Viêm phổi là một trong những bệnh lý hô hấp nghiêm trọng, đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh có khả năng tiến triển nhanh chóng và có nguy cơ xuất hiện biến chứng cao, dẫn đến tử vong. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em sẽ giúp phụ huynh chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ trước bệnh lý nguy hiểm này.
Viêm phổi ở trẻ em là gì?
Viêm phổi ở trẻ em hay viêm phổi nói chung là tình trạng nhiễm trùng trong phổi do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập, hình thành các ổ viêm. Trong số các tác nhân gây bệnh, phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn thường gặp nhất.
Bệnh có thể khởi phát sau một đợt ho hoặc cảm cúm. Khi đó, dịch nhầy tích tụ trong phổi trở thành môi trường thuận lợi để vi khuẩn và virus phát triển. Chỉ sau vài ngày, các tác nhân gây bệnh có thể sinh sôi mạnh mẽ, tạo thành những túi phế nang chứa đầy mủ và dịch nhầy nhiễm khuẩn. Ho chính là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm đẩy các chất này ra ngoài, giúp ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào phổi.
/benh_viem_phoi_o_tre_em_va_nhung_dieu_phu_huynh_can_biet_3_1ec9623ded.png)
Viêm phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), mỗi năm có khoảng 2 triệu trẻ em trên toàn cầu tử vong do viêm phổi, con số này còn cao hơn tổng số ca tử vong do AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ không qua khỏi vì căn bệnh này, tương đương cứ 20 giây lại có một trẻ tử vong.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 2,9 triệu ca mắc viêm phổi ở trẻ em, trong đó có khoảng 4.000 trẻ không qua khỏi. Điều này khiến nước ta nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng trẻ mắc viêm phổi cao nhất thế giới.
Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em
Nhận biết triệu chứng viêm phổi ở trẻ em giúp phụ huynh phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác. Khi nhận diện đúng dấu hiệu, trẻ sẽ có cơ hội được chữa trị ngay từ giai đoạn đầu, hạn chế nguy cơ biến chứng.
Triệu chứng viêm phổi ở trẻ trong giai đoạn sớm
Cha mẹ có thể theo dõi tình trạng hô hấp của trẻ để nhận biết dấu hiệu viêm phổi. Một trong những triệu chứng sớm dễ nhận thấy nhất là nhịp thở nhanh. Bằng cách đếm số nhịp thở khi trẻ ở trạng thái nghỉ ngơi, không sốt, phụ huynh có thể xác định xem trẻ có đang bị viêm phổi hay không:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.
- Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng tuổi: Nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên.
- Trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi: Nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.
/benh_viem_phoi_o_tre_em_va_nhung_dieu_phu_huynh_can_biet_5_a37a063bf2.png)
Ngoài việc theo dõi nhịp thở, trẻ mắc viêm phổi cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác như sốt cao trên 39 độ C, cơ thể mệt mỏi, uể oải, ngủ nhiều hơn bình thường. Trẻ cũng có thể bị khó thở, ho dai dẳng (có đờm hoặc không, trong đó đờm có thể chuyển từ trắng sang vàng hoặc xanh), da xanh xao, môi nhợt nhạt, đau tức ngực, chán ăn, bú kém, nôn trớ, tiêu chảy.
Triệu chứng viêm phổi nặng ở trẻ em
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành viêm phổi nặng với các dấu hiệu nghiêm trọng hơn:
- Sốt cao kéo dài: Dù đã dùng thuốc hạ sốt nhưng trẻ vẫn không thuyên giảm.
- Rút lõm lồng ngực: Khi trẻ hít vào, phần dưới của lồng ngực bị lõm vào (triệu chứng này thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi). Đối với trẻ trên 2 tuổi, dấu hiệu điển hình là nhịp thở nhanh và co kéo các cơ hô hấp.
- Da nhợt nhạt, tím tái: Do thiếu oxy, trẻ có thể xuất hiện tình trạng tím môi, đầu chi.
- Các triệu chứng khác: Trẻ có thể bị khó thở nghiêm trọng hơn, thở khò khè, đau tức ngực, đau nhức cơ thể, biếng ăn, dấu hiệu mất nước.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em
Bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Tùy vào từng loại tác nhân, bệnh có thể biểu hiện với những triệu chứng khác nhau, mức độ tổn thương cũng như mức độ nguy hiểm không giống nhau.
Một số loại vi khuẩn thường gây viêm phổi ở trẻ bao gồm Streptococcus nhóm B, Listeria monocytogenes, E. coli, Branhamella catarrhalis, H. influenzae, S. aureus và các vi khuẩn gram âm khác. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn tấn công hệ hô hấp, di chuyển đến phổi, trú ngụ tại các thùy phổi, sau đó sinh sôi và phát triển, gây ra tình trạng viêm nhiễm.
Ở trẻ dưới 5 tuổi, nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi thường là do virus, chẳng hạn như RSV, virus cúm mùa,… Trong nhiều trường hợp, bệnh tiến triển chậm và có triệu chứng giống cảm cúm thông thường, ít gây biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt, trẻ có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
/benh_viem_phoi_o_tre_em_va_nhung_dieu_phu_huynh_can_biet_2_75bcf25cfd.png)
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi ở trẻ gồm:
- Sống trong môi trường ô nhiễm, không khí có nhiều khói bụi.
- Tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá.
- Do hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc các bệnh mãn tính như tim bẩm sinh, hen suyễn,...
- Có vấn đề về hô hấp hoặc phổi yếu bẩm sinh.
- Sinh non, thể trạng yếu.
Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ em
Việc chẩn đoán và điều trị viêm phổi ở trẻ em kịp thời, đúng phương pháp sẽ giúp nâng cao hiệu quả chữa trị, rút ngắn thời gian bệnh diễn tiến và hạn chế nguy cơ biến chứng. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.
Ngoài việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như đánh giá mức độ tổn thương tại phổi. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, trẻ có thể cần thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, nội soi phế quản, chụp X-quang phổi, nuôi cấy dịch màng phổi, đo oxy xung, chụp CT ngực,...
/benh_viem_phoi_o_tre_em_va_nhung_dieu_phu_huynh_can_biet_1_10ded2e1bc.png)
Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trẻ có thể được kê thuốc và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn hoặc cần nhập viện điều trị nếu bệnh tiến triển nặng. Nguyên tắc điều trị viêm phổi là đảm bảo đường thở thông thoáng, kiểm soát sốt, bù nước đầy đủ, cung cấp oxy nếu trẻ có dấu hiệu suy hô hấp, đồng thời sử dụng kháng sinh hợp lý theo tình trạng bệnh.
Cách phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi là một trong những bệnh lý hô hấp nghiêm trọng ở trẻ em, có nguy cơ cao dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này.
- Hướng dẫn trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với bề mặt công cộng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hô hấp để giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, virus.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng bằng cách vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và vật dụng cá nhân của trẻ.
- Bảo vệ hệ hô hấp của trẻ bằng cách tránh để trẻ hít phải khói thuốc lá, khói bụi, khói bếp hoặc các chất ô nhiễm khác.
- Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh và thay đổi trang phục phù hợp với thời tiết để tránh nhiễm lạnh.
- Cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ với thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng.
- Khuyến khích trẻ vận động, vui chơi ngoài trời để nâng cao thể chất và hệ miễn dịch.
- Đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như sốt cao, ho kéo dài, thở nhanh hoặc khó thở để được điều trị kịp thời.
Ngoài những biện pháp trên, việc tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là các loại vắc xin phòng bệnh hô hấp, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ. Mặc dù viêm phổi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và chưa có vắc xin ngừa tất cả các nguyên nhân này, nhưng hiện nay đã có một số loại vắc xin giúp phòng tránh các tác nhân phổ biến như:
Vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn:
- Synflorix (xuất xứ Bỉ).
Vắc xin phòng viêm phổi do virus cúm:
- Vaxigrip Tetra (Pháp).
- Influvac Tetra (Hà Lan).
- Ivacflu-S (Việt Nam).
Vắc xin phòng viêm phổi do não mô cầu:
- VA-MENGOC-BC (Cu Ba).
- Menactra (Mỹ).
Vắc xin phòng viêm phổi do vi khuẩn Hib:
- Hexaxim (Pháp).
- Infanrix Hexa (Bỉ).
Mỗi loại vắc xin trên đều có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây viêm phổi, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như các biến chứng nghiêm trọng. Việc tiêm phòng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, nếu trẻ không may nhiễm bệnh, triệu chứng thường nhẹ hơn, tiến triển chậm và ít biến chứng hơn so với trẻ chưa được tiêm ngừa.
/benh_viem_phoi_o_tre_em_va_nhung_dieu_phu_huynh_can_biet_4_5d8c04ef8f.png)
Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng Long Châu hiện cung cấp đầy đủ các loại vắc xin phòng viêm phổi dành cho cả trẻ em và người lớn. Tất cả vắc xin đều được bảo quản nghiêm ngặt trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP, duy trì nhiệt độ lý tưởng từ 2 - 8 độ C để đảm bảo chất lượng tối ưu. Với mạng lưới trung tâm trải rộng khắp trên toàn quốc, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu mang đến nguồn vắc xin phong phú, dịch vụ tiêm chủng chuyên nghiệp và chi phí hợp lý, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với việc phòng bệnh.
Viêm phổi ở trẻ em là một căn bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ. Chủ động tiêm phòng vắc xin không chỉ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh mà còn giảm thiểu các biến chứng nặng, bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách hiệu quả.