Gan thường “im lặng” khi gặp vấn đề vì không có nhiều dây thần kinh cảm giác. Chính vì vậy, khi có cảm giác đau, đó có thể đã là tín hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt vị trí đau gan thường gặp với các dạng đau bụng khác, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc gan đúng cách để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Vị trí đau gan thường gặp là ở đâu trên cơ thể?
Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, nằm chủ yếu ở vùng hạ sườn phải, ngay dưới cơ hoành và phía trên ổ bụng phải. Do đó, vị trí đau gan thường gặp là ở:
- Vùng bụng trên bên phải, ngay dưới xương sườn.
- Cơn đau có thể lan sang vùng lưng dưới bả vai hoặc phần bụng trên.
- Đôi khi người bệnh chỉ cảm thấy nặng tức hoặc đầy bụng, nhất là sau khi ăn hoặc nằm nghiêng bên phải.
Tính chất cơn đau gan có thể khác nhau:
- Âm ỉ, kéo dài: Tình trạng này thường gặp trong các trường hợp bệnh viêm gan mạn tính hoặc gan nhiễm mỡ.
- Đau nhói, quặn: Có thể liên quan đến viêm gan cấp hoặc tắc mật.
- Cảm giác tức nặng hoặc chói khi ho, vận động mạnh: Đây cũng là dấu hiệu không nên chủ quan.
Tuy nhiên, không phải cơn đau nào ở vùng hạ sườn phải cũng là đau gan. Do đó, việc hiểu đúng về vị trí và tính chất đau sẽ giúp bạn tránh nhầm lẫn đồng thời có biện pháp can thiệp kịp thời khi cần thiết.

Nguyên nhân thường gặp gây ra đau vùng gan
Đau vùng gan là biểu hiện của nhiều bệnh lý, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất tại Việt Nam:
Viêm gan virus (A, B, C)
Viêm gan A, viêm gan B là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau vùng gan tại Việt Nam. Viêm gan B và C có thể diễn tiến âm thầm nhưng tình trạng cấp tính thì có thể gây đau rõ ở các vị trí đặc trưng, kèm theo biểu hiện vàng da, vàng mắt, mệt mỏi.
Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người béo phì, tiểu đường, ít vận động hoặc uống nhiều rượu bia. Đau gan trong trường hợp này thường không dữ dội nhưng kéo dài, gây cảm giác nặng nề vùng bụng phải.
Tổn thương gan do thuốc hoặc chất độc
Một số thuốc tây, thực phẩm chức năng hoặc hóa chất có thể gây viêm gan cấp, dẫn đến đau vùng gan kèm theo buồn nôn, nôn mửa.
Xơ gan và ung thư gan
Xơ gan và ung thư gan là giai đoạn muộn của tình trạng tổn thương gan kéo dài. Cơn đau thường dai dẳng, ngày càng rõ rệt, kèm theo các biểu hiện như sụt cân, mệt mỏi, cổ trướng.

Phân biệt đau gan với các loại đau bụng khác
Không ít người nhầm lẫn vị trí đau gan với đau dạ dày, túi mật hay đau cơ. Dưới đây là một số đặc điểm phân biệt dễ nhớ:
Đau dạ dày
- Vị trí: Vùng thượng vị (giữa bụng trên).
- Tính chất: Đau rát, cảm giác đau có liên quan đến bữa ăn.
- Kèm theo: Biểu hiện ợ hơi, buồn nôn, chướng bụng.
Đau túi mật
- Vị trí: Hạ sườn phải, tương tự đau gan nhưng có thể đau dữ dội hơn.
- Tính chất: Cơn đau quặn, lan sang vai phải, thường xảy ra sau bữa ăn nhiều dầu mỡ.
- Có thể kèm sốt và nôn.
Đau cơ/xương sườn
- Vị trí: Đau rõ rệt khi cử động, xoay người hoặc ấn tay vào vùng cơ bị đau.
- Tính chất: Cảm giác đau không liên quan đến hệ tiêu hóa
Nhờ những thông tin so sánh này, người bệnh có thể tự đánh giá sơ bộ cơn đau của mình trước khi đi khám.

Khi nào nên đi khám nếu có dấu hiệu đau gan?
Đau gan có thể là cảnh báo ban đầu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Bạn nên đi khám ngay nếu có một trong các dấu hiệu sau:
Cơn đau kéo dài trên 3 – 5 ngày, không rõ nguyên nhân, tình trạng không thuyên giảm.
Kèm theo các triệu chứng bất thường như: Vàng da, vàng mắt, buồn nôn, chán ăn, sụt cân không rõ lý do, mệt mỏi liên tục,...
Bạn thuộc nhóm nguy cơ cao: Có tiền sử viêm gan B, C, uống rượu bia thường xuyên, từng dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến gan,...

Cách bảo vệ gan và theo dõi sức khỏe gan tại nhà
Chủ động chăm sóc gan không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh lý mà còn giảm nguy cơ phải đối mặt với những cơn đau gan bất ngờ. Dưới đây là những việc bạn nên làm để bảo vệ lá gan khỏe mạnh:
Không uống rượu, bia
Sử dụng rượu bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, ung thư gan tại Việt Nam. Ngay cả khi uống “vừa phải” nhưng việc sử dụng rượu bia kéo dài cũng gây ảnh hưởng xấu đến gan.
Hạn chế dùng thuốc không kê đơn
Một số các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thực phẩm chức năng nếu dùng sai cách có thể gây độc cho gan. Chỉ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng hay tăng giảm liều khi.
Thay đổi lối sống
Duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học, loại bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm ít dầu mỡ kết hợp với việc tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng hợp lý.
Theo dõi và khám sức khỏe định kỳ
Nên thực hiện các xét nghiệm men gan (AST, ALT, GGT) ít nhất 1 lần/năm. Đồng thời siêu âm gan, kiểm tra kích thước, mật độ và các dấu hiệu bất thường khác. Tầm soát viêm gan B, C nếu có nguy cơ hoặc chưa từng xét nghiệm.
Tiêm vắc xin đầy đủ
Chủ động thực hiện tiêm phòng vắc xin từ sớm cho cả người lớn lẫn trẻ em là biện pháp vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể gặp ở gan. Hiện nay, viêm gan B vẫn được xem là mối nguy hại lớn tại Việt Nam, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh lý này bằng cách tiêm vắc xin viêm gan B tại các trung tâm tiêm chủng uy tín như Trung tâm Tiêm chủng Long Châu.

Vị trí đau gan thường gặp là vùng bụng trên bên phải, ngay dưới xương sườn. Đây là vùng mà nhiều người dễ bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các loại đau bụng khác. Nếu cảm thấy đau âm ỉ, nặng tức hoặc có những biểu hiện kèm theo như vàng da, chán ăn thì bạn không nên chủ quan. Gan là cơ quan âm thầm nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể. Hãy lắng nghe cơ thể và khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh từ sớm.
Liên hệ với Trung tâm Tiêm chủng Long Châu qua Hotline 1800 6928 để bảo vệ lá gan khỏe mạnh!
Xem thêm: