icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
noi_hach_o_nach_1_68a1e4d21fnoi_hach_o_nach_1_68a1e4d21f

Nổi hạch ở nách là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Hà Phương30/06/2025

Nổi hạch ở nách là tình trạng có thể khiến nhiều người lo lắng. Các hạch bạch huyết ở vùng nách đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Khi các hạch này bị sưng, bạn có thể cảm thấy đau, sưng to và gặp khó khăn khi cử động cánh tay bị ảnh hưởng. Tình trạng này có thể làm hạn chế vận động, gây trở ngại trong các hoạt động đơn giản hằng ngày như nâng đồ vật, tập thể dục hoặc mặc quần áo. Việc xác định nguyên nhân là rất quan trọng để đảm bảo có hướng điều trị phù hợp.

Tìm hiểu chung về bệnh nổi hạch ở nách

Hạch bạch huyết là một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, đóng vai trò như trạm kiểm soát giúp cơ thể phát hiện và chống lại các tác nhân gây bệnh. Ở vùng nách, hệ thống hạch bạch huyết hoạt động rất mạnh mẽ vì đây là nơi tập trung nhiều tuyến bạch huyết dẫn lưu từ cánh tay, ngực và vú.

Nổi hạch ở nách xảy ra khi các hạch bạch huyết này bị kích thích hoặc viêm do phản ứng miễn dịch, nhiễm trùng, hoặc các bệnh lý khác như lao, u lympho, và cả ung thư di căn. Không phải tất cả các trường hợp nổi hạch ở nách đều là bệnh lý nghiêm trọng, nhưng việc hạch tồn tại lâu ngày, không đau, lại là tín hiệu cảnh báo mà bạn  không nên xem nhẹ.

Triệu chứng bệnh nổi hạch ở nách

Những dấu hiệu và triệu chứng của nổi hạch ở nách

Triệu chứng nổi hạch ở nách có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bạn có thể biểu hiện một số triệu chứng như:

  • Xuất hiện khối cứng hoặc mềm dưới da vùng nách: Thường có hình tròn hoặc bầu dục, kích thước dao động từ vài mm đến vài cm. Có thể sờ thấy một hoặc nhiều hạch.
  • Hạch mềm, di động, đau thường gợi ý tình trạng viêm nhiễm cấp tính hoặc phản ứng miễn dịch.
  • Hạch cứng, chắc, không đau, ít di động hoặc dính vào mô xung quanh có thể là dấu hiệu của bệnh lý mạn tính như lao hạch hoặc ung thư hạch.
  • Đau hoặc cảm giác căng tức vùng nách: Có thể tăng lên khi vận động cánh tay hoặc khi đụng chạm vào vùng có hạch.
  • Biểu hiện toàn thân như sốt nhẹ hoặc sốt kéo dài gợi ý nhiễm trùng hoặc lao; sụt cân không rõ lý do, chán ăn, mệt mỏi thường gặp trong ung thư hoặc lao; đổ mồ hôi ban đêm hoặc sốt về chiều thường gặp ở lao hạch hoặc lymphoma.
  • Thay đổi da vùng nách: Da có thể đỏ, nóng, sưng nếu hạch viêm cấp. Trường hợp hạch hoại tử hoặc vỡ, có thể rỉ dịch mủ, tạo lỗ dò ra ngoài da, gây đau nhức và khó chịu.
  • Triệu chứng khác: Đau hoặc tê vùng cánh tay nếu hạch chèn ép dây thần kinh. Hạch có thể đi kèm triệu chứng của bệnh khác, ví dụ đau ngực, tiết dịch vú bất thường (nếu là ung thư vú), hoặc ho, khó thở (nếu do ung thư phổi).

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nổi hạch ở nách

Mặc dù đa số các trường hợp nổi hạch ở nách là phản ứng lành tính, tuy nhiên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng:

  • Chèn ép mạch máu và dây thần kinh vùng nách, gây tê tay, đau nhức, yếu cơ hoặc phù chi trên.
  • Hạch hóa mủ, vỡ và rò dịch ra da, gây đau đớn, mất thẩm mỹ và nguy cơ nhiễm trùng lan rộng.
  • Di căn ung thư nếu là hạch ác tính, tế bào ung thư có thể lan đến phổi, gan, xương…
  • Ảnh hưởng tâm lý do hạch to kéo dài gây lo âu, mất tự tin trong sinh hoạt hằng ngày.
Nổi hạch ở nách là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 1.png
Nổi hạch ở nách to kéo dài lâu có thể gây mất thẩm mỹ và khiến bạn mất tự tin

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu gặp một trong các dấu hiệu sau:

  • Hạch ở nách kéo dài hơn 2 tuần không có dấu hiệu nhỏ lại.
  • Hạch to dần theo thời gian, cứng, không đau, hoặc dính vào mô xung quanh.
  • Có biểu hiện toàn thân như sốt dai dẳng, đổ mồ hôi đêm, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi kéo dài.
  • Da vùng hạch sưng, nóng, đỏ hoặc chảy dịch mủ, gây đau nhiều hoặc có mùi hôi.
  • Hạch xuất hiện kèm theo triệu chứng bất thường ở vùng vú (đau, tiết dịch, sưng vú) hoặc phổi (ho kéo dài, đau ngực).

Nguyên nhân gây bệnh nổi hạch ở nách

Nhiễm trùng

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Khi có nhiễm trùng tại vùng chi trên, ngực, vú hoặc toàn thân, hệ miễn dịch sẽ huy động tế bào bạch cầu tập trung tại hạch, gây sưng to:

  • Nhiễm trùng da: Viêm nang lông, viêm tuyến mồ hôi, nhọt, áp xe ở tay hoặc nách.
  • Nhiễm trùng hệ thống: Sốt siêu vi, bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, rubella, toxoplasma.
  • Lao hạch: Là dạng lao ngoài phổi, thường gây hạch cứng, không đau, có thể rò mủ.
  • HIV/AIDS: Gây nổi hạch toàn thân, trong đó có hạch nách.

Bệnh lý ác tính

Một số bệnh ung thư có thể gây nổi hạch ở nách, do tế bào ung thư di chuyển theo đường bạch huyết:

  • Ung thư vú: Là nguyên nhân hàng đầu gây hạch di căn nách ở nữ giới, đặc biệt khi có khối u kèm theo.
  • Ung thư phổi, dạ dày, gan, hạch Hodgkin hoặc không Hodgkin: Cũng có thể gây nổi hạch nách.

Hạch trong các trường hợp ác tính thường to nhanh, cứng, dính, không đau, không đáp ứng kháng sinh thông thường.

Nổi hạch ở nách là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 2.png
Ung thư vú là nguyên nhân thường gặp gây nổi hạch ở nách

Bệnh tự miễn

Một số bệnh lý gây rối loạn hệ miễn dịch có thể làm hệ bạch huyết hoạt động bất thường, dẫn đến nổi hạch:

  • Lupus ban đỏ hệ thống;
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Hội chứng Sjogren.

Những bệnh này thường đi kèm với các biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, phát ban, viêm khớp…

Tác dụng phụ của thuốc

Một số thuốc có thể gây tình trạng nổi hạch ở nách như:

  • Phenytoin (thuốc chống động kinh);
  • Thuốc chống lao;
  • Một số thuốc kháng sinh hoặc hóa trị.

Nguyên nhân khác

  • U lành tuyến mồ hôi, u bã đậu vùng nách cũng có thể bị nhầm với hạch.
  • Một số rối loạn bạch huyết di truyền hiếm gặp cũng gây nổi hạch bất thường.

Nguy cơ gây bệnh nổi hạch ở nách

Những ai có nguy cơ mắc bệnh nổi hạch ở nách?

Bất kỳ ai cũng có thể bị nổi hạch ở nách, nhưng bạn có nguy cơ cao hơn nếu:

  • Người từng mắc các bệnh nhiễm trùng vùng chi trên, như nhọt, viêm da, viêm tuyến mồ hôi ở nách.
  • Người đang điều trị hoặc có tiền sử mắc lao, HIV/AIDS.
  • Phụ nữ trong độ tuổi từ 35 trở lên, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình bị ung thư vú.
  • Người có bệnh lý miễn dịch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nổi hạch ở nách

Một số yếu tố có thể tăng khả năng bị nổi hạch ở nách:

  • Vệ sinh kém vùng nách, dễ gây viêm nang lông, nhiễm trùng da.
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật vùng chi trên hoặc ngực, làm ảnh hưởng hệ bạch huyết.
  • Sử dụng thuốc gây phì đại hạch (như phenytoin, hydantoin, một số thuốc kháng sinh).
  • Chế độ dinh dưỡng kém, thiếu vi chất, khiến cơ thể dễ nhiễm trùng hoặc đáp ứng miễn dịch bất thường.
  • Lạm dụng mỹ phẩm vùng nách, đặc biệt là các sản phẩm gây kích ứng, bít tắc nang lông.
Nổi hạch ở nách là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 3.png
Sử dụng các sản phẩm không phù hợp khiến nang lông bị bít tắc làm tăng nguy cơ nổi hạch ở nách

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh nổi hạch ở nách

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nổi hạch ở nách

Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân nổi hạch ở nách dựa vào bệnh sử và thăm khám kỹ lưỡng. Bác sĩ sẽ đánh giá vị trí, kích thước, tính chất và mức độ di động của hạch, cũng như các triệu chứng kèm theo như sốt, sụt cân, đổ mồ hôi đêm, đau hoặc tiết dịch.

Các xét nghiệm thường được bác sĩ chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán bao gồm công thức máu, tốc độ lắng máu, xét nghiệm viêm, các xét nghiệm đặc hiệu như HIV, kháng thể tự miễn… Siêu âm hạch có thể giúp xác định đặc điểm cấu trúc bên trong hạch và phân biệt với khối u khác.

Trong những trường hợp nghi ngờ hạch do nguyên nhân ác tính hoặc chẩn đoán chưa rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, sinh thiết hạch hoặc chụp CT-scan, MRI vùng ngực - nách để đánh giá được toàn diện hơn.

Phương pháp điều trị nổi hạch ở nách hiệu quả

Phương pháp điều trị phù hợp cần căn cứ vào nguyên nhân cụ thể, mức độ tiến triển và thể trạng của bạn.

Nội khoa

Điều trị nội khoa là phương pháp được ưu tiên trong phần lớn các trường hợp nổi hạch ở nách, đặc biệt khi nguyên nhân là lành tính.

  • Kháng sinh và kháng viêm: Khi hạch là hậu quả của nhiễm trùng da, mô mềm hoặc viêm tuyến mồ hôi ở vùng nách, chi trên. Việc dùng thuốc giúp giảm sưng, đau và ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng.
  • Thuốc kháng lao: Trường hợp hạch do lao, cần tuân thủ phác đồ điều trị lao kéo dài từ 6 - 9 tháng.
  • Điều trị bệnh lý nền: Thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid để kiểm soát tình trạng viêm hệ thống đối với bệnh lý tự miễn.
  • Điều trị HIV/AIDS: Thuốc kháng virus (ARV) đều đặn giúp cải thiện tình trạng hạch và tăng cường miễn dịch.
  • Hóa trị và xạ trị: Nếu xác định hạch do ung thư (như lymphoma, di căn ung thư vú), người bệnh sẽ được chỉ định hóa trị hoặc xạ trị theo phác đồ chuyên khoa ung bướu.

Ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi hạch không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc có dấu hiệu nghi ngờ ác tính. Phẫu thuật cắt bỏ hạch thường được chỉ định trong các trường hợp hạch nghi do ung thư, hoặc hạch hoại tử, hóa mủ không đáp ứng điều trị nội khoa.

Nổi hạch ở nách là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 4.png
Nếu điều trị nội khoa không đáp ứng bạn có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ hạch ở nách

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh nổi hạch ở nách

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nổi hạch ở nách

Chế độ sinh hoạt

  • Giữ vệ sinh vùng nách sạch sẽ, tránh cạo hoặc gãi mạnh.
  • Không tự ý chích, nặn hoặc đắp thuốc lên vùng hạch.
  • Không sử dụng lăn khử mùi chứa cồn nếu da đang tổn thương.
  • Tuân thủ thuốc và tái khám đúng lịch hẹn.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, tăng cường sức đề kháng.
  • Không rượu bia, không hút thuốc lá, nhất là nếu nghi ngờ ung thư.
Nổi hạch ở nách là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 5.png
Tránh cạo hay làm tổn thương vùng nách

Chế độ dinh dưỡng

  • Hạn chế thức ăn dầu mỡ, cay nóng, đồ ngọt.
  • Tăng cường đạm từ cá, trứng, sữa, đậu nành để phục hồi mô tổn thương.

Phương pháp phòng ngừa nổi hạch ở nách hiệu quả

Mặc dù bạn không thể phòng ngừa tất cả các trường hợp nổi hạch ở nách, việc duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

  • Giữ vệ sinh vùng nách sạch sẽ: Tắm rửa hằng ngày, đặc biệt sau khi ra nhiều mồ hôi hoặc vận động mạnh; tránh để vùng nách ẩm ướt.
  • Tránh cạo hoặc nhổ lông nách không đúng cách, vì có thể gây viêm nang lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh bằng cách ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng kéo dài và luyện tập thể dục đều đặn.
  • Khám sức khỏe định kỳ, nhất là nếu bạn có tiền sử ung thư vú, bệnh lý miễn dịch hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.
  • Tự kiểm tra vùng nách định kỳ, nhất là sau tiêm vắc xin hoặc nếu cảm thấy bất thường (sờ thấy hạch, thấy đau, sưng nhẹ).
Nổi hạch ở nách là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 6.png
Tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc giúp hệ miễn dịch cơ thể khỏe mạnh

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Không. Hạch sưng nhẹ ở nách cùng bên tiêm (đặc biệt là vắc xin COVID-19) là phản ứng miễn dịch bình thường và thường tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, nếu hạch to dần, đau hoặc kéo dài, bạn nên đi khám để kiểm tra.

Tuyệt đối không. Việc tự can thiệp vào hạch có thể gây nhiễm trùng, áp xe hoặc lan viêm ra vùng da lân cận.

Ở một số phụ nữ, hạch nách có thể hơi sưng nhẹ hoặc căng đau gần chu kỳ kinh do thay đổi nội tiết tố. Tuy nhiên, đây là phản ứng sinh lý tạm thời và sẽ biến mất sau vài ngày. Nếu hạch kéo dài, vẫn cần khám để loại trừ bệnh lý.

Có. Nếu nguyên nhân gây hạch không được điều trị triệt để hạch có thể tái lại. Ngoài ra, người có hệ miễn dịch yếu hoặc điều trị không đúng cách cũng dễ bị tái phát.

Không nên tự ý dùng thuốc nam, đắp lá hoặc xông hơi vùng hạch nếu chưa có chẩn đoán rõ ràng. Những cách này có thể làm hạch viêm nặng hơn, gây bỏng da hoặc nhiễm trùng.