Vậy xơ gan giai đoạn 4 là như thế nào? Người bệnh phải đối mặt với các triệu chứng nào khi xơ gan tiến triển sang giai đoạn 4? Chăm sóc và phòng ngừa xơ gan giai đoạn 4 ra sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc lời giải đáp chi tiết nhất.
Tổng quan về tình trạng xơ gan giai đoạn 4
Xơ gan là tình trạng tế bào gan bị tổn thương kéo dài dẫn đến sự hình thành các mô sẹo (xơ hóa), làm suy giảm và dần mất đi chức năng của gan. Khi tình trạng này không được kiểm soát, khả năng phục hồi của gan bị suy giảm nghiêm trọng, các chất độc hại tích tụ trong cơ thể gây tổn thương thêm cho tế bào gan. Theo thời gian, bệnh tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng nhất được gọi là xơ gan giai đoạn 4 hay còn gọi là xơ gan F4, xơ gan cổ trướng hoặc xơ gan giai đoạn cuối.
Ở xơ gan giai đoạn 4, gan gần như mất hoàn toàn các chức năng quan trọng như lọc máu, đào thải độc tố, sản xuất protein và chuyển hóa chất dinh dưỡng. Do đó, các chất độc hại tích tụ trong cơ thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe. Đặc biệt, ở giai đoạn này, việc điều trị không thể giúp gan phục hồi như ban đầu mà chỉ có thể làm chậm tiến trình xơ hóa. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Nguyên nhân gây xơ gan giai đoạn 4
Xơ gan giai đoạn 4 thường là kết quả của sự tiến triển từ các giai đoạn trước của bệnh xơ gan khi không được điều trị hiệu quả hoặc không được kiểm soát kịp thời. Các yếu tố dẫn đến xơ gan nói chung và xơ gan giai đoạn 4 bao gồm:
- Lạm dụng rượu bia và chất kích thích: Việc sử dụng quá nhiều rượu bia trong thời gian dài là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan, dẫn đến xơ hóa và cuối cùng là xơ gan giai đoạn 4.
- Béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ từ đó thúc đẩy quá trình xơ hóa.
- Bệnh lý gan mạn tính: Các bệnh như viêm gan B, viêm gan C hoặc viêm gan tự miễn kéo dài không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến xơ gan giai đoạn cuối.
- Rối loạn chuyển hóa và bệnh tự miễn: Một số rối loạn chuyển hóa (như bệnh Wilson, hemochromatosis) hoặc các bệnh tự miễn tấn công gan cũng là nguyên nhân gây xơ gan.
Những nguyên nhân này, nếu không được kiểm soát sẽ khiến bệnh tiến triển nặng hơn, dẫn đến xơ gan giai đoạn 4 với những tổn thương không thể phục hồi.

Triệu chứng của xơ gan giai đoạn 4
Bệnh nhân mắc xơ gan giai đoạn 4 thường xuất hiện nhiều triệu chứng rõ rệt, phản ánh mức độ tổn thương nghiêm trọng của gan. Dưới đây là những biểu hiện chính của xơ gan giai đoạn 4, bạn đọc có thể tham khảo:
Xuất huyết tiêu hóa
Khi gan bị xơ hóa nghiêm trọng, chức năng gan suy giảm làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây chèn ép và phình giãn tĩnh mạch thực quản hoặc dạ dày. Nếu tình trạng này kéo dài, tĩnh mạch có thể vỡ và dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Ban đầu, bệnh nhân có thể chỉ nhận thấy các dấu hiệu nhẹ như xuất hiện đốm đỏ trên da, sao mạch, chảy máu chân răng hoặc chảy máu dưới da. Tuy nhiên, theo thời gian, tình trạng thiếu máu có thể xảy ra, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Cổ trướng
Cổ trướng là triệu chứng điển hình ở xơ gan giai đoạn 4, khi dịch tích tụ trong khoang bụng, gây đau đớn và khó chịu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp mà còn gây khó khăn trong tiêu hóa. Bụng bệnh nhân to lên rõ rệt, căng tức khiến họ cảm thấy nặng nề và khó chịu.

Vàng da
Vàng da là một triệu chứng dễ nhận thấy ở bệnh nhân xơ gan giai đoạn 4. Do gan không còn khả năng chuyển hóa bilirubin, chất này tích tụ trong máu khiến mắt, móng tay và toàn bộ cơ thể chuyển màu vàng. Triệu chứng này thường bắt đầu từ mắt, sau đó lan rộng ra các bộ phận khác.
Phù nề
Phù nề xảy ra khi cơ thể bệnh nhân tích tụ nước, đặc biệt ở chân, tay hoặc toàn thân. Khi ấn vào vùng phù sẽ xuất hiện vết lõm và phải mất một thời gian mới trở lại bình thường. Tình trạng này làm bệnh nhân cảm thấy nặng nề và khó chịu.
Bệnh não gan
Bệnh não gan là một biến chứng nghiêm trọng ở xơ gan giai đoạn 4. Do gan không còn khả năng lọc độc tố, amoniac và các chất độc khác tích tụ trong máu gây ảnh hưởng đến não bộ. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như lú lẫn, mất ý thức về hành vi, lời nói không rõ ràng, mệt mỏi, yếu ớt hoặc thậm chí rơi vào hôn mê.
Các triệu chứng khác
Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân xơ gan giai đoạn 4 có thể gặp phải một số dấu hiệu khác như:
- Sụt cân không kiểm soát, cơ thể xanh xao, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
- Sốt nhẹ hoặc tiêu chảy do độc tố tích tụ gây rối loạn tiêu hóa.
- Đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở vùng gan khiến bệnh nhân khó chịu.
Phương pháp chẩn đoán xơ gan giai đoạn 4
Để phát hiện và chẩn đoán chính xác xơ gan giai đoạn 4, bệnh nhân cần thực hiện các phương pháp sau:
- Sàng lọc gan mật định kỳ: Đây là cách tốt nhất để phát hiện sớm các bệnh lý về gan. Theo các chuyên gia, mỗi cá nhân nên chủ động thực hiện sàng lọc gan mật định kỳ tối thiểu 1 - 2 lần mỗi năm.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra chức năng gan, nồng độ bilirubin, albumin và các chỉ số khác để đánh giá mức độ tổn thương gan.
- Siêu âm, CT hoặc MRI: Các phương pháp hình ảnh học giúp xác định vị trí, mức độ xơ hóa và các biến chứng như cổ trướng hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
- Sinh thiết gan: Đây là xét nghiệm chính xác nhất, cho phép đánh giá mức độ tổn thương của tế bào gan.
Việc chẩn đoán sớm và chính xác là yếu tố quan trọng để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, giúp làm chậm tiến triển của bệnh.

Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn 4
Xơ gan giai đoạn 4 có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, bệnh não gan, ung thư gan, nhiễm trùng, phù nặng và cổ trướng. Chính vì thế việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách là vô cùng quan trọng.
Theo các chuyên gia, khi chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn 4, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Bệnh nhân xơ gan giai đoạn 4 cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng: Cân bằng dinh dưỡng; hạn chế thực phẩm có hại như thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn hoặc chứa nhiều bột ngọt; hạn chế muối xuống khoảng 2,5g mỗi ngày để giảm tích nước và phù nề; mỗi ngày nên uống 1,5 - 2 lít nước nhưng không quá nhiều để tránh gây áp lực cho cơ thể.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Các bài tập như đi bộ, yoga giúp nâng cao sức đề kháng và hỗ trợ quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc gây độc cho gan, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Duy trì tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng để hỗ trợ quá trình điều trị.

Xơ gan giai đoạn 4 là một tình trạng nghiêm trọng, đòi hỏi sự can thiệp y tế kịp thời và chế độ chăm sóc đặc biệt. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa sẽ giúp bệnh nhân và người thân có kế hoạch quản lý bệnh hiệu quả hơn. Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, việc tuân thủ điều trị, chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh có thể giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy thăm khám định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp nhất.
Ngoài ra, việc tiêm vắc xin viêm gan B cũng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan. Hãy chủ động tiêm phòng vắc xin viêm gan B ngay hôm nay bạn nhé. Cảm ơn bạn đọc đã dành thời gian theo dõi các bài viết sức khỏe của Tiêm chủng Long Châu.