Vi khuẩn gram dương là nhóm vi khuẩn có thành tế bào dày, giàu peptidoglycan, cho phép chúng bắt màu tím khi thực hiện phương pháp nhuộm Gram. Đây là nhóm vi sinh vật vừa có lợi, vừa có khả năng gây bệnh ở người. Một số chủng vi khuẩn gram dương phổ biến có thể kể đến như tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) và liên cầu khuẩn (Streptococcus). Vậy vi khuẩn gram dương là gì? Cùng Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu kỹ hơn về nhóm vi khuẩn này qua bài viết dưới đây.
Vi khuẩn gram dương là gì?
Vi khuẩn gram dương là nhóm vi khuẩn có đặc điểm thành tế bào dày, cấu tạo chủ yếu từ lớp peptidoglycan. Khi thực hiện nhuộm gram, một phương pháp nhuộm vi khuẩn phổ biến trong vi sinh y học, các vi khuẩn này giữ được màu tím của thuốc nhuộm tím tinh thể, nhờ cấu trúc vững chắc của thành tế bào. Sự khác biệt trong thành phần cấu trúc tế bào này chính là cơ sở để phân loại vi khuẩn thành hai nhóm: Gram dương và gram âm.

Trong kỹ thuật nhuộm, sau khi nhuộm màu tím và xử lý bằng dung dịch khử màu (thường là cồn hoặc acetone), vi khuẩn gram dương vẫn duy trì màu tím đặc trưng khi quan sát dưới kính hiển vi. Điều này xảy ra vì lớp peptidoglycan dày giúp ngăn cản sự rửa trôi của thuốc nhuộm. Ngược lại, vi khuẩn gram âm sẽ mất màu tím và bắt màu đỏ hoặc hồng từ thuốc nhuộm phụ (safranin).
Vi khuẩn gram dương thường nhạy cảm hơn với các kháng sinh, trong khi vi khuẩn gram âm đòi hỏi những nhóm thuốc có khả năng vượt qua hàng rào màng ngoài phức tạp hơn.
Đặc điểm của vi khuẩn gram dương
Vi khuẩn gram dương có nhiều đặc điểm cấu trúc đặc trưng, giúp chúng dễ dàng phân biệt với vi khuẩn gram âm.
- Thành tế bào dày: Thành tế bào vi khuẩn gram dương chứa lớp peptidoglycan dày (chiếm tới 90% trọng lượng thành tế bào), giúp duy trì hình dạng và bảo vệ tế bào khỏi áp lực thẩm thấu.
- Enzyme liên kết chéo: Các chuỗi peptidoglycan được liên kết chéo vững chắc nhờ enzyme DD-transpeptidase, tạo nên cấu trúc bền vững cho thành tế bào.
- Có axit teichoic và axit lipoteichoic: Các phân tử này cắm vào lớp peptidoglycan, tham gia vào khả năng bám dính của vi khuẩn lên bề mặt tế bào chủ và góp phần vào quá trình gây bệnh.
- Khoang chu chất nhỏ: Khoang giữa màng tế bào và lớp peptidoglycan của vi khuẩn gram dương nhỏ hơn rất nhiều so với vi khuẩn gram âm.
- Màng tế bào: Nằm phía dưới lớp peptidoglycan, đóng vai trò kiểm soát trao đổi chất và bảo vệ tế bào chất.
- Có thể có lớp màng nhầy: Một số chủng vi khuẩn gram dương có lớp polysaccharide bên ngoài, giúp tăng cường khả năng chống lại các yếu tố miễn dịch.
- Khả năng di động: Một số vi khuẩn gram dương sở hữu tiên mao đơn hoặc đa tiên mao, hỗ trợ sự di chuyển trong môi trường.

Vi khuẩn gram dương gây bệnh gì?
Vi khuẩn gram dương là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý nhiễm trùng nghiêm trọng ở người. Dưới đây là các loại vi khuẩn gram dương thường gặp và các bệnh lý liên quan.
Cầu khuẩn gram dương gây bệnh
- Staphylococcus aureus: Là một trong những vi khuẩn gram dương phổ biến nhất, có khả năng gây ra nhiễm trùng da, viêm mô tế bào, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, viêm khớp nhiễm trùng và viêm tủy xương. Ngoài ra, chủng này còn liên quan đến hội chứng sốc nhiễm độc và hội chứng bỏng da do độc tố.
- Streptococcus pneumoniae: Là nguyên nhân chính gây viêm phổi tại cộng đồng, viêm tai giữa, viêm xoang cấp tính và viêm màng não mủ.
- Streptococcus viridans: Bao gồm các loài như Streptococcus mutans gây sâu răng và Streptococcus sanguinis có thể gây viêm nội tâm mạc bán cấp ở những bệnh nhân có tổn thương van tim từ trước.
- Streptococcus pyogenes: Gây nhiều bệnh lý khác nhau như viêm họng liên cầu khuẩn, chốc lở, viêm mô tế bào. Ngoài ra, độc tố của Streptococcus pyogenes còn gây viêm cân mạc hoại tử và hội chứng sốc nhiễm độc. Biến chứng hậu nhiễm trùng gồm có sốt thấp khớp và viêm cầu thận cấp.
- Enterococci: Chủ yếu bao gồm Enterococcus faecalis và Enterococcus faecium, thường cư trú ở ruột già. Chúng có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm nội tâm mạc và nhiễm trùng đường mật, đặc biệt ở bệnh nhân có bệnh lý nền hoặc sau can thiệp y tế.

Trực khuẩn gram dương gây bệnh
- Bacillus anthracis: Là tác nhân gây bệnh than. Vi khuẩn này sản xuất độc tố gây tổn thương da, hình thành vết loét đặc trưng với trung tâm màu đen.
- Bacillus cereus: Thường liên quan đến ngộ độc thực phẩm, gây nôn ói hoặc tiêu chảy do ăn phải thực phẩm nấu chưa chín hoặc bảo quản không đúng cách.
- Corynebacterium diphtheriae: Gây bệnh bạch hầu với biểu hiện viêm họng giả mạc đặc trưng. Nhiễm độc tố bạch hầu có thể dẫn đến viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim và biến chứng thần kinh.
- Listeria monocytogenes: Là nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ sơ sinh, người già và bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể gây viêm dạ dày ruột và nhiễm trùng huyết nặng.

Vi khuẩn gram dương có nguy hiểm không?
Vi khuẩn gram dương có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng, tuy nhiên, chúng thường ít nguy hiểm hơn vi khuẩn gram âm. Vi khuẩn gram âm có lớp màng ngoài bảo vệ, giúp chúng tránh được sự phát hiện của hệ miễn dịch và gây phản ứng viêm mạnh mẽ, trong khi vi khuẩn gram dương dễ bị nhận diện và tấn công bởi hệ miễn dịch, đặc biệt là enzyme lysozyme. Tuy nhiên, một số loài vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae hay Enterococcus vẫn có thể gây nhiễm trùng nặng như viêm nội tâm mạc, viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Vi khuẩn gram dương là một nhóm vi khuẩn có đặc điểm cấu trúc tế bào đặc biệt, với lớp peptidoglycan dày giúp giữ màu nhuộm khi sử dụng phương pháp nhuộm gram. Mặc dù chúng thường ít gây nguy hiểm hơn vi khuẩn gram âm, một số loài vi khuẩn gram dương vẫn có thể gây ra các bệnh lý nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Để phòng ngừa các bệnh do vi khuẩn gram dương gây ra, cần duy trì vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên, tiêm phòng đầy đủ và sử dụng kháng sinh đúng cách. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.