Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, chủ yếu do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa đủ sức chống lại sự tấn công của vi khuẩn hoặc virus. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng, gây biến chứng nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng. Vậy ba mẹ cần chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng máu như thế nào để giúp bé hồi phục an toàn?
Nguyên nhân gây nhiễm trùng máu ở trẻ
Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu ở trẻ em bao gồm:
- Vệ sinh cá nhân không sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua da, đường tiêu hoá, cuống rốn,...
- Mẹ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc có chứa vi khuẩn gây bệnh trong quá trình mang thai, dẫn đến truyền nhiễm sang thai nhi.
- Thai phụ mắc một số bệnh lý nhiễm trùng như viêm đường tiết niệu, Rubella,… có thể khiến vi khuẩn đi qua nhau thai và xâm nhập vào hệ tuần hoàn của thai nhi.
- Thiết bị, dụng cụ y tế không được vô trùng đúng cách trong khi sinh, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho trẻ sơ sinh.
- Nhiễm khuẩn do một số loại vi khuẩn như vi khuẩn gram âm hoặc liên cầu khuẩn nhóm B cũng là tác nhân thường gặp.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm trùng máu
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường sẽ giúp cha mẹ kịp thời đưa trẻ đi khám và chăm sóc đúng cách. Một số biểu hiện thường gặp ở trẻ nghi bị nhiễm trùng máu bao gồm:
- Hô hấp: Trẻ thở nhanh (trên 60 lần/phút), thở rên, có hiện tượng co kéo lồng ngực hoặc ngừng thở kéo dài trên 15 giây.
- Tuần hoàn: Nhịp tim tăng cao (trên 160 lần/phút), huyết áp giảm, tay chân lạnh, thời gian phục hồi màu da sau khi ấn kéo dài hơn 3 giây.
- Tiêu hóa: Bỏ bú hoặc bú ít, bụng chướng, nôn ói, tiêu chảy, dịch dạ dày ứ đọng vượt quá 2/3 lượng sữa của lần ăn trước.
- Da và niêm mạc: Da nhợt nhạt, nổi vân tím, xuất huyết dưới da, phát ban bất thường.
- Thần kinh: Trẻ có thể bị co giật, giảm trương lực cơ, phản xạ kém, thóp phồng.
- Huyết học: Xuất hiện các vết bầm máu, chảy máu ở nhiều vị trí, nổi tử ban, gan và lách có thể to ra.
- Thể trạng chung: Trẻ sụt cân không rõ lý do.
Nếu thấy các dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài các dấu hiệu đặc hiệu, trẻ bị nhiễm trùng máu còn có thể biểu hiện những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác như:
- Thân nhiệt tăng cao trên 38 độ C hoặc hạ thấp dưới 35 độ C.
- Trẻ buồn ngủ nhiều, uể oải, kém ăn, hay quấy khóc.
- Da xanh xao, nhợt nhạt, giống như tình trạng thiếu máu.
- Có biểu hiện giống bệnh viêm phổi, hen suyễn hoặc suy hô hấp như ho, khò khè, thở khó.
- Đi tiểu nhiều lần nhưng kèm theo tiểu buốt, tiểu ra máu.

Điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ
Tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng máu rất cao, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, trẻ suy dinh dưỡng, có bệnh nền như tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng corticoid. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng.
Kiểm soát nhiễm trùng
Ưu tiên hàng đầu là loại bỏ sớm vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Dùng kháng sinh đường tĩnh mạch trong vài giờ đầu sau khi nghi ngờ nhiễm trùng và thực hiện cấy máu. Nếu có ổ nhiễm như mủ, mô hoại tử,… cần can thiệp dẫn lưu hoặc cắt lọc. Khi xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ điều chỉnh kháng sinh phù hợp.

Hồi sức tích cực
Hỗ trợ sớm chức năng tuần hoàn và hô hấp có thể giảm nguy cơ tử vong. Với các trường hợp suy hô hấp cấp, cần hỗ trợ thở máy kịp thời. Đồng thời, chú trọng nuôi dưỡng hợp lý và phòng ngừa biến chứng như huyết khối tĩnh mạch sâu.
Điều trị bổ sung
Có thể phối hợp dùng thuốc chống viêm, thuốc cầm máu, chống đông, nâng huyết áp,… Ở giai đoạn hồi phục, cần tiếp tục theo dõi và hỗ trợ chức năng các cơ quan, đồng thời phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện để hạn chế tái phát hoặc biến chứng nặng. Vậy chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng máu như thế nào?
Chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng máu
Gợi ý cách chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng máu an toàn, hiệu quả cha mẹ có thể tham khảo:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Với trẻ lớn, bổ sung đủ nước và nước trái cây mỗi ngày.
- Xây dựng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa,… để nâng cao sức đề kháng.
- Tắm rửa sạch sẽ hằng ngày, vệ sinh rốn và các vùng dễ nhiễm trùng.
- Người chăm sóc phải rửa tay kỹ trước khi tiếp xúc với trẻ, hướng dẫn trẻ lớn rửa tay thường xuyên.
- Giữ vệ sinh môi trường sống, phòng ngủ sạch sẽ.
- Tiệt trùng đúng cách các đồ dùng cá nhân của bé.
- Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, xử lý đúng cách các vết thương nhỏ, không để nhiễm trùng.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, không đưa trẻ đến nơi đông người đang có dịch.
- Nếu trẻ dùng kháng sinh, cần cho trẻ uống đủ liều theo đơn, không tự ý ngừng thuốc khi thấy đỡ.
- Luôn tuân theo hướng dẫn điều trị và chỉ định của bác sĩ.

Hy vọng những thông tin và hướng dẫn chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng máu trên sẽ hỗ trợ các bậc cha mẹ trong hành trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con em mình. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh nên nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp, nhằm hạn chế tối đa các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Tiêm vắc xin phòng phế cầu là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa hay viêm màng não do vi khuẩn phế cầu gây ra. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu hiện đang cung cấp đầy đủ các loại vắc xin chất lượng, được bảo quản theo đúng quy trình an toàn, đảm bảo hiệu quả tiêm phòng. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, môi trường thân thiện và đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm khi đưa con đến tiêm chủng tại đây. Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ nhắc lịch tiêm tự động và tư vấn miễn phí, giúp việc theo dõi lịch tiêm trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Để biết thêm thông tin hoặc đăng ký lịch tiêm, vui lòng gọi đến số hotline 1800 6928.