Tìm hiểu chung về nhiễm trùng da
Da là cơ quan bao phủ toàn bộ cơ thể với diện tích rất lớn. Nhiễm trùng da là tình trạng da bị xâm nhập và gây bệnh bởi các vi sinh vật gây hại bao gồm vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Nhiễm trùng có thể xảy ra khi có sự tổn thương trên da như vết cắt do tai nạn hoặc phẫu thuật,... tạo điều kiện cho các mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh. Mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng da thường phụ thuộc vào độ sâu của tổn thương, loại tác nhân gây bệnh, cách chăm sóc và điều trị vết thương,...
Triệu chứng thường gặp của bệnh nhiễm trùng da
Những triệu chứng của nhiễm trùng da
Các triệu chứng của nhiễm trùng da tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của tổn:
Các tổn thương da: Có thể có các tổn thương trên da như các nốt sẩn phẳng hoặc nổi cao, sần sùi hoặc giống như mụn cóc.
Ngứa: Trong các trường hợp nhiễm trùng do nấm hoặc ký sinh trùng, ngứa là một biểu hiện rất phổ biến.
Đau và sưng: Vùng da bị nhiễm trùng có thể trở nên đau nhức và sưng tấy.
Da ấm hơn: Do tình trạng viêm nhiễm, vùng da bị bệnh thường ấm hơn so với các vùng da khác.
Dịch mủ: Sự hình thành mủ cho thấy có sự tấn công của vi khuẩn và phản ứng của hệ miễn dịch với tình trạng này.
Phồng rộp: Các bọng nước chứa dịch có thể xuất hiện ở một số loại tổn thương da.
Da bị bong tróc: Da bị tổn thương, các tế bào da chết đi hoại tử và bong tróc là dấu hiệu của tổn thương da nghiêm trọng.
Đổi màu da: Tình trạng đau nhức và da đổi màu sang tím, đen,... và lan rộng có thể cho thấy nhiễm trùng đang tiến triển nặng.
Sốt: Sốt có thể xuất hiện khi tổn thương lan sâu ảnh hưởng toàn thân.

Tác động của nhiễm trùng da với sức khỏe
Nhiễm trùng da gây đau đớn, ngứa,… cho người mắc, nếu không được điều trị và chăm sóc vết thương đúng cách tổn thương có thể lan rộng hoặc lấn sâu vào các tổ chức bên dưới.
Biến chứng có thể gặp nhiễm trùng da
Nhiễm trùng da nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau tùy thuộc vào loại nhiễm trùng:
Nhiễm trùng huyết: Đây là một biến chứng nghiêm trọng xảy ra khi vi khuẩn từ ổ nhiễm trùng da xâm nhập vào máu và lan đi khắp cơ thể. Nhiễm trùng huyết có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm cầu thận: Nhiễm trùng da do liên cầu khuẩn (Streptococcus) đặc biệt là impetigo ở trẻ em từ 2 đến 6 tuổi, có một nguy cơ nhỏ gây ra viêm cầu thận.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi các tổn thương da có kích thước lớn, đau nhiều, sưng tấy, chảy dịch dục,... là những dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng da nghiêm trọng cần được thăm khám và điều trị tại bệnh viện.
Nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng da
Có bốn loại tác nhân chính gây ra nhiễm trùng da:
Vi khuẩn
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng da. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào da thông qua các vết thương hở, vết cắt, vết trầy xước hoặc thậm chí qua các nang lông. Vi khuẩn thường gặp nhất gây nhiễm trùng da là Staphylococcus và Streptococcus. Staphylococcus aureus là thường gây ra nhiều loại nhiễm trùng da như impetigo, viêm nang lông, nhọt, cụm nhọt và áp xe. Hiện nay là sự xuất hiện Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) trong cộng đồng ngày càng nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả và cách điều trị bệnh. Viêm quầng thường do beta-hemolytic streptococcus gây ra.

Virus
Một số ví dụ về nhiễm trùng da do virus có thể kể đến như Zona thần kinh (herpes zoster) và thủy đậu (chickenpox) do virus varicella-zoster gây ra, mụn cóc do virus human papillomavirus (HPV) gây ra,...
Nấm
Nhiễm trùng da do nấm thường phát triển ở những vùng da ẩm ướt, nơi các bề mặt da tiếp xúc với nhau như bàn chân, nách hoặc các nếp gấp da. Một số loại nhiễm trùng da do nấm phổ biến như nấm da chân, nấm móng,...
Ký sinh trùng
Các ký sinh trùng nhỏ bé có thể xâm nhập vào da, đào hang và đẻ trứng, gây ra nhiễm trùng và kích ứng. Các loại nhiễm trùng da do ký sinh trùng như chấy rận ký sinh trên da đầu, rận mu, ghẻ do một loại mạt nhỏ tạo ra các đường hầm trên da và gây ngứa dữ dội,...
Nguy cơ mắc phải nhiễm trùng da
Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm trùng da?
Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải nhiễm trùng da nhưng một số đối tượng có nguy cơ cao hơn bao gồm:
Người có hệ miễn dịch suy yếu: Do các bệnh lý như HIV/AIDS, tiểu đường, suy tuần hoàn, suy dinh dưỡng,...
Người đang sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch: Chẳng hạn như hóa trị liệu hoặc các thuốc sinh học.
Người lớn tuổi và trẻ nhỏ: Hệ miễn dịch của họ có thể chưa phát triển hoàn thiện hoặc đã suy giảm.
Người có các bệnh lý về da tiềm ẩn: Đặc biệt là viêm da cơ địa và các tình trạng gây phồng rộp da.
Người có vết thương hở trên da: Do chấn thương, phẫu thuật hoặc các tình trạng khác,...
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm trùng da
Ngoài những đối tượng có nguy cơ cao, một số yếu tố có thể làm tăng khả năng phát triển nhiễm trùng da ở bất kỳ ai:
Không giữ vết thương sạch sẽ: Các vết cắt hoặc trầy xước không được làm sạch và băng bó đúng cách dễ bị nhiễm trùng.
Tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh: Khi làm việc ngoài trời hoặc tiếp xúc với đất bẩn mà bản thân có tổn thương ở da tạo điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật xâm nhập và gây bệnh.
Cơ thể ẩm ướt: Mang giày thường xuyên, nếp gấp da không được vệ sinh, lau khô,… Tạo môi trường ẩm ướt thuận lợi cho nấm phát triển.
Tắm trong nguồn nước bị ô nhiễm: Có thể tiếp xúc với các loại vi khuẩn gây bệnh.
Dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác: Có thể lây lan các tác nhân gây nhiễm trùng.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng da
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm trùng da
Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán loại nhiễm trùng da dựa trên sự xuất hiện và vị trí của chúng. Bác sĩ có thể thực hiện các bước sau:
Hỏi về các triệu chứng: Khai thác các tính chất như thời gian xuất hiện các tổn thương da và các triệu chứng kèm theo, diễn tiến bệnh,... là những thông tin quan trọng giúp tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh.
Khám: Quan sát các đặc điểm của các tổn thương da như vị trí phân bố, màu sắc, độ sâu,... giúp định hướng nguyên nhân và đánh giá mức độ nặng của bệnh.
Lấy mẫu tế bào da để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cạo một mẫu da nhỏ, lấy dịch từ mụn nước hoặc thực hiện sinh thiết da để xác định chính xác tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng).
Cấy máu hoặc hút dịch từ vùng viêm: Có thể hữu ích ở những bệnh nhân tiểu đường, suy giảm miễn dịch hoặc viêm dai dẳng để xác định vi khuẩn gây bệnh nhằm xác định mức độ nhạy cảm với các nhóm kháng sinh.

Phương pháp điều trị nhiễm trùng da
Phương pháp điều trị nhiễm trùng da phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
Nội khoa
Nhiễm trùng do vi khuẩn: Thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ theo nguyên tắc xuống thang kháng sinh. Các loại kem hoặc mỡ kháng sinh có thể hiệu quả đối với các nhiễm trùng da do vi khuẩn khu trú. Thuốc uống thường được sử dụng cho các nhiễm trùng lan rộng hơn hoặc sâu hơn như viêm mô tế bào, impetigo lan rộng hoặc nhọt cụm. Đối với trẻ em, bệnh nhân tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch cần sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng.
Nhiễm trùng do nấm: Thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm với nhiều dạng bào chế khác nhau. Các loại kem, thuốc xịt hoặc bột kháng nấm có thể được sử dụng cho các nhiễm trùng da do nấm như nấm da chân hoặc nhiễm nấm men ở da. Thuốc kháng nấm đường uống có thể cần thiết cho các nhiễm trùng nấm lan rộng hoặc nghiêm trọng hơn.
Nhiễm trùng do virus: Điều trị nhiễm trùng do virus thường tập trung vào việc điều trị các triệu chứng như giảm đau, giảm khô da,... Thuốc kháng virus như acyclovir, valacyclovir hoặc famciclovir có thể dùng kiểm soát các đợt bùng phát của virus herpes.
Nhiễm trùng do ký sinh trùng: Thường được điều trị bằng các loại kem, thuốc bôi, dầu gội hoặc thuốc uống đặc hiệu để tiêu diệt ký sinh trùng như ghẻ được điều trị bằng các loại thuốc diệt ghẻ hoặc chấy rận được điều trị bằng các loại dầu gội và kem diệt chấy.

Ngoại khoa
Rạch và dẫn lưu: Đối với các nhiễm trùng sâu hơn như nhọt hoặc áp xe các bác sĩ có thể cần rạch một đường nhỏ để dẫn lưu mủ ra ngoài.
Cắt bỏ: Trong trường hợp mụn cóc hoặc các khối u da do virus các bác sĩ có thể cắt bỏ chúng.
Nạo vét: Đối với mụn cơm lây các bác sĩ có thể nạo vét các nốt mụn.
- Cắt lọc mô hoại tử: Trong các trường hợp nghiêm trọng như hoại tử cân mạc, phẫu thuật cắt lọc các mô bị nhiễm trùng và hoại tử là cần thiết.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa nhiễm trùng da
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến nặng của nhiễm trùng da
Một số thói quen tốt giúp bạn hạn chế tình trạng gây bệnh như:
Chế độ sinh hoạt:
Nghỉ ngơi đầy đủ: Giúp cơ thể có đủ năng lượng để chống lại nhiễm trùng.
Kê cao vùng da bị nhiễm trùng: Đặc biệt trong trường hợp viêm mô tế bào giúp giảm sưng và phù nề.
Chườm mát: Có thể giúp giảm ngứa và viêm.
Giữ vùng da bị nhiễm trùng sạch sẽ và khô ráo: Tránh tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Không tự ý nặn hoặc cạy các tổn thương da: Điều này có thể làm nhiễm trùng lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ: Uống thuốc đúng liều, đúng thời gian và tái khám theo hẹn.
Chế độ dinh dưỡng:
Uống đủ nước: Giúp duy trì độ ẩm cho da và hỗ trợ chức năng hệ miễn dịch.
Ăn uống cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng: Cung cấp cho cơ thể các vitamin và khoáng chất cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch.
Phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng da hiệu quả
Đặc hiệu
Tiêm phòng các bệnh do virus có thể giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng da này như:
- Thủy đậu;
- HPV.
Không đặc hiệu
Bên cạnh đó bạn có thể duy trì các phương pháp sau để phòng ngừa nhiễm trùng da:
- Rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng xà phòng và nước sạch đặc biệt sau khi chạm vào các bề mặt công cộng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Giữ cơ thể sạch sẽ và khô ráo bằng cách tắm rửa thường xuyên và lau khô người hoàn toàn sau khi tắm hoặc vận động.
- Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, quần áo, dao cạo râu hoặc các vật dụng cá nhân khác.
- Vệ sinh và băng bó kịp thời các vết cắt, trầy xước như rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng, sau đó che phủ bằng băng gạc sạch.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với những người bị nhiễm trùng da đặc biệt là các bệnh có tính lây lan như ghẻ hoặc herpes.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ như vệ sinh nhà cửa thường xuyên để giảm thiểu mầm bệnh.
- Điều trị kịp thời các bệnh lý về da tiềm ẩn như eczema để ngăn ngừa bội nhiễm.