Nội tiết tố giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiều chức năng của cơ thể. Khi mất cân bằng, chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi, tăng cân bất thường, nổi mụn hoặc thay đổi cảm xúc không rõ lý do. Dù ở độ tuổi nào, việc hiểu rõ rối loạn nội tiết tố và cách cải thiện sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc giữ gìn sức khỏe và sự ổn định lâu dài.
Rối loạn nội tiết tố là gì?
Rối loạn nội tiết tố là tình trạng hormone trong cơ thể bị mất cân bằng, khiến nhiều chức năng như trao đổi chất, sinh sản hay cảm xúc bị ảnh hưởng. Nội tiết tố là những hormone do tuyến nội tiết tiết ra, giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa các hoạt động sống hàng ngày. Tình trạng này có thể gặp ở cả nam và nữ, trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, phụ nữ trong giai đoạn dậy thì, mang thai, sau sinh hoặc tiền mãn kinh thường dễ bị ảnh hưởng hơn.

Một số rối loạn phổ biến bao gồm mất cân bằng estrogen và progesterone ở nữ giới, rối loạn testosterone ở nam, cũng như các vấn đề liên quan đến hormone tuyến giáp, insulin hoặc cortisol. Nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, rối loạn nội tiết tố có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố
Rối loạn nội tiết tố xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những yếu tố tưởng chừng như vô hại nhưng lại âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe nội tiết.
Sử dụng thuốc tránh thai kéo dài
Nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài mà không có chỉ định cụ thể có thể làm thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn và dẫn đến nhiều vấn đề về tâm lý, da liễu và sinh sản.
Căng thẳng, stress kéo dài
Khi cơ thể căng thẳng, hormone cortisol tăng cao và gây ức chế hoạt động của các hormone khác như estrogen, testosterone hay insulin dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi, nổi mụn và thậm chí là rối loạn kinh nguyệt.
Ăn uống thiếu khoa học
Chế độ ăn nghèo dinh dưỡng, thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động nội tiết. Việc tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn, chất béo sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và phá vỡ sự cân bằng hormone.
Ô nhiễm môi trường và hóa chất độc hại
Tiếp xúc thường xuyên với chất độc từ thuốc trừ sâu, nhựa, chất tẩy rửa hoặc mỹ phẩm chứa paraben, những chất này làm rối loạn hoạt động bình thường của tuyến nội tiết, nhất là ở nữ giới.

Dù nguyên nhân đến từ bên trong cơ thể hay tác động bên ngoài, thì việc hiểu và điều chỉnh kịp thời sẽ giúp nội tiết ổn định, từ đó cải thiện rõ rệt về làn da, tâm trạng và sức khỏe sinh sản.
Dấu hiệu rối loạn nội tiết tố
Rối loạn nội tiết tố không dễ nhận ra ngay từ đầu, nhưng nếu lắng nghe cơ thể, bạn sẽ thấy những dấu hiệu bất thường dưới đây:
Dấu hiệu rối loạn nội tiết tố ở nam
Rối loạn nội tiết tố nam ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh lý. Dưới đây là những dấu hiệu thường gặp để nhận biết sớm:
- Giảm ham muốn tình dục: Nam giới có thể cảm thấy không còn hứng thú với chuyện chăn gối, kèm theo tình trạng xuất tinh sớm hoặc rối loạn cương dương.
- Mệt mỏi kéo dài: Cảm giác thiếu năng lượng, uể oải dù đã ngủ đủ giấc và không làm việc nặng.
- Rụng tóc nhiều: Tóc thưa rõ rệt ở vùng thái dương, trán hoặc đỉnh đầu, có xu hướng hói sớm.
- Tăng mỡ, giảm cơ: Vùng bụng và ngực bắt đầu tích tụ mỡ, trong khi cơ bắp trở nên yếu và giảm khối lượng.
- Tâm trạng thất thường: Dễ cáu gắt, bực bội, lo âu hoặc thậm chí là trầm cảm nhẹ.
- Suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung: Khó nhớ việc mới xảy ra, mất tập trung khi làm việc hoặc giao tiếp.
Dấu hiệu rối loạn nội tiết tố ở nữ
Rối loạn nội tiết tố nữ thường biểu hiện rõ qua làn da, chu kỳ kinh nguyệt, cảm xúc và giấc ngủ. Dưới đây là những dấu hiệu điển hình mà bạn cần lưu ý:
- Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ không đều, kinh nguyệt kéo dài, chậm kinh, mất kinh hoặc rong kinh kéo dài nhiều ngày.
- Mụn nội tiết: Mụn xuất hiện nhiều quanh cằm, hàm dưới và không thuyên giảm dù đã chăm sóc da đều đặn.
- Da xấu, tóc rụng: Da trở nên khô, sạm màu, kém sức sống; tóc gãy rụng nhiều và khó mọc lại.
- Tăng cân bất thường: Dễ tăng cân ngay cả khi chế độ ăn không thay đổi, nhất là tích mỡ ở bụng và đùi.
- Giảm ham muốn tình dục: Cảm thấy không còn hứng thú khi gần gũi, thường đi kèm khô âm đạo và đau rát khi quan hệ.
- Mất ngủ, khó ngủ: Thường xuyên thức giấc vào ban đêm, khó ngủ lại hoặc ngủ không sâu giấc.
- Tâm trạng thất thường: Dễ xúc động, hay lo lắng, cáu gắt, đôi khi cảm thấy buồn bã không rõ lý do.

Dù là nam hay nữ, khi nhận thấy cơ thể thay đổi bất thường kéo dài, bạn nên chủ động kiểm tra nội tiết tố để có hướng điều trị sớm và phù hợp nhất.
Làm gì khi bị rối loạn nội tiết tố?
Một vài thay đổi nhỏ trong lối sống hằng ngày có thể tạo ra tác động tích cực đến hệ nội tiết. Dưới đây là những cách đơn giản mà hiệu quả để bạn cân bằng lại nội tiết tố một cách tự nhiên:
- Ăn uống lành mạnh: Ưu tiên thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, cá, hạt; hạn chế đường, dầu mỡ và đồ chế biến sẵn.
- Uống đủ nước: Uống khoảng 1,5 đến 2 lít mỗi ngày giúp cơ thể thải độc và duy trì trao đổi chất ổn định.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Đi bộ, yoga hoặc bơi lội 20 đến 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tuần hoàn máu và giúp hormone ổn định hơn.
- Ngủ đủ và đúng giờ: Ngủ trước 23h, từ 6 đến 8 tiếng mỗi đêm để cơ thể tái tạo và cân bằng hormone.
- Giữ tinh thần thoải mái: Thiền, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ giúp hạn chế stress.
- Tránh hóa chất độc hại: Hạn chế dùng mỹ phẩm và chất tẩy rửa chứa hương liệu mạnh, ưu tiên sản phẩm tự nhiên.
- Bổ sung thảo dược hỗ trợ: Mầm đậu nành, maca hoặc Vitex có thể hỗ trợ cân bằng nội tiết, nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ.
- Khám sức khỏe định kỳ: Đặc biệt nếu có kinh nguyệt bất thường hoặc triệu chứng kéo dài, nên kiểm tra để xử lý kịp thời.

Rối loạn nội tiết tố là tình trạng khá phổ biến, nhưng nếu lắng nghe cơ thể và chăm sóc đúng cách, bạn hoàn toàn có thể lấy lại sự cân bằng. Việc giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ và giảm áp lực mỗi ngày sẽ giúp cơ thể ổn định hơn. Nếu cần được tư vấn thêm, bạn có thể ghé Trung tâm tiêm chủng Long Châu để được hỗ trợ nhẹ nhàng và tận tâm.