Khi bị cảm lạnh, ngoài việc nghỉ ngơi và uống thuốc theo chỉ dẫn, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng giúp cơ thể nhanh hồi phục. Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cũng phù hợp trong giai đoạn này. Bị cảm lạnh nên ăn gì và không nên ăn gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn lựa chọn đúng loại thực phẩm hỗ trợ tăng đề kháng và tránh những món có thể khiến tình trạng cảm lạnh nặng hơn.
Cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh là bệnh lý do virus gây ra, phổ biến nhất là Rhinovirus, ảnh hưởng chủ yếu tới đường hô hấp trên. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất trong thời điểm giao mùa.
Mặc dù gây ra các triệu chứng khó chịu, cảm lạnh thông thường thường vô hại và cơ thể có thể tự khỏi trong vòng một đến hai tuần mà không để lại di chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng chính của cảm lạnh bao gồm:
- Đau họng;
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi;
- Ho và hắt hơi.
- Đau đầu, mệt mỏi, uể oải;
- Sốt nhẹ hoặc không sốt;
- Có thể kèm theo ớn lạnh hoặc đau nhức cơ thể.

Người bị cảm lạnh nên ăn gì?
Nếu bạn đang băn khoăn cảm lạnh ăn gì nhanh khỏi, thì dưới đây sẽ gợi ý một số thực phẩm giúp giảm triệu chứng khó chịu và tăng cường sức đề kháng một cách tự nhiên.
Cháo, súp ấm
Cháo loãng, súp gà hoặc canh nóng giúp làm dịu cổ họng, giảm nghẹt mũi, hỗ trợ tiêu hóa và cung cấp nước, đặc biệt phù hợp khi cơ thể đang mệt mỏi. Súp gà còn có tác dụng chống viêm nhẹ và tăng cường miễn dịch.
Tía tô
Tía tô là loại rau gia vị quen thuộc, có mùi thơm đặc trưng và chứa nhiều tinh dầu. Theo y học cổ truyền, tía tô có vị cay, tính ấm, thường được dùng để hỗ trợ điều trị cảm mạo, đau đầu, sổ mũi hiệu quả.

Hành
Hành là một loại gia vị quen thuộc, đồng thời cũng được xem là vị thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị cảm sốt, nhức đầu. Theo y học cổ truyền, hành giúp kích thích ra mồ hôi, sát khuẩn, hoạt huyết và lợi tiểu, nhờ đó góp phần làm giảm các triệu chứng cảm lạnh hiệu quả.
Tỏi và gừng
Tỏi chứa allicin - hợp chất có khả năng kháng khuẩn, kháng virus, còn gừng giúp làm ấm cơ thể, giảm đau họng, ho và buồn nôn. Có thể dùng tỏi trong món ăn hoặc uống trà gừng ấm có pha chút mật ong.
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C là chất chống oxy hóa giúp tăng sức đề kháng và rút ngắn thời gian bị cảm. Bạn nên ăn các loại trái cây như cam, quýt, chanh, bưởi, dâu tây hoặc rau như bông cải xanh, rau chân vịt.

Các loại rau củ
Rau củ là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tự nhiên giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể trong thời gian bị cảm lạnh. Dưới đây là một số loại rau củ đặc biệt có lợi:
- Cà rốt: Giàu beta-caroten và vitamin A, tốt cho hệ miễn dịch. Có thể chế biến thành súp, canh hoặc cháo để dễ ăn và dễ tiêu.
- Cải xoăn: Là loại rau giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, có thể xào nhẹ hoặc nấu canh.
- Rau xanh đậm: Như rau ngót, bông cải xanh,... chứa nhiều chất xơ và khoáng chất, nên chế biến bằng cách hấp, luộc hoặc nấu canh để giữ được dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.
Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Các thực phẩm giàu kẽm như hàu, tôm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu.
Nước và các loại nước ấm
Uống đủ nước giúp làm loãng dịch nhầy, giảm nghẹt mũi, hạ sốt và tránh mất nước. Nên ưu tiên nước lọc, nước điện giải, nước chanh ấm hoặc nước gừng pha mật ong.
Người bị cảm lạnh không nên ăn gì?
Bên cạnh việc lựa chọn đúng thực phẩm, người bị cảm lạnh cũng nên tránh một số món có thể làm triệu chứng nặng hơn:
- Thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ: Gây khó tiêu, đầy bụng.
- Thực phẩm lạnh, kem, nước đá: Làm cổ họng đau rát, ho nhiều hơn.
- Đồ ngọt chứa nhiều đường: Tiêu thụ nhiều đường có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và ức chế hoạt động của các tế bào bạch cầu, khiến cơ thể khó chống lại vi khuẩn và virus hơn.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Thường ít giá trị dinh dưỡng, nhiều muối, chất béo bão hòa hoặc phụ gia, không hỗ trợ quá trình phục hồi và thậm chí có thể khiến tình trạng cảm lạnh kéo dài hơn.
- Rượu bia, cà phê: Gây mất nước và ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến cơ thể lâu hồi phục.

Một số mẹo giúp hồi phục nhanh hơn
Chế độ dinh dưỡng hợp lý góp phần quan trọng giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn khi bị cảm lạnh. Bên cạnh việc ăn uống đầy đủ, bạn cũng nên lưu ý một số điều sau để quá trình hồi phục diễn ra hiệu quả hơn.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đúng giờ để cơ thể có thời gian phục hồi.
- Giữ ấm cổ, ngực, lòng bàn chân, đặc biệt vào ban đêm.
- Súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý 2 - 3 lần/ngày.
- Giữ không khí trong phòng thông thoáng, tránh quá lạnh.
Cảm lạnh nên ăn gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi đang mệt mỏi và chán ăn. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp không chỉ giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu mà còn hỗ trợ quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi hơn. Hãy ưu tiên các món ăn mềm, ấm, giàu vitamin và dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đồng thời, đừng quên nghỉ ngơi hợp lý và theo dõi tình trạng sức khỏe nếu các triệu chứng kéo dài.
Để bảo vệ sức khỏe trước các bệnh hô hấp, việc tiêm phòng đầy đủ là rất cần thiết. Hiện nay, Trung tâm tiêm chủng Long Châu cung cấp vắc xin cúm và vắc xin phế cầu dành cho cả người lớn và trẻ em. Đây là hai loại vắc xin quan trọng giúp tăng cường miễn dịch, đặc biệt trong thời điểm giao mùa dễ mắc bệnh. Hãy đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu để được tư vấn và tiêm phòng đúng lịch, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.