Tìm hiểu chung về bệnh viêm phế quản phổi
Phế quản là những ống dẫn khí lớn nối khí quản với hai lá phổi. Từ phế quản tách ra hàng loạt ống khí nhỏ gọi là tiểu phế quản, tạo thành cấu trúc bên trong của phổi. Cuối các tiểu phế quản là các túi khí nhỏ gọi là phế nang – nơi diễn ra quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide giữa phổi và máu.
Viêm phổi là tình trạng viêm khiến các phế nang chứa đầy dịch. Dịch này cản trở chức năng hô hấp bình thường, gây ra nhiều vấn đề về hô hấp. Viêm phế quản phổi là một dạng viêm phổi ảnh hưởng đến cả phế nang và phế quản.
Triệu chứng của viêm phế quản phổi có thể từ nhẹ đến nặng. Đây là dạng viêm phổi phổ biến nhất ở trẻ em và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do nhiễm trùng ở trẻ dưới 5 tuổi.
Triệu chứng bệnh viêm phế quản phổi
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phế quản phổi
Các triệu chứng của viêm phế quản phổi có thể tương tự như các loại viêm phổi khác, thường bắt đầu với triệu chứng giống cúm và có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong vài ngày. Triệu chứng viêm phế quản phổi thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và có thể bao gồm:
- Sốt;
- Khó thở hoặc thở ngắn;
- Đau ngực, đặc biệt khi ho hoặc thở sâu;
- Ra mồ hôi;
- Ớn lạnh, rùng mình;
- Đau nhức cơ;
- Mệt mỏi, uể oải;
- Mất cảm giác ngon miệng;
- Nhức đầu;
- Lú lẫn, mất phương hướng (đặc biệt ở người cao tuổi);
- Chóng mặt;
- Buồn nôn hoặc nôn;
- Ho ra máu.

Các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh nền khác. Trẻ em và trẻ sơ sinh có thể biểu hiện triệu chứng khác như:
- Ho (là triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh);
- Nhịp tim nhanh;
- Nồng độ oxy trong máu thấp;
- Co rút cơ ngực khi thở;
- Cáu gắt;
- Giảm thèm ăn, bú, uống;
- Sốt;
- Nghẹt mũi;
- Khó ngủ.
Triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào đối tượng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm phế quản phổi
Nếu không được điều trị kịp thời hoặc khi bệnh trở nặng, viêm phế quản phổi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hô hấp, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Suy hô hấp: Khi quá trình trao đổi oxy và CO₂ trong phổi bị suy giảm nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần hỗ trợ thở bằng máy thở.
- Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS): Đây là dạng suy hô hấp nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
- Nhiễm trùng huyết: Tình trạng khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức và gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể, có thể dẫn đến suy đa tạng và tử vong.
- Áp xe phổi: Khi túi mủ hình thành trong nhu mô phổi, gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng, có thể cần phẫu thuật hoặc điều trị lâu dài.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn có thể cần nhập viện nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng sau đây:
- Tuổi từ 65 trở lên;
- Khó thở hoặc thở nhanh;
- Đau ngực dữ dội khi hít thở hoặc ho;
- Huyết áp thấp;
- Lú lẫn hoặc thay đổi ý thức;
- Cần sử dụng máy thở hoặc hỗ trợ hô hấp;
- Có bệnh lý phổi mạn tính kèm theo (như COPD, hen, giãn phế quản…).
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản phổi
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản phổi là nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là do các loại vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae hoặc Haemophilus influenzae type b (Hib). Bên cạnh đó, nhiễm virus hoặc nấm cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.
Vi khuẩn có thể xâm nhập vào phế quản và phế nang, phát triển và gây viêm. Cơ thể sẽ phản ứng miễn dịch bằng cách tạo ra bạch cầu để chống lại vi khuẩn, dẫn đến tình trạng viêm và từ đó gây ra các triệu chứng như ho, sốt, khó thở.
Các loại vi khuẩn thường gặp gây viêm phế quản phổi bao gồm:
- Staphylococcus aureus;
- Haemophilus influenzae;
- Pseudomonas aeruginosa;
- Escherichia coli;
- Klebsiella pneumoniae.
Bệnh có thể lây lan trong môi trường bệnh viện, đặc biệt là đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh lý nền hoặc điều trị bệnh khác. Viêm phế quản phổi trong bệnh viện cũng có thể do các vi khuẩn kháng thuốc, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Nguy cơ gây bệnh viêm phế quản phổi
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản phổi?
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản phổi bao gồm:
- Tuổi tác: Người lớn trên 65 tuổi hoặc trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch yếu hơn, vì vậy dễ mắc bệnh hơn.
- Môi trường: Làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm khuẩn như bệnh viện, viện dưỡng lão, nơi dễ bị lây nhiễm.
- Lối sống: Hút thuốc lá làm giảm khả năng phòng vệ của hệ hô hấp, dinh dưỡng kém làm suy yếu hệ miễn dịch, và uống rượu quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản phổi
- Bệnh phổi mạn tính (hen, COPD);
- HIV/AIDS;
- Hệ miễn dịch suy yếu (do hóa trị, thuốc ức chế miễn dịch);
- Bệnh mạn tính (tim mạch, đái tháo đường);
- Bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus);
- Ung thư;
- Ho mạn;
- Khó nuốt;
- Thở máy.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phế quản phổi
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phế quản phổi
Viêm phế quản phổi được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và phát hiện trên hình ảnh chụp X-quang ngực. Bác sĩ sẽ khai thác kỹ lưỡng bệnh sử và tiến hành khám sức khỏe tổng quát, nghe tim và phổi bằng ống nghe để phát hiện tiếng thở khò khè và các âm thanh bất thường khác khi thở.
Các xét nghiệm có thể được thực hiện gồm:
- X-quang ngực: Thấy nhiều vùng tổn thương rải rác, thường ở cả hai phổi, nhất là đáy phổi.
- Công thức máu: Tăng bạch cầu, nghi ngờ nhiễm khuẩn.
- Cấy máu hoặc đờm: Xác định vi sinh vật gây bệnh.
- CT scan: Hình ảnh phổi chi tiết hơn.
- Nội soi phế quản: Quan sát và lấy mẫu mô để xét nghiệm.
- Đo độ bão hòa oxy (SpO₂): Kiểm tra lượng oxy trong máu.
- Khí máu động mạch: Đánh giá nồng độ oxy và CO₂ trong máu.

Phương pháp điều trị viêm phế quản phổi hiệu quả
Việc điều trị viêm phế quản phổi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, độ tuổi và tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh. Một số nguyên tắc điều trị cơ bản bao gồm:
- Sử dụng kháng sinh: Dùng cho các trường hợp viêm do vi khuẩn. Cần dùng đúng liều, đủ thời gian để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn và ngăn ngừa tái phát.
- Dùng thuốc giảm ho: Có thể được dùng để làm dịu cơn ho, giúp người bệnh nghỉ ngơi tốt hơn.
- Sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau: Giúp cải thiện triệu chứng như sốt, đau đầu, đau ngực hoặc mệt mỏi.
- Các trường hợp nhẹ: Có thể điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi kết hợp dùng thuốc theo hướng dẫn. Trường hợp nặng cần nhập viện để điều trị tích cực.
- Chế độ dinh dưỡng: Thiết lập chế độ ăn cần đủ chất, giàu vitamin; trẻ dưới 6 tháng nên bú mẹ hoàn toàn hoặc dùng sữa công thức.
- Viêm phế quản phổi do virus: Không dùng kháng sinh. Có thể dùng thuốc kháng virus hoặc điều trị triệu chứng. Bệnh thường tự khỏi sau 1 – 3 tuần.
- Viêm phế quản phổi do nấm: Cần điều trị bằng thuốc kháng nấm theo chỉ định.
Quan trọng nhất là người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, dùng đúng và đủ thuốc để đạt hiệu quả điều trị tối ưu.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh viêm phế quản phổi
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phế quản phổi
Chế độ sinh hoạt
- Nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch.
- Giữ ấm cơ thể, nhất là khi thời tiết lạnh hoặc giao mùa.
- Tránh khói thuốc lá, bụi bẩn và ô nhiễm, đây là những yếu tố dễ gây kích thích đường hô hấp.
- Rửa tay thường xuyên giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, virus.
- Theo dõi triệu chứng và dùng thuốc đúng hướng dẫn. Không tự ý ngưng thuốc hoặc bỏ liều.

Chế độ dinh dưỡng
- Uống nhiều nước giúp làm loãng đờm và dễ khạc ra hơn.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C, D, và kẽm.
Phương pháp phòng ngừa viêm phế quản phổi hiệu quả
Phòng ngừa viêm phế quản phổi đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Áp dụng các biện pháp phòng bệnh đơn giản có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nghiêm trọng.
- Trẻ dưới 5 tuổi và người trên 65 tuổi nên tiêm vắc xin phế cầu.
- Rửa tay thường xuyên để hạn chế lây nhiễm mầm bệnh.
- Không hút thuốc lá.
- Chủ động nhận biết sớm triệu chứng viêm phế quản phổi.
- Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ngủ đủ giấc, vận động đều đặn và ăn uống lành mạnh.