icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

Phân biệt lỵ trực trùng và lỵ amip

Kim Toàn03/07/2025

Lỵ trực trùng và lỵ amip đều là bệnh truyền nhiễm phổ biến lây qua đường tiêu hóa, thường gặp ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Dù phần lớn các trường hợp đều diễn biến nhẹ, nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, việc phân biệt lỵ trực trùng và lỵ amip là bước quan trọng để chủ động nhận biết triệu chứng, phòng tránh và xử lý bệnh đúng cách ngay từ giai đoạn đầu.

Các bệnh lỵ do vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở trẻ em và người sống trong môi trường thiếu nước sạch. Trong đó, lỵ trực trùng và lỵ amip là hai thể bệnh tiêu biểu có biểu hiện lâm sàng gần giống nhau nhưng lại khác biệt về căn nguyên và cách điều trị. Việc phân biệt lỵ trực trùng và lỵ amip không chỉ giúp phòng ngừa hiệu quả mà còn hạn chế tối đa biến chứng nghiêm trọng do điều trị sai hướng.

Bệnh lỵ trực trùng và lỵ amip là gì?

Lỵ trực trùng

Lỵ trực trùng là một bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính tại đường tiêu hóa, do vi khuẩn Shigella gây ra. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch, tuy nhiên phần lớn trường hợp có diễn tiến nhẹ và ít gây tử vong. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng cảnh báo về gánh nặng toàn cầu của bệnh lý này. Theo số liệu, lỵ trực trùng phổ biến ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới và những khu vực đang phát triển. Ước tính mỗi năm có khoảng 140 triệu ca mắc và 600.000 trường hợp tử vong do bệnh. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh vẫn ở mức cao, với hai chủng thường gặp nhất là Shigella flexneri và Shigella sonnei.

Phân biệt lỵ trực trùng và lỵ amip 1
Vi khuẩn Shigella chính là tác nhân gây nên bệnh lỵ trực trùng

Lỵ amip

Lỵ amip là một dạng nhiễm trùng đường ruột do ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây ra. Căn bệnh này có thể khiến người bệnh bị tiêu chảy, buồn nôn, sốt và đau bụng dữ dội. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể không rõ ràng, khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn.

Bất kỳ ai cũng có khả năng mắc lỵ amip, đặc biệt là ở những khu vực nhiệt đới có điều kiện vệ sinh kém. Những yếu tố dễ làm lây lan bệnh bao gồm:

  • Nhà vệ sinh không được giữ gìn sạch sẽ;
  • Khu vực hoặc dụng cụ rửa tay không đảm bảo vệ sinh;
  • Việc xử lý nước thải không đúng quy trình.

Dấu hiệu bệnh lỵ trực trùng và lỵ amip

Bệnh lỵ trực trùng

Bệnh lỵ trực trùng thường khởi phát nhanh chóng, với thời gian ủ bệnh ngắn, dao động từ 1 đến 3 ngày sau khi vi khuẩn Shigella xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thời gian khởi phát có thể kéo dài hơn, và thậm chí người nhiễm có thể không biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt.

Về mặt lâm sàng, bệnh thường biểu hiện với các dấu hiệu đặc trưng, dễ nhận biết như:

  • Sốt nhẹ đến sốt cao, nhiệt độ cơ thể từ 37,5°C đến 39°C;
  • Đau quặn bụng thành từng cơn, chủ yếu ở vùng hạ vị;
  • Tiêu chảy phân lỏng, số lượng nhiều;
  • Buồn nôn và/hoặc nôn ói;
  • Đau nhức cơ toàn thân, cảm giác mệt mỏi;
  • Phân có lẫn máu và chất nhầy.

Đáng lưu ý, có những trường hợp nhiễm vi khuẩn Shigella nhưng không có biểu hiện lâm sàng điển hình; tuy vậy, người bệnh vẫn có thể bài tiết vi khuẩn qua phân và là nguồn lây lan trong cộng đồng kéo dài trong vài tuần sau nhiễm.

Bệnh lỵ amip

Lỵ amip thường không biểu hiện rõ ràng qua các triệu chứng cụ thể, nhất là trong lần nhiễm đầu tiên. Tuy nhiên, người bệnh có thể xuất hiện một số dấu hiệu điển hình trong khoảng 4 tuần sau khi nhiễm như:

  • Đau bụng;
  • Tiêu chảy;
  • Chảy máu trực tràng;
  • Sốt;
  • Phân lỏng, nhiều nước;
  • Buồn nôn.

Ký sinh trùng Entamoeba histolytica có thể tồn tại trong ruột một thời gian dài mà không gây ra biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Vì vậy, khi vừa chuyển đến hoặc sinh sống tại những khu vực có điều kiện vệ sinh kém, tốt nhất nên chủ động kiểm tra sức khỏe, làm xét nghiệm để kịp thời phát hiện và điều trị sớm.

Thời điểm khởi phát bệnh ở mỗi người có thể rất khác nhau. Trong nhiều trường hợp, tình trạng nhiễm không triệu chứng có thể kéo dài trung bình hơn một năm. Một số nghiên cứu cho rằng sự khác biệt về mức độ biểu hiện này có thể liên quan đến chủng loại amip, phản ứng miễn dịch của cơ thể hoặc sự tương tác với các loại vi khuẩn, virus khác.

Phân biệt lỵ trực trùng và lỵ amip 2
Tiêu chảy là dấu hiệu phổ biến thường gặp ở người mắc bệnh lỵ trực trùng và lỵ amip

Nguyên nhân mắc lỵ trực trùng và lỵ amip

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ mắc lỵ trực trùng

Bệnh lỵ trực trùng do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có ba nguyên nhân chủ yếu sau:

  • Nguồn nước bị ô nhiễm: Vào mùa hè, thời tiết thay đổi bất thường với nền nhiệt cao kết hợp cùng những trận mưa lớn kéo dài khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng loạt vi sinh vật từ đất, bụi bẩn và rác thải bị cuốn trôi theo dòng nước, lan rộng ra nhiều khu vực. Nguồn nước bẩn này mang theo hàng tỷ vi khuẩn Shigella xâm nhập vào bể chứa nước sinh hoạt, nhà tắm, khu dân cư và các khu vực công cộng, từ đó lây nhiễm bệnh lỵ trực trùng cho con người.
  • Tiếp xúc gián tiếp với vi khuẩn Shigella: Nếu người chăm sóc không rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi thay tã cho trẻ nhỏ bị nhiễm khuẩn Shigella, họ có thể vô tình nhiễm bệnh do tiếp xúc với mầm bệnh.
  • Tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn: Bệnh cũng có thể lây lan thông qua thực phẩm nhiễm khuẩn. Ví dụ, người chế biến thực phẩm đang mang mầm bệnh lỵ trực trùng có thể truyền vi khuẩn cho người sử dụng. Ngoài ra, việc chế biến thức ăn ở gần khu vực ô nhiễm, chẳng hạn gần nơi xả thải, cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Lỵ trực trùng thường xảy ra nhiều nhất ở trẻ nhỏ từ 2 đến 4 tuổi do hệ miễn dịch còn yếu và thói quen vệ sinh cá nhân chưa được hình thành đầy đủ. Bệnh dễ bùng phát tại những nơi tập trung đông trẻ như nhà trẻ, trường mầm non, tiểu học hoặc các cơ sở giữ trẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Trong gia đình có trẻ bị lỵ trực trùng, các thành viên khác cũng có khả năng lây nhiễm cao. Tại các quốc gia đang phát triển, nơi điều kiện cấp nước sạch còn hạn chế, người dân thường mắc bệnh lỵ trực trùng với mức độ nghiêm trọng hơn và quá trình điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.

Phân biệt lỵ trực trùng và lỵ amip 3
Nguồn nước ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc lỵ trực trùng

Nguyên nhân mắc lỵ amip

Bệnh lỵ amip khởi phát do sự xâm nhập của ký sinh trùng Entamoeba histolytica vào đường tiêu hóa. Một số con đường lây truyền phổ biến bao gồm:

  • Tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm ký sinh trùng;
  • Chạm tay vào các bề mặt có chứa bào nang (trứng) của ký sinh trùng rồi vô tình đưa tay lên miệng;
  • Tiếp xúc với phân người nhiễm bệnh, đặc biệt trong các trường hợp như: Quan hệ tình dục qua đường hậu môn, hoặc sinh sống và du lịch đến những khu vực có điều kiện vệ sinh kém an toàn…

Cách phòng ngừa bệnh lỵ trực trùng và lỵ amip

Bệnh lỵ trực trùng và lỵ amip đều là những bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, chủ yếu do vệ sinh kém và sử dụng thực phẩm hoặc nước uống nhiễm khuẩn. Để giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế lây lan trong cộng đồng, cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp sau:

Giữ gìn vệ sinh cá nhân:

  • Rửa tay đúng cách với xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ nhỏ hoặc chăm sóc người bệnh. Nên chà tay kỹ trong ít nhất 20 giây.
  • Dùng dung dịch sát khuẩn tay chứa cồn 70–80 độ trong trường hợp không có nước và xà phòng.
  • Ngừng đi học, đi làm và đến cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa nếu có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn nước:

  • Chỉ sử dụng thực phẩm tươi sạch, đã nấu chín kỹ. Tránh ăn sống hoặc nấu chưa kỹ.
  • Tách riêng thực phẩm sống và chín trong quá trình sơ chế, sử dụng dụng cụ sạch.
  • Duy trì bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, tránh để lâu ở nhiệt độ phòng.
  • Uống nước đun sôi hoặc nước đóng chai có nguồn gốc rõ ràng. Tránh dùng nước đá không rõ nơi sản xuất.
  • Không dùng phân tươi để bón cây trồng, đặc biệt là rau ăn sống.
Phân biệt lỵ trực trùng và lỵ amip 4
Chế biến thực phẩm hợp vệ sinh giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh lỵ amip

Quản lý môi trường sống và chất thải đúng cách:

  • Sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh, tuyệt đối không phóng uế ra môi trường.
  • Xử lý chất thải và phân của người bệnh bằng vôi sống 20% hoặc nước vôi 10%.
  • Tiệt trùng quần áo, đồ dùng cá nhân của người bệnh bằng cách ngâm nước sôi hoặc dung dịch Cloramin B 2%.

Cách ly và theo dõi người bệnh:

  • Cách ly người mắc bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm ra khỏi khu vực chế biến thức ăn, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi hoặc người có miễn dịch kém.
  • Người chăm sóc bệnh nhân cần được theo dõi trong vòng 7 ngày, rửa tay kỹ sau mỗi lần tiếp xúc.

Chủ động thăm khám và điều trị:

Khi có dấu hiệu nghi ngờ như tiêu chảy nhiều lần, đau bụng, sốt hoặc đi ngoài phân nhầy máu, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tự điều trị tại nhà.

Tóm lại, lỵ trực trùng và lỵ amip tuy có triệu chứng giống nhau nhưng khác nhau về nguyên nhân, đường lây và cách điều trị. Việc phân biệt chính xác hai bệnh giúp phòng ngừa hiệu quả và tránh biến chứng nguy hiểm. Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích. Đừng quên theo dõi website Long Châu để cập nhật thêm nhiều bài viết về sức khỏe.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NỘI DUNG LIÊN QUAN