẩm mềm, dễ nuốt và giàu dinh dưỡng để giúp giảm kích thích cổ họng và hỗ trợ phục hồi nhanh hơn. Nên ăn súp, cháo, canh ấm, sữa, sữa chua và các loại trái cây mềm như chuối, đu đủ. Tránh đồ cay, nóng, chua, nhiều dầu mỡ và thực phẩm cứng vì có thể làm cổ họng bị tổn thương nặng hơn. Uống nhiều nước ấm, trà mật ong hoặc nước ép trái cây không chua để giữ ẩm và làm dịu cổ họng.
Phòng ngừa viêm họng cấp
Để phòng ngừa viêm họng cấp hiệu quả, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh đường hô hấp như cảm cúm, viêm họng.
- Duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường hệ miễn dịch và giữ gìn môi trường sống sạch sẽ.
- Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi làm việc trong môi trường ô nhiễm, tránh khói thuốc lá và hạn chế rượu bia.
- Chăm sóc răng miệng đúng cách, giữ vệ sinh cá nhân tốt và tiêm chủng đầy đủ cho trẻ nhỏ.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tránh tiếp xúc với khói bụi và hóa chất độc hại.
Viêm họng cấp là một bệnh phổ biến, thường gặp trong những thời điểm giao mùa. Dù phần lớn trường hợp có thể tự khỏi, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc duy trì lối sống lành mạnh, bảo vệ đường hô hấp và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn nhanh chóng hồi phục.