Zona thần kinh là một bệnh lý phổ biến, đặc trưng với triệu chứng phát ban, nổi mụn nước trên bề mặt da gây cảm giác đau rát khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy không gây nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách thì bệnh vẫn có nguy cơ để lại biến chứng. Vậy đâu là cách chữa zona thần kinh hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau!
Tìm hiểu tổng quan về bệnh zona thần kinh
Tác nhân chính gây ra bệnh zona thần kinh là virus Varicella zoster (VZV) thuộc họ virus herpes. Khi một người lần đầu nhiễm virus này, họ sẽ khởi phát bệnh thủy đậu. Mặc dù thủy đậu có thể khỏi hoàn toàn, nhưng virus VZV vẫn không bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể mà tiếp tục tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng tiềm ẩn. Trong một số điều kiện như căng thẳng kéo dài, cơ thể suy nhược hoặc hệ miễn dịch suy giảm, virus có thể tái hoạt động trở lại, phát triển và gây ra các triệu chứng đặc trưng của bệnh zona thần kinh.
/cach_chua_zona_than_kinh_an_toan_va_hieu_qua_tai_nha_3_b960e6dd59.png)
Những người mắc bệnh zona thường có biểu hiện đau nhức, sốt, cơ thể mệt mỏi, khó ngủ. Các tổn thương trên da xuất hiện dưới dạng phát ban và mụn nước chứa dịch lỏng, tập trung thành từng cụm, thường chỉ xảy ra ở một bên cơ thể. Khi mụn nước vỡ ra, chúng tạo thành các vết loét, rỉ dịch rồi khô lại, đóng mài và dần phục hồi trong khoảng 1 – 3 tuần. Tuy nhiên, cảm giác đau nhức vẫn có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí lâu hơn, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
>>> Xem thêm: Zona thần kinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Zona thần kinh có tự khỏi không?
Bệnh zona thần kinh có thể tự khỏi tùy thuộc vào chế độ chăm sóc, vệ sinh và khả năng đề kháng của cơ thể. Thông thường, virus sau khi tái hoạt động sẽ trải qua thời gian ủ bệnh khoảng 2 – 3 ngày trước khi gây ra các triệu chứng rõ rệt. Trong vòng 1 – 2 ngày đầu tiên, vùng da bị tổn thương bắt đầu xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti. Khoảng 10 – 12 ngày sau, mụn nước dần tụ mủ, sau đó khô lại và đóng vảy. Quá trình hồi phục hoàn tất trong khoảng 2 – 4 tuần khi lớp vảy bong ra, trả lại làn da nguyên vẹn.
Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách hoặc vùng da tổn thương bị nhiễm trùng, tình trạng viêm nhiễm, mưng mủ có thể xảy ra. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị sốt cao và bệnh có nguy cơ lan rộng sang các khu vực khác trên cơ thể.
Cách chữa zona thần kinh tại nhà
Để giúp bệnh zona thần kinh mau lành, người bệnh và người chăm sóc có thể áp dụng một số cách chữa zona thần kinh dưới đây. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể từng trường hợp trước khi áp dụng.
Giữ vệ sinh vùng da tổn thương
Vệ sinh sạch sẽ là một trong những bước quan trọng để kiểm soát và hạn chế lây lan virus zona thần kinh. Người bệnh nên tắm nước mát hằng ngày để làm dịu làn da, giảm cảm giác đau rát và ngứa ngáy do mụn nước gây ra.
/cach_chua_zona_than_kinh_an_toan_va_hieu_qua_tai_nha_1_68aecbbc41.png)
Sau khi tắm, hãy sử dụng khăn sạch để lau khô da hoàn toàn, sau đó giặt khăn riêng để tránh lây lan virus. Việc tuân thủ các quy tắc vệ sinh cá nhân sẽ góp phần ngăn ngừa nhiễm trùng và hạn chế virus phát tán sang những khu vực khác trên cơ thể.
>>> Xem thêm: Mách bạn cách vệ sinh vết zona thần kinh nhanh chóng
Chườm lạnh để giảm đau và ngứa
Chườm lạnh là một biện pháp hữu ích giúp làm dịu vùng da bị tổn thương. Người bệnh có thể thấm một chiếc khăn mềm vào nước lạnh, vắt bớt nước rồi nhẹ nhàng đắp lên vùng phát ban trong khoảng 20 phút. Điều này không chỉ giúp giảm ngứa mà còn giữ cho da luôn sạch sẽ, từ đó hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu vùng da bị phồng rộp đã khô lại, nên ngừng chườm lạnh để tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
Ngoài ra, nếu đang sử dụng thuốc bôi hoặc miếng dán trị liệu, cần đảm bảo không kết hợp chườm lạnh cùng lúc để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả của sản phẩm.
Sử dụng tinh dầu giúp làm dịu da
Sử dụng tinh dầu cũng là một cách chữa zona thần kinh mà bạn có thể tham khảo và áp dụng. Một số loại tinh dầu tự nhiên có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và hỗ trợ phục hồi da, giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu của zona thần kinh như:
- Dầu hoa cúc: Thành phần chamazulene có trong hoa cúc giúp chống viêm, kháng khuẩn và hỗ trợ làm lành vết thương, hạn chế sẹo thâm.
- Dầu khuynh diệp: Hoạt chất cineole có tác dụng giảm đau, kháng viêm và đẩy nhanh quá trình hồi phục vết loét.
- Dầu cây trà: Chứa terpinen-4-ol cùng các hợp chất kháng khuẩn mạnh, giúp làm dịu da, ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
/cach_chua_zona_than_kinh_an_toan_va_hieu_qua_tai_nha_4_50408efe01.png)
Người bệnh có thể pha loãng tinh dầu với dầu nền như dầu dừa hoặc dầu ô liu rồi thoa nhẹ lên vùng da bị ảnh hưởng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Trang phục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự khó chịu do zona thần kinh gây ra. Người bệnh nên chọn quần áo rộng rãi, làm từ các chất liệu mềm mại như cotton hoặc vải lanh để hạn chế ma sát với vùng da bị tổn thương. Ngược lại, quần áo bó sát có thể gây kích ứng, làm da thêm đau rát và kéo dài thời gian hồi phục.
Bôi kem làm dịu da
Việc sử dụng kem dưỡng phù hợp có thể giúp làm dịu cảm giác đau rát, hỗ trợ phục hồi tổn thương da nhanh chóng. Tuy nhiên, không nên bôi kem quá dày vì có thể khiến vùng loét bị ẩm, làm chậm quá trình lành vết thương. Đặc biệt, không sử dụng thuốc mỡ kháng sinh nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
Một số loại kem có thể giúp giảm triệu chứng:
- Kem chứa capsaicin: Đây là một hợp chất có trong ớt, có tác dụng chống viêm và giảm đau. Khi mới thoa, vùng da có thể cảm thấy nóng rát nhẹ nhưng cảm giác này sẽ nhanh chóng thuyên giảm.
- Kem dưỡng da calamine: Thoa sau khi tắm giúp làm dịu kích ứng và làm khô mụn nước.
- Dung dịch DMSO kết hợp idoxuridine: Hỗ trợ giảm sưng viêm và làm giảm số lượng mụn nước.
- Chất diệp lục: Dạng kem hoặc dung dịch muối giúp cải thiện vùng da bị tổn thương.
/cach_chua_zona_than_kinh_an_toan_va_hieu_qua_tai_nha_2_6dda505af8.png)
Tuy nhiên, các loại kem này chỉ có tác dụng giảm triệu chứng, không thể thay thế phương pháp điều trị chuyên sâu. Nếu tình trạng zona nghiêm trọng, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Hệ miễn dịch suy yếu có thể khiến bệnh zona kéo dài và dễ lây lan hơn. Vì vậy, việc bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể giúp cơ thể chống lại virus tốt hơn. Những thực phẩm mà người bệnh nên bổ sung như:
- Thực phẩm giàu vitamin A, B-12, C, E và lysine: Có nhiều trong rau xanh, trái cây màu cam và vàng, thịt gà, trứng, cá, sữa, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
- Thực phẩm hỗ trợ phục hồi da: Bao gồm cà chua, rau chân vịt, cây họ đậu và hạt điều.
- Ngoài ra, cần hạn chế nạp các thực phẩm nhiều đường và carbohydrate tinh chế (bánh kẹo, nước ngọt,...), thực phẩm chứa arginine (socola, gelatin và các loại hạt tinh chế) và chất béo bão hòa để tránh kéo dài thời gian hồi phục.
/cach_chua_zona_than_kinh_an_toan_va_hieu_qua_tai_nha_5_f50b297541.png)
Trên đây là tổng hợp các cách chữa zona thần kinh tại nhà, hy vọng đã giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin bổ ích. Ngoài các biện pháp điều trị tại nhà, việc phòng bệnh cũng rất quan trọng. Hiện nay, vắc xin Shingrix được đánh giá là một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa bệnh zona thần kinh do virus Herpes Zoster gây ra. Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao, đến ngay Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được tư vấn và tiêm phòng zona thần kinh kịp thời nhé!