Tìm hiểu chung về viêm đường hô hấp
Hệ hô hấp bao gồm nhiều cơ quan như xoang, mũi, họng, thanh quản, khí quản và phổi. Khi chúng ta hít thở, không khí từ môi trường ngoài đi qua các đường dẫn khí này và vào phổi để trao đổi oxy.
Viêm đường hô hấp xảy ra khi một hoặc nhiều bộ phận trong hệ hô hấp bị vi khuẩn, virus tấn công, dẫn đến viêm nhiễm. Tùy vào vị trí bị ảnh hưởng, bệnh sẽ có tên gọi và phương pháp điều trị khác nhau, chẳng hạn như viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Thông thường, viêm đường hô hấp sẽ được chia thành hai nhóm gồm viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới.
Viêm đường hô hấp trên ảnh hưởng đến xoang và họng, bao gồm:
- Cảm lạnh thông thường;
- Viêm xoang (nhiễm trùng xoang);
- Viêm amidan;
- Viêm thanh quản.
Viêm đường hô hấp dưới ảnh hưởng đến đường thở và phổi, bao gồm:
- Viêm phế quản;
- Viêm tiểu phế quản;
- Nhiễm trùng ngực;
Cúm và COVID-19 có thể gây viêm đường hô hấp trên hoặc cả dưới. Và viêm đường hô hấp dưới thường kéo dài hơn và có thể nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng viêm đường hô hấp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đường hô hấp
Các triệu chứng của viêm đường hô hấp có thể bao gồm:
- Ho, có thể kèm theo đờm;
- Hắt hơi;
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi;
- Đau họng;
- Đau đầu;
- Khó thở, tức ngực hoặc thở khò khè;
- Sốt cao;
- Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu toàn thân.
/viem_duong_ho_hap4_7a80c308a0.jpg)
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm đường hô hấp
Biến chứng của viêm đường hô hấp trên
Biến chứng của viêm đường hô hấp trên thường hiếm gặp, ngoại trừ trường hợp nhiễm cúm. Các biến chứng của cúm bao gồm:
- Viêm phổi do virus cúm nguyên phát;
- Viêm phổi do vi khuẩn thứ phát;
- Viêm xoang;
- Viêm tai giữa;
- Đồng nhiễm với vi khuẩn và làm trầm trọng thêm các bệnh lý sẵn có, đặc biệt là hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Viêm phổi là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh cúm ở trẻ em và góp phần đáng kể vào tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong.
Biến chứng của viêm đường hô hấp dưới
Biến chứng của viêm đường hô hấp dưới cũng như viêm phổi thường trầm trọng hơn. Các biến chứng có thể gặp bao gồm:
- Suy hô hấp;
- Nhiễm trùng huyết;
- Tràn mủ màng phổi;
- Áp xe phổi;
- Suy đa cơ quan.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến khám bác sĩ nếu các triệu chứng viêm đường hô hấp của mình không thuyên giảm. Hoặc khi bạn gặp các dấu hiệu sau:
- Sốt cao (trên 40 độ C);
- Khó thở;
- Đau ngực;
- Thở có tiếng ồn, như thở khò khè hoặc thở rít;
- Chóng mặt;
- Bị co kéo các cơ ở vùng ngực sườn khi hít thở;
- Lú lẫn hoặc những thay đổi về tinh thần khác.
/viem_duong_ho_hap3_f05b40862b.jpg)
Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp
Nguyên nhân dẫn đến viêm đường hô hấp trên
Hầu hết các trường hợp viêm đường hô hấp trên do virus gây ra. Tuy nhiên, vi khuẩn và thậm chí cả nấm cũng có thể là nguyên nhân. Một số tác nhân cụ thể bao gồm:
- Các virus gây cảm lạnh thông thường;
- Virus cúm A và B (cúm mùa);
- Virus SARS-CoV-2 (COVID-19);
- Virus hợp bào hô hấp (RSV);
- Virus thuỷ đậu;
- Virus herpes simplex;
- Vi khuẩn Streptococcus, như liên cầu nhóm A và Streptococcus pneumoniae;
- Vi khuẩn Haemophilus influenzae;
- Vi khuẩn Moraxella catarrhalis;
- Nấm Aspergillus, mucormycetes và một số loại nấm khác.
/viem_duong_ho_hap5_55ff155dda.jpg)
Nguyên nhân dẫn đến viêm đường hô hấp dưới
Các tác nhân dẫn đến viêm đường hô hấp dưới cũng thuộc nhóm virus, vi khuẩn hoặc nấm, chẳng hạn như:
- Nhóm virus: Cúm, virus hợp bào hô hấp, virus á cúm, virus adeno.
- Nhóm vi khuẩn: Pneumococcus, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Liên cầu khuẩn nhóm A, Legionella, Mycoplasma, Chlamydia, Escherichia coli, Pseudomonas Aerugenosa, Acinetobacter và Enterobacter.
- Nhóm nấm: Histoplasma, Blastomyces và Coccidioides.
Nguy cơ mắc phải viêm đường hô hấp
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm đường hô hấp?
Mọi đối tượng đều có khả năng mắc phải viêm đường hô hấp. Trong đó, trẻ em, người lớn tuổi và người suy giảm miễn dịch có nguy cơ bị viêm đường hô hấp cao hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm đường hô hấp
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị viêm đường hô hấp, nhưng nếu thuộc các trường hợp sau, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và tình trạng có thể nghiêm trọng hơn:
- Trẻ nhỏ;
- Người lớn tuổi;
- Phụ nữ mang thai;
- Hệ thống miễn dịch suy giảm;
- Tiếp xúc với người bệnh hoặc sống trong môi trường dễ lây nhiễm;
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh và vệ sinh cá nhân kém.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm đường hô hấp
Các bác sĩ thường chẩn đoán viêm đường hô hấp dựa vào triệu chứng của bạn, kết quả khám lâm sàng cùng với các xét nghiệm phù hợp.
Đối với viêm đường hô hấp trên, bạn có thể được yêu cầu kiểm tra dịch mũi họng.
Trong trường hợp để chẩn đoán loại trừ, hoặc nghi ngờ có viêm đường hô hấp dưới, các xét nghiệm có thể được thực hiện như:
- Xét nghiệm máu;
- Cấy máu;
- Cấy đàm;
- Nội soi phế quản;
- Chụp X-quang ngực;
- Chụp CT nếu hình ảnh X-quang không rõ ràng.
Điều trị viêm đường hô hấp
Việc điều trị viêm đường hô hấp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- Nếu viêm đường hô hấp do virus gây ra (như cảm lạnh thông thường), bệnh thường tự khỏi sau vài tuần. Kháng sinh sẽ không có tác dụng.
- Nếu viêm đường hô hấp do vi khuẩn gây ra (như viêm phổi), bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh. Hãy đảm bảo uống đủ liệu trình theo hướng dẫn, ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy khỏe hơn.
/viem_duong_ho_hap6_3759d7a0c4.jpg)
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm đường hô hấp
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm đường hô hấp
Chế độ sinh hoạt
Hầu hết các trường hợp viêm đường hô hấp (RTIs) sẽ tự khỏi trong vòng 1 đến 2 tuần. Một số việc bạn nên làm bao gồm:
- Nghỉ ngơi đầy đủ.
- Uống nhiều nước để làm loãng đờm, giúp dễ ho ra hơn.
- Uống nước chanh nóng pha mật ong để làm dịu cơn ho (không phù hợp cho trẻ dưới 1 tuổi).
- Súc miệng với nước muối ấm nếu bị đau họng (trẻ nhỏ không nên áp dụng cách này).
- Kê cao đầu khi ngủ bằng gối phụ để dễ thở và giúp làm sạch đờm trong ngực.
- Dùng thuốc giảm đau để hạ sốt và giảm đau họng, đau đầu, nhức mỏi cơ.
- Tránh khói thuốc và hạn chế hút thuốc lá.
Chế độ dinh dưỡng
Nếu bị viêm đường hô hấp, bạn nên duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng, bao gồm đủ các nhóm chất như đạm, tinh bột, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất để giúp cơ thể có đủ năng lượng và tăng cường sức đề kháng.
Nếu có thể, bạn nên tránh các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn cay nóng hoặc nhiều dầu mỡ vì có thể làm triệu chứng viêm đường hô hấp trở nên nghiêm trọng hơn.
Phòng ngừa viêm đường hô hấp
Đặc hiệu
Một số nguyên nhân gây viêm đường hô hấp có thể ngăn ngừa được bằng cách tiêm ngừa. Nếu bạn thường xuyên bị viêm đường hô hấp hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh (Ví dụ: Trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh lý nghiêm trọng kéo dài), bạn nên:
- Tham khảo về việc tiêm vắc xin cúm hàng năm.
- Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc xin phế cầu giúp phòng ngừa viêm phổi.
/viem_duong_ho_hap7_57934e74d0.jpg)
Không đặc hiệu
Viêm đường hô hấp (RTIs) thường lây lan qua các giọt bắn từ ho và hắt hơi của người nhiễm bệnh. Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, bạn nên:
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi;
- Đeo khẩu trang nếu bạn bị viêm đường hô hấp hoặc ở gần người bệnh;
- Không dùng chung các vật dụng ăn uống với người bệnh;
- Rửa tay thường xuyên;
- Vứt khăn giấy đã sử dụng ngay lập tức.
Viêm đường hô hấp có thể gây ra các triệu chứng như ho, sổ mũi, đau họng, khó thở, sốt và mệt mỏi. Tùy vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị có thể bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm triệu chứng hoặc kháng sinh trong trường hợp nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, tiêm chủng là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa một số bệnh viêm đường hô hấp như cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn hoặc COVID-19. Để biết thêm thông tin chi tiết về vắc xin và các biện pháp bảo vệ sức khỏe, bạn có thể liên hệ với Trung tâm Tiêm chủng Long Châu qua Hotline miễn phí 1800 6928.