Tìm hiểu chung về viêm não mô cầu
Bệnh viêm não mô cầu là bất kỳ loại nhiễm trùng nào do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Vi khuẩn này là một loại cầu khuẩn Gram âm gây bệnh ở người. Vi khuẩn Neisseria meningitidis là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ em và thanh niên. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây viêm màng não do vi khuẩn mắc phải trong cộng đồng ở người lớn, sau Streptococcus pneumoniae.
Triệu chứng thường gặp của viêm não mô cầu
Những triệu chứng của bệnh viêm não mô cầu ở trẻ em
Các triệu chứng của bệnh viêm não mô cầu có thể rất đa dạng và ban đầu có thể không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác như cúm. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển rất nhanh chóng, thậm chí tử vong chỉ trong vài giờ sau khi các triệu chứng khởi phát. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng là cực kỳ quan trọng. Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm não mô cầu có thể bao gồm:
- Sốt;
- Đau đầu;
- Cổ cứng;
- Phát ban;
- Sợ ánh sáng;
- Buồn nôn, nôn mửa và/hoặc tiêu chảy;
- Không thèm ăn;
- Lú lẫn hoặc cáu kỉnh;
- Buồn ngủ;
- Đau cơ và đau khớp.
Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng có thể không điển hình hơn và bao gồm:
- Bỏ ăn;
- Co giật.
Mặc dù bộ ba kinh điển của viêm màng não (sốt, lơ mơ và cứng cổ) ít khi xuất hiện cùng lúc, nhưng khi có hai trong bốn triệu chứng bao gồm đau đầu, lơ mơ, cứng cổ và sốt, thì 95% bệnh nhân cuối cùng được chẩn đoán mắc viêm màng não.

Tác động của bệnh viêm não mô cầu ở trẻ em với sức khỏe
Bệnh viêm não mô cầu gây ra tỷ lệ tử vong và mắc bệnh cao. Khoảng 10 đến 15% số người mắc bệnh viêm não mô cầu sẽ tử vong vì nhiễm trùng này ngay cả khi được điều trị bằng kháng sinh.
Biến chứng có thể gặp bệnh viêm não mô cầu ở trẻ em
Ngay cả khi được điều trị, khoảng 11% đến 19% số người sống sót sẽ gặp các biến chứng lâu dài. Các biến chứng phổ biến bao gồm:
- Tổn thương não;
- Điếc;
- Các vấn đề về hệ thần kinh hoặc tổn thương thần kinh;
- Sốc nhiễm trùng;
- Hoại tử da do xuất huyết;
- Rối loạn tâm lý như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), lo âu và trầm cảm;
- Viêm phổi do não mô cầu;
- Viêm màng ngoài tim do não mô cầu;
- Tổn thương thận.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh viêm não mô cầu. Việc chẩn đoán và điều trị sớm là cực kỳ quan trọng vì bệnh có thể trở nên tồi tệ rất nhanh.
Nguyên nhân gây bệnh viêm não mô cầu
Bệnh viêm não mô cầu được gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis. Đây là một loại vi khuẩn cầu khuẩn Gram âm, hiếu khí hoặc kỵ khí tùy nghi, chỉ lây nhiễm ở người. Vi khuẩn này lần đầu tiên được Anton Weichselbaum phát hiện vào năm 1887.
Có ít nhất 12 nhóm huyết thanh dựa trên polysaccharide vỏ độc đáo của N. meningitidis. Các nhóm huyết thanh A, B, C, W, X và Y liên quan đến hầu hết các bệnh nhiễm trùng do não mô cầu.
- Nhóm huyết thanh A và C là các nhóm huyết thanh chính gây bệnh não mô cầu ở Châu Phi.
- Nhóm huyết thanh B, C và Y là các nhóm huyết thanh chính gây bệnh ở Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada.
- Nhóm huyết thanh W chịu trách nhiệm cho các đợt bùng phát dịch bệnh trên toàn thế giới.
Vi khuẩn Neisseria meningitidis lây truyền qua các giọt bắn đường hô hấp và đòi hỏi tiếp xúc gần, liên tục với người bị nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ họng hoặc mũi. Vi khuẩn này không sống lâu bên ngoài cơ thể, do đó không thể tồn tại trên các bề mặt xung quanh.

Nguy cơ mắc phải viêm não mô cầu
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh viêm não mô cầu ở trẻ em?
Mặc dù có đến 10% dân số chung mang vi khuẩn trong mũi và họng mà không có triệu chứng lâm sàng làm tăng nguy cơ lây truyền cho những người tiếp xúc gần. Những người có nguy cơ cao hơn mắc bệnh viêm não mô cầu bao gồm:
- Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.
- Trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa được tiêm chủng.
- Nam giới.
- Người bị nhiễm HIV/AIDS.
- Người thiếu hụt bổ thể.
- Nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi khuẩn N. meningitidis.
- Người đi du lịch đến các khu vực lưu hành dịch bệnh như "vành đai viêm màng não" ở châu Phi cận Sahara.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh viêm não mô cầu ở trẻ em
Các yếu tố sau có thể làm tăng khả năng mắc bệnh:
- Tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Sống trong môi trường tập thể như ký túc xá đại học, doanh trại quân đội hoặc nhà trẻ.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm não mô cầu
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm não mô cầu ở trẻ em
Chẩn đoán bệnh viêm não mô cầu đòi hỏi phải tìm thấy vi khuẩn Neisseria meningitidis trong các mẫu bệnh phẩm.
Chọc dò tủy sống: Đây là phương pháp chẩn đoán ưu tiên để xác định viêm màng não và là không thể thiếu để chẩn đoán xác định.
Phân tích dịch não tủy (CSF): Bao gồm đếm tế bào, mức glucose và protein, cấy vi sinh vật, phát hiện DNA vi khuẩn bằng phương pháp phân tử (ví dụ: PCR) và xét nghiệm virus nếu thích hợp.
- Các phát hiện trong dịch não tủy gợi ý viêm màng não do vi khuẩn bao gồm: Áp lực mở cao, mức glucose giảm (dưới 45 mg/dL hoặc dưới 2,5 mmol/L), tăng bạch cầu đa nhân (hơn 1000/µL), mức protein tăng (trên 500 mg/dL) và tỷ lệ glucose dịch não tủy/glucose huyết thanh dưới 0,4.
- Nhuộm Gram có thể chẩn đoán được 85% các trường hợp viêm màng não do não mô cầu.
- PCR giúp phát hiện các sợi DNA của vi khuẩn, hữu ích ngay cả sau khi đã sử dụng kháng sinh.
- Cấy dịch não tủy là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm màng não do vi khuẩn.
Cấy máu: Mẫu máu nên được lấy trước khi bắt đầu liệu pháp kháng sinh để phát hiện nguyên nhân gây bệnh.
Chụp cắt lớp vi tính (CT): Có thể hỗ trợ chẩn đoán ở bệnh nhân có thay đổi trạng thái tinh thần, chủ yếu để loại trừ các chẩn đoán khác.
Phương pháp điều trị bệnh viêm não mô cầu ở trẻ em
Nội khoa
Kháng sinh: Điều trị kịp thời là yếu tố then chốt để cải thiện kết quả lâm sàng của bệnh viêm não mô cầu. Kháng sinh nên được dùng càng sớm càng tốt khi nghi ngờ hoặc xác nhận bệnh viêm não mô cầu, ngay cả trước khi có kết quả cấy.
Chăm sóc hỗ trợ: Bệnh nhân nhiễm não mô cầu cần được chăm sóc hỗ trợ kịp thời và tích cực, đặc biệt trong các trường hợp nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn. Quản lý có thể bao gồm bù dịch tĩnh mạch và sử dụng thuốc vận mạch như norepinephrine. Nên xem xét đặt nội khí quản sớm ở những bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, sốc đang tiến triển, co giật không kiểm soát hoặc tăng áp lực nội sọ. Bệnh nhân có dấu hiệu đông máu nội mạch rải rác có thể cần bù dịch tích cực, truyền máu, thay thế tiểu cầu và có thể cả yếu tố đông máu.
Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm: Duy trì các biện pháp phòng ngừa giọt bắn trong ít nhất 24 giờ sau khi bắt đầu liệu pháp kháng sinh hiệu quả.

Ngoại khoa
Các can thiệp ngoại khoa có thể cần thiết để điều trị các biến chứng của bệnh, chẳng hạn như phẫu thuật điều trị da bị tổn thương hoặc hoại tử do các biến chứng.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm não mô cầu
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn nặng của bệnh viêm não mô cầu ở trẻ em
Việc tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, chăm sóc hỗ trợ tích cực và quản lý biến chứng là tối quan trọng. Sau khi điều trị, quá trình hồi phục có thể kéo dài và cần sự hỗ trợ toàn diện.
Chế độ dinh dưỡng
Một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các nhóm chất, sử dụng nhiều rau xanh trái cây,... giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh với sức đề kháng tốt.
Chế độ sinh hoạt
Sau khi mắc bệnh viêm não mô cầu, bệnh nhân có thể phải đối mặt với các biến chứng và cần thời gian dài để phục hồi. Chế độ sinh hoạt trong giai đoạn này cần tập trung vào:
Hỗ trợ phục hồi chức năng: Có thể cần hỗ trợ thở máy kéo dài, chăm sóc mở khí quản, chăm sóc ống thông dạ dày, phục hồi chức năng vật lý và nghề nghiệp kéo dài.
Theo dõi tâm lý: Khoảng một phần ba số người sống sót trải qua các rối loạn tâm lý như rối loạn căng thẳng sau chấn thương, lo âu và trầm cảm,... đòi hỏi phải được theo dõi bởi các nhà tâm lý học và tâm thần học.
Đánh giá thính lực: Khám thính lực định kỳ được khuyến nghị trong vòng 4 tuần sau khi xuất viện đối với tất cả trẻ em được chẩn đoán viêm màng não do vi khuẩn.
Theo dõi chỉnh hình và lắp chân tay giả: Cần thiết cho những bệnh nhân đã phải cắt cụt chi.
Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm não mô cầu ở trẻ em hiệu quả
Đặc hiệu
Tiêm chủng là chiến lược hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh viêm não mô cầu. Việc sử dụng rộng rãi các chương trình tiêm chủng đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh.
Chi tiết về các loại vắc xin:
- Bexsero (Ý): Phòng bệnh do não mô cầu nhóm B.
- VA-Mengoc BC (Cuba): Phòng bệnh do não mô cầu nhóm B và C.
- Menactra (Mỹ): Phòng bệnh do não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135.
Đối tượng được khuyến nghị tiêm chủng:
- Thanh thiếu niên và người trẻ tuổi;
- Cá nhân có nguy cơ cao gồm sinh viên đại học, tân binh quân đội, bệnh nhân suy giảm miễn dịch (như HIV/AIDS), thiếu hụt bổ thể và những người cắt lách;
- Người làm việc với N. meningitidis trong phòng thí nghiệm, khách du lịch đến các vùng dịch bệnh và những người tiếp xúc với các đợt bùng phát bệnh não mô cầu.

Không đặc hiệu
Để có một cơ thể khỏe mạnh, hạn chế mắc bệnh nói chung cần thực hiện một số cách sau:
- Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Nghỉ ngơi hợp lý.
- Chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.