Viêm tai giữa mạn tính là một trong những bệnh lý tai phổ biến nhưng thường bị xem nhẹ do triệu chứng âm thầm và kéo dài. Không chỉ gây suy giảm thính lực, tình trạng viêm dai dẳng này còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu cũng như phương pháp điều trị hiệu quả sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn tình trạng sức khỏe của mình cũng như ngăn chặn các ảnh hưởng lâu dài đến tai.
Nguyên nhân nào gây viêm tai giữa mạn tính?
Viêm tai giữa mạn tính là hiện tượng lớp niêm mạc tai giữa bị viêm kéo dài trên 12 tuần, không đáp ứng tốt với điều trị thông thường hoặc tái phát liên tục. Bệnh thường gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn, đặc biệt là những người có tiền sử viêm tai giữa cấp hoặc các vấn đề về tai mũi họng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm tai giữa kéo dài, trong đó nổi bật nhất gồm có:
- Nhiễm khuẩn hoặc nấm kéo dài: Tác nhân chính gây viêm tai giữa mạn tính là do virus, vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập qua tai ngoài hoặc theo đường hô hấp. Nếu không được kiểm soát, chúng gây tổn thương niêm mạc tai giữa, dẫn đến hiện tượng viêm dai dẳng.
- Biến chứng từ bệnh lý đường hô hấp: Các bệnh lý như viêm họng, viêm mũi xoang, cảm lạnh kéo dài... dễ khiến vi khuẩn lan theo vòi nhĩ lên tai giữa. Khi không được điều trị đúng, quá trình viêm nhiễm có thể chuyển thành mãn tính.
- Tai bị tổn thương cơ học: Chấn thương tai, đặc biệt là do ngoáy tai sâu hoặc do tai bị tác động mạnh, có thể làm tổn thương màng nhĩ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
- Thủng màng nhĩ: Khi màng nhĩ bị rách hoặc thủng (do chấn thương, viêm cấp không điều trị...) khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào tai giữa, gây viêm nhiễm kéo dài và khó lành.
- Vệ sinh tai không đúng cách: Việc lạm dụng tăm bông hoặc dùng vật nhọn ngoáy tai làm tăng nguy cơ tổn thương tai và dẫn đến viêm nhiễm mạn tính.

Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa mạn tính
Mặc dù không gây sốt cao hoặc đau rát dữ dội như viêm cấp, viêm tai giữa mạn tính vẫn có những biểu hiện điển hình sau:
- Chảy dịch mủ dai dẳng hoặc từng đợt qua lỗ tai;
- Tai nghe kém rõ rệt, đặc biệt ở bên bị viêm;
- Ù tai, có cảm giác đầy tai hoặc nghe như có tiếng ve kêu;
- Mùi hôi khó chịu từ tai do dịch mủ;
- Thủng màng nhĩ (được phát hiện khi nội soi tai).
Các triệu chứng trên thường kéo dài, tái phát nhiều lần và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là thính lực và giao tiếp.

Bệnh viêm tai giữa mạn tính có chữa được không?
Việc điều trị viêm tai giữa mạn tính cần kiên trì và phụ thuộc vào mức độ tổn thương của tai giữa cũng như nguyên nhân gây bệnh. Tin tốt là viêm tai giữa mạn tính có chữa được, tuy nhiên không thể khỏi nhanh như thể cấp tính.
Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng hướng, khả năng phục hồi thính lực và lành màng nhĩ là hoàn toàn khả thi. Một số trường hợp cần phối hợp nhiều phương pháp, thậm chí điều trị lâu dài để ngăn bệnh tái phát.
Phương pháp điều trị viêm tai giữa mạn tính
Tùy vào mức độ nặng nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:
Điều trị nội khoa
- Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp có nhiễm khuẩn kèm theo dịch mủ. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp, đặc biệt nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng.
- Thuốc nhỏ tai: Thường là dung dịch kháng sinh hoặc kháng viêm giúp làm sạch ổ viêm.

Vệ sinh và chăm sóc tai
Vệ sinh và chăm sóc tai là rất cần thiết trong quá trình điều trị bệnh viêm tai giữa mạn tính. Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc và vệ sinh tai khi bị viêm, cụ thể là:
- Hút mủ, làm sạch tai thường xuyên tại cơ sở y tế chuyên khoa.
- Tránh để nước vào tai khi tắm hoặc bơi.
- Không ngoáy tai hoặc sử dụng vật nhọn để lấy ráy tai.
Phẫu thuật khi cần thiết
Trong trường hợp bệnh kéo dài, dịch mủ tái phát liên tục hoặc có thủng màng nhĩ không tự lành, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật như:
- Phẫu thuật đặt ống thông tai: Phẫu thuật viên sẽ tiến hành đặt một ống nhỏ chen qua màng nhĩ để nối tai giữa với tai ngoài. Điều này sẽ giúp cho dịch mủ được dẫn ra bên ngoài từ tai giữa nhằm khắc phục tình trạng nhiễm trùng.
- Phẫu thuật sửa chữa và thay thế xương nhỏ ở trong tai: Khi tình trạng viêm tai giữa mạn tính lan rộng và có nguy cơ làm hỏng màng nhĩ thì việc phẫu thuật để làm sạch nhiễm trùng là cần thiết.
Nhiều người thắc mắc viêm tai giữa mạn tính có phải mổ không. Thực tế, chỉ những trường hợp nặng, điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc biến chứng nghiêm trọng mới cần can thiệp phẫu thuật. Do đó, chẩn đoán chính xác là yếu tố then chốt trước khi quyết định.
Biện pháp phòng ngừa tái phát viêm tai giữa mạn tính
Để ngăn chặn viêm tai giữa mạn tính hoặc hạn chế bệnh tái phát, bạn nên:
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ: Bạn nên tiêm vắc xin cúm và vắc xin phế cầu để hỗ trợ phòng ngừa bệnh viêm tai giữa, viêm phổi…
- Điều trị triệt để viêm tai giữa cấp.
- Vệ sinh tai đúng cách, tránh dùng vật cứng hoặc tăm bông đưa sâu vào tai.
- Bảo vệ tai khi bơi hoặc tắm rửa.
- Tăng cường sức đề kháng qua chế độ ăn uống hợp lý và nghỉ ngơi đầy đủ.
- Tránh môi trường ô nhiễm hoặc khói bụi nhiều.

Viêm tai giữa mạn tính là bệnh lý phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng. Quan trọng nhất là không chủ quan trước những dấu hiệu bất thường ở tai và cần thăm khám chuyên khoa khi nghi ngờ mắc bệnh.