icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
dau_co1_89779a7399dau_co1_89779a7399

Đau cơ: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bảo Quyên27/03/2025

Đau cơ là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng cơ bị đau, có nhiều nguyên nhân gây ra. Nhiều trường hợp có thể được điều trị dễ dàng tại nhà. Tuy nhiên, đau cơ cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý, đặc biệt khi cơn đau lan rộng và kéo dài. Điều quan trọng là bạn phải chú ý đến cơn đau của mình. Nếu nó không cải thiện như mong đợi, bạn có thể cần đến sự chăm sóc y tế.

Tìm hiểu chung về đau cơ

Đau cơ hay đau nhức cơ (Myalgia hoặc muscle pain) là tình trạng phổ biến và có thể ảnh hưởng đến nhiều nhóm cơ khác nhau. Cơn đau cơ cũng có thể liên quan đến dây chằng, gân và mạc cơ. Mạc cơ là các mô mềm kết nối cơ, xương và các cơ quan trong cơ thể.

Đau cơ thường liên quan đến căng thẳng, làm việc quá sức hoặc chấn thương cơ do tập thể dục hoặc lao động nặng. Cơn đau thường ảnh hưởng đến các nhóm cơ cụ thể và xuất hiện trong hoặc ngay sau khi hoạt động. Thông thường, có thể dễ dàng xác định được nguyên nhân gây ra cơn đau.

Ngoài ra, đau cơ cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Ví dụ, một số bệnh nhiễm trùng (bao gồm cúm) và các rối loạn tác động đến mô liên kết trong cơ thể (như lupus) có thể gây đau cơ.

Một nguyên nhân phổ biến khác gây đau nhức cơ là bệnh đau cơ xơ hóa (fibromyalgia), một tình trạng gây đau nhức cơ và mô mềm xung quanh, kèm theo khó ngủ, mệt mỏi và đau đầu.

Triệu chứng đau cơ

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau cơ

Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác đau nhức ở cơ, có thể đi kèm với căng cứng, co rút hoặc mỏi cơ. Khu vực cơ bị ảnh hưởng có thể bị hạn chế khả năng vận động và có cảm giác yếu đi.

Ngoài đau nhức và khó chịu ở cơ, một số người còn có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Sốt;
  • Phát ban;
  • Chóng mặt;
  • Khó thở;
  • Các vết như vết cắn trên da;
  • Dấu hiệu nhiễm trùng (bao gồm sưng, nóng, đỏ).

Biến chứng có thể gặp khi bị đau cơ

Đau cơ có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Cơn đau kéo dài thường liên quan đến các rối loạn tâm trạng như trầm cảm và lo âu. Tình trạng này có thể làm giảm khả năng vận động của người bệnh, hạn chế các hoạt động hàng ngày và khiến bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn.

Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc có thể xảy ra nếu người bệnh không tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tương tự, nếu việc tập luyện thể chất không tuân theo các nguyên tắc do chuyên gia đề ra, có thể dẫn đến chấn thương cơ.

dau-co4.jpg

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức hoặc đến phòng cấp cứu nếu bạn bị đau cơ kèm theo:

  • Khó thở hoặc chóng mặt.
  • Yếu cơ nghiêm trọng, gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
  • Sốt cao kèm theo cứng cổ.
  • Chấn thương nghiêm trọng khiến bạn không thể cử động, đặc biệt nếu có chảy máu hoặc tổn thương khác.

Hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ nếu bạn gặp phải:

  • Vết cắn của ve hoặc nghi ngờ bị cắn.
  • Phát ban, đặc biệt là phát ban hình “mắt bò” của bệnh Lyme.
  • Đau cơ, đặc biệt ở bắp chân, xuất hiện khi vận động và biến mất khi nghỉ ngơi.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng, như đỏ và sưng quanh vùng cơ đau.
  • Đau cơ sau khi bắt đầu dùng thuốc hoặc tăng liều, đặc biệt là statin (thuốc kiểm soát mỡ máu).
  • Đau cơ không thuyên giảm dù đã chăm sóc tại nhà.

Nguyên nhân gây đau cơ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra đau cơ, trong đó bao gồm:

  • Căng cơ do hoạt động quá mức: Lặp đi lặp lại một động tác hoặc sử dụng cơ quá mức có thể gây tổn thương nhỏ cho cơ, dẫn đến đau nhức. Cơ bắp cần thời gian và nghỉ ngơi để phục hồi.
  • Chấn thương do va đập hoặc tai nạn: Các chấn thương như bầm tím cơ (do tác động mạnh) hoặc căng cơ (do kéo giãn quá mức) có thể gây đau.
  • Nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn: Một số bệnh nhiễm trùng, như cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh nhiễm khuẩn khác, có thể gây viêm và đau cơ tạm thời hoặc kéo dài.
  • Phản ứng với thuốc: Một số loại thuốc có thể gây đau cơ, chẳng hạn như vắc xin (mô phỏng phản ứng nhiễm virus), statins (thuốc giảm cholesterol, có thể gây tổn thương cơ), hoặc ngừng thuốc quá nhanh cũng có thể dẫn đến đau cơ.
  • Bệnh lý mãn tính về cơ (Myopathy): Một số bệnh viêm và tự miễn tấn công sợi cơ, như viêm cơ mãn tính (chronic myositis) và loạn dưỡng cơ (muscular dystrophy).
  • Hội chứng đau mãn tính: Một số bệnh như đau cơ xơ hóa (fibromyalgia) hoặc hội chứng mệt mỏi mãn tính gây đau nhức cơ toàn thân mà không làm tổn thương cơ bắp.
  • Rối loạn thần kinh cơ: Các bệnh ảnh hưởng đến sự kết nối giữa dây thần kinh và cơ có thể gây co thắt cơ, teo cơ hoặc đau do tổn thương thần kinh.
  • Rối loạn chuyển hóa và mất cân bằng: Các vấn đề như suy giáp, thiếu vitamin D hoặc mất cân bằng điện giải có thể làm rối loạn chức năng cơ, gây đau nhức.
  • Thiếu máu cục bộ (Ischemia): Giảm lưu lượng máu đến cơ do cục máu đông hoặc sưng tấy nghiêm trọng có thể gây hoại tử cơ (muscle infarction) hoặc hội chứng chèn ép khoang (muscle compartment syndrome).
  • Ung thư: Mặc dù hiếm gặp, nhưng một số khối u ung thư có thể hình thành trong mô cơ hoặc xâm lấn vào cơ, gây đau. Các loại ung thư này được gọi là sarcoma mô mềm.
dau-co5.jpg

Nguy cơ mắc phải đau cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đau cơ?

Hầu hết mọi người đều có khả năng gặp phải đau cơ, bất kể giới tính và tuổi tác.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau cơ

Bạn có thể bị tăng khả năng mắc phải đau cơ khi tập luyện quá mức mà không để thời gian cho cơ hồi phục. Bên cạnh đó, mắc phải các rối loạn, bệnh lý cũng như sử dụng một số loại thuốc cũng có thể làm tăng khả năng đau cơ.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị đau cơ

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm đau cơ

Chẩn đoán đau cơ chủ yếu đòi hỏi việc đánh giá lâm sàng cẩn thận về tình trạng chuột rút và đau mỏi cơ. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến đau cơ của bạn và đề nghị các xét nghiệm phù hợp.

Hầu hết trường hợp đau cơ có thể không nghiêm trọng, tuy nhiên, nếu có các triệu chứng khác kèm theo (như sốt cao, khó thở, phát ban, chóng mặt), bạn có thể cần làm các xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu;
  • Điện cơ (EMG);
  • Các hình ảnh học (siêu âm, CT, MRI).

Điều trị đau cơ

Đau cơ xảy ra trong quá trình hoạt động thường là dấu hiệu của tình trạng căng hoặc kéo cơ. Những chấn thương này thường phản ứng tốt với phương pháp RICE, bao gồm:

  • Rest (Nghỉ ngơi): Tạm dừng các hoạt động thường ngày. Sau đó, bắt đầu vận động nhẹ nhàng và thực hiện các bài tập giãn cơ theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.
  • Ice (Chườm đá): Đặt túi đá hoặc túi đậu đông lạnh lên vùng đau trong 20 phút, ba lần mỗi ngày.
  • Compression (Băng ép): Sử dụng băng co giãn, ống bó hoặc băng quấn để giảm sưng và hỗ trợ cơ bị tổn thương.
  • Elevation (Kê cao): Nâng vùng bị thương cao hơn mức tim, đặc biệt vào ban đêm, để giúp giảm sưng nhờ tác động của trọng lực.
dau-co6.jpg

Bên cạnh đó, các biện pháp có thể được áp dụng bao gồm xoa bóp, châm cứu, liệu pháp lạnh hoặc nhiệt, sử dụng thuốc giảm đau để giúp giảm đau cơ. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nguyên nhân dẫn đến đau cơ của bạn (nếu có).

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa đau cơ

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của đau cơ

Chế độ sinh hoạt

Bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách thực hiện một số biện pháp sau:

  • Trước và sau khi vận động, hãy thực hiện các động tác co duỗi cơ để giảm nguy cơ căng cơ. Trong quá trình tập luyện, đừng quên khởi động trước và thư giãn sau để giúp cơ bắp thích nghi tốt hơn.
  • Uống đủ nước, đặc biệt là vào những ngày bạn vận động nhiều, giúp duy trì sự linh hoạt và giảm nguy cơ chuột rút. Tham gia các hoạt động thể thao thường xuyên cũng giúp cơ bắp hoạt động hiệu quả hơn và giảm nguy cơ đau nhức.
  • Nếu công việc yêu cầu ngồi lâu, hãy dành thời gian đứng dậy, vươn vai và thư giãn cơ thường xuyên để tránh tình trạng căng cứng.

Đau cơ là một tình trạng phổ biến nhưng có thể phòng tránh. Khi bắt đầu tập luyện thể thao, bạn nên tham khảo ý kiến huấn luyện viên để chọn bài tập phù hợp với thể trạng và thực hiện đúng kỹ thuật. Hạn chế tập luyện quá sức để tránh chấn thương như bong gân hay căng cơ.

Trường hợp đau cơ liên quan đến tác dụng phụ của thuốc hoặc ngộ độc không quá phổ biến, nhưng nếu gặp phải, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn. Khi bị đau cơ, hãy nghỉ ngơi và điều chỉnh cường độ vận động để giảm đau và giúp cơ bắp phục hồi nhanh hơn.

Chế độ dinh dưỡng

Một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp giảm viêm, hỗ trợ phục hồi cơ bắp và giảm đau hiệu quả. Bạn có thể cân nhắc bổ sung thêm các thực phẩm giàu omega 3, vitamin khoáng chất và uống đủ nước.

dau-co7.jpg

Phòng ngừa đau cơ

Để giúp phòng ngừa đau cơ, bạn cần chú ý như sau:

  • Tập thể dục đều đặn với cường độ phù hợp.
  • Luôn khởi động trước và giãn cơ sau khi tập để giảm nguy cơ chấn thương.
  • Bắt đầu nhẹ nhàng như nhảy dây hoặc chạy tại chỗ giúp cơ thích nghi tốt hơn.
  • Tăng cường độ tập dần dần, tránh thay đổi đột ngột gây chuột rút.
  • Chọn giày phù hợp, giữ ấm khi trời lạnh.
  • Uống đủ nước và duy trì cân nặng hợp lý để bảo vệ cơ bắp.

Đau cơ là một vấn đề phổ biến nhưng có thể kiểm soát và phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và thói quen vận động khoa học. Nếu tình trạng đau cơ kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Hầu hết các tình trạng đau cơ là không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau cơ của bạn không thuyên giảm, hoặc có kèm theo các triệu chứng như sốt, phát ban, đau dữ dội, sưng đỏ, mệt mỏi, đau ngực… Bạn nên đến khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tình trạng đau cơ bắp chân khi đi lại và giảm khi nghỉ có thể là dấu hiệu đau cách hồi. Bạn cần đi khám để kiểm tra và điều trị kịp thời vì đây là một tình trạng bệnh lý có thể diễn tiến nặng nếu không điều trị.

Nếu bạn bị đau cơ khi dùng thuốc mỡ máu, bạn cần đến khám bác sĩ để được theo dõi. Vì nhóm thuốc mỡ máu (statin) có thể gây ra tình trạng ly giải cơ vân, dẫn đến đau cơ.

Bạn có thể phòng ngừa được đau cơ do các nguyên nhân liên quan đến tập luyện và sinh hoạt. Hãy tham khảo cách sinh hoạt phòng ngừa đã được chia sẻ trong bài viết trên.

Nếu bạn làm công việc văn phòng phải ngồi lâu, hãy đảm bảo bạn đứng dậy vươn vai, hoạt động thư giãn cơ sau ít nhất mỗi 60 phút.