Vắc xin cúm là vắc xin bất hoạt có độ an toàn cao và được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại vắc xin nào khác, vắc xin cúm cũng có thể gây ra một số phản ứng phụ không mong muốn. Những tác dụng phụ sau khi tiêm cúm thường nhẹ, thoáng qua và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu được theo dõi đúng cách.
Tác dụng phụ của tiêm phòng cúm thường gặp
Tiêm vắc xin cúm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và các biến chứng nặng do virus cúm gây ra. Tuy an toàn và được sử dụng rộng rãi nhưng vắc xin cúm vẫn có thể gây ra một số phản ứng phụ nhẹ ở một số người sau khi tiêm. Những tác dụng phụ vắc xin cúm thường không nghiêm trọng và sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn.
Đau nhức ở cánh tay
Sau tiêm, một số người có thể cảm thấy đau nhức hoặc khó chịu ở vùng cánh tay nơi được tiêm vắc xin. Đây là phản ứng phổ biến và hoàn toàn bình thường, cho thấy hệ miễn dịch đang nhận diện kháng nguyên từ vắc xin và bắt đầu tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể. Cơn đau thường chỉ kéo dài trong 1 - 2 ngày và không ảnh hưởng lâu dài.

Đỏ, đau hoặc sưng tại chỗ tiêm
Hiện tượng đỏ, sưng hoặc đau nhẹ tại vị trí tiêm là phản ứng thường gặp sau tiêm chủng. Phản ứng này cho thấy hệ miễn dịch đang được kích hoạt.
Sốt
Sốt nhẹ dưới 38 độ C có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin cúm. Đây là biểu hiện cho thấy hệ miễn dịch đang phản ứng với kháng nguyên. Tuy nhiên, nếu người tiêm sốt cao trên 38 độ C kéo dài thì có thể đang nhiễm phải một loại virus khác không liên quan đến vắc xin cúm như virus hợp bào hô hấp hoặc cảm lạnh. Khi đó cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi
Một số người có thể gặp cảm giác buồn nôn, đau đầu hoặc mệt mỏi trong vòng 24 - 48 giờ sau tiêm. Những triệu chứng này là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi hệ miễn dịch đang hoạt động. Chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống đầy đủ dưỡng chất, các triệu chứng sẽ nhanh chóng biến mất mà không cần điều trị.

Ho hoặc hắt hơi
Một số trường hợp có thể gặp tình trạng ho nhẹ hoặc hắt hơi sau tiêm. Đây chỉ là tác dụng phụ của tiêm phòng cúm mức độ nhẹ và không kéo dài, không phải dấu hiệu của viêm họng hoặc cảm cúm.
Dị ứng
Dị ứng với vắc xin cúm là phản ứng hiếm gặp nhưng cần được lưu ý. Một số người có thể mẫn cảm với thành phần của vắc xin như kháng sinh, gelatin hoặc protein từ trứng. Biểu hiện dị ứng bao gồm khó thở, nổi mề đay, sưng môi hoặc mắt, sốt cao, nhịp tim tăng nhanh. Những phản ứng này thường xuất hiện từ vài phút đến vài giờ sau tiêm. Trong trường hợp này, cần đưa người tiêm đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Thời điểm nào nên tiêm vắc xin ngừa cúm?
Tiêm vắc xin ngừa cúm là biện pháp phòng bệnh cúm hiệu quả và an toàn được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo WHO, vắc xin cúm đã được chứng minh có khả năng giảm tới 60% nguy cơ mắc bệnh cúm và làm giảm 70 - 90% tỷ lệ tử vong liên quan đến cúm, đặc biệt ở các nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi phụ nữ mang thai hoặc người mắc bệnh mạn tính.
Do virus cúm liên tục biến đổi mỗi năm nên việc tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm là cần thiết. Thời điểm tiêm lý tưởng là trước khi mùa cúm bắt đầu. Ở bán cầu bắc, mùa cúm thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Ở bán cầu nam, dịch cúm xuất hiện nhiều từ tháng 5 - 10. Tại các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam, cúm có thể xuất hiện quanh năm, người dân nên chủ động tiêm phòng sớm để đảm bảo hiệu quả bảo vệ.
Hiện nay vắc xin cúm có ba dạng là tiêm bắp, tiêm dưới da và xịt mũi. Tuy nhiên, tại Việt Nam phổ biến nhất là dạng tiêm bắp.
Hướng dẫn xử trí an toàn các phản ứng sau tiêm phòng vắc xin cúm
Sau khi tiêm phòng vắc xin cúm, người tiêm cần được theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế trong ít nhất 30 phút để kịp thời xử lý các phản ứng tức thời. Sau đó cần tiếp tục tự theo dõi tại nhà trong vòng 24 - 48 giờ để phát hiện và xử lý kịp thời các triệu chứng bất thường nếu có.
Các tác dụng phụ của tiêm phòng cúm thường không nguy hiểm và có thể được xử lý tại nhà bằng những phương pháp đơn giản. Nếu xuất hiện tình trạng nhức đầu, đau cơ hoặc cảm giác giống cảm lạnh có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường như ibuprofen hoặc paracetamol để giảm triệu chứng. Tuy nhiên, cần tuân thủ đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Khi vùng tiêm bị sưng đỏ, đau hoặc cứng cơ quanh cánh tay, nên dùng khăn sạch thấm nước mát để chườm nhẹ giúp giảm sưng và làm dịu vùng da bị kích ứng.
Trong trường hợp bị sốt nhẹ sau tiêm, nên tăng cường uống nhiều nước lọc, nước điện giải không đường hoặc nước ép trái cây như cam bưởi chanh hoặc kiwi để tăng sức đề kháng và giúp cơ thể hạ sốt tự nhiên. Không nên tự ý lạm dụng thuốc hạ sốt vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Hiện nay, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là đơn vị y tế uy tín cung cấp dịch vụ tiêm chủng chuyên nghiệp và an toàn, được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, hệ thống bảo quản vắc xin đạt chuẩn GSP và đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm. Trung tâm luôn cập nhật đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh quan trọng, trong đó có vắc xin cúm.
Tiêm vắc xin cúm tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu giúp phòng ngừa hiệu quả các chủng virus cúm mùa phổ biến như cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B. Vắc xin cúm được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn từ 2 - 8°C, đảm bảo hiệu lực và an toàn tối đa khi tiêm. Trung tâm còn thực hiện sàng lọc trước tiêm và theo dõi sau tiêm cẩn thận nhằm hạn chế tối đa các phản ứng không mong muốn.

Tóm lại, các tác dụng phụ của tiêm phòng cúm phần lớn đều là phản ứng sinh lý bình thường và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Điều quan trọng là người tiêm cần theo dõi sức khỏe cẩn thận sau tiêm và đến cơ sở y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Tiêm vắc xin phòng cúm vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn được khuyến nghị rộng rãi.