Tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới là hiện tượng đi tiểu nhiều lần, tiểu đau, tiểu khó kèm cảm giác nóng rát, khó chịu, có thể kèm máu. Đây không chỉ là dấu hiệu viêm nhiễm thông thường mà còn cảnh báo nhiều bệnh lý nam khoa nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời. Bài viết hôm nay của Trung tâm Tiêm chủng Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất xoay quanh tình trạng tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới.
Tình trạng tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới là gì?
Tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới là một tập hợp các triệu chứng liên quan đến rối loạn chức năng tiểu tiện. Các dấu hiệu nhận biết sớm bao gồm:
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày (thường trên 8 lần trong 24 giờ) hoặc thức dậy nhiều hơn 2 lần vào ban đêm để đi tiểu, với mỗi lần lượng nước tiểu ít.
- Cảm giác buốt, rát, đau dọc niệu đạo hoặc vùng bụng dưới mỗi khi đi tiểu, đôi khi cảm giác đau kéo dài sau khi tiểu xong.
- Có thể kèm theo tình trạng tiểu ra máu ở nam giới (nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc lẫn các sợi máu) hoặc tiểu ra mủ (nước tiểu đục, có cặn trắng hoặc vàng).

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới, trong đó thường gặp nhất là:
- Viêm đường tiết niệu: Do vi khuẩn (thường là E. coli) xâm nhập từ niệu đạo, gây viêm nhiễm ở bàng quang (viêm bàng quang), niệu quản (viêm niệu quản) và niệu đạo (viêm niệu đạo).
- Bệnh lý tuyến tiền liệt: Các vấn đề như viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt đều có thể gây chèn ép niệu đạo dẫn đến tiểu buốt, tiểu rắt và đôi khi tiểu buốt ra máu ở nam giới.
- Sỏi tiết niệu: Sỏi di chuyển trong đường tiết niệu có thể cọ xát vào niêm mạc, gây tổn thương, chảy máu và đau buốt mỗi lần đi tiểu. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng đi tiểu ra máu ở nam giới.
- Nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STDs): Các bệnh như lậu, chlamydia có thể gây viêm niệu đạo dẫn đến tiểu buốt, tiểu rắt và có thể kèm theo mủ trong nước tiểu.
- Ung thư bàng quang hoặc niệu đạo: Mặc dù hiếm gặp hơn nhưng đây là một nguyên nhân nghiêm trọng gây ra tình trạng tiểu rắt tiểu ra máu ở nam giới. Triệu chứng ban đầu có thể mơ hồ nhưng cần được tầm soát nếu có yếu tố nguy cơ.
Tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt ở nam giới cần được thăm khám y tế ngay nếu xuất hiện kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Tiểu máu kéo dài hoặc tiểu máu lượng nhiều: Cảnh báo khả năng tổn thương đường tiết niệu, sỏi, nhiễm trùng hoặc ung thư.
- Đau dữ dội vùng bụng dưới, thắt lưng hoặc hai bên hông: Có thể là dấu hiệu của sỏi tiết niệu hoặc viêm nhiễm lan tỏa.
- Sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn hoặc nôn: Dấu hiệu của nhiễm trùng hệ tiết niệu trên, cần điều trị sớm để tránh biến chứng.
- Tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu: Có thể liên quan đến tắc nghẽn cơ học hoặc rối loạn thần kinh vùng tiết niệu, cần can thiệp y khoa khẩn cấp.
Các bệnh lý liên quan đến tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới
Tiểu buốt, tiểu rắt và tiểu ra máu là những triệu chứng có thể liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau ở nam giới, bao gồm:
Viêm bàng quang và viêm tuyến tiền liệt
Viêm bàng quang và viêm tuyến tiền liệt là hai trong số những nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tình trạng tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới. Triệu chứng của viêm bàng quang thường bao gồm đau bụng dưới, tiểu buốt, tiểu rắt và có thể kèm theo máu trong nước tiểu. Trong khi, viêm tuyến tiền liệt có thể gây đau ở vùng đáy chậu, bẹn hoặc tinh hoàn, cùng với các triệu chứng tiểu tiện bất thường. Các triệu chứng này đôi khi âm ỉ và dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe thông thường.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như chlamydia, lậu, herpes sinh dục... có thể gây viêm niệu đạo dẫn đến tình trạng đau khi đi tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt và có thể kèm theo mủ trong nước tiểu. Việc điều trị các bệnh này cần sử dụng kháng sinh đặc hiệu theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc để tránh tình trạng kháng thuốc và bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Ung thư bàng quang và ung thư tuyến tiền liệt
Cả hai loại ung thư này đều có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến tiểu tiện. Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng thường mờ nhạt, có thể chỉ biểu hiện bằng tiểu máu vi thể (không nhìn thấy bằng mắt thường) hoặc tiểu buốt, tiểu rắt không thường xuyên. Do đó, việc tầm soát định kỳ là rất quan trọng, đặc biệt đối với những nam giới có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiền sử gia đình mắc các bệnh.
Cách xử lý và điều trị tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới
Khi nam giới xuất hiện các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu rắt, hoặc tiểu ra máu, việc thăm khám chuyên khoa tiết niệu là cần thiết để xác định nguyên nhân và chỉ định điều trị phù hợp. Một số xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán thường được thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá sự hiện diện của bạch cầu, hồng cầu, protein, nitrit và các bất thường khác.
- Cấy nước tiểu: Xác định vi khuẩn gây bệnh và xây dựng phác đồ kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ.
- Siêu âm hệ tiết niệu và tuyến tiền liệt: Giúp đánh giá tình trạng bàng quang, phát hiện phì đại tuyến tiền liệt, sỏi, u hoặc ứ nước thận.
- Nội soi bàng quang: Là phương pháp cho phép quan sát trực tiếp bên trong bàng quang và niệu đạo, đặc biệt hữu ích trong phát hiện viêm mạn tính, loét, polyp hoặc ung thư bàng quang.

Phương pháp điều trị tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tuyến tiền liệt: Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ dựa trên kết quả cấy nước tiểu và kháng sinh đồ .
- Sỏi thận: Uống nhiều nước, sử dụng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, hoặc can thiệp ngoại khoa nếu cần thiết.
- Bệnh lý tuyến tiền liệt: Điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy thuộc vào mức độ bệnh.
- Nhiễm trùng lây qua đường tình dục: Sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus đặc hiệu theo cần được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc.
Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, nam giới có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ tại nhà để giảm bớt các triệu chứng tiểu buốt tiểu rắt:
- Uống đủ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày để giúp làm loãng nước tiểu và tăng cường đào thải vi khuẩn.
- Hạn chế sử dụng bia rượu, đồ ăn cay nóng, các chất kích thích như cà phê, thuốc lá vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách, giữ cho vùng niệu đạo sạch sẽ.
- Tránh nhịn tiểu kéo dài để không tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới không đơn thuần là biểu hiện viêm nhiễm thông thường mà có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Việc chủ động thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị đúng cách là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe sinh sản và tiết niệu cho nam giới. Nếu tình trạng tiểu buốt tiểu rắt kéo dài trên 2 - 3 ngày kèm theo sốt hoặc tiểu ra máu, bạn nên đến cơ sở y tế sớm để được kiểm tra chính xác và có biện pháp can thiệp kịp thời. Đừng quên theo dõi các bài viết sức khỏe của Tiêm chủng Long Châu để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích khác bạn nhé.