Tìm hiểu chung về bệnh viêm phổi do hóa chất
Viêm phổi do hóa chất là một loại viêm phổi không phổ biến, khác với hầu hết các trường hợp viêm phổi thông thường. Viêm phổi thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Trong viêm phổi do hóa chất, tình trạng viêm mô phổi là do các chất độc hại hoặc độc tố. Chỉ một tỷ lệ nhỏ các loại viêm phổi là do hóa chất gây ra.
Nhiều hoạt chất có thể gây viêm phổi do hóa chất, bao gồm chất lỏng, khí và các hạt nhỏ, như bụi hoặc khói. Một số hóa chất chỉ gây hại cho phổi; tuy nhiên, một số chất có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác ngoài phổi và có thể gây tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong.
Có hai dạng viêm phổi do hóa chất:
- Viêm phổi do hóa chất cấp tính: Là tình trạng khởi phát nhanh các triệu chứng sau khi hít phải hóa chất.
- Viêm phổi do hóa chất mãn tính: Là tình trạng kéo dài khi bạn tiếp xúc với lượng độc tố thấp, theo thời gian sẽ gây tổn thương phổi của bạn.

Triệu chứng bệnh viêm phổi do hóa chất
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi do hóa chất
Triệu chứng của viêm phổi do hóa chất có thể rất khác nhau, và nhiều yếu tố có thể xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ví dụ, người tiếp xúc với clo trong hồ bơi ngoài trời có thể chỉ có triệu chứng ho và mắt rát. Tuy nhiên một người khác tiếp xúc với mức độ clo cao trong phòng nhỏ có thể tử vong do suy hô hấp.
Các triệu chứng của viêm phổi do hóa chất có thể bao gồm:
- Rát ở mũi, mắt, môi, miệng và họng;
- Ho khan;
- Ho có đờm trong suốt, vàng hoặc xanh;
- Ho có máu hoặc bọt hồng trong nước bọt;
- Buồn nôn hoặc đau bụng;
- Đau ngực;
- Khó thở;
- Đau đầu;
- Triệu chứng cảm cúm;
- Mệt mỏi;
- Hoảng loạn hoặc mất phương hướng;
- Thở nhanh hoặc nông;
- Nhịp tim nhanh;
- Bỏng miệng, mũi hoặc da;
- Da và môi nhợt nhạt hoặc tím;
- Ra mồ hôi nhiều;
- Suy giảm khả năng suy nghĩ;
- Mất ý thức;
- Sưng mắt hoặc lưỡi;
- Giọng khàn;
- Mùi hóa chất trên các bộ phận khác của cơ thể;
- Sốt.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm phổi do hóa chất
Biến chứng ngắn hạn của viêm phổi do hóa chất có thể gây tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể và thậm chí dẫn đến tử vong. Các biến chứng dài hạn bao gồm sẹo phổi, làm giảm chức năng hô hấp, và viêm phổi tái phát, gây khó khăn trong việc điều trị và phục hồi sức khỏe.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kể trên hoặc hít phải bất kỳ chất nào, hãy đến gặp bác sĩ hoặc bệnh viện ngay lập tức. Việc xác định chất hóa học là rất hữu ích bác sĩ.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi do hóa chất
Nhiều hóa chất sử dụng trong gia đình và nơi làm việc có thể gây viêm phổi do hóa chất. Một số chất nguy hiểm thường gặp khi hít phải bao gồm:
- Khí clo (hít phải từ các chất tẩy rửa như nước tẩy clo, trong các tai nạn công nghiệp, hoặc gần hồ bơi);
- Bụi từ ngũ cốc và phân bón;
- Khí độc từ thuốc trừ sâu;
- Khói (từ các vụ cháy nhà và cháy rừng);
- Nuốt phải axit dạ dày và tiếp xúc với chất hóa học cũng có thể dẫn đến viêm phổi do hóa chất.

Nguy cơ gây bệnh viêm phổi do hóa chất
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do hóa chất?
- Những người có hệ miễn dịch yếu do bệnh tật hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch dễ gặp phải các vấn đề về phổi khi tiếp xúc với hóa chất.
- Những người đã có các vấn đề về hô hấp, như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), có thể dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với các hóa chất.
- Các công nhân trong ngành công nghiệp hóa chất, xây dựng, hoặc xử lý chất thải có thể bị tiếp xúc với khí độc, bụi, hoặc hơi hóa chất.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do hóa chất
- Làm việc trong các mỏ than, công trường xây dựng và trang trại.
- Làm việc trong gara ô tô hoặc nhà máy dệt.
- Làm việc trong các nhà máy sản xuất đá, đất sét và thủy tinh.
- Làm những công việc khiến bạn tiếp xúc với hóa chất, bụi và sợi nguy hiểm.
- Nơi làm việc có nhiều hạt vật chất, chẳng hạn như sự kết hợp của phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn, tro và các chất khác.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi do hóa chất
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phổi do hóa chất
Chẩn đoán và điều trị viêm phổi do hóa chất sẽ khác nhau tùy thuộc vào dấu hiệu và triệu chứng của bạn đang biểu hiện. Thường thì các triệu chứng sẽ nhẹ, hóa chất gây ra đã được biết đến, sẽ giúp quá trình đánh giá y tế sẽ nhanh hơn.
Đôi khi, các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng cần các thủ thuật cứu sống, chẳng hạn như thở máy, hỗ trợ tim mạch nâng cao, hoặc điều trị y tế phức tạp. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia kiểm soát độc tố địa phương.

Bác sĩ phải đảm bảo rằng những người xung quanh không gặp nguy cơ tiếp xúc với hóa chất. Ưu tiên tiếp theo là xác định hóa chất và xem xét ảnh hưởng của hóa chất này đối với phổi và các cơ quan khác trong cơ thể.
Lịch sử bệnh lý chi tiết của bạn sẽ được bác sĩ thu thập, bao gồm thời gian tiếp xúc, khu vực tiếp xúc, dạng và nồng độ của hóa chất, các vấn đề y tế khác và các triệu chứng. Ngoài việc kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, và lượng oxy trong máu), bác sĩ sẽ đánh giá cả các bộ phận như mắt, mũi, họng, da, tim, phổi và bụng.
Sau khi thực hiện các bước này, việc đánh giá thêm hay không có thể thay đổi tùy theo tình trạng của người bị thương, loại tiếp xúc với hóa chất và các yếu tố khác.
Để xác định mức độ nghiêm trọng của bạn, các xét nghiệm sau đây thường được sử dụng:
- Đo khí máu (kiểm tra lượng oxy và carbon dioxide trong máu).
- Chụp chụp cắt lớp vi tính ngực.
- Đánh giá chức năng phổi (kiểm tra để đánh giá khả năng hô hấp và dung tích phổi).
- Chụp X-quang ngực.
- Kiểm tra việc nuốt để xác định xem viêm phổi có phải do axit dạ dày gây ra hay không.
- Xét nghiệm máu chức năng gan và thận.
Phương pháp điều trị viêm phổi do hóa chất hiệu quả
Để quyết định phương pháp điều trị cần dựa vào mức độ nghiêm trọng trong biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng của bạn.
Chú ý bạn cần nhanh chóng rời xa hóa chất hoặc khu vực có thể tiếp xúc với hóa chất. Nếu có thể, tránh để người khác tiếp xúc với hóa chất này. Đôi khi, các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng sẽ cần các thủ thuật cứu sống, chẳng hạn như thở máy, hỗ trợ tim mạch nâng cao hoặc liệu pháp y tế phức tạp.
Sau khi bạn đã ổn định, cần xác định hóa chất và xem xét tác động của hóa chất đó đối với phổi và các cơ quan khác của cơ thể.
Đối với điều trị viêm phổi do hóa chất, điều trị chủ yếu là theo dõi. Đôi khi triệu chứng phát triển theo thời gian và mức độ tổn thương sẽ không được biểu hiện ngay lập tức.
Nhiều phương pháp điều trị có thể được áp dụng, bao gồm:
- Dịch truyền tĩnh mạch;
- Cung cấp oxy qua mặt nạ hoặc ống;
- Điều trị hô hấp với thuốc để mở đường thở;
- Thuốc steroid qua tĩnh mạch hoặc đường uống;
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) qua đường uống;
- Thuốc giảm đau qua tĩnh mạch hoặc đường uống;
- Thở máy;
- Kháng sinh dự phòng;
- Chất giải độc.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh viêm phổi do hóa chất
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi do hóa chất
Chế độ sinh hoạt
- Đảm bảo đi tái khám bác sĩ theo lịch định hẹn.
- Nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể bạn được phục hồi nhanh hơn.
- Tránh tiếp xúc với môi trường có hóa chất độc hại.
- Nếu phải làm việc trong môi trường có hóa chất, luôn đeo khẩu trang, găng tay và các thiết bị bảo vệ khác để giảm thiểu tiếp xúc với chất độc.
- Không hút thuốc là và tránh tiếp xúc với môi trường khói thuốc lá.
- Tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí, bụi bẩn và các chất gây kích ứng khác.
- Khi phổi còn yếu tránh các hoạt động thể lực nặng.
Chế độ dinh dưỡng
- Cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu như vitamin C, E, và các khoáng chất giúp hỗ trợ hệ miễn dịch và phục hồi tổn thương phổi.
- Nên ăn những bữa ăn nhỏ nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
Phương pháp phòng ngừa viêm phổi do hóa chất hiệu quả
Để phòng ngừa viêm phổi do hóa chất, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ và tuân thủ các quy định an toàn là vô cùng quan trọng.
- Chỉ sử dụng hóa chất trong gia đình theo chỉ dẫn và luôn ở những nơi thông thoáng với thiết bị bảo vệ phù hợp. Không bao giờ trộn amoniac và nước tẩy clo.
- Tuân thủ các quy tắc nơi làm việc về mặt nạ thở và đeo đúng loại mặt nạ.
- Những người làm việc gần đám cháy nên cẩn thận để giảm thiểu tiếp xúc với khói hoặc khí độc.
- Cẩn thận khi cho dầu khoáng vào miệng bất kỳ ai có nguy cơ hóc (trẻ em hoặc người cao tuổi).
- Ngồi thẳng khi ăn và không nằm ngay sau khi ăn nếu bạn gặp vấn đề về nuốt.
- Không hút gas, dầu hỏa hoặc các chất lỏng hóa học độc hại.
