Bệnh bạch hầu, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào và mức độ ảnh hưởng của nó ra sao? Cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây.
Bệnh bạch hầu là gì? Dấu hiệu nhận biết
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua các vật dụng cá nhân, đồ chơi, hoặc các bề mặt có chứa vi khuẩn.
/benh_bach_hau_nguy_hiem_nhu_the_nao_1_866328bb49.jpeg)
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, một số chủng vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, thận và dây thần kinh ngoại biên.
Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu:
- Sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn: Thường xuất hiện sau thời gian ủ bệnh từ 2 - 5 ngày.
- Viêm họng, đau họng: Đi kèm với sưng hạch bạch huyết ở cổ, tạo thành hiện tượng “cổ bò”.
- Giả mạc màu trắng ngà hoặc xám: Hình thành ở vùng họng, amidan, thanh quản, rất khó bóc tách và có thể gây tắc nghẽn đường thở.
- Khó nuốt, khó thở: Do giả mạc lan rộng, gây cản trở hô hấp.
- Ho khan, khàn tiếng: Kèm theo cảm giác nghẹt thở.
- Biến chứng nặng: Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị viêm cơ tim, tổn thương thần kinh và thậm chí là tử vong.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Nhiều người thắc mắc: “Bạch hầu có nguy hiểm không?” Câu trả lời là vô cùng nguy hiểm. Điều làm nên mức độ nghiêm trọng của bệnh chính là ngoại độc tố mà vi khuẩn bạch hầu tiết ra, gây tổn thương nghiêm trọng cho nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể. Vậy vì sao bạch hầu nguy hiểm đến vậy?
/benh_bach_hau_nguy_hiem_nhu_the_nao_2_6934fdcd26.jpeg)
Các biến chứng của bệnh bạch hầu:
- Viêm cơ tim: Là biến chứng nguy hiểm nhất, có thể xảy ra sớm trong giai đoạn toàn phát hoặc muộn hơn sau khi bệnh thuyên giảm. Viêm cơ tim gây suy tim cấp, rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Tổn thương hệ thần kinh: Độc tố bạch hầu có thể gây viêm dây thần kinh, dẫn đến liệt cơ chi, cơ hoành, thậm chí gây ngừng thở do liệt cơ hô hấp.
- Suy hô hấp cấp tính: Giả mạc trong cổ họng có thể lan rộng, gây tắc nghẽn đường thở, khiến người bệnh ngạt thở và tử vong trong vòng 6 - 10 ngày nếu không can thiệp kịp thời.
- Nhiễm độc toàn thân: Ngoại độc tố có thể lan theo máu đến các cơ quan như tim và thần kinh, gây biến chứng nghiêm trọng và nguy cơ tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do bạch hầu dao động từ 5 - 10%, có thể lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người cao tuổi chưa tiêm chủng đầy đủ.
Ai có thể mắc bệnh bạch hầu?
Bất kỳ ai tiếp xúc với vi khuẩn bạch hầu đều có nguy cơ mắc bệnh, nhưng một số nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị nhiễm hơn:
- Trẻ dưới 5 tuổi: Do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và có thể chưa được tiêm đủ các liều vắc xin cơ bản.
- Thanh thiếu niên: Miễn dịch từ vắc xin giảm dần theo thời gian, đặc biệt nếu không được tiêm nhắc lại đầy đủ.
- Người lớn chưa tiêm phòng hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng.
- Người sống trong môi trường đông đúc: Trường học, ký túc xá, khu vực có điều kiện vệ sinh kém.
- Người tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn.
Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu
Phòng ngừa bệnh bạch hầu đòi hỏi sự kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, từ tiêm chủng đến duy trì thói quen vệ sinh cá nhân và nâng cao nhận thức cộng đồng. Dưới đây là những biện pháp cụ thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh:
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu
Các loại vắc xin phổ biến giúp phòng ngừa bệnh bạch hầu:
- Vắc xin 6 trong 1: Phòng ngừa 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, Hib.
- Vắc xin 5 trong 1: Phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib.
- Vắc xin 4 trong 1: Phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.
- Vắc xin 3 trong 1: Phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.
/benh_bach_hau_nguy_hiem_nhu_the_nao_3_8ed5384f74.jpeg)
Lịch tiêm chủng:
Trẻ đã hoàn thành lịch tiêm cơ bản nên tiêm nhắc một liều ở 7 tuổi. Người lớn nên tiêm nhắc mỗi 10 năm để duy trì miễn dịch.
Từ 07 tuổi trở lên chưa tiêm bạch hầu - uốn ván hoặc không rõ lịch sử, lịch tiêm cơ bản gồm 02 mũi:
- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: 01 tháng sau mũi 1.
- Tiêm nhắc mũi 3: 06 tháng sau mũi 2.
- Tiêm nhắc mỗi 10 năm để tăng cường miễn dịch các bệnh bạch hầu, uốn ván.
Giữ vệ sinh cá nhân
- Rửa tay thường xuyên: Sử dụng xà phòng và nước sạch, chà tay kỹ trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, và sau khi tiếp xúc với người khác. Nếu không có xà phòng, có thể dùng dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn.
- Che miệng khi ho/hắt hơi: Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay áo để che miệng và mũi, giúp ngăn giọt bắn mang vi khuẩn bạch hầu phát tán ra không khí.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày: Tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ, đặc biệt khi đi từ nơi công cộng về.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân: Như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
Vệ sinh môi trường
- Khử khuẩn bề mặt: Thường xuyên lau chùi, sát khuẩn các bề mặt hay chạm tay vào như tay nắm cửa, công tắc điện, bàn ghế, điều khiển từ xa... bằng dung dịch khử trùng.
- Giữ không gian thông thoáng: Mở cửa sổ thường xuyên để không khí lưu thông, giảm mật độ vi khuẩn trong không gian kín.
- Vệ sinh đồ dùng cá nhân: Các vật dụng như chăn, ga, gối, đệm cần được giặt giũ định kỳ. Đồ chơi của trẻ nhỏ, đặc biệt trong môi trường mẫu giáo, cũng cần được khử khuẩn thường xuyên.
/benh_bach_hau_nguy_hiem_nhu_the_nao_4_29ee2f243d.jpeg)
Bạch hầu là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm với khả năng lây lan nhanh chóng và biến chứng nặng nề. Qua bài viết, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào và tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khỏi bệnh bạch hầu, đừng quên tiêm vắc xin phòng ngừa ngay hôm nay tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Chúng tôi cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin chất lượng, an toàn và hiệu quả. Hãy đến Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được tư vấn và tiêm phòng, chủ động bảo vệ sức khỏe của bạn và cộng đồng.