Viêm gan B là một trong những bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến gan. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong thời gian dài, khiến việc chẩn đoán sớm gặp nhiều khó khăn. Việc tìm hiểu rõ nguyên nhân viêm gan B không chỉ giúp tăng cường ý thức bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng chống và kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
Nguyên nhân viêm gan B là gì?
Nguyên nhân viêm gan B là gì hiện đang là chủ đề thu hút sự quan tâm lớn, tại các khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thấp. Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus HBV gây ra. Cấu tạo của virus HBV gồm hai thành phần chính:
- Lớp vỏ ngoài chứa kháng nguyên bề mặt (HBsAg), giúp virus bám và xâm nhập vào tế bào.
- Phần lõi chứa vật chất di truyền DNA cùng các enzym cần thiết cho quá trình nhân lên của virus.

Con đường lây nhiễm viêm gan B
Virus HBV là tác nhân gây ra bệnh viêm gan B và có khả năng lây lan nhanh và rộng trong cộng đồng. Mặc dù cơ chế lây truyền tương tự HIV, nhưng mức độ lây nhiễm của HBV cao hơn gấp 100 lần. Loại virus này chủ yếu lây qua ba con đường chính:
Đường máu
Virus HBV có thể dễ dàng truyền từ người sang người thông qua máu theo nhiều hình thức, bao gồm:
- Dùng chung kim tiêm, đặc biệt ở những người sử dụng ma túy qua đường tiêm.
- Truyền máu hoặc sử dụng các chế phẩm từ máu không được sàng lọc kĩ, dùng lại dụng cụ y tế chưa được tiệt trùng đúng cách.
- Thực hiện các dịch vụ như xăm mình, xỏ khuyên, làm móng tay/chân hoặc thủ thuật y tế - thẩm mỹ tại nơi không đảm bảo vô trùng.
- Dùng chung các vật dụng cá nhân có thể dính máu như dao cạo râu, bàn chải đánh răng… với người nhiễm virus.
Lây truyền từ mẹ sang con
Thai phụ mang virus HBV có thể truyền virus cho thai nhi. Tỉ lệ lây truyền thay đổi theo thời điểm nhiễm bệnh trong thai kỳ:
- Khoảng 1% nếu người mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu.
- 10% trong 3 tháng giữa.
- Trên 60% trong 3 tháng cuối thai kì.
- Nếu không có biện pháp dự phòng sau sinh, nguy cơ lây nhiễm cho trẻ có thể lên đến 90%.
Lây qua quan hệ tình dục
Virus HBV có thể lan truyền khi quan hệ tình dục không an toàn, kể cả trong các mối quan hệ dị tính lẫn đồng tính, do tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của người mắc bệnh.

Điều quan trọng bạn cần lưu ý là viêm gan B không lây qua các hành vi sinh hoạt thông thường như bắt tay, ôm, ăn uống cùng mâm hay sử dụng chung chén đũa. Việc ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc hàng ngày với người nhiễm HBV không làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh.
Làm sao để nhận diện bệnh viêm gan B?
Bệnh viêm gan B được chia thành hai giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có những dấu hiệu đặc trưng khác nhau, bao gồm:
Giai đoạn cấp tính
Thời gian ủ bệnh của viêm gan B thường kéo dài từ 45 đến 180 ngày (khoảng 1 đến 6 tháng). Trong giai đoạn đầu, phần lớn người bệnh không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng. Một số trường hợp có thể xuất hiện các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi kéo dài, buồn nôn, nôn mửa và cảm giác đau tức vùng hạ sườn phải.
Trong một số trường hợp hiếm, bệnh có thể gây rối loạn ý thức, khiến người bệnh cảm thấy lơ mơ, buồn ngủ và khó tập trung. Tình trạng vàng da thường xuất hiện sau khoảng một tuần kể từ khi khởi phát triệu chứng và có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Giai đoạn mạn tính
Đa số người mắc viêm gan B mạn tính không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, chán ăn hoặc đau âm ỉ vùng gan.
Thông qua phương pháp khám lâm sàng, có thể phát hiện các dấu hiệu như gan to, nổi mao mạch hình sao trên da và lòng bàn tay đỏ. Nếu bệnh tiến triển đến xơ gan, các triệu chứng có thể như cổ trướng, vàng da rõ rệt, giãn tĩnh mạch thực quản - dạ dày và sự xuất hiện của hệ thống tuần hoàn bàng hệ. Ở nam giới, sự mất cân bằng nội tiết tố do suy giảm chức năng gan có thể dẫn đến hiện tượng nữ hóa tuyến vú và teo tinh hoàn.

Một số biện pháp phòng ngừa viêm gan B
Hiện nay, tiêm vắc xin viêm gan B đúng lịch và đủ liều là biện pháp phòng ngừa hiệu quả và đơn giản. Theo khuyến nghị từ Bộ Y tế, việc tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp bảo vệ tối ưu trước nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, WHO và CDC cũng khuyến cáo nên tiêm vắc xin này cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 18 tuổi, và những người lớn thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Tại Việt Nam, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín, được nhiều người tin tưởng nhờ hệ thống cơ sở hiện đại, đội ngũ nhân viên tận tâm và quy trình tiêm chủng an toàn, chuyên nghiệp. Vắc xin tại đây luôn được bảo quản nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng bệnh tối ưu. Để được tư vấn và đặt lịch tiêm, quý khách vui lòng liên hệ Trung tâm Tiêm chủng Long Châu qua số hotline miễn phí 18006928.
Bên cạnh việc tiêm phòng, các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm khác cũng cần được thực hiện đồng thời, bao gồm:
- Quan hệ tình dục với các biện pháp phòng ngừa;
- Không dùng chung kim tiêm hoặc tiếp xúc với kim chưa được khử trùng trong các dịch vụ xăm, châm cứu, xỏ khuyên;
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết cơ thể của người khác;
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, dụng cụ cắt móng, bàn chải răng, trang sức đeo trên cơ thể như hoa tai, nhẫn.

Để phòng ngừa bênh hiệu quả, mỗi người cần nắm rõ nguyên nhân viêm gan B nhằm có biện pháp bảo vệ phù hợp, đồng thời phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, việc chủ động tiêm vắc xin đúng lịch, duy trì lối sống lành mạnh sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, góp phần bảo vệ sức khỏe lâu dài cho bản thân và cộng đồng.