Không ít bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng khi con bị sổ mũi, ho, sốt nhẹ giữa tiết trời lạnh buốt. Cảm lạnh là căn bệnh thường gặp ở trẻ em trong mùa đông, tuy không quá nghiêm trọng nhưng nếu chăm sóc không đúng cách, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bé. Vì thế, cùng Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu rõ nguyên nhân, cách chăm sóc và phòng ngừa tình trạng trẻ bị cảm lạnh mùa đông trong nội dung sau đây.
Tại sao đa phần trẻ bị cảm lạnh mùa đông?
Mỗi khi mùa đông đến, nhiều bậc cha mẹ lại lo lắng vì con mình dễ bị cảm lạnh. Nhưng liệu có phải thời tiết lạnh là nguyên nhân chính khiến trẻ bị bệnh? Thật ra, chính cái lạnh không trực tiếp gây ra cảm lạnh hay cúm. Tuy nhiên, mùa đông lại tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để virus phát triển và lây lan hơn và đây mới là lý do khiến cảm lạnh thường xuất hiện nhiều vào mùa này.
Một trong những nguyên nhân chính là vào mùa đông, trời lạnh khiến trẻ ít ra ngoài và dành nhiều thời gian hơn trong nhà. Khi nhiều trẻ cùng chơi trong không gian kín, việc hít chung bầu không khí hoặc chạm vào các bề mặt có chứa virus khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao.

Bên cạnh đó, một số loại virus, trong đó có virus gây cảm lạnh, lại hoạt động mạnh hơn trong điều kiện không khí lạnh và khô. Mùa đông, không khí thường có độ ẩm thấp, khiến dịch nhầy trong mũi trở nên khô và dính hơn, làm giảm khả năng “lọc virus” tự nhiên của cơ thể. Điều này giúp virus dễ xâm nhập và lây lan hơn.
Ngoài ra, thói quen sinh hoạt thay đổi vào mùa đông như ăn uống thất thường, ngủ không đủ giấc khi đi du lịch hay tham gia các dịp lễ cũng khiến hệ miễn dịch của trẻ yếu đi, khó chống chọi với virus cảm lạnh.
Trẻ bị cảm lạnh mùa đông phải làm sao?
Thời tiết lạnh và khô của mùa đông làm tăng nguy cơ cảm lạnh ở trẻ nhỏ. Bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy mũi, ho, đau họng và mệt mỏi. Mặc dù cảm lạnh ở trẻ em thường lành tính, nếu không được chăm sóc đúng cách, có thể dẫn đến kéo dài triệu chứng hoặc biến chứng hô hấp. Vậy cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị cảm lạnh trong mùa đông?
Trước tiên, cần đảm bảo độ ẩm phù hợp trong phòng. Không khí lạnh, khô có thể làm khô niêm mạc mũi và họng, khiến trẻ khó chịu hơn. Việc sử dụng máy tạo ẩm hoặc đặt chậu nước trong phòng có thể giúp duy trì độ ẩm, hỗ trợ trẻ dễ thở và ngủ sâu hơn.

Nếu trẻ có biểu hiện đau mỏi cơ thể, cha mẹ có thể sử dụng khăn ấm hoặc túi chườm ấm để đặt lên ngực, bụng hoặc lưng nhằm giảm cảm giác đau nhức, đồng thời tạo sự dễ chịu cho trẻ.
Vùng da quanh mũi trẻ thường bị kích ứng do lau mũi nhiều lần. Lúc này, có thể thoa một lớp mỏng dầu khoáng như Vaseline để giữ ẩm và làm dịu da. Trong trường hợp trẻ bị nghẹt mũi, việc nhỏ nước muối sinh lý sẽ giúp làm loãng dịch nhầy, hỗ trợ việc dẫn lưu tốt hơn, đặc biệt hữu ích cho trẻ chưa biết xì mũi.
Uống đủ nước là yếu tố quan trọng trong quá trình hồi phục. Dù vào mùa lạnh trẻ ít có cảm giác khát, nhưng vẫn có nguy cơ mất nước do sốt hoặc chảy dịch mũi. Khuyến khích trẻ uống nước ấm, nước ép trái cây hoặc sữa ấm để hỗ trợ bù dịch và tăng cường đề kháng.
Bên cạnh việc chăm sóc triệu chứng, cha mẹ cũng cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan trong gia đình. Cần rửa tay sạch sau khi chăm sóc trẻ, không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, muỗng, cốc uống nước. Đảm bảo vệ sinh các bề mặt thường xuyên tiếp xúc và vứt bỏ khăn giấy lau mũi sau mỗi lần sử dụng để giảm nguy cơ phát tán mầm bệnh.

Nhìn chung, trẻ bị cảm lạnh vào mùa đông thường có thể hồi phục sau vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu bé sốt cao liên tục, thở khò khè, mệt lả hoặc bỏ bú, hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Nên cho trẻ bị cảm lạnh ăn gì?
Khi trẻ bị cảm lạnh, bên cạnh việc nghỉ ngơi và điều trị triệu chứng, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng để giúp bé nhanh hồi phục. Mỗi món ăn nếu được lựa chọn đúng cách sẽ không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn hỗ trợ tăng sức đề kháng, làm dịu các triệu chứng khó chịu.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn là lựa chọn số một. Đây không chỉ là nguồn dinh dưỡng đầy đủ mà còn chứa nhiều kháng thể tự nhiên giúp bé chống lại virus gây cảm lạnh. Mẹ nên cho bé bú nhiều hơn khi con bị bệnh để vừa cung cấp nước, vừa tăng cường miễn dịch.
- Cháo: Tưởng đơn giản nhưng lại là một “bí quyết truyền thống” giúp bé giữ nước, làm dịu dạ dày và hỗ trợ hệ miễn dịch. Với bé trên 6 tháng tuổi, cháo loãng ấm có thể là một thức uống bù nước nhẹ nhàng mà hiệu quả.
- Nước ép lựu: Là lựa chọn lý tưởng cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Loại nước ép này giàu chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sản xuất hồng cầu và cải thiện sức đề kháng. Nếu muốn thêm hương vị, mẹ có thể cho một chút tiêu đen hoặc gừng khô – vừa ấm bụng, vừa hỗ trợ giảm ho.
- Khoai lang nghiền: Là món ăn mềm, dễ tiêu và cực kỳ giàu dưỡng chất. Loại củ này giúp tăng số lượng tế bào bạch cầu, “chiến binh” chống lại vi khuẩn và virus. Trẻ trên 6 tháng có thể ăn khoai lang dạng cháo hoặc nghiền nhuyễn.
- Súp cà chua ấm: Vừa ngon miệng lại chứa nhiều vitamin C, chất giúp làm dịu cơn ho và nghẹt mũi hiệu quả. Bé từ 8 tháng tuổi trở lên có thể ăn súp cà chua dạng loãng, kết hợp với một ít rau củ mềm.
- Mật ong: Dù không dành cho trẻ dưới 1 tuổi, nhưng với trẻ lớn hơn, đây là bài thuốc dân gian tuyệt vời. Một thìa cà phê mật ong pha nước ấm hoặc trà nhẹ có thể làm dịu cổ họng và giảm ho rõ rệt nhờ tính kháng khuẩn tự nhiên.
- Cháo đậu xanh: Rất thích hợp cho trẻ bị cảm lạnh. Món này vừa mát gan, vừa nhẹ bụng, giúp bé dễ tiêu và không bị đầy hơi. Hơn nữa, đậu xanh còn có tác dụng thanh nhiệt – phù hợp khi bé bị sốt nhẹ kèm cảm.
- Súp lơ xanh: Nghiền hoặc nấu súp. Đây là “siêu thực phẩm” cho miễn dịch, giàu vitamin A, C, E và chất chống oxy hóa. Cho bé ăn một chút súp lơ mỗi ngày trong giai đoạn cảm lạnh có thể giúp con nhanh khỏi bệnh và khỏe hơn.

Trẻ bị cảm lạnh mùa đông là tình trạng phổ biến nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu cha mẹ xử trí đúng cách và chăm sóc bé cẩn thận. Giữ ấm cơ thể, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cho bé nghỉ ngơi hợp lý và đưa bé đi khám khi cần thiết sẽ giúp con nhanh hồi phục và khỏe mạnh trong suốt mùa đông. Đặc biệt, chủ động phòng bệnh ngay từ đầu luôn là “chìa khóa” quan trọng để bảo vệ sức khỏe con yêu trước những đợt lạnh giá.