Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nhất trên toàn thế giới. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn di căn, tức là tế bào ung thư đã lan sang các cơ quan khác thì việc điều trị trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng y học hiện nay đã có nhiều bước tiến vượt bậc giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Vậy cụ thể các phương pháp điều trị ung thư phổi di căn là gì? Có những hy vọng nào dành cho bệnh nhân? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
Ung thư phổi di căn là gì?
Ung thư phổi di căn là thuật ngữ dùng để chỉ giai đoạn mà các tế bào ung thư đã rời khỏi vị trí ban đầu, khối u tại phổi lan rộng đến những bộ phận khác trong cơ thể thông qua hệ thống mạch máu hoặc mạch bạch huyết. Đây là giai đoạn bệnh đã tiến triển nghiêm trọng, thường tương ứng với giai đoạn 4 của ung thư phổi không tế bào nhỏ, hoặc giai đoạn lan rộng trong trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ.

Di căn là một quá trình phức tạp, trong đó các tế bào ung thư có khả năng tách ra khỏi khối u nguyên phát, xâm nhập vào hệ tuần hoàn hoặc hệ bạch huyết, rồi “cư trú” và phát triển ở các vị trí mới như xương, gan, não, tuyến thượng thận hoặc hạch bạch huyết ở xa. Quá trình này không diễn ra ngay lập tức mà thường âm thầm trong một thời gian dài, khiến người bệnh khó phát hiện nếu không được tầm soát hoặc theo dõi sát sao.
Trong thực tế lâm sàng, ung thư phổi di căn có thể được phát hiện ngay từ lần khám đầu tiên thông qua các xét nghiệm hình ảnh như chụp cắt lớp (CT), chụp PET-CT, hoặc MRI. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ban đầu chưa ghi nhận tình trạng di căn, nhưng sau một thời gian theo dõi, các dấu hiệu tiến triển của bệnh mới bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn.
Một số người thường nhầm lẫn giữa khái niệm di căn và tiến triển tại chỗ. Di căn đến các hạch bạch huyết gần phổi như hạch rốn phổi hoặc hạch trung thất đôi khi được gọi là tiến triển tại chỗ hoặc vùng lân cận. Trong khi đó, khi ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết xa (như hạch cổ, hạch ổ bụng) hoặc các cơ quan khác thì mới được xác định là di căn thực sự.
Ung thư phổi di căn là một giai đoạn nặng, đòi hỏi chiến lược điều trị toàn diện và sự phối hợp đa chuyên khoa. Dù tiên lượng thường không khả quan như các giai đoạn sớm, nhưng với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều liệu pháp điều trị mới như liệu pháp miễn dịch, thuốc nhắm trúng đích hay hóa trị kết hợp vẫn có thể giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Ung thư phổi di căn như thế nào?
Quá trình ung thư phổi di căn là lúc các tế bào ung thư từ phổi không còn "trú ngụ" tại chỗ mà bắt đầu lan rộng sang các bộ phận khác trong cơ thể thông qua hệ tuần hoàn máu hoặc hệ bạch huyết. Quá trình này diễn ra theo từng bước cụ thể như sau:
Tách rời khỏi khối u nguyên phát: Tế bào ung thư ban đầu nằm trong khối u tại phổi, sau đó tách khỏi các tế bào lân cận. Chúng tiết ra các loại enzyme phá vỡ cấu trúc nền ngoại bào, vốn là “hàng rào” tự nhiên bảo vệ mô khỏe mạnh từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các tế bào ung thư thoát ra ngoài.
Xâm nhập vào hệ tuần hoàn: Sau khi thoát khỏi khối u ban đầu, tế bào ung thư có thể xâm nhập vào hệ bạch huyết hoặc mạch máu. Đây là hai “con đường vận chuyển” chính trong cơ thể, nơi mà các tế bào ung thư có thể ẩn náu và di chuyển đến nhiều cơ quan xa như gan, xương, não, tuyến thượng thận…
Di chuyển trong cơ thể: Một khi đã “xâm lấn”, tế bào ung thư trôi theo dòng máu hoặc bạch huyết, âm thầm đi qua nhiều vị trí trong cơ thể. Tốc độ di chuyển nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào đặc điểm sinh học của loại ung thư cũng như sức đề kháng của cơ thể người bệnh.
Bám dính tại cơ quan mới: Các tế bào ung thư sử dụng các protein bề mặt để nhận biết và bám vào thành mạch của các cơ quan khác. Quá trình này tương tự như “neo đậu” tại một vị trí mới, sẵn sàng cho bước kế tiếp.
Xâm nhập mô và hình thành khối u mới: Từ vị trí bám dính, tế bào ung thư chui qua thành mạch, xâm nhập sâu vào mô cơ quan và tiếp tục sinh sôi, tạo thành các khối u thứ phát. Những khối u này sẽ phá hủy mô lành và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cơ quan nơi chúng phát triển.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ di căn bao gồm: Kích thước khối u lớn, ung thư đã ở giai đoạn trễ, hoặc người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu. Mỗi loại ung thư cũng có xu hướng di căn khác nhau, ung thư phổi nổi bật với khả năng di căn đến não, gan, xương và tuyến thượng thận.

Việc hiểu rõ cơ chế di căn có vai trò rất quan trọng trong việc tiên lượng bệnh và xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp cho người bệnh.
Ung thư phổi di căn có chữa khỏi được không?
Khi ung thư phổi đã tiến triển đến giai đoạn di căn, nghĩa là tế bào ung thư đã lan rộng sang các cơ quan khác ngoài phổi khả năng chữa khỏi hoàn toàn hầu như không còn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bệnh nhân không còn hy vọng. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu tập trung vào chăm sóc giảm nhẹ, giúp kiểm soát triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

- Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm nhiều hoạt động như sử dụng thuốc giảm đau, chống nôn, hướng dẫn dinh dưỡng hợp lý, tập vật lý trị liệu cũng như hỗ trợ tinh thần. Những hỗ trợ này không chỉ giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn mà còn giảm áp lực tâm lý cho cả người bệnh và gia đình.
- Về điều trị chuyên sâu, có hai loại ung thư phổi chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ, mỗi loại có hướng điều trị khác nhau.
- Với ung thư phổi không tế bào nhỏ, xét nghiệm gen đột biến (như EGFR, ALK, ROS1…) giúp lựa chọn liệu pháp nhắm trúng đích là thuốc tấn công trực tiếp vào đột biến gây ung thư. Phương pháp này hiệu quả cao với người mang đột biến phù hợp, giúp kéo dài thời gian sống và ít tác dụng phụ hơn hóa trị.
- Một hướng điều trị khác là liệu pháp miễn dịch, đặc biệt hiệu quả với bệnh nhân có chỉ số PD-L1 cao. Liệu pháp này giúp kích hoạt hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư để cơ thể tự phòng vệ.
- Trong khi đó, ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn di căn thường đáp ứng với hóa trị kết hợp miễn dịch, theo từng chu kỳ điều trị. Nếu bệnh đáp ứng tốt, bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị duy trì với thuốc miễn dịch nhằm kéo dài hiệu quả.
- Xạ trị cũng đóng vai trò quan trọng, giúp giảm triệu chứng như đau xương, khó thở, phù do khối u chèn ép... Đặc biệt, xạ trị não có thể được chỉ định nếu ung thư đã di căn lên não, hoặc sử dụng dự phòng trong một số trường hợp nguy cơ cao.

Mặc dù ung thư phổi di căn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng với các liệu pháp điều trị tiên tiến như thuốc nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, hóa trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ, người bệnh vẫn có thể duy trì cuộc sống ý nghĩa, khỏe mạnh hơn mỗi ngày. Quan trọng nhất, là bệnh nhân và gia đình cần giữ tinh thần tích cực, lắng nghe hướng dẫn từ bác sĩ và không từ bỏ hy vọng.