Nhiều người sau khi uống rượu bia thường gặp phải tình trạng sổ mũi, hắt hơi, đau họng hoặc mệt mỏi giống như cảm lạnh. Điều này khiến không ít người lo lắng và đặt ra câu hỏi: “Uống rượu có khiến cơ thể dễ bị cảm hay không?” Thực tế, bị cảm lạnh sau khi uống rượu là hiện tượng phổ biến và có liên quan đến nhiều yếu tố như hệ miễn dịch suy yếu, mất nước. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết cũng như cách xử lý tình trạng này.
Nguyên nhân bị cảm lạnh sau khi uống rượu
Rượu làm suy yếu hệ miễn dịch
Rượu có thể ức chế hoạt động của tế bào miễn dịch (đặc biệt khi uống với lượng lớn), làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Khi hệ miễn dịch yếu đi, cơ thể dễ mắc các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng.

Tiếp xúc với môi trường lạnh sau khi uống rượu
Việc tiêu thụ rượu kết hợp với tiếp xúc môi trường lạnh có thể dẫn đến tình trạng nhiễm lạnh, do rượu gây giãn các mạch máu dưới da, thúc đẩy quá trình mất nhiệt ra bên ngoài cơ thể. Điều này càng làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh sau khi uống rượu.
Cách xử lý khi bị cảm lạnh sau khi uống rượu
Nghỉ ngơi và giữ ấm
Hãy nghỉ ngơi đầy đủ và giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực và bàn chân. Tránh ra ngoài gió lạnh, không tắm nước lạnh hoặc ngâm mình lâu.
Uống đủ nước và bù điện giải
Sau khi uống rượu, cơ thể dễ bị mất nước. Do đó, hãy uống nước ấm, oresol hoặc nước dừa để bù nước và điện giải. Tránh uống thêm rượu hoặc cà phê.

Dùng các biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng
- Súc miệng nước muối loãng để làm dịu họng;
- Xông mũi bằng tinh dầu khuynh diệp hoặc gừng sả;
- Ăn cháo hành, cháo tía tô để giải cảm.
Những việc không nên làm sau khi uống rượu bia
Không vận động mạnh
Sau khi uống rượu, bạn không nên thực hiện các hoạt động thể lực mạnh hoặc quá đột ngột. Lúc này, cơ thể dễ rơi vào tình trạng tụt đường huyết, làm tăng nguy cơ mắc tiêu cơ vân cấp. Nếu không được can thiệp kịp thời, biến chứng có thể đe dọa tính mạng.
Không uống quá nhiều cà phê, trà
Việc tiêu thụ quá nhiều cà phê, trà đặc sau khi uống rượu không được khuyến khích. Khi trong cơ thể vẫn còn cồn, những loại đồ uống này có thể làm tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn. Cà phê và trà đặc có thể kích thích tim đập nhanh, gây áp lực lên thận - cơ quan đang phải hoạt động tích cực để đào thải chất cồn.

Không nên lạm dụng thuốc giải rượu
Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc giải rượu với mong muốn nhanh chóng tỉnh táo sau khi uống. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, không giúp cơ thể loại bỏ cồn một cách triệt để. Thay vào đó, phương pháp đơn giản và an toàn hơn là bổ sung đủ nước, đặc biệt là các loại nước có chứa điện giải hoặc vitamin C, như nước cam pha loãng, để hỗ trợ quá trình đào thải cồn và giúp ổn định tuần hoàn máu.
Không nên tắm
Sau khi uống rượu, việc tắm ngay không được khuyến khích. Lúc này, cơ thể có thể bị tụt đường huyết, dẫn đến choáng váng, thậm chí ngất xỉu.

Tránh ra gió lạnh sau khi uống rượu
Rượu khiến mạch máu giãn ra, lưu lượng máu dưới da tăng, làm cơ thể có cảm giác nóng bừng và da ửng đỏ. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với không khí lạnh hoặc ngồi trước quạt mạnh lúc này, thân nhiệt có thể hạ đột ngột, làm tăng nguy cơ cảm lạnh hoặc trúng gió. Vì vậy, sau khi uống rượu nên tránh ra ngoài lạnh hoặc ở nơi có gió lùa.
Không nên ngủ ngay sau khi uống rượu
Dù cảm thấy buồn ngủ sau khi uống, bạn cũng không nên nằm xuống ngủ ngay lập tức. Việc này có thể làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến gan phải hoạt động nhiều hơn để xử lý cồn. Thay vào đó, bạn nên ngồi nghỉ ngơi một lúc, có thể rửa mặt bằng nước mát để tỉnh táo hơn trước khi ngủ.
Không để điều hòa quá lạnh khi ngủ
Đặt điều hòa ở nhiệt độ thấp sau khi uống rượu có thể khiến cơ thể bị lạnh sâu trong khi mất khả năng tự điều chỉnh nhiệt. Điều này có thể gây cảm lạnh, trúng gió, thậm chí dẫn đến biến chứng như liệt mặt hoặc tay chân. Nếu thấy lạnh, nên đắp thêm chăn và đảm bảo nằm ở nơi kín gió, giữ nhiệt cơ thể ổn định.
Không nên cố gây nôn
Việc cố tình móc họng để nôn sau khi uống nhiều rượu có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là khi bạn không còn tỉnh táo. Nôn trong trạng thái say dễ gây sặc, nghẹt thở hoặc làm tổn thương đường tiêu hóa.
Trong trường hợp nôn tự nhiên, nên nằm nghiêng để tránh hít chất nôn vào phổi, và không nên ép cơ thể nôn bằng bất kỳ cách nào. Việc nôn quá nhiều cũng có thể gây viêm tụy cấp hoặc mất nước nghiêm trọng.
Không nên uống Paracetamol
Sau khi sử dụng rượu, người uống có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu do tác động của Ethanol và các chất chuyển hóa trung gian. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên sử dụng Paracetamol để giảm đau trong thời điểm này, bởi cả Ethanol và Paracetamol đều được chuyển hóa qua gan và có thể sinh ra các chất chuyển hóa gây độc cho tế bào gan.
Việc dùng đồng thời hai chất này có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan nghiêm trọng, đặc biệt trong trường hợp sử dụng liều cao hoặc ở những người có chức năng gan suy yếu.

Bị cảm lạnh sau khi uống rượu không chỉ là hiện tượng đơn giản mà có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nếu không được xử lý kịp thời. Nguyên nhân chủ yếu là do rượu làm suy yếu hệ miễn dịch, mất nước và khiến cơ thể dễ nhiễm lạnh. Để bảo vệ sức khỏe, hãy uống rượu có chừng mực, chăm sóc cơ thể đúng cách và lắng nghe các dấu hiệu cảnh báo bất thường sau khi uống. Nếu cần, đừng ngần ngại tìm đến sự hỗ trợ y tế.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín giúp bạn và gia đình chủ động phòng ngừa bệnh tật. Tại đây cung cấp đầy đủ các loại vắc xin cho mọi độ tuổi, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, quy trình tiêm an toàn, nhanh chóng. Đừng ngần ngại liên hệ tổng đài 1800 6928 hoặc đến trực tiếp Trung tâm tiêm chủng Long Châu để được tư vấn chi tiết và đặt lịch tiêm chủng phù hợp cho bạn và gia đình.