Virus gây bệnh thủy đậu không chỉ khu trú tại da mà còn có thể lan rộng đến các cơ quan nội tạng, trong đó có hệ tiêu hóa. Mức độ ảnh hưởng của virus phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch và sức đề kháng của từng cá nhân. Chính vì vậy, câu hỏi “bị thủy đậu có bị tiêu chảy không” tiếp tục là mối bận tâm của nhiều người, đặc biệt khi xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa trong quá trình mắc bệnh.
Người bị thủy đậu có bị tiêu chảy không?
Thực tế, tiêu chảy có thể xảy ra trong quá trình bị thủy đậu, dù không phải là triệu chứng phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc virus Varicella Zoster (VZV) lan rộng trong cơ thể gây tổn thương ở da và hệ thần kinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm, đặc biệt ở người suy giảm miễn dịch, VZV có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây viêm loét niêm mạc ruột và các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy.
Dù đây không phải triệu chứng điển hình, nhưng người bị thủy đậu có thể bị tiêu chảy do nhiều yếu tố liên quan đến cơ chế bệnh và quá trình điều trị. Việc theo dõi sát sao và xử trí kịp thời sẽ giúp bạn hạn chế các biến chứng không mong muốn.

Tại sao người mắc thủy đậu lại bị tiêu chảy?
Sau khi giải đáp thắc mắc “bị thủy đậu có bị tiêu chảy không?”, chúng ta cùng tìm hiểu các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Ở một số người mắc thủy đậu, tiêu chảy có thể là hậu quả của:
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị như kháng virus hoặc kháng sinh.
- Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đặc biệt khi dùng thuốc kéo dài.
- Nhiễm trùng thứ phát ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa ở những người có miễn dịch kém.
Ngoài ra, nếu người bệnh đồng thời mắc phải các yếu tố nguy cơ phổ biến khác như vệ sinh kém, ăn uống không đảm bảo hoặc có bệnh lý đường ruột từ trước, tình trạng tiêu chảy có thể nặng hơn. Khi niêm mạc ruột bị viêm hoặc tổn thương, khả năng hấp thu dưỡng chất sẽ suy giảm. Điều này dẫn đến hiện tượng các chất hòa tan không được hấp thu hết, tạo áp suất thẩm thấu cao trong lòng ruột, kéo nước vào và gây tiêu chảy.

Tiêu chảy khi mắc bệnh thủy đậu có gây nguy hiểm không?
Tiêu chảy không chỉ là triệu chứng khó chịu mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt khi xuất hiện ở người đang mắc thủy đậu. Tình trạng mất nước và rối loạn điện giải do tiêu chảy khiến cơ thể suy yếu, dễ tổn thương và khó hồi phục. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp gồm:
- Rối loạn điện giải: Tiêu chảy gây mất các khoáng chất như natri, kali, clorua, làm rối loạn nội môi; thiếu kali gây yếu cơ, rối loạn nhịp tim, còn hạ natri nặng có thể gây phù não, lú lẫn hoặc hôn mê.
- Suy thận cấp: Mất nước nghiêm trọng làm giảm lưu lượng máu đến thận, ảnh hưởng đến chức năng lọc và bài tiết. Hậu quả có thể là tích tụ kali trong máu, phù phổi cấp hoặc suy đa cơ quan nếu không được xử lý kịp thời.
- Hôn mê: Tình trạng tụt huyết áp và giảm tưới máu não do mất nước nghiêm trọng có thể gây rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như lú lẫn, mất định hướng, giảm tỉnh táo hoặc hôn mê sâu nếu không được xử trí kịp thời.
- Sốc do giảm thể tích tuần hoàn: Khi lượng dịch mất đi vượt quá khả năng bù đắp, cơ thể rơi vào tình trạng sốc, giảm cung cấp oxy đến các cơ quan và đe dọa tính mạng.
- Đột quỵ do mất nước: Mất nước kéo dài kèm sốt cao có thể làm tăng độ nhớt máu và rối loạn tuần hoàn ở người có bệnh lý tim mạch nền, từ đó làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não trong những trường hợp đặc biệt.

Người bị thủy đậu kèm tiêu chảy cần được theo dõi sát và bù dịch hợp lý. Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như hoa mắt, mệt mỏi, khó thở hoặc rối loạn tri giác, bạn nên đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Cách điều trị tiêu chảy khi mắc thủy đậu
Khi tiêu chảy xuất hiện trong quá trình mắc thủy đậu, người bệnh cần được chăm sóc cẩn thận để ngăn ngừa mất nước và tránh các biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là những biện pháp hỗ trợ hiệu quả:
- Bù nước kịp thời: Tăng cường uống nước lọc hoặc nước ép trái cây tự nhiên như để bổ sung lượng nước và khoáng chất bị mất. Đối với trẻ nhỏ, cần tăng số lần bú mẹ trong ngày để đảm bảo đủ nước và năng lượng.
- Sử dụng dung dịch điện giải: Trong trường hợp tiêu chảy kéo dài hoặc mất nước rõ rệt, bạn có thể sử dụng dung dịch bù nước như Oresol theo chỉ định của bác sĩ.
- Bổ sung men vi sinh: Ăn sữa chua giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột và hỗ trợ phục hồi tiêu hóa. Bạn có thể kết hợp sữa chua với chuối có thể tăng hiệu quả kiểm soát tiêu chảy.
- Tăng cường nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể phục hồi tốt hơn, tăng sức đề kháng và hỗ trợ làm giảm triệu chứng tiêu chảy.
- Ăn các loại thực phẩm dễ tiêu: Bạn nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu như cháo gạo lứt, khoai tây, cà rốt hấp để giảm áp lực tiêu hóa và hỗ trợ hồi phục. Tránh đồ cay nóng, thức ăn nhanh, sữa béo, nước ngọt có gas, rượu bia và cà phê vì có thể làm tiêu chảy nặng hơn.

Bài viết đã cung cấp câu trả lời chi tiết cho thắc mắc “Người bị thủy đậu có bị tiêu chảy không?”. Tuy đây là triệu chứng không phổ biến nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo các rối loạn trong hệ tiêu hóa và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nếu không xử lý kịp thời. Quan trọng hơn, người bệnh cần được theo dõi sát và đến cơ sở y tế nếu tiêu chảy kéo dài hoặc xuất hiện các dấu hiệu mất nước.