Xét nghiệm cúm A H1N1 thường được chỉ định để tầm soát và xác định chính xác sự hiện diện của virus trong cơ thể. Điều này giúp việc theo dõi và xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả, đồng thời giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Vậy phương pháp xét nghiệm nào cho kết quả chính xác nhất? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Cúm A H1N1 là gì?
Virus cúm A H1N1 (Influenza virus), thuộc họ Orthomyxoviridae và có tên khoa học là pdm09 (A), mang đặc điểm là bộ gen RNA. Tên gọi H1N1 của virus này xuất phát từ hai loại protein kháng nguyên quan trọng trên vỏ virus: Hemagglutinin nhóm 1 (H1) và Neuraminidase nhóm 1 (N1).
Ban đầu, virus cúm A H1N1 phát triển chủ yếu trên lợn, sau đó được ghi nhận lây lan sang các loài động vật khác như chim, gia cầm, thủy sản hoang dã và một số loài động vật có vú khác. Virus này có khả năng lây lan nhanh chóng và mạnh mẽ, có thể gây ra dịch bệnh hoặc đại dịch nếu không có các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát kịp thời.
Cúm A H1N1 lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng hoặc bề mặt nhiễm virus. Thời gian ủ bệnh của virus này thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần, và trong vòng 24 giờ trước khi triệu chứng bệnh xuất hiện, virus đã bắt đầu lây lan mạnh mẽ, khiến khả năng nhiễm bệnh ở những người tiếp xúc rất cao. Tiêm vắc xin cúm là biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ lây nhiễm.
/2_6abe25d696.png)
Các phương pháp xét nghiệm cúm A H1N1
Hiện nay, có nhiều phương pháp xét nghiệm cúm A H1N1 với độ chính xác và ưu điểm riêng. Dưới đây là các phương pháp phổ biến:
Xét nghiệm cơ bản
Các xét nghiệm cơ bản thường được chỉ định đầu tiên nhằm đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe của người bệnh, đồng thời giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường hoặc biến chứng liên quan đến cúm A H1N1. Việc thực hiện các xét nghiệm này hỗ trợ bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp và can thiệp kịp thời nếu có dấu hiệu tiến triển nặng.
Một số xét nghiệm cơ bản thường được thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Giúp kiểm tra số lượng tế bào máu, phát hiện tình trạng viêm nhiễm hoặc rối loạn miễn dịch.
- Chụp X-quang tim phổi: Hình ảnh X-quang giúp phát hiện các biến chứng đường hô hấp như viêm phổi – một biến chứng thường gặp của cúm A H1N1.
- Xét nghiệm điện giải đồ: Đánh giá sự cân bằng các chất điện giải trong cơ thể, nhất là khi bệnh nhân có dấu hiệu mất nước, tiêu chảy hoặc mệt mỏi nghiêm trọng.
- Xét nghiệm chức năng gan, thận: Kiểm tra hoạt động của gan và thận để đảm bảo các cơ quan này vẫn hoạt động ổn định trong quá trình nhiễm virus hoặc khi sử dụng thuốc điều trị.
/3_e3fdbfa2bc.png)
Xét nghiệm Real time - PCR
Đây là phương pháp tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán cúm A H1N1, với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Xét nghiệm này giúp xác định chính xác chủng virus gây bệnh và phân biệt giữa các loại virus cúm khác nhau. Bệnh phẩm thường là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu hoặc dịch phế quản, và nên được lấy trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng để đạt hiệu quả cao nhất.
Test nhanh kháng nguyên (RIDTs)
Phương pháp này cho kết quả trong khoảng 10 - 15 phút với chi phí thấp. Tuy nhiên, độ nhạy và độ đặc hiệu của test nhanh thấp hơn so với xét nghiệm RT-PCR, và hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian mắc bệnh và chất lượng mẫu bệnh phẩm. Kết quả âm tính từ test nhanh cần được xác nhận lại bằng phương pháp khác để đảm bảo độ chính xác.
/1_6a56db15c4.png)
Nuôi cấy virus
Đây là phương pháp có độ đặc hiệu cao, cho phép xác định chính xác chủng virus gây bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi cơ sở vật chất và kỹ thuật chuyên môn cao, thời gian thực hiện lâu và chi phí cao.
Khi nào cần thực hiện xét nghiệm cúm A H1N1?
Theo nhận định từ các chuyên gia y tế, những triệu chứng của cúm A H1N1 thường dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, khiến nhiều người chủ quan. Do đó, việc xét nghiệm cúm A H1N1 là điều cần thiết, đặc biệt khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ trong thời điểm dịch bệnh đang lan rộng. Xét nghiệm sớm không chỉ giúp bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp, mà còn góp phần làm giảm chi phí y tế, hạn chế biến chứng và quan trọng hơn là ngăn chặn nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng.
Mỗi người nên chủ động quan tâm đến sức khỏe của bản thân, theo dõi sát sao các biểu hiện bất thường và tiến hành xét nghiệm cúm ngay khi xuất hiện các triệu chứng đặc trưng như sốt cao, ớn lạnh, đau họng, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy,… Đặc biệt nên đi xét nghiệm trong các trường hợp sau:
- Có biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm A H1N1 và đang sinh sống hoặc làm việc tại khu vực có nguy cơ cao.
- Mới trở về từ vùng có dịch cúm đang lưu hành.
- Đã từng tiếp xúc gần với người nhiễm cúm A H1N1 và sau đó xuất hiện các triệu chứng điển hình như ho, sổ mũi, khó thở, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, tiêu chảy, buồn nôn,...
/4_f113b2c767.png)
Việc thực hiện xét nghiệm cúm A H1N1 nên được tiến hành càng sớm càng tốt khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là tại những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo kết quả chính xác và có hướng xử trí kịp thời, hiệu quả. Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp xét nghiệm cúm A H1N1 đang được áp dụng hiện nay.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ đáng tin cậy, chuyên cung cấp các loại vắc xin phòng cúm chất lượng, chính hãng và được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn như vắc xin Vaxigrip Tetra, Ivacflu-s, vắc xin Influvac Tetra. Để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ đặt lịch tiêm nhanh chóng, vui lòng liên hệ Trung tâm qua số hotline 1800 6928.