Viêm âm đạo khi mang thai không chỉ gây khó chịu với các triệu chứng như ngứa rát, khí hư bất thường mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chính vì vậy, hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí khi bị viêm âm đạo khi mang thai là điều cần thiết giúp mẹ bầu bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Nguyên nhân viêm âm đạo khi mang thai là gì?
Viêm âm đạo khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, và mỗi loại tác nhân lại dẫn đến các biểu hiện không giống nhau. Các nguyên nhân thường gặp có thể kể đến là:
Nhiễm khuẩn âm đạo
Nhiễm khuẩn âm đạo (Bacterial Vaginosis - BV) là một dạng viêm do sự phát triển quá mức của vi khuẩn kỵ khí trong âm đạo. Bình thường, âm đạo chứa vi khuẩn có lợi (lactobacilli) giúp duy trì độ pH ổn định và ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, khi sự cân bằng này bị phá vỡ, vi khuẩn có hại chiếm ưu thế và dẫn đến nhiễm khuẩn âm đạo.
BV là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, bao gồm cả phụ nữ đang mang thai. Theo thống kê, hàng năm có khoảng một triệu thai phụ mắc tình trạng này. BV thường không quá nghiêm trọng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách bằng thuốc phù hợp.
Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị kịp thời, viêm âm đạo do vi khuẩn có thể gây ra nhiều biến chứng như gia tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc ảnh hưởng đến thai kỳ.

Mặc dù chưa xác định rõ nguyên nhân gây rối loạn hệ vi sinh trong âm đạo, nhưng các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ nhiễm BV:
- Thụt rửa sâu hoặc vệ sinh không đúng cách.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Có nhiều bạn tình.
- Lạm dụng kháng sinh hoặc các loại thuốc đặt phụ khoa.
Nhiễm trùng nấm men khi mang thai
Nhiễm trùng nấm men, hay monilosis, là bệnh thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là trong thai kỳ. Khoảng 20% phụ nữ mang thai có nấm Candida trong âm đạo, con số này tăng lên 30% trong thời gian mang thai do sự thay đổi hormone. Candida albicans là loại nấm men phổ biến nhất, nhưng cũng có Candida glabrata và Candida tropicalis.
Bệnh này không gây hại cho mẹ nhưng có thể truyền cho trẻ sơ sinh trong quá trình sinh ngả âm đạo. Các triệu chứng nhiễm trùng nấm men bao gồm:
- Ngứa, đau quanh âm đạo và âm hộ.
- Phát ban ở âm hộ, háng và đùi.
- Tiết dịch âm đạo trắng, đặc như phô mai, không mùi.
- Nóng rát khi tiểu tiện.
Nhiễm Trichomonas
Trichomonas là bệnh lây truyền qua đường tình dục do ký sinh trùng Trichomonas vagis gây ra, ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm. Thời gian ủ bệnh từ 5 - 28 ngày và có thể điều trị bằng kháng sinh.
Ở phụ nữ mang thai, bệnh có thể dẫn đến sinh non, vỡ ối sớm hoặc cân nặng thấp khi sinh. Các triệu chứng gồm dịch tiết âm đạo có mùi hôi, ngứa ngáy và đau khi tiểu tiện hoặc quan hệ.

Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)
Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là vi khuẩn thường sống vô hại trong cơ thể người, nhưng có thể gây biến chứng trong thai kỳ. Khoảng 1 trong 4 phụ nữ mang thai nhiễm GBS, chủ yếu ở âm đạo và trực tràng. GBS có thể truyền từ mẹ sang thai nhi trong chuyển dạ, nhưng tỷ lệ này khá thấp (1 - 2/100 trẻ).
Phụ nữ mang thai thường được xét nghiệm GBS ở tuần thứ 35 - 37. Nếu dương tính, mẹ sẽ được chỉ định dùng kháng sinh trong khi chuyển dạ để ngăn ngừa truyền bệnh cho trẻ.
Mang bầu bị viêm âm đạo có ảnh hưởng gì không?
Viêm âm đạo khi mang thai nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, cụ thể như sau:
Đối với mẹ
Nhiễm trùng âm đạo có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng sống, đồng thời có thể lây lan lên các cơ quan sinh dục trên như tử cung và vùng tiểu khung. Điều này có thể gây các biến chứng sản khoa nghiêm trọng như sảy thai, vỡ ối non hoặc sinh non trước tuần 37 của thai kỳ.
Đối với thai nhi
Mẹ bị viêm âm đạo do vi khuẩn có thể gây chuyển dạ sớm và sinh non. Trẻ sinh non đối mặt với nguy cơ về sức khỏe, bao gồm cân nặng thấp và vấn đề hô hấp. Một số bệnh lây qua đường tình dục như Trichomonas và liên cầu khuẩn nhóm B có thể lây sang thai nhi, gây biến chứng nặng hoặc tử vong trong trường hợp hiếm gặp.

Mẹ bầu nên làm gì khi viêm âm đạo khi mang thai?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi mẹ bầu nhận thấy các dấu hiệu viêm âm đạo, nên nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa Sản Phụ để được bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Dựa trên kết quả, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Bị viêm âm đạo khi mang thai có chữa được không?
Viêm âm đạo khi mang thai có thể được điều trị bằng thuốc đặt âm đạo, kháng sinh hoặc kem bôi tại chỗ. Tuy nhiên, không phải loại thuốc hoặc kem bôi nào cũng an toàn cho phụ nữ mang thai.
Do đó, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp. Không nên tự ý sử dụng các phương pháp dân gian hay thuốc không có chỉ định từ bác sĩ để tránh nguy cơ biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.

Viêm âm đạo khi mang thai là một vấn đề sức khỏe mà các bà bầu không nên xem nhẹ. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp mẹ bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu gặp phải các dấu hiệu viêm âm đạo, mẹ bầu nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị đúng cách. Sự chăm sóc và theo dõi đúng đắn từ bác sĩ là yếu tố quan trọng để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
Tiêm vắc xin HPV là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm như ung thư cổ tử cung và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là một địa chỉ tin cậy trong việc cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin HPV, với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và cơ sở vật chất hiện đại. Tại đây, bạn sẽ được tư vấn và tiêm chủng an toàn, đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất. Để đặt lịch tiêm vắc xin, vui lòng liên hệ với Tiêm chủng Long Châu qua số hotline miễn phí 18006928.