Không chỉ riêng bún đậu, mắm tôm còn là thành phần của rất nhiều món ăn khác nhau như bún riêu, bún thang, cà pháo dầm mắm tôm hay dùng làm nước chấm thịt lợn, chấm lòng lợn,... Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc một số thông tin quan trọng, giải đáp cho thắc mắc “Mẹ bầu ăn mắm tôm được không?”, nếu còn chưa biết rõ câu trả lời, bạn đọc chớ vội bỏ qua bài viết này nhé.
Mẹ bầu ăn mắm tôm được không?
Mắm tôm có thành phần chính là tôm, tép ủ lên men cùng với muối. Người ta sử dụng hỗn hợp này để tạo ra mùi vị và màu sắc đặc trưng của mắm. Nhìn chung, mắm tôm hay nước mắm đều có lượng dự trữ đạm rất tốt, khá dễ hấp thụ và tương đối an toàn do có quá trình sàng lọc cẩn thận và ủ lên men rất lâu. Vậy, mẹ bầu ăn mắm tôm được không?
Theo đó, trong 100g mắm tôm loại đặc sẽ có chứa khoảng 83.7g nước, 73kcal, 1.5g chất béo, 14.8g đạm cùng các vitamin B, DHA,... Vì có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng giá trị, tốt cho sức khỏe nên các chị em hoàn toàn có thể ăn mắm tôm trong thời gian mang thai.

Tác dụng của mắm tôm đối với sức khỏe
Mắm tôm là một loại gia vị truyền thống được làm từ tôm hoặc tép lên men, có vị mặn đặc trưng và thường dùng để tăng hương vị cho các món ăn. Về mặt dinh dưỡng, mắm tôm có thể cung cấp một lượng nhỏ đạm, khoáng chất và vitamin nhóm B, do có nguồn gốc từ hải sản. Nếu được sản xuất và bảo quản đúng cách, mắm tôm có thể góp phần kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng hơn.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, song, các mẹ bầu chỉ nên ăn mắm tôm ở mức độ vừa phải, tuyệt đối không nên ăn quá thường xuyên hay lạm dụng loại thực phẩm này.
Mặt khác, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nên hạn chế tối đa việc ăn mắm tôm. Lý do là bởi 3 tháng đầu là thời điểm thai kỳ chưa ổn định, cần thận trọng tuyệt đối, nếu ăn những loại thực phẩm có tính mạnh như mắm tôm thì có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt là với một số loại mắm tôm trong quá trình muối có thêm dứa gai vào để làm dậy vị mắm. Trong khi đó, dứa lại là nguyên nhân có thể khiến cho các mẹ bầu 3 tháng đầu dễ bị sảy thai. Do đó, hãy thận trọng trước khi đưa ra quyết định sử dụng mắm tôm.

Lưu ý khi lựa chọn mắm tôm cho mẹ bầu
Phụ nữ mang thai là đối tượng có hệ miễn dịch kém, trong khi đó, mắm tôm lại được tạo ra từ môi trường thuận lợi giúp các loại vi khuẩn phát triển. Do đó, nếu không cẩn thận, mẹ bầu sử dụng mắm tôm có thể gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Hơn nữa, mắm tôm có vị mặn, ăn lượng lớn sẽ dẫn tới hiện tượng tăng huyết áp, phù nề cùng các triệu chứng mất nước, mệt mỏi, buồn bực,... rất nguy hiểm. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi ăn mắm tôm, mẹ bầu hãy ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Dựa trên mùi vị: Mắm tôm khi chín sẽ có mùi hơi nồng rất đặc trưng, ngửi kỹ sẽ thấy thơm nhẹ, vị khá mặn. Tuyệt đối không lựa chọn và sử dụng các loại mắm tôm có mùi tanh hay mùi lạ, vị không mặn.
- Dựa trên màu sắc: Mắm tôm thường có màu sim chín hoặc tím nhẹ. Đây là màu nguyên bản của mắm tôm truyền thống. Ngược lại, nếu bạn thấy mắm tôm có màu tím đỏ thì không nên sử dụng, đây là sản phẩm mắm tôm đã bị can thiệp phẩm màu, rất không an toàn cho sức khỏe.
- Chọn nguyên liệu đảm bảo: Khi chọn mắm tôm hay bất cứ nguyên liệu nào để kết hợp sử dụng với mắm tôm cần tuân thủ theo nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm. Chọn mua nguyên liệu tại các cơ sở cung cấp lớn, uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ và còn tươi ngon, sạch sẽ. Với các mẹ bầu, cần tránh lựa chọn các nguyên liệu dễ gây kích ứng, dị ứng.
- Chế biến đúng cách: Mẹ bầu ăn mắm tôm được không phụ thuộc rất nhiều vào quy trình chế biến. Vì thế, mẹ bầu chỉ nên ăn mắm tôm khi đã được nấu chín kỹ. Mắm tôm được nấu chín kỹ sẽ không còn vi khuẩn có thể gây hại cho thai nhi và đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hóa, hạn chế các vấn đề về tiêu hóa sau khi ăn như đau bụng, tiêu chảy,...

Như vậy, thắc mắc “Mẹ bầu ăn mắm tôm được không?” đã được giải đáp một cách kỹ lưỡng. Các chị em có thể ăn mắm tôm trong giai đoạn mang thai với mức độ vừa phải, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, với các mẹ bầu 3 tháng đầu, cần hạn chế ở mức tối đa để sức khỏe của bản thân cũng như thai nhi ổn định.
Chăm sóc sức khỏe giai đoạn mang thai là việc cực kỳ quan trọng. Vì thế, bên cạnh chế độ dinh dưỡng, các mẹ đừng quên luyện tập thể dục thường xuyên, giữ tâm trạng vui vẻ, khám thai định kỳ cũng như thực hiện tiêm các loại vắc xin quan trọng như vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng thủy đậu, vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván,... đầy đủ trong quá trình mang thai. Việc này sẽ giúp đảm bảo mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, con chào đời bình an, phát triển ổn định. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hay có nhu cầu đăng ký tiêm chủng, hãy liên hệ với Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được tư vấn chi tiết.