Nhiễm trùng máu là một bệnh lý nguy hiểm xảy ra khi vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập vào máu, gây phản ứng viêm trên toàn cơ thể. Vậy dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng máu ở trẻ em là gì?
Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng máu ở trẻ em
Cha mẹ có thể phát hiện sớm tình trạng nhiễm trùng máu ở trẻ nếu chú ý quan sát những thay đổi bất thường trong cơ thể và hành vi của trẻ. Một số biểu hiện thường gặp bao gồm:
- Trẻ bị sốt cao kéo dài hoặc sốt liên tục, không rõ nguyên nhân.
- Tim đập nhanh, mạch nhanh hơn bình thường.
- Thở nhanh, thở gấp dù không vận động nhiều.
- Các dấu hiệu liên quan đến đường tiểu như tiểu nhiều lần, tiểu buốt, són tiểu hoặc thậm chí có máu trong nước tiểu.
- Da tái nhợt, môi khô, thiếu sức sống.
- Bụng phình to bất thường hoặc có cảm giác khó chịu vùng bụng.
- Trẻ trở nên biếng ăn, bỏ bú hoặc không chịu ăn uống.
- Quấy khóc nhiều, nôn mửa, khó dỗ.
- Có thể xuất hiện tình trạng li bì, mệt mỏi, thậm chí co giật.
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và can thiệp kịp thời. Nhiễm trùng máu nếu không được điều trị sớm có thể tiến triển nhanh, gây tổn thương nhiều cơ quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ.

Biến chứng nguy hiểm khi bị nhiễm trùng máu
Nhiễm trùng máu là tình trạng nghiêm trọng và có thể diễn tiến nhanh chóng nếu không được can thiệp kịp thời. Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như:
- Suy đa cơ quan: Nhiễm trùng máu có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan cùng lúc như gan, thận, phổi, tim,… dẫn đến rối loạn chức năng hoặc ngừng hoạt động.
- Rối loạn đông máu: Trẻ có thể bị xuất huyết hoặc hình thành cục máu đông bất thường, ảnh hưởng đến tuần hoàn và làm tăng nguy cơ tử vong.
- Tụt huyết áp nghiêm trọng (sốc nhiễm trùng): Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, khiến máu không đủ cung cấp cho các cơ quan, có thể gây tử vong nhanh nếu không cấp cứu kịp thời.
- Tổn thương thần kinh hoặc để lại di chứng lâu dài: Một số trẻ dù điều trị khỏi vẫn có thể gặp các vấn đề về phát triển thể chất hoặc tinh thần sau này.
Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường là yếu tố then chốt trong việc giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Đặc biệt, với những trẻ có sức đề kháng yếu hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh, cha mẹ càng cần theo dõi sát sao và không nên chủ quan trước bất kỳ triệu chứng nào.

Nhiều trùng máu ở trẻ có điều trị khỏi không?
Nhiễm trùng máu hoàn toàn có khả năng điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Dù tỷ lệ tử vong vẫn còn cao, đặc biệt ở những trường hợp suy đa cơ quan, nhưng việc can thiệp y tế kịp thời sẽ giúp tăng cơ hội phục hồi cho người bệnh.

Điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ
Để xác định chính xác tình trạng nhiễm trùng máu ở trẻ em, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cơ bản như công thức máu, chỉ số CRP, chụp X-quang phổi, xét nghiệm nước tiểu,… Trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng máu, các chỉ số viêm thường tăng cao như bạch cầu hay CRP. Sau đó, trẻ sẽ được nhập viện để làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định vị trí nhiễm trùng như tai, họng, đường ruột, đường tiết niệu,… Thời gian điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ đáp ứng với kháng sinh.
Theo các hướng dẫn hiện nay, việc điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ em thường dựa trên ba nguyên tắc chính:
- Kiểm soát nhiễm trùng: Việc loại bỏ nhanh chóng mầm bệnh ra khỏi cơ thể là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị. Cần sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch ngay trong vài giờ đầu sau khi nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời thực hiện lấy máu để cấy. Nếu xác định được chính xác vi khuẩn gây bệnh, phác đồ kháng sinh sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, giúp tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả hơn và hạn chế độc tính từ thuốc.
- Hồi sức tích cực: Việc hỗ trợ chức năng tim mạch và hệ tuần hoàn ở giai đoạn đầu có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do nhiễm trùng máu.
- Điều trị hỗ trợ: Trong quá trình điều trị, có thể cần phối hợp sử dụng thêm các thuốc chống viêm, thuốc cầm máu, thuốc chống đông hoặc thuốc nâng huyết áp tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh.
Thời gian điều trị thông thường kéo dài từ 7 - 14 ngày nếu đáp ứng tốt. Sau đó, trẻ có thể xuất viện và trở lại sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp phức tạp có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu và thời gian điều trị sẽ dài hơn.

Nhiễm trùng máu ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng và hậu nghiêm trọng. Khi nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường nghi ngờ nhiễm trùng, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế thay vì chần chừ hoặc chủ quan.
Việc tiêm vắc xin phế cầu là biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa hiệu quả nhiều bệnh lý nghiêm trọng do vi khuẩn phế cầu gây ra, chẳng hạn như viêm phổi, nhiễm trùng máu hay viêm tai giữa. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào là địa chỉ đáng tin cậy cung cấp các loại vắc xin chính hãng, được bảo quản đúng theo tiêu chuẩn GSP. Trung tâm sở hữu đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, cơ sở hiện đại và môi trường sạch sẽ, thông thoáng. Ngoài ra, Long Châu còn hỗ trợ dịch vụ nhắc lịch tiêm và tư vấn miễn phí, giúp khách hàng dễ dàng quản lý lịch tiêm chủng của mình và người thân. Quý phụ huynh có nhu cầu tư vấn hoặc đặt lịch tiêm có thể gọi đến tổng đài miễn phí 1800 6928 để được hỗ trợ nhanh chóng.