Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm đường hô hấp, không chỉ ở trẻ em mà còn ở người lớn. Nhiễm virus RSV có nguy hiểm không và cách chẩn đoán như thế nào? Để hiểu rõ thêm, bạn có thể tham khảo bài viết sau đây của Long Châu.
Nhiễm virus RSV có nguy hiểm không?
Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) thường gây ra các triệu chứng nhẹ tương tự cảm lạnh ở người trưởng thành khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở một số nhóm nguy cơ cao như trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, người cao tuổi, hoặc người có bệnh nền về tim phổi và hệ miễn dịch suy yếu, RSV có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hoặc suy hô hấp.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm có hàng chục nghìn ca nhập viện liên quan đến RSV ở cả trẻ em và người lớn tuổi. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh và áp dụng các biện pháp điều trị, chăm sóc phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ biến chứng và tử vong do virus này gây ra.
Virus hợp bào hô hấp RSV là gì?
Virus hợp bào hô hấp (RSV – Respiratory Syncytial Virus) được phát hiện vào năm 1956 và là một trong những tác nhân hàng đầu gây nhiễm trùng đường hô hấp. Virus RSV thường gây bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ, với các triệu chứng ban đầu giống cảm lạnh nhưng có thể tiến triển thành viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản.
/nhiem_virus_rsv_co_nguy_hiem_khong_cach_chan_doan_nhiem_virus_rsv_1_9ed4055b78.jpg)
Virus này có xu hướng bùng phát mạnh vào mùa lạnh ở các khu vực có khí hậu ôn đới và ở những vùng nhiệt đới như Việt Nam, đặc biệt vào mùa mưa ở miền Nam và mùa đông ở miền Bắc. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm có hơn 50.000 trẻ dưới 5 tuổi phải nhập viện vì virus RSV.
Giống như nhiều loại virus đường hô hấp khác, RSV có thể tái nhiễm nhiều lần, tuy nhiên, ở những người từng bị nhiễm, mức độ bệnh thường nhẹ hơn. Virus này lây lan chủ yếu qua:
- Giọt bắn từ người bệnh khi ho hoặc hắt hơi.
- Tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus, chẳng hạn như đồ chơi, tay nắm cửa hoặc vật dụng cá nhân.
- Tiếp xúc trực tiếp như ôm hôn, bắt tay hoặc dùng chung đồ ăn, thức uống.
Nhóm đối tượng nguy cơ cao nhiễm virus RSV
RSV có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp ở mọi lứa tuổi, nhưng một số nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ cao hơn và dễ gặp biến chứng xấu ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Trẻ sinh non, đặc biệt những bé chào đời trước 37 tuần tuổi thai.
- Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
- Trẻ mắc bệnh lý nền về hô hấp hoặc tim mạch, như hen suyễn, bệnh phổi mãn tính hoặc tim bẩm sinh.
- Trẻ có hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh lý bẩm sinh hoặc tình trạng suy giảm miễn dịch.
- Trẻ gặp vấn đề về thần kinh và cơ, rối loạn trong việc tiết dịch nhầy, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp.
Bên cạnh trẻ em, người lớn trên 65 tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh phổi mãn tính, bệnh tim hoặc có hệ miễn dịch suy giảm, cũng dễ mắc RSV và gặp nhiểu biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe.
/nhiem_virus_rsv_co_nguy_hiem_khong_cach_chan_doan_nhiem_virus_rsv_2_09cc7e7864.jpg)
Cách chẩn đoán nhiễm virus RSV
Sau khi đã tìm hiểu nhiễm virus RSV có nguy hiểm không, bạn cần biết rõ về các cách chẩn đoán và phát hiện loại virus này. Để chẩn đoán nhiễm RSV, bác sĩ sẽ kết hợp khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng cho người bệnh.
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe để xác định các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, sổ mũi cũng như tiền sử tiếp xúc với người mắc bệnh. Đồng thời, bác sĩ sẽ kiểm tra hệ hô hấp nhằm phát hiện dấu hiệu thở khò khè, lõm lồng ngực hoặc suy hô hấp.
Các xét nghiệm cận lâm sàng
Để xác định tình trạng nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng như sau:
- Xét nghiệm phát hiện RSV: Lấy mẫu dịch tiết từ mũi hoặc họng để thực hiện test nhanh kháng nguyên hoặc kỹ thuật sinh học phân tử như RT-PCR. RT-PCR hiện là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, giúp xác định chính xác sự hiện diện của virus RSV trong đường hô hấp.
- Xét nghiệm máu: Có thể được chỉ định để đánh giá tổng trạng và phản ứng viêm của cơ thể. Tuy nhiên, RSV thường không gây ra thay đổi rõ rệt trong công thức máu. Một số trường hợp có thể thấy tăng nhẹ lympho bào, nhưng kết quả không mang tính đặc hiệu cho chẩn đoán.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang ngực có thể hỗ trợ đánh giá tổn thương phổi, đặc biệt khi nghi ngờ viêm phổi hoặc biến chứng nặng do RSV. Hình ảnh X-quang có thể ghi nhận các dấu hiệu như thâm nhiễm lan tỏa, xẹp phổi hoặc tăng tiết dịch phế quản ở trẻ nhỏ.
/nhiem_virus_rsv_co_nguy_hiem_khong_cach_chan_doan_nhiem_virus_rsv_3_13c369322d.jpg)
Cách điều trị khi nhiễm virus RSV
Trong hầu hết các trường hợp, trẻ nhiễm virus RSV với triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà mà không cần nhập viện. Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ làm giảm triệu chứng và cải thiện tình trạng bệnh:
- Làm sạch đường hô hấp: Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi để làm mềm dịch nhầy, sau đó sử dụng dụng cụ hút mũi để loại bỏ chất nhầy, giúp trẻ dễ thở hơn.
- Không khí trong lành: Dùng máy tạo độ ẩm để giữ không khí trong phòng ở mức phù hợp, hạn chế khô mũi và họng. Đồng thời, tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ: Cho trẻ bú mẹ hoặc uống sữa đầy đủ, tăng cường bổ sung nước để làm loãng đờm, giảm ho và phòng ngừa mất nước. Không nên cho trẻ uống nước ngọt hoặc nước trái cây có nhiều đường vì có thể gây mất cân bằng điện giải.
- Theo dõi sát dấu hiệu bất thường: Nếu trẻ có biểu hiện khó thở, thở rút lõm lồng ngực, da tím tái hoặc không ăn uống được, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Hiện tại, vắc xin phòng RSV chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng ba mẹ có thể chủ động tiêm các loại vắc xin giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác, chẳng hạn như:
- Vắc xin cúm: Giúp giảm nguy cơ biến chứng hô hấp do nhiễm cúm.
- Vắc xin phế cầu khuẩn: Phòng ngừa viêm phổi, viêm màng não do phế cầu.
- Vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván: Ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng.
- Vắc xin sởi - quai bị - rubella: Bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm phổ biến.
- Vắc xin thủy đậu: Giúp hạn chế nguy cơ biến chứng do thủy đậu gây ra.
Để đảm bảo trẻ được tiêm chủng an toàn với vắc xin chất lượng, ba mẹ có thể đăng ký tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Liên hệ Hotline 1800 6928 để nhận tư vấn và đặt lịch nhanh chóng.
/nhiem_virus_rsv_co_nguy_hiem_khong_cach_chan_doan_nhiem_virus_rsv_4_fa1e974809.jpg)
Bài viết trên đây là những chia sẻ về nội dung “nhiễm virus RSV có nguy hiểm không?”. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều thông tin cần thiết để chủ động phòng tránh bệnh hiệu quả nhé.
Xem thêm: