Thương hàn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa do vi khuẩn Salmonella typhi xâm nhập vào cơ thể qua thực phẩm, nước uống nhiễm khuẩn. Trong nhiều trường hợp, bệnh cảm thương hàn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.
Bệnh cảm thương hàn là gì?
Thương hàn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn Trực khuẩn thương hàn (Salmonella typhi) và phó thương hàn (Salmonella paratyphi A, B) gây nên. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, kèm đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng. Bệnh thương hàn thông thường có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng hay gặp nhất ở trẻ nhỏ do khả năng đề kháng kém và những người sống trong điều kiện vệ sinh kém.
/cam_thuong_han_la_gi_trieu_chung_va_cach_dieu_tri_2_32731b97b4.png)
Bệnh lây truyền qua đường phân – miệng, phổ biến nhất là lây truyền gián tiếp qua thực phẩm chưa nấu chín, nước uống bị dây nhiễm phân có vi khuẩn. Ở vùng dịch thương hàn, ruồi có thể mang vi khuẩn trong chân rồi đậu lên thức ăn làm dây nhiễm thức ăn. Một số ít trường hợp bệnh được lây truyền trực tiếp từ người bệnh qua người khác sống chung nhà, hay qua sinh hoạt tình dục qua đường miệng; hoặc có thể nhân viên phòng xét nghiệm bị lây khi làm việc với vi khuẩn.
Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: thủng đường tiêu hóa, chảy máu tiêu hóa, viêm não, viêm màng não,...
Triệu chứng của bệnh cảm thương hàn theo từng giai đoạn
Triệu chứng điển hình của bệnh cảm thương hàn phát triển theo các giai đoạn như sau:
Giai đoạn ủ bệnh
Cảm thương hàn thường có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3 - 21 ngày, trung bình từ 7 - 14 ngày. Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể nhưng chưa gây ra triệu chứng rõ ràng.
Sau khi đi vào cơ thể qua đường tiêu hóa, trực khuẩn thương hàn sẽ theo dòng chảy đến dạ dày, sau đó di chuyển xuống ruột và tiếp tục xâm nhập vào máu. Trên hành trình này, một phần vi khuẩn sẽ bị hệ miễn dịch tiêu diệt, nhưng số còn lại có thể bám vào các mô bạch huyết, sinh sôi và phát triển. Mặc dù trong giai đoạn này người bệnh thường chưa có triệu chứng lâm sàng cụ thể, nhưng người bệnh vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác.
Giai đoạn khởi phát
Khi vi khuẩn đã xâm nhập vào máu, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch. Các tế bào tại gan, lách và tủy xương tham gia tiêu diệt vi khuẩn, dẫn đến quá trình giải phóng các chất trung gian gây viêm, từ đó xuất hiện các triệu chứng ban đầu.
Các dấu hiệu thường gặp bao gồm:
- Sốt tăng dần trong 5 - 7 ngày đầu, thường sốt cao vào buổi chiều.
- Cơ thể mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, có thể bị nhức mỏi cơ bắp và mất ngủ.
- Các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Đôi khi có cảm giác đau tức vùng bụng và ngực.
- Ở trẻ nhỏ, có thể xuất hiện chảy máu cam.
/cam_thuong_han_la_gi_trieu_chung_va_cach_dieu_tri_1_32828014ff.png)
Giai đoạn toàn phát
Bước sang tuần thứ hai của bệnh, vi khuẩn tiếp tục sinh sôi trong máu và sản sinh nội độc tố, làm cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 2 - 3 tuần.
Triệu chứng điển hình:
- Sốt cao liên tục trên 39°C, kèm theo đau đầu, chóng mặt, cơ thể suy nhược. Một số người bệnh có thể bị rét run, đổ mồ hôi.
- Biểu hiện nhiễm trùng rõ rệt như môi khô, lưỡi trắng bẩn, đầu lưỡi đỏ, mặt đỏ, hơi thở có mùi khó chịu. Một số trường hợp xuất hiện tình trạng mạch nhiệt phân ly.
- Bệnh nhân có thể tỉnh táo trong giai đoạn đầu, nhưng nếu bệnh diễn tiến nặng, có nguy cơ rơi vào trạng thái hôn mê.
- Rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày (khoảng 5 - 6 lần), phân lỏng có mùi hôi khó chịu, bụng chướng, đầy hơi.
- Từ ngày 7 - 10, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện hồng ban ở nhiều vị trí như vùng ngực, bụng, hông và tự biến mất sau 2 - 3 ngày.
- Một số bệnh nhân có thể có gan to, lách to, loét vòm họng hoặc biểu hiện viêm phổi, suy tim.
Giai đoạn lui bệnh
Nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách hoặc trường hợp nhiễm nhẹ, bệnh sẽ dần thuyên giảm, thường vào tuần thứ 3 hoặc 4. Một số dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phục hồi như:
- Sốt giảm dần, các triệu chứng suy nhược cơ thể thuyên giảm, sức khỏe phục hồi.
- Ở trẻ em dưới 5 tuổi, các biểu hiện bệnh có thể không điển hình, thường kèm tiêu chảy, nôn mửa hơn là táo bón. Hiện tượng sốt cao có nguy cơ gây co giật, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi có thể diễn tiến bệnh rất nặng, dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho não và các cơ quan khác.
- Ở người lớn, quá trình lui bệnh diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu như người mắc tiểu đường hoặc các bệnh lý liên quan đến đường mật có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng hơn.
/cam_thuong_han_la_gi_trieu_chung_va_cach_dieu_tri_4_242a2eb5e6.png)
Cách chẩn đoán và điều trị bệnh cảm thương hàn
Để xác định bệnh sốt thương hàn, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tiền sử bệnh, các triệu chứng mà người bệnh gặp phải, thời điểm phát bệnh, những địa điểm đã đi qua gần đây cũng như nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Sau đó, một số xét nghiệm quan trọng có thể được chỉ định để xác định nguyên nhân chính xác như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tủy xương, chụp X-quang phổi và siêu âm bụng.
Phương pháp điều trị mang lại hiệu quả kiểm soát bệnh tốt nhất là sử dụng kháng sinh. Loại kháng sinh được kê đơn cũng như thời gian điều trị sẽ được điều chỉnh dựa trên mức độ nhiễm khuẩn, khả năng đáp ứng của vi khuẩn, tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như chức năng gan thận của người bệnh.
Các nhóm kháng sinh thường được sử dụng để điều trị bệnh bao gồm fluoroquinolones, macrolide, cephalosporin, carbapenem. Ngoài việc dùng thuốc kháng sinh, bệnh nhân cần được điều trị bổ sung để hỗ trợ quá trình phục hồi:
- Kiểm soát biến chứng: Các biến chứng về tiêu hóa như xuất huyết tiêu hóa hoặc thủng ruột có thể cần truyền máu trong trường hợp mất máu nghiêm trọng, thậm chí phải can thiệp phẫu thuật để khâu chỗ thủng hoặc cắt bỏ đoạn ruột bị tổn thương.
- Chăm sóc tổng quát: Người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời bổ sung nước và điện giải qua đường uống (như Oresol) hoặc truyền dịch tĩnh mạch nếu cần thiết.
- Dinh dưỡng hợp lý: Thủng ruột trong bệnh thương hàn là do tác động của vi khuẩn, không phải do thức ăn. Vì vậy, người bệnh không cần kiêng khem quá mức mà nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu để đảm bảo sức khỏe và tăng cường đề kháng.
/cam_thuong_han_la_gi_trieu_chung_va_cach_dieu_tri_5_888639a56a.png)
Biện pháp phòng ngừa bệnh cảm thương hàn
Để giảm nguy cơ mắc bệnh thương hàn, cần chú ý đến nguồn nước sử dụng hàng ngày, đảm bảo thực phẩm luôn tươi sạch và đầy đủ dinh dưỡng. Quan trọng hơn cả là phải tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân nên duy trì thói quen ăn chín, uống sôi, đồng thời rửa tay sạch sẽ trước khi nấu ăn, trước khi dùng bữa và sau khi đi vệ sinh.
Ngoài các biện pháp trên, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo tiêm vắc xin là cách hiệu quả để phòng ngừa bệnh thương hàn, đặc biệt với những người sống trong vùng có dịch, người thường xuyên đi du lịch, tiếp xúc với thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc đến những khu vực có điều kiện vệ sinh kém.
Hiện tại, Typhim Vi là loại vắc xin thương hàn đang được lưu hành phổ biến tại Việt Nam. Đây là vắc xin có nguồn gốc từ Pháp, được chỉ định tiêm bắp hoặc tiêm dưới da cho người lớn và trẻ từ 2 tuổi trở lên. Chỉ với một liều tiêm duy nhất, vắc xin có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh thương hàn trong vòng 3 năm, sau đó có thể tiêm nhắc lại nếu vẫn có nguy cơ phơi nhiễm.
/cam_thuong_han_la_gi_trieu_chung_va_cach_dieu_tri_6_5c05b1e006.png)
Người dân có thể đến các bệnh viện hoặc hệ thống Trung tâm Tiêm chủng Long Châu trên toàn quốc để tiêm phòng vắc xin thương hàn. Nếu cần tư vấn về lịch tiêm chủng hoặc đặt lịch tiêm, bạn có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline 1800 6928 hoặc đến trực tiếp trung tâm tiêm chủng gần nhất để đăng ký.
Cảm thương hàn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng nếu không được kiểm soát tốt. Do đó, cần phải nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, sử dụng thực phẩm an toàn và tiêm vắc xin đầy đủ để phòng tránh bệnh hiệu quả. Đồng thời, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ biến chứng và đảm bảo sức khỏe lâu dài.