Tìm hiểu chung về viêm mũi họng
Viêm mũi họng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ảnh hưởng đến vòm họng. Viêm mũi họng thường được gọi là cảm thường.
Vòm họng là vùng họng nằm sau mũi. Do vị trí, viêm mũi họng có thể gây viêm và tắc nghẽn ở mũi, họng và xoang. Các bác sĩ sử dụng thuật ngữ này để chỉ tình trạng sưng viêm ở đường mũi và phần sau của họng
Viêm mũi họng có thể lây nhiễm cao. Theo nghiên cứu, người trưởng thành trung bình mắc từ hai đến bốn lần viêm mũi họng mỗi năm, thường vào những tháng lạnh. Trẻ em có thể bị từ sáu đến mười lần mỗi năm khi đi học hoặc đến nhà trẻ.
Viêm mũi họng có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Bệnh lây lan qua các giọt bắn nhỏ trong không khí khi người nhiễm bệnh:
- Hắt hơi;
- Ho;
- Xì mũi;
- Nói chuyện.
Bạn cũng có thể bị lây nhiễm nếu chạm vào các vật dụng bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, chẳng hạn như tay nắm cửa, đồ chơi hoặc điện thoại, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
Viêm mũi họng thường không gây hại và tự khỏi mà không dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Hầu hết mọi người hồi phục trong khoảng 7 – 10 ngày.
Có hai loại viêm mũi họng chính:
- Viêm mũi họng cấp tính: Bệnh thường khởi phát nhanh và thường tự khỏi trong vòng một tuần đến mười ngày.
- Viêm mũi họng mãn tính: Bệnh xảy ra khi có sự kích thích kéo dài do các yếu tố như hút thuốc, sống trong môi trường nhiều bụi hoặc nhiễm trùng tái phát. Tình trạng này có thể kéo dài lâu hơn và có thể cần thay đổi lối sống để kiểm soát hiệu quả.
Triệu chứng viêm mũi họng
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mũi họng
Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 1 – 3 ngày sau khi nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Và có thể kéo dài từ một tuần đến 10 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn.
Các triệu chứng phổ biến của viêm mũi họng bao gồm:
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi;
- Hắt hơi;
- Ho;
- Đau họng hoặc rát họng;
- Mắt chảy nước hoặc ngứa;
- Đau đầu;
- Đau nhức cơ thể;
- Sốt nhẹ;
- Dịch mũi chảy xuống họng.
Những triệu chứng này có thể gây khó chịu hoặc đau rát, nhưng thường không để lại hậu quả lâu dài.
Mặc dù viêm mũi họng có thể bị nhầm với cúm, nhưng các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, viêm mũi họng tiến triển dần dần, trong khi cúm khởi phát đột ngột với sốt cao, ớn lạnh và đau nhức cơ thể.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm mũi họng
Hầu hết những người khỏe mạnh sẽ hồi phục sau khi bị viêm mũi họng trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, viêm mũi họng vẫn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như:
- Làm nặng hơn các bệnh lý nền, chẳng hạn như hen suyễn;
- Triệu chứng kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn;
- Viêm kết mạc;
- Viêm phế quản;
- Nhiễm trùng do vi khuẩn thứ phát.
/viem_mui_hong_4_25d0c84acf.jpg)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên khám bác sĩ nếu gặp một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Triệu chứng nặng hoặc bất thường;
- Triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày;
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị cảm lạnh kèm theo lờ đờ hoặc sốt.
Ngoài ra, bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng cúm như ớn lạnh, sốt, đau nhức cơ thể hoặc cơ bắp. Những người có nguy cơ cao mắc biến chứng do cúm cũng nên đi khám, bao gồm:
- Người từ 65 tuổi trở lên;
- Phụ nữ mang thai.
Người mắc một số bệnh lý, bao gồm:
- Đái tháo đường;
- Hen suyễn;
- Bệnh tim.
Nguyên nhân gây viêm mũi họng
Rhinovirus là loại virus gây viêm mũi họng phổ biến nhất. Chúng có khả năng lây nhiễm rất cao. Ngoài rhinovirus, còn hơn 200 loại virus khác cũng có thể gây bệnh.
Do viêm mũi họng dễ lây lan, nếu bạn bị bệnh, hãy chú ý vệ sinh cá nhân tốt để tránh lây cho người khác. Rửa tay thường xuyên và che miệng bằng khuỷu tay khi ho hay hắt hơi.
Nguy cơ mắc phải viêm mũi họng
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm mũi họng?
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị viêm mũi họng. Đặc biệt, trẻ em đi học dễ mắc bệnh hơn do virus lây lan rất nhanh. Tiếp xúc gần với người bị cảm lạnh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Những người có hệ miễn dịch suy yếu cũng có nguy cơ cao bị viêm mũi họng do virus.
/viem_mui_hong_5_aeb24936d1.jpg)
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi họng
Môi trường tập thể nếu có người bị viêm mũi họng cũng có thể khiến bạn dễ bị lây nhiễm, bao gồm:
- Nơi làm việc;
- Phòng tập gym;
- Sự kiện thể thao;
- Tiệc tùng;
- Tàu điện ngầm hoặc xe buýt đông đúc.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm mũi họng
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm mũi họng
Để chẩn đoán viêm mũi họng, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và thực hiện kiểm tra lâm sàng. Bác sĩ có thể quan sát bên trong mũi, họng và tai của bạn. Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch tiết bằng tăm bông để xét nghiệm nhằm phát hiện nhiễm khuẩn hoặc cúm.
Bác sĩ cũng có thể sờ các hạch bạch huyết để kiểm tra xem chúng có bị sưng không và nghe phổi của bạn khi thở để xác định xem có dịch tích tụ bên trong hay không.
Nếu viêm mũi họng tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến chuyên khoa tai mũi họng để làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu.
Phương pháp điều trị viêm mũi họng hiệu quả
Khi bị viêm mũi họng, bạn nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA) cũng khuyến nghị nếu bạn có đang hút thuốc lá nên bỏ hoặc ít nhất là giảm hút thuốc cho đến khi cảm thấy khỏe hơn vì khói thuốc có thể làm cổ họng và đường hô hấp bị kích ứng thêm.
/viem_mui_hong_6_8d6288686c.jpg)
Hiện không có loại thuốc nào có thể tiêu diệt virus gây viêm mũi họng hoặc rút ngắn thời gian mắc bệnh.
Thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với nhiễm trùng do vi khuẩn, do đó chúng không có tác dụng trong trường hợp nhiễm virus như viêm mũi họng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh nếu có biến chứng do nhiễm khuẩn phát sinh.
Thuốc không kê đơn có thể giúp giảm tạm thời một số triệu chứng nhưng không thể làm viêm mũi họng khỏi nhanh hơn. Các loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Acetaminophen và NSAID như ibuprofen có thể làm giảm đau đầu và hạ sốt.
- Thuốc thông mũi: Bạn có thể sử dụng các loại thuốc như pseudoephedrine.
- Thuốc kháng histamin: Diphenhydramine và các thuốc kháng histamin khác có thể ngăn ngừa hắt hơi và sổ mũi.
- Thuốc ức chế ho: Các loại thuốc như dextromethorphan và codein có thể giúp giảm ho. Các bác sĩ thường không khuyến nghị những loại thuốc này cho trẻ em dưới 5 tuổi.
- Thuốc long đờm: Guaifenesin và các thuốc long đờm khác có thể giúp làm loãng và long chất nhầy.
Tuy nhiên, Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ cũng cảnh báo rằng một số thành phần trong thuốc điều trị viêm mũi họng có thể gây tác dụng phụ bao gồm:
- Acetaminophen và các thuốc giảm đau khác có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và loét dạ dày.
- Thuốc thông mũi có thể ảnh hưởng xấu đến người bị huyết áp cao và bệnh tuyến giáp.
- Aspirin có thể gây ra hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm mũi họng
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm mũi họng
Chế độ sinh hoạt:
- Nghỉ ngơi đầy đủ để giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để hạn chế lây lan virus.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc gần với người bị cảm lạnh hoặc viêm mũi họng.
- Tránh khói thuốc, bụi bẩn.
- Tránh nói to hoặc la hét để hạn chế kích thích vùng họng bị viêm.
Chế độ dinh dưỡng:
- Uống nhiều nước (nước ấm, trà gừng, nước chanh mật ong…) để giữ ẩm cho niêm mạc họng và làm loãng đờm.
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây chứa vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch.
Phương pháp phòng ngừa viêm mũi họng hiệu quả
Một số lời khuyên giúp bạn bảo vệ bản thân và gia đình khỏi viêm mũi họng, bạn nên:
- Rửa tay: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn. Ngoài ra, hãy rửa tay sau khi đi vệ sinh, lau mũi hoặc tiếp xúc với người bị cảm lạnh.
- Tránh chạm tay vào mặt: Virus gây bệnh viêm mũi họng lây lan từ tay đến mắt, mũi và miệng.
- Vệ sinh các bề mặt thường xuyên sử dụng: Virus có thể sống trên tay nắm cửa và những nơi khác mà mọi người thường chạm vào.
- Sử dụng nước rửa tay khô: Khi bạn không thể rửa tay bằng xà phòng và nước, hãy sử dụng nước rửa tay khô có cồn.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch: Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục để cơ thể sẵn sàng chống lại vi trùng.
/viem_mui_hong_7_898e45d6c5.jpeg)
Để hạn chế lây lan cảm lạnh cho người khác, bạn nên:
- Ở nhà khi bị bệnh;
- Tránh xa người khác trước khi ho hoặc hắt hơi;
- Tránh tiếp xúc gần, chẳng hạn như ôm hoặc bắt tay;
- Hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy, sau đó vứt bỏ ngay;
- Rửa tay sau khi ho hoặc hắt hơi.