Tình trạng đau đầu sau tai có thể xuất phát từ các nguyên nhân như viêm tai giữa, viêm dây thần kinh chẩm, hoặc thậm chí liên quan đến các bệnh lý về cột sống cổ. Việc nhận biết sớm và xác định đúng nguyên nhân gây đau đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu chi tiết về triệu chứng đau đầu sau tai, nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến đau đầu sau tai là gì?
Cơn đau phía sau tai có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là các vấn đề liên quan đến dây thần kinh chẩm. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
Viêm hoặc tổn thương dây thần kinh chẩm
Khi dây thần kinh chẩm bị viêm hay tổn thương, người bệnh thường cảm thấy đau nhức vùng đầu phía sau tai. Tình trạng này có thể do:
- Sự chèn ép cơ học lên dây thần kinh chẩm hoặc các rễ thần kinh C2, C3 - thường là hậu quả của thoái hóa cột sống cổ. Sự chèn ép này có thể ảnh hưởng đến cả dây thần kinh chẩm lớn và nhỏ.
- Cơ vùng cổ hoạt động quá mức trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi, gây thiếu oxy cục bộ và tích tụ axit lactic, dẫn đến đau nhức.
- Tác động lực từ bên ngoài gây chấn thương vùng cổ hoặc đầu, làm tổn thương dây thần kinh chẩm.
- Một số rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, viêm mạch máu hoặc gout cũng có thể là yếu tố kích hoạt cơn đau thần kinh chẩm.
Bên cạnh dấu hiệu đau đặc trưng, người bị tổn thương dây thần kinh chẩm còn có thể cảm thấy nhức đầu, đau lan ra sau hốc mắt và đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng. Cơn đau thường tăng lên ngay cả khi thực hiện các động tác nhẹ như xoay cổ hay chải tóc.
/dau_dau_sau_tai_1_a7060af9ec.jpg)
Viêm xương chũm
Xương chũm nằm ngay sau vành tai, hơi nhô ra và có thể cảm nhận được khi chạm tay vào. Viêm xương chũm có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ do cấu tạo ống tai ngắn và hẹp, dễ gây viêm nhiễm.
Bệnh có thể tiến triển cấp tính và khỏi sau khoảng 3 tuần, hoặc kéo dài đến 3 - 4 tháng nếu mạn tính. Viêm xương chũm thường liên quan đến các bệnh lý tai giữa, đặc biệt là viêm tai giữa mạn tính hoặc viêm tai có Cholesteatoma.
Triệu chứng điển hình gồm đau nhức vùng xương chũm, sưng, chảy mủ (có thể lẫn máu), đau đầu sau tai tăng dần theo cường độ và lan rộng ra vùng thái dương. Một số trường hợp còn kèm sốt, lú lẫn, giảm hoặc mất thính lực.
Rối loạn khớp thái dương hàm
Khớp thái dương hàm là vị trí nối giữa xương hàm dưới và xương thái dương, nằm gần khu vực tai. Khi khớp này bị rối loạn chức năng, người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ phía sau tai – triệu chứng thường gặp ở tình trạng này.
Rối loạn khớp thái dương hàm gây khó khăn trong việc há miệng, nhai, nuốt hoặc nói chuyện. Cơn đau có thể lan ra sau tai, kèm theo tiếng kêu lục cục khi cử động hàm. Nếu không được điều trị, tình trạng có thể tiến triển thành cứng hàm, khiến người bệnh không thể đóng hoặc mở miệng như bình thường.
Bệnh lý nha khoa
Các vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm chân răng hay áp xe răng có thể gây đau lan sang vùng hàm, sau tai hoặc nửa dưới khuôn mặt. Đây là tình trạng mang tính tạm thời, do vị trí giải phẫu lân cận, chứ không bắt nguồn từ tổn thương ở khu vực sau tai. Khi bệnh lý nha khoa được điều trị dứt điểm, các cơn đau liên quan cũng sẽ thuyên giảm và biến mất.
/dau_dau_sau_tai_2_1b396c0802.jpg)
Chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến đau đầu sau tai
Để xác định chính xác nguyên nhân gây đau đầu sau tai, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số kiểm tra như:
- Nuôi cấy dịch tiết từ tai nếu nghi ngờ viêm hoặc nhiễm trùng tai. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh sẽ được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
- Nếu nghi ngờ đau thần kinh chẩm, bác sĩ có thể sử dụng thuốc phong bế thần kinh để xác định chẩn đoán.
- Chẩn đoán rối loạn khớp thái dương hàm thường cần thực hiện các xét nghiệm hình ảnh.
- Với những trường hợp đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân, có thể cần chụp X-quang, CT hoặc cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá sâu hơn.
/dau_dau_sau_tai_3_7c744d60d7.jpg)
Một số cách giúp phòng ngừa tình trạng đau đầu sau tai
Để giảm nguy cơ bị đau đầu ở khu vực sau tai, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Khám sức khỏe định kỳ: Nên kiểm tra tổng quát, đặc biệt là tai mũi họng và thần kinh ít nhất 1 - 2 lần/năm, nhất là với người có dấu hiệu bất thường hoặc tiền sử viêm tai giữa.
- Giữ đúng tư thế: Tránh ngồi làm việc quá lâu ở tư thế sai lệch, gây áp lực lên vùng cổ - vai - gáy.
- Chăm sóc răng miệng: Điều trị sớm các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm lợi.
- Quản lý căng thẳng: Tập yoga, thiền hoặc các hoạt động giúp thư giãn tinh thần.
- Lối sống lành mạnh: Ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và duy trì thói quen vận động thường xuyên.
/dau_dau_sau_tai_4_38163dba0d.jpg)
Nếu tình trạng đau đầu sau tai kéo dài, đi kèm với các triệu chứng bất thường khác, bạn không nên chủ quan. Việc thăm khám kịp thời sẽ giúp phát hiện nguyên nhân chính xác, từ đó có hướng điều trị phù hợp, tránh để bệnh tiến triển nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Việc tiêm vắc xin phế cầu mang lại lợi ích quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh nghiêm trọng như viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa và nhiễm khuẩn huyết. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín, cung cấp các loại vắc xin chất lượng cao và dịch vụ tiêm chủng an toàn. Tại đây, bạn sẽ được đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao tư vấn và chăm sóc tận tình, cùng với cơ sở vật chất hiện đại đảm bảo vệ sinh. Để bảo vệ sức khỏe cho bạn và gia đình, hãy liên hệ với Tiêm chủng Long Châu qua số hotline miễn phí 18006928 để đặt lịch hẹn ngay hôm nay!